Phụ Lục
Trong khi các nhà làm game và người chơi trên khắp thế giới còn đang “tiêu hóa” những thông tin mà Google tung ra trong buổi giới thiệu nền tảng cloud gaming Stadia của họ, những game thủ sành sỏi hơn về mặt kỹ thuật bắt đầu đặt ra những câu hỏi khó nhưng xứng đáng có câu trả lời. Thật vậy, những câu hỏi này tỏ ra cực kỳ quan trọng với tương lai của Stadia – cách mà Google trả lời chúng có thể sẽ quyết định sự thành bại của nền tảng này, thậm chí trước khi nó kịp chính thức ra mắt.
Nếu các bạn còn nhớ, hồi đầu năm nay Mọt từng thực hiện một bài viết nói về sự mập mờ giữa “quyền sở hữu” và “quyền sử dụng” trong ngành công nghiệp game hiện đại. Khi Wii Shop Channel của Nintendo đóng cửa, rất nhiều game thủ bỗng phát hiện ra rằng họ chẳng còn sở hữu những tựa game mình đã mua, và giờ Mọt phải đặt ra câu hỏi tương tự với Stadia: điều gì sẽ xảy ra khi game thủ bỏ tiền của, công sức vào những tựa game trên nền tảng này, và một ngày nào đó Google quyết định rút phích server vì thua lỗ hay không còn hứng thú?
Mối lo ngại của game thủ không phải là không có cơ sở. Google có rất nhiều tiền án “đem con bỏ chợ” từ nhiều năm qua. Bạn có nhớ Google+, nền tảng được họ mong muốn sẽ thay thế Facebook? Sẽ bị dẹp trong chưa đầy 1 tuần nữa. Google Reader, một dạng RSS reader cho người thích tin tức? Chết từ 2013. Google Health, dịch vụ thông tin y tế và sức khỏe? Đóng cửa hồi 2012. Mạng xã hội mà bạn chưa từng nghe đến có tên Google Orkut? Bị khai tử năm 2014. Ứng dụng nhắn tin Google Allo? Vừa ngừng hoạt động chỉ vài ngày trước đây.
Để tìm kiếm lời giải đáp cho câu hỏi này, Mọt đã thử điểm lại những gì Google công bố trong buổi họp báo của mình, và kết quả là… chẳng có đáp án nào cả. Google chỉ tập trung vào các giải pháp kỹ thuật, ưu điểm của Stadia dành cho game thủ và nhà làm game, trong khi bỏ quên khía cạnh sở hữu và bảo tồn game. Ngày nay, chuyện những item trong game có giá ngàn USD không còn là hiếm, và khi một ai đó bỏ cả núi tiền để vũ trang cho nhân vật của mình đến tận răng trong một trò chơi trên Stadia để rồi dịch vụ ngừng hoạt động, liệu Google có biện pháp nào để đền bù? Liệu các nhà phát triển có thể tìm được giải pháp để một tựa game được thiết kế cho những server mạnh mẽ của Stadia hoạt động trên những PC có cấu hình hạn chế của game thủ?
Đây không phải là một vấn đề mới bởi game thủ thế giới đã bàn cãi về nó trong suốt nhiều năm qua. Những nền tảng truyền thống như Steam đã có câu trả lời cho vấn đề này: hồi năm 2010, một đại diện của Steam nói rằng trong tình huống Steam phải ngừng hoạt động, họ sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo rằng game thủ sẽ tiếp tục được chơi các tựa game mình sở hữu.
Ngày nay, việc bảo tồn game cũ trên PC được thực hiện nhờ hai giải pháp chính: giả lập bằng phần mềm và mod. Rất nhiều nhóm modder, lập trình viên và studio đã cố gắng đưa những tựa game từ thời DOS, Windows 95 lên các hệ điều hành hiện đại, trong đó có GOG của CD Projekt và Night Dive Studios. Tuy nhiên có một chướng ngại mà họ không thể vượt qua: các phương tiện lưu trữ như băng từ, đĩa mềm, HDD thường chỉ tồn trữ được khoảng 15-20 năm, và sau đó hoàn toàn không thể đọc được nữa.
Công tác tái hiện game cũ trên PC hiện đại của các modder, studio bên trên chỉ thành công nhờ họ được truy cập vào nội dung gốc trên băng đĩa – điều sẽ không xảy ra với một dịch vụ cloud gaming như Stadia. Toàn bộ nội dung của trò chơi sẽ được lưu trữ trên máy chủ của Google, nên game thủ không cần phải tải và cài đặt hàng chục GB dữ liệu. Đây là điều khiến cloud gaming hấp dẫn game thủ không sở hữu PC khủng, nhưng cũng đồng nghĩa với việc game thủ hoàn toàn phụ thuộc vào server của Google. Sẽ có một lúc nào đó bạn muốn chơi game nhưng không thể vì server Stadia offline, hoặc không thể tìm đến file cài đặt một tựa game ưa thích vì chúng không hề tồn tại bên ngoài máy chủ của Google.
Đây còn là chuyện của tương lai xa. Có lẽ vài tựa Assassin’s Creed, vài bản Call of Duty hay vài Battlefield kế tiếp sẽ vẫn được bán qua mạng như bình thường, bên cạnh những phiên bản chạy trên Stadia (hay bất kỳ dịch vụ cloud gaming nào khác). Nhưng sẽ có những tựa game được thiết kế riêng cho Stadia, và khi nhà phát triển cảm thấy họ không còn muốn duy trì trò chơi trên nền tảng của Google thì a lê hấp, chúng sẽ biến mất vĩnh viễn.
Chơi game online trên cloud gaming có một cái lợi cực lớn là không thể bị hack do mọi hoạt động xử lý thông tin đều xảy ra bên ngoài tầm với của game thủ. Tuy nhiên khi chơi game offline trên PC, chúng ta muốn được thoải mái táy máy, nghịch ngợm với tựa game của mình. Game thủ sẽ muốn bật cheat để quậy trong phần story của GTA V, hay mở trainer Sekiro vì game quá khó. Tất cả đều vô hại, nhưng sẽ là bất khả thi trên Stadia. Rất nhiều game thủ có sở thích “phá game” sau khi đã phá đảo, và đó là một phần sức hấp dẫn của PC.
Còn mod nữa. Rất nhiều trò chơi hấp dẫn hiện tại khởi nguồn từ những bản mod của game PC. Battle Royale sẽ không tồn tại nếu không có mod Arma. Sẽ chẳng có Team Fortress 2 và Overwatch nếu Quake không thể mod. Rất nhiều tựa game cũng trở nên hấp dẫn hơn nhờ công sức của các fan, chẳng hạn các series Fallout hay The Elder Scrolls do Bethesda phát triển. Google có thể thực hiện việc “mở cửa” cho những bản mod này xuất hiện trong các tựa game trên Stadia, nhưng có lẽ đó sẽ là một tiến trình dài và rối rắm khi họ phải kiểm duyệt nội dung của từng bản mod một.
Những tiến bộ về công nghệ truyền dẫn 5G, mã hóa dữ liệu video (encoder) trong tương lai hứa hẹn sẽ đem lại cho chúng ta những đường truyền tốc độ cao hơn và hình ảnh độ phân giải cao ở dung lượng thấp hơn. Nhưng vẫn còn một vấn đề lớn cần lo lắng: độ trễ dữ liệu. RPG theo lượt hay chiến thuật chẳng cần phải lo lắng đến yếu tố này, nhưng các tựa game multiplayer đòi hỏi phản xạ như FPS hay đối kháng có đòi hỏi cực cao về độ trễ. Chỉ một chút xíu sai lầm trong các tựa game này có thể dẫn đến sự khác biệt giữa thành công hay thất bại trong game.
Trong thời điểm hiện tại, một thử nghiệm được thực hiện bởi Eurogamer cho thấy Stadia có độ trễ khoảng 166 mili giây, một con số không thể chấp nhận được với những game thủ chơi eSports như LMHT, CSGO hay Rainbow Six Siege. Đó là còn chưa kể đến game thực tế ảo (VR), khi độ trễ không chỉ khiến gameplay thay đổi, mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe của game thủ bởi hình ảnh trên màn hình xoay chậm hơn chuyển động đầu của game thủ.
Trong buổi công bố Stadia, Google đã nhắc đến vấn đề này và đảm bảo rằng hệ thống server đặt trên toàn cầu của họ sẽ giúp giảm tối thiểu độ trễ của dữ liệu game. Họ cũng cho controller của mình kết nối trực tiếp đến server Stadia thay vì thông qua thiết bị của game thủ, một cách để giảm bớt các thiết bị trung gian và khoảng thời gian từ lúc game thủ ra lệnh đến khi trò chơi phản ứng. Có thể Google còn những giải pháp kỹ thuật khác mà họ đang phát triển hoặc giấu kín, chờ ngày công bố trong tương lai.
Nhưng còn có một khía cạnh khác: có thể Stadia không cần phải thành công bằng cách chinh phục những game thủ dày dạn kinh nghiệm và “rành 6 câu” chuyện phần cứng phần mềm. Bởi sự tiện dụng của mình, nền tảng này hoàn toàn có thể nhắm đến những đối tượng chưa hề chơi game, hoặc những game thủ casual trên mobile. Số lượng thiết bị di động trên toàn cầu vượt xa so với lượng máy PC chơi game hay console, và đây có thể là một lượng khách hàng tiềm năng mà Google muốn lôi kéo. Hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ người có thể sẽ tiếp xúc với game lần đầu tiên thông qua Stadia, và nếu Google thành công giữ chân nhóm game thủ này, họ chẳng cần phải quan tâm đến việc phục vụ những game thủ PC “ỏng eo, khó tính” khắp thế giới.
Dù vậy, Google vẫn cần phải thuyết phục được game thủ rằng họ biết mình phải làm gì, và thực sự muốn Google Stadia của mình tồn tại lâu dài trong ngành công nghiệp game. YouTube, nền tảng mà Google dựa vào để phát triển Stadia đang gặp rất nhiều rắc rối về nội dung video lẫn quan hệ với các YouTuber trong những năm qua, và vì thế không ít người lo ngại về hướng đi mới “chơi game trên YouTube” mà Google lựa chọn. Có quá nhiều thử thách mà Google phải giải quyết để mở đường cho nền tảng cloud gaming của mình, và Mọt rất muốn biết họ sẽ làm gì để chinh phục những thử thách đó trong tương lai.