Tà Du Ký - Năm ba tuổi, tôi được chùa Hoằng Phúc ở thành Trường An thu dưỡng.
Năm đó, thầy trò Đường Tăng thỉnh về được 35 bộ chân kinh, toàn bộ đều được lưu giữ tại chùa Hoằng Phúc.
Từ khi còn nhỏ, tôi đã được nghe rất nhiều về chuyện thầy trò Đường Tăng làm cách nào vượt qua 9981 kiếp nạn, thành công thỉnh được chân kinh.
Các sư phụ khác trong chùa dùng giọng điệu ngưỡng mộ khi nói về ngày Đường Tăng thỉnh kinh trở về, rằng dù đã có thể thành Phật, Ngài vẫn tình nguyện sống trong xác phàm, ở lại nhân gian hơn mấy mươi năm chỉ để sao chép và phiên dịch lại toàn bộ chân kinh.
Năm sáu tuổi, sư phụ ban cho tôi pháp danh là Bất Nghi, dưới sự dạy dỗ của sư phụ, tôi bắt đầu học và ghi chép lại 35 bộ kinh kia.
Thật ra, tôi đọc không hiểu những chỗ huyền diệu trong kinh thư, nhưng nghĩ đến đây đều là những bộ kinh mà thầy trò Đường Tăng vất vả ngược xuôi, vượt bao sóng gió thỉnh về, nhớ đến những chuyện mà Đường Tăng phải trải qua, tôi lại nghĩ mình không hiểu chẳng qua do mình ngu mà thôi.
Nhưng khi nhìn thấy những gương mặt đượm buồn, chất chứa nỗi sầu của các vị khách lên chùa hành hương, nghe lén những chuyện bi kịch họ kể với tượng phật, tôi vẫn sẽ tự hỏi, không phải thỉnh được chân kinh, chúng sinh sẽ thoát khỏi bể khổ ư?
Vậy sao vẫn có người đến chùa cầu thần bái phật?
Tôi hỏi sư phụ, nhưng lần nào thầy cũng chỉ trả lời cho có lệ, hoặc bảo “Phật viết, không thể nói”, như muốn tôi tự mình tìm ra câu trả lời.
Tiếc là tôi chẳng tài nào ngộ ra được.