Khi ở bên kia chiến tuyến, Google đang tung hô dịch vụ Stadia của mình lên tận mây xanh khi nói nó sẽ thay đổi bộ mặt của ngành công nghiệp game trong tương lai, thì ở bên này Apple cũng không đứng yên một chỗ khi tung ra một dịch vụ gaming hoàn toàn mới cho người dùng của mình. Nó có tên là Apple Arcade và được hứa hẹn là con át chủ bài của nhà Táo trong cuộc chiến ngành game này.
Về cơ bản, Apple Arcade cho phép người dùng được phép chơi game ở mọi lúc, mọi nơi bằng tất cả các thiết bị của Apple như điện thoại, máy tính bảng Macbook hay bất cứ thứ gì kết nối với hệ điều hành iOS. Nhưng khác với Stadia khi sử dụng thuật toán đám mây để stream game, Apple Arcade lại cung cấp quyền truy cập vào các tựa game không giới hạn với một mức phí hàng tháng rất nhỏ. Cách làm này hao hao với Xbox Game Pass mà Microsoft làm những năm qua vậy. Apple cũng hợp tác với những tên tuổi lớn khác trong làng game để cung ứng game cho người dùng của mình. Danh sách những cái tên hợp tác bao gồm Sega, Konami, Disney, Sumo Digital, Cartoon Network lẫn những nhà phát triển game độc lập khác, cũng như hơn 100 tựa game độc quyền khác nữa.
Nhìn sơ qua có thể thấy rõ đối tượng khách hàng mà Apple nhắm đến là trẻ con, với những tựa game đa phần sẽ hướng đến gia đình nhiều hơn những game mang thiên hướng bạo lực. Chưa gì là Mọt tui lại thấy Apple Arcade không hấp dẫn rồi đó, tại game cho gia đình thì chỉ vui khi chơi với gia đình người thân, còn thể loại game thủ đích thực như tui với mấy mọt thì làm sao có thể chơi những tựa game đơn giản như thế này được chứ. Đã thế, ai lại còn đi cổ súy cho việc con nít sử dụng đồ công nghệ sớm ấy nhỉ???
Tuy nhiên, Apple cam đoan những tựa game trên Apple Arcade không chỉ gói gọn trên những game iOS. Game thủ không cần phải có iPhone hay iPad mà có thể chơi game mà có thể chơi được trên MacOS hay AppleTV luôn. Điểm hay nữa là chúng sẽ đồng bộ với nhau chứ không hề độc lập. Nghĩa là bạn có thể chơi ở nhà bằng AppleTV, xong sau đó đến công ty chơi tiếp bằng iPad được luôn chứ không hề bị phân thành phiên bản trên Mac và phiên bản trên điện thoại. Đương nhiên, cách làm này sẽ vấp phải nhiều sự phản đối của các game thủ chơi game online, đặc biệt là những tựa game đòi hỏi khả năng xử lý tốc độ cao như PUBG, LMHT,... Vẫn chưa biết Apple sẽ xử lý tình huống như thế nào, vì đây vốn là điều mà game thủ online khó chịu bậc nhất. Có lẽ, Apple nên nghiên cứu và học hỏi các đối thủ khác một chút, như Tencent với PUBG Mobile giả lập chẳng hạn...
Còn game thủ offline có lẽ sẽ vô cùng yêu thích tính năng này. Apple cũng đảm bảo tất cả game của họ đều chơi được mà không cần mạng, còn DLC thì sẽ được cập nhật miễn phí. Các game cũng sẽ không bị dính quảng cáo hay giao dịch bất minh gì đó. Tuy cách làm này có hơi khác người, ai lại dùng điện thoại hay máy tính bảng chơi game offline bao giờ, nhưng cũng khá là thú vị để xem xét. Nhất là phí duy trì hàng tháng không hề cao trong khi các tên tuổi tiếng tăm của làng game cũng đảm bảo cho chất lượng của các con game mà Apple sở hữu.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã xuất hiện vài cái tên đảm bảo sẽ có mặt trên nền tảng mới này, trong đó có những game đáng chú ý sau:
Fantasian là cái tên được kỳ vọng nhiều nhất của Apple Arcade. Được phát triển bởi một trong những nhân vật tạo nên thành công của dòng game Final fantasy, ông Hironobu Sakaguchi, nên có thể coi Fantasian chính là con át chủ bài của Apple trong cuộc chiến thị trường này. Dù hiện nay vẫn chưa có bất kỳ thông tin gì về con game này, hay ít nhất gameplay được hé lộ, người ta vẫn đang bàn tán sôi nổi về tương lai của Fantasian và Apple Arcade. Với sự thành công không thể phủ nhận của Final Fantasy, các fan của Táo có thể hy vọng về một tựa game chất lượng trong tương lai dành riêng cho mình.
Nhím Sonic và những người bạn cũng sẽ quay trở lại với một tựa game đua xe hoàn toàn mới trên nền tảng này. Không giống với phiên bản Sonic Riders, tựa game mới này yêu cầu khả năng làm việc nhóm (tên game có chữ Team to thế kia mà) để hoàn thành những chặng đua và các nhiệm vụ khác nhau. Game mang đến cho người chơi hơn 15 nhân vật có thể lựa chọn, các nhân vật lại được phân chia theo ba dạng khác nhau: Tốc độ, Kỹ thuật và Sức mạnh. Vì đây là game làm việc nhóm, nên game thủ cần phải cân nhắc thật kỹ việc sắp xếp một đội hình sao cho phù hợp nhất.
Phần tiếp theo vô cùng thành công với tựa game mang phong cách Zelda. Tựa game này là một trong số ít sản phẩm thành danh trên nền tảng iOS rồi mới xâm lấn các nền tảng khác. Do đó, việc Oceanhorn 2: Knights Of The Lost Realm xuất hiện lại trên nền tảng mới cáu của Apple là một điều quá hiển nhiên. Nhà sản xuất của game cam đoan phần 2 này sẽ hấp dẫn và đồ sộ hơn cả phần một với nhiều phép thuật hơn, nhiều cuộc chiến hơn, thế giới rộng lớn hơn và cốt truyện sâu dày hơn trải dài trên khắp đất mẹ Gaia.
Apple Arcade dự kiến ra mắt vào mùa thu năm nay tại hơn 150 quốc gia. Cả nó lẫn Google Stadia vẫn đang là những dự án đầy tiềm năng mà mỗi bên đều đặt rất nhiều tâm huyết vào với rất nhiều ưu khuyết khác nhau. Thành bại hay không thì chưa rõ, nhưng chắc chắn một điều cả hai còn phải cố gắng nhiều nữa mới có thể làm chứng minh bản thân với cộng đồng game thủ.