Sau hơn một thập kỷ tồn tại, cửa hàng Wii Shop Channel của Nintendo đã chính thức bị đóng cửa. Nintendo không còn bán Wii Point (tiền dùng cho cửa hàng này) kể từ hồi tháng 3/2018, và từ ngày 30/1/2019 vừa qua, game thủ không thể nào mua bất kỳ WiiWare hay game nào từ cửa hàng này.
Việc đóng cửa một cửa hàng đã khá lỗi thời như Wii Shop Channel - đặc biệt là sau khi Wii U và Switch đã ra mắt - là một điều dễ hiểu. Nintendo cũng đã cho khách hàng của mình rất nhiều thời gian để xài hết những điểm Wii Point cuối cùng. Nhưng vào cái ngày mà Nintendo cho ngừng hoạt động của Wii Shop Channel cũng là cái ngày mà game thủ chúng ta lại một lần nữa được nhắc nhở rằng trong thời đại số ngày nay, bạn không thực sự sở hữu bất kỳ nội dung số nào mình đã mua trên internet. Dù đó là game, phim ảnh hay âm nhạc thì khi điều xấu nhất xảy ra, người ta chỉ có thể trở lại với những gì mình từng sở hữu bằng cách tìm đến với… những trang download lậu mà thôi.
Khi nhìn kỹ hơn vào những dịch vụ online mà Nintendo đang có, ngay cả một game thủ chẳng mấy bận tậm đến console như Mọt tui cũng nhận ra rằng Nintendo quá “ngờ nghệch” (hoặc cáo già) trong thời đại digital. Wii Shop Channel không phải là kênh phân phối game kỹ thuật số đầu tiên của họ bởi nhà phát hành này từng có Satellaview (1995) cho phép game thủ tải game qua mạng, nhưng nó là nơi game thủ có thể tìm thấy nhiều tựa game cổ điển trên các hệ máy Nintendo. Các nền tảng càng mới hơn thì con số này càng sụt giảm, chẳng hạn Wii Virtual Console có hơn 400 game cho nhiều hệ máy khác nhau, còn Switch Online chỉ có 31 game trên nền NES. Dù Nintendo hứa sẽ tiếp tục mở rộng thư viện này, chẳng có gì đảm bảo là những tựa game ít được biết đến hơn sẽ được xuất hiện trở lại trong tương lai.
Vào thời điểm này, những trò chơi mà game thủ từng mua trên Wii Shop Channel nhưng chưa download, hoặc khi những ổ cứng, thẻ nhớ… chứa nội dung đã download “qua đời,” những trò chơi đó cũng sẽ mất đi vĩnh viễn. Game thủ có thể mua chúng lại một lần nữa trên Virtual Console của Wii U hoặc qua dịch vụ thu phí tháng của Switch, nhưng đó lại là một vấn đề khác: họ lại phải trả tiền một lần nữa để sở hữu những gì mình từng có trên Wii. Nói cách khác là khi mua hàng trên Wii Shop Channel, game thủ thật ra chỉ trả tiền thuê để được quyền sử dụng những phần mềm / trò chơi đó khi Nintendo còn cho phép, chứ không phải trả tiền để sở hữu chúng vĩnh viễn.
Việc xóa nhòa ranh giới giữa quyền sở hữu và quyền sử dụng đang là một xu thế ngày càng rõ rệt trong những năm gần đây. Nó giúp các nhà phát triển có thể tự do rút phích các server, ngừng hỗ trợ những tựa game không còn lợi nhuận, nhưng lại khiến cho game thủ “sấp mặt” vì họ lầm tưởng rằng mình là người sở hữu các trò chơi sau khi đã bỏ tiền mua.
Nintendo không phải là công ty duy nhất chơi trò này với game thủ. Gã khổng lồ Microsoft cũng từng có hành vi tương tự như Nintendo khi đưa ra kế hoạch “Sunset” dẹp bỏ nền tảng Xbox Fitness. Đây là một nền tảng tập thể thao được họ tung ra cùng với thiết bị Kinect, với khoảng 30 bài tập miễn phí và nhiều bài tập thu phí với giá từ 12USD đến 60 USD. Khi quyết định ngừng chương trình này, Microsoft nói với khách hàng của mình rằng tất cả những nội dung họ đã mua không còn có thể truy cập được nữa. Nó khiến Microsoft chịu chỉ trích, nhưng do chẳng mấy người sử dụng nền tảng này, vụ việc nhanh chóng rơi vào lãng quên.
Sony có tốt đẹp hơn không? Không hề, bởi hồi năm 2010, Sony từng tung ra một bản cập nhật hủy bỏ khả năng chạy GNU/Linux và các hệ điều hành khác của chiếc máy PlayStation 3. Bất kỳ ai không chịu cài đặt bản cập nhật này sẽ lãnh đủ một loạt hạn chế từ Sony: không thể chơi game PS3 online, không chơi được các game ra mắt sau đó, không được xem các video Blu-ray mới, và thậm chí đầu đọc Blu-ray của PS3 có thể bị vô hiệu hóa hoàn toàn. Nói cách khác là Sony đã “cướp” đi một phần tính năng của chiếc máy sau khi khách hàng bỏ tiền ra và nghĩ rằng họ sở hữu nó 100%, từ phần cứng đến phần mềm.
Thật ra không chỉ game thủ gặp phải xu thế này, mà cả người tiêu dùng các sản phẩm truyền thống cũng là nạn nhân. General Motor từng công bố rằng người dùng không sở hữu những phần mềm điều khiển những chiếc xe hơi đắt giá. Hồi năm 2016, Google ra tay tắt tất cả các thiết bị “nhà thông minh” NEST mà khách hàng đã mua để biến nó thành một cục chặn giấy đắt tiền. Tuy nhiên chúng ta đang đọc Mọt game và vì thế tác giả sẽ không đi sâu vào những vụ việc trên.
Quay về với Nintendo và Wii Shop Channel. Có khá nhiều lý do có thể khiến Nintendo đưa ra quyết định này. Có thể họ thấy rằng chi phí bỏ ra cao hơn những gì thu về, mà cũng có thể bởi họ muốn ép game thủ phải mua những tựa game cổ điển mình yêu thích thêm một lần nữa. Một số tựa game được phát triển bởi các hãng thứ ba có thể khiến Nintendo phải tốn tiền bản quyền, hay nhà phát hành này đang ấp ủ một kế hoạch mới đòi hỏi sự hi sinh của Wii Shop Channel. Nhưng dù gì đi nữa, nó cũng khiến game thủ không còn có thể truy cập vào những nội dung mà họ bỏ tiền ra để được sở hữu sử dụng, và phải tìm đến những kênh lậu như ROM. Nhưng như Mọt được biết, nhà phát hành này cũng đã hạ gục một số trang ROM lớn nhất trên internet như LoveROMs.com và LoveRETRO.co vào cuối năm qua.
Và suy rộng ra từ những gì đang diễn ra với Nintendo và Wii, những tựa game đang nằm trong thư viện Steam của bạn thật ra cũng không phải là của bạn. Dù Valve quá lớn để sụp đổ chỉ trong một đêm, chẳng có gì đảm bảo rằng nếu điều xấu nhất xảy ra, bạn sẽ tiếp tục được thưởng thức tất cả những tựa game mà mình đã và sẽ sở hữu một cách hợp pháp. Hay một trường hợp khả dĩ hơn, khi Valve cảm thấy chi phí vận hành Steam quá cao và cần phải “đá đít” bớt những tựa game đã quá cũ, cách duy nhất để bạn còn có thể trở lại với những tựa game này là những nhóm crack náu mình đâu đó trên internet.
Hiện tại, có lẽ hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu game thủ Wii – hệ máy cực kỳ thành công với hơn 100 triệu máy được bán ra – đã mất đi những tựa game mà họ tưởng mình có quyền sở hữu. Điều này sẽ còn xảy ra thêm nhiều lần nữa, khi Nintendo quyết định ngừng hỗ trợ Wii U, Switch, và bất kỳ hệ máy nào họ cho ra mắt trong tương lai. Khi đó, crack và phần mềm lậu là cứu tinh duy nhất mà chúng ta có thể tìm đến để được gặp lại những tựa game yêu thích của mình.