Với những nền tảng online như Stadia, những tựa game được phát hành cho chúng gần như đã được ấn định là phải “chết” vào một thời điểm nào đó. Có thể là vài tháng hoặc vài năm sau ngày phát hành, khi trò chơi không còn khả năng sinh lợi hoặc bản quyền nội dung hết hạn, đó sẽ là lúc nó phải tàn đời khi nhà phát hành quyết định “rút phích” trò chơi.
Trong một bài viết trước, Mọt đã nói về vấn đề này. Alan Wake, loạt game về Transformer, Teenage Mutant Ninja Turtles, Deadpool… là những nạn nhân của việc game “chết” vì bản quyền, trong đó chỉ có Alan Wake được hồi sinh nhờ Microsoft can thiệp. Những ai đã mua những trò chơi đó vẫn có thể tải chúng về máy của mình, nhưng một ngày nào đó, có thể cả ân huệ này cũng sẽ bị hủy bỏ vì một lẽ đơn giản: bạn không sở hữu game mình đã trả tiền mua, mà chỉ được quyền tải và chơi game khi nhà phát hành còn cho phép.
Mọt không đùa đâu: trong điều khoản sử dụng (Term of Service – TOS) của PSN ghi rõ ràng “khi bạn mua một sản phẩm, bạn đồng ý rằng mình chỉ mua giấy phép sử dụng sản phẩm đó và bạn không sở hữu sản phẩm”. Microsoft và Nintendo cũng có những điều khoản tương tự, đặt khách hàng vào thế bí: nhà phát hành hoặc chủ nhân của nền tảng phát hành có quyền rút lại giấy phép đó bất kỳ lúc nào. Lấy ví dụ một ngày nào đó Sony cảm thấy chẳng còn muốn bán game PS3, họ có thể rút hết các trò chơi của hệ máy này khỏi PSN mà chẳng cần đền bù cho ai một xu nào, và chẳng ai có thể kiện được họ.
Nhiều tựa game đã “chết” trên không gian ảo thực ra vẫn còn tồn tại bởi chúng cũng được phát hành dưới dạng đĩa vật lý, chẳng hạn Transformers: Devastation. Nhưng có rất nhiều game chỉ được phát hành qua mạng và vì thế khi bị gỡ khỏi cửa hàng, chúng biến mất vĩnh viễn.
Mọt có thể nghĩ đến một vài ví dụ nổi tiếng về những trò chơi “chết thẳng cẳng” như thế này. OutRun Online Arcade, GTI Club+, The Simpsons Arcade Game, SoulCalibur: Lost Swords, Tekken Revolution… đều đã biến mất vào hư vô. Đó là còn chưa kể đến vô vàn những trò chơi nhỏ trên mobile, chẳng hạn Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông. Có một điều thú vị là khi anh đưa ra quyết định này, những chiếc điện thoại được cài sẵn Flappy Bird được tuồn ra thị trường với giá đắt gấp nhiều lần so với giá gốc.
Dù việc Sony xóa sạch thư viện game PS3 có thể sẽ không xảy ra, Nintendo đã làm điều này khi vừa đóng cửa WiiWare của họ vào đầu năm nay, khiến Mọt tui phải thốt lên rằng có lẽ các bản crack mới là kẻ giữ gìn lịch sử ngành game. Điều này khiến một loạt trò chơi hấp dẫn trên Wii biến mất, chẳng hạn các phiên bản Contra Rebird, Gradius Rebirth, Castlevania Rebirth, Blaster Master Overdrive, Excitebike World Rally… Đó là còn chưa kể đến những tựa game độc nhất chỉ có thể chơi trên dịch vụ này như Chibi-Robo, Bonsai Barber, Tomena Sanner… Tất cả đều đã biến mất.
Trên các cửa hàng của iOS và Android, các trò chơi bị xóa với tốc độ chóng mặt, chưa kể đến việc rất nhiều sản phẩm bị chính nhà phát triển bỏ quên và không còn hoạt động được sau khi hệ điều hành được cập nhật lên các phiên bản mới. Flappy Bird chỉ là trường hợp được biết tới rộng rãi nhất, chứ không hề là trường hợp duy nhất. Thật ra, nhiều người còn phát hiện ra game mình đã trả tiền mua bỗng biến mất khỏi tài khoản vì Google và nhà phát triển mâu thuẫn với nhau.
Còn có một phương thức khác khiến một trò chơi bị “chết” trong mắt game thủ. Với những game online như World of Warcraft hay những game dịch vụ kiểu Apex Legends, Fortnite… những nội dung mới liên tục được cập nhật vào trò chơi, và các phiên bản cũ không còn có thể chơi được nữa. Khi so sánh Fortnite hiện đại với lúc mới ra mắt, hoặc World of Warcraft 2019 với phiên bản 2004, chúng gần như là những trò chơi hoàn toàn khác nhau. Trong những trường hợp này, game thủ vẫn còn có thể truy cập vào game, nhưng có thể đó không phải là phiên bản mà họ yêu thích, dẫn tới những lời tuyên bố “dead game” của những người từng hết mực yêu thích trò chơi.
Nhiều tựa game cũ hấp dẫn là vậy, và sự biến mất của chúng đáng tiếc là vậy, nhưng có vẻ như cả người chơi lẫn nhà phát hành đều chưa mặn mà gì với việc bảo tồn chúng cho tương lai. Một số tổ chức đã thử nghiệm các giải pháp kỹ thuật như xây dựng server hoặc thực hiện các bản giả lập, chẳng hạn Nexon Computer Museum ở Hàn Quốc đã thành công trong việc bảo trì tựa MMORPG Kingdom of Winds hay như Archive.org đang cố lưu giữ một kho game cổ có thể chơi lại bằng giả lập. Microsoft và Sony cũng phần nào đang thực hiện trách nhiệm của mình với chính sách tương thích ngược, giúp các game thủ trẻ có thể thưởng thức những trò chơi mà cha mẹ mình từng yêu mến trong quá khứ. Hay World of Warcraft Classic vừa ra mắt có lẽ cũng là một cách “bảo tồn” game, khi Blizzard đem lại cơ hội cho những fan kỳ cựu được trở lại với thế giới Azeroth mà họ từng quen thuộc ngày nào.
Nhưng khi nhìn vào những trò chơi trên nền tảng số, với đặc trưng không ngừng thay đổi, không ngừng tiến hóa và không ngừng có thêm nội dung mới, có lẽ chúng ta phải chấp nhận rằng không có một phương thức nào có thể giúp bảo tồn chúng một cách có ý nghĩa. Bạn muốn bảo tồn phiên bản nào? Bảo tồn bao nhiêu phiên bản? Làm thế nào để cho game thủ chơi được trò chơi đó khi các hệ máy của chúng không còn được sản xuất? Đó là những câu hỏi lớn mà không ai có thể trả lời một mình. Phải chăng chúng ta nên đối xử với những trò chơi cũ như kỷ niệm, và đính kèm chúng với những bài viết, diễn đàn, fan site, wiki, video mà game thủ tạo ra để có một giải pháp bảo tồn khả thi hơn bên cạnh việc tìm đến kho báu hải tặc của ngành công nghiệp game?