Phụ Lục
Trong suốt hai tuần đầu tiên của năm 2019 vừa qua, Tiên Tri Mọt đã “vận công, dồn khí” để bật chế độ thầy bói xem voi tiên đoán những gì sẽ xảy ra trong ngành công nghiệp game năm 2019. Bây giờ khi đã đủ 12 thành công lực, mời các bạn cùng đọc những gì Mọt dự đoán về làng game năm nay.
Dĩ nhiên thị trường game sẽ tiếp tục phát triển, chẳng có gì lạ cả. Các chuyên gia tiên tri Mọt dự đoán rằng trong năm 2019, thị trường game toàn cầu sẽ trèo lên đến con số 150 tỉ USD, và một phần lớn trong số này sẽ lại đến từ mobile như thường lệ. Các thị trường lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á sẽ đóng góp một phần cực lớn vào sự tăng trưởng này, trong khi PC và console tiếp tục phát triển nhưng không thể so sánh được với mobile. Nói chung, những nhận định này có lẽ thuộc loại “không giàu thì nghèo,” chẳng thể sai được! Hãy chuyển sang những điều mù mờ hơn một chút.
“Cuộc chiến store” cũng sẽ trở nên căng thẳng hơn trong năm 2019. Steam vẫn là kẻ thống trị thị trường, nhưng họ không còn là lựa chọn duy nhất của các nhà phát hành. Trong những tháng cuối năm 2018, chúng ta đã chứng kiến sự ra đời của Epic Games Store và Discord Store, với những hợp đồng ăn chia cực kỳ hấp dẫn cho các nhà phát triển (88-12 của Epic, và 90-10 của Discord). Điều này buộc Steam phải sửa tỉ lệ ăn chia với các nhà phát hành lớn thành 75-25 hoặc 80-20. Nhưng Mọt nghĩ rằng trong vài năm tới, các nhà phát hành lớn sẽ vẫn thử dựng nên cửa hàng game của riêng mình, khiến game thủ ngày càng phải cài nhiều phần mềm, nhớ nhiều mật khẩu và quản lý nhiều danh sách bạn hơn.
Cũng bởi sự lan tràn của những store game mới và các hợp đồng độc quyền vĩnh viễn hoặc có thời hạn giữa các nhà phát triển với các nền tảng phát hành, game thủ PC sẽ rơi vào cảnh bị “xé nhỏ” gần giống với console. Nếu game ra mắt trên console có nội dung độc quyền cho Xbox hay PlayStation, game trên các store của PC hoàn toàn có thể rơi vào cảnh ngộ tương tự. Phải chăng một lúc nào đó chúng ta có đến 1337 store, và Microsoft sẽ nhảy ra làm một phần mềm "quản lý store" tương tự như người ta quản lý mật khẩu trên trình duyệt? "Easy money" cho Microsoft đây chăng?
eSports, một phần không thể thiếu của ngành công nghiệp game sẽ vẫn lớn mạnh. Có lẽ chúng ta sẽ lại thấy sự cuồng nhiệt của game thủ Dota với một quỹ giải thưởng cao hơn con số 25 triệu USD của năm 2018. Trong khi đó LMHT sẽ tiếp tục hốt bạc trên khắp thế giới nói chung, các giải đấu theo mùa và CKTG sẽ tiếp tục phá những kỷ lục về lượng người xem cùng lúc và tổng số lượt xem trên khắp thế giới. Thật vậy, người ta dự đoán rằng sẽ có đến 456 triệu người xem eSports trong năm 2019, vượt xa so với con số 395 triệu người của năm 2018.
Sự phát triển lớn mạnh của eSports còn dẫn đến một điều thú vị khác là các “sân nhà” sẽ mọc lên như nấm. Những đội tuyển tham gia vào Overwatch League hay LOL Pro League (giải chuyên nghiệp Trung Quốc) cần phải có sân nhà của mình, nên số lượng các khu vực thi đấu eSports sẽ tăng nhanh trong năm sau. Bên cạnh đó, Tiên Tri Mọt được biết nhiều sân vận động dành riêng cho eSports cũng sẽ mở cửa trong năm nay, chẳng hạn LCK eSports Stadium ở Seoul, Hàn Quốc, hay sân vận động eSports trong trường học lớn nhất thế giới giá 6 triệu USD của Đại học Full Sail ở Florida. Canada cũng đang xây sân vận động eSports đầu tiên của mình tại Richmond.
Dù Mọt tin rằng Trung Quốc sẽ vẫn đóng góp vào sự phát triển của ngành game 2019, thị trường game lớn nhất thế giới này sẽ chững lại vì nước này đang thắt chặt việc kiểm soát game theo chính sách “bàn tay sắt”. Việc thành lập “Hội đồng đánh giá đạo đức game” đã chấm dứt 9 tháng trời không có một tựa game nào được cấp phép phát hành tại Trung Quốc, nhưng các tựa game mới được phát hành ở Trung Quốc sẽ vẫn rất hiếm hoi. Các nhà phát triển nước ngoài sẽ buộc phải tự kiểm duyệt mạnh mẽ các tựa game của mình (không phải chỉ đơn giản là đổi đầu lâu thành mặt nạ hay máu đỏ thành sữa trắng) để được hội đồng trên chấm điểm là phù hợp để phát hành tại Trung Quốc.
Chính vì vậy, bản thân các nhà phát triển game – kể cả người Trung Quốc - sẽ phải đẩy mạnh việc khai thác những thị trường mới ở nước ngoài trong năm 2019. Theo như Tiên Tri Mọt nhận thấy, Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc là các thị trường đã quen với những trò hút máu loot box và các nước trong danh sách này chưa có nhiều quan tâm đến trò loot box trong game nên có lẽ sẽ là mục tiêu hàng đầu, trong khi các nhà lập pháp châu Âu, Bắc Mỹ còn đang cãi nhau chuyện loot box có hợp pháp hay không.
Một điều đáng nhắc đến khác tại Trung Quốc là việc Riot và Tencent vừa đạt thỏa thuận thành lập liên doanh TJ Sports để quản lý thị trường eSports nước này. Công ty này sẽ bao quát việc tổ chức giải đấu, quản lý nhân sự và địa điểm thi đấu. Mối quan hệ căng thẳng của cả hai có lẽ cũng sẽ “hạ nhiệt” trong năm 2019 khi lợi nhuận từ TJ Sports sẽ được cưa đôi 50-50 cho Riot và Tencent. Trong tương lai, TJ Sports cũng sẽ quản lý nền eSports của những tựa game mới do Riot phát triển và Tencent phát hành.
Sự phát triển của mobile khiến không một nhà phát triển game yêu tiền nào muốn đứng ngoài cuộc, kể cả những studio làm game PC truyền thống như Blizzard hay Epic. Rất có thể cả hai nhà phát hành này cũng sẽ tung ra phiên bản Android cho cửa hàng game của mình để né tránh mức thu phí 30% của Google Play. Epic đã làm điều này khi tung ra Fortnite bằng Launcher riêng vào đầu năm 2018 và chứng minh họ có thể phân phối game (dù có một số vấp váp). Vì vậy, Tiên Tri Mọt nghĩ họ sẽ sớm biến Launcher này thành một cửa hàng game hoàn chỉnh cho nhiều nhà phát triển khác trên Android.
Trong khi đó, các smartphone ngày nay càng lúc càng mạnh mẽ hơn, với lượng RAM chẳng kém gì PC và cho phép nhà phát triển tạo ra những trò chơi ngày càng phức tạp. Những thể loại từng một thời chỉ có trên PC như MOBA, MMORPG, bắn súng đã tràn lan trên PC trong nhiều năm qua, nên Mọt tin rằng trong năm 2019, sẽ có càng nhiều thương hiệu quen thuộc vứt bỏ danh hiệu “độc quyền PC” để lên mobile như Blizzard và Epic đã thực hiện, tương tự Command & Conquer: Rivals.
Trong hai năm qua, người Việt Nam đã gửi nhiều đội tuyển đi thi đấu trong các giải eSports thế giới và giành được những thành tích nhất định. Đáng kể nhất có lẽ là sự thành công của các đội tuyển LMHT, khiến Riot tách chúng ta ra thành một khu vực thi đấu riêng. Các trận thi đấu của chúng ta tại MSI và CKTG dù còn bị đánh giá là “như xếp hạng đơn”, nhưng đã khiến fan nước ngoài thấy tinh thần chiến đấu của game thủ Việt.
Ngoài các đội tuyển LMHT, còn có bộ môn khác như CF Legends, Age of Empires đạt được thành công trong các giải nước ngoài. Một vài giải được tổ chức ngay tại Việt Nam, chẳng hạn giải CFMI 2018 do VNG tổ chức với sự tham dự của Thái Lan, Hàn Quốc và Trung Quốc. Có lẽ Mọt có thể tự hào nói rằng chúng ta chỉ chưa được đầu tư và luyện tập đủ nhiều, đủ nghiêm túc, chứ chơi game chẳng thua ai. Trong thời gian gần đây, eSports đang gây được sự chú ý của xã hội và EVOS đã được đến với Asiad 2018, nên Mọt lạc quan là nếu tiếp tục đà này, năm 2019 chúng ta sẽ lại thấy càng nhiều game thủ Việt xuất hiện trên các đấu trường thế giới.
Sau khi đưa ra những lời tiên tri trên, Tiên Tri Mọt đã dùng hết 2 tuần công lực và trở lại thành thằng Mọt bình thường. Các bạn nghĩ sao về những dự đoán này? Hãy nhớ kỹ chúng để chúng ta cùng nhìn lại khi năm 2019 kết thúc nhé!