Vài ngày trước đây, Epic đã công bố Epic Games Store, một cửa hàng game mới toanh do họ tự xây dựng để cạnh tranh với Steam của Valve cũng như tận dụng lượng game thủ Fortnite của mình. Chỉ vài ngày sau khi chính thức công bố, Epic đã cho thấy họ thực sự nghiêm túc trong việc “tiếp thị” cửa hàng mới của mình đến với game thủ khắp thế giới.
Đầu tiên, Epic đang mạnh tay vung tiền để kiếm những hợp đồng độc quyền với nhiều tựa game khác nhau. Dù mức chi không được công bố và đại đa số các tựa game chấp nhận lên Epic Games Store đều là game indie, độc quyền có thời hạn, điều này cho thấy các nhà phát triển indie nhìn thấy sức hút của Epic Games Store: họ sẽ nhận được khoản ăn chia bằng 88% doanh số thay vì chỉ 70% doanh số khi bán trên Steam.
Cụ thể, nhà phát triển Tommy Refenes xác nhận rằng Super Meat Boy Forever của mình sẽ được ra mắt vào tháng 4/2019 trên Epic Games Store, và chỉ xuất hiện trên Steam đúng một năm sau đó. Tommy giải thích mình đưa ra quyết định này là vì “cần phải có một cửa hàng mới buộc Steam phải lưu tâm.” Theo ông, sự cạnh tranh giữa các cửa hàng game sẽ đem lại những tựa game tốt hơn cho game thủ.
Ngoài Super Meat Boy Forever, còn có vài tựa game khác như Genesis Alpha One, Ashen, Hades và Rebel Galaxy Outlaw cũng trở thành game độc quyền có thời hạn cho Epic Games Store và sẽ ra mắt “ở những nơi khác” sau một thời gian. Một số tựa game khác quyết định dẹp luôn Steam để ở hẳn trên Epic Games Store, chẳng hạn Satisfactory. Nhà phát triển Coffee Stain Studios xác nhận rằng Epic Games Store sẽ là nơi duy nhất mà bạn có thể mua tựa game xây dựng nhà máy của mình.
Double Damage, nhà phát triển của Rebel Galaxy Outlaw nói rằng họ hi vọng kiểu chia chác 88/12 sẽ trở thành tiêu chuẩn mới của các cửa hàng game, và việc tạo ra những tựa game độc quyền trên Epic Games Store sẽ khiến các cửa hàng khác phải noi theo trong thời gian tới. Theo họ, mức 88/12 sẽ giúp có thêm nhiều nhà phát triển indie sống được với đam mê của mình, và Double Damage sẵn sàng làm kẻ tiên phong.
Nhưng ngay cả khi rời bỏ Steam và Valve, các nhà phát triển indie không thể phủ nhận vai trò của Valve. “Trước khi Valve và khoản chia 70/30 tồn tại, việc làm nhà phát triển indie rất gian nan, cả về mặt tiền bạc lẫn việc bán game mà không có nhà phát hành. Chúng ta có thể cảm ơn Valve vì họ đã là đòn bẩy giúp game indie thành hiện thực, và tạo ra thời đại này,” Double Damage cho biết.
Khi ghé qua Epic Games Store, tác giả nhận thấy nó hơn Steam ở một vài chỗ, chẳng hạn các video trailer, gameplay… được host bởi YouTube nên việc tải và xem rất mượt mà so với các video trên Steam, nhưng đó có lẽ là ưu điểm ngoài ý muốn bởi Epic muốn tiết kiệm chi phí server – họ cũng không host forum cho game trên cửa hàng như Steam mà để cho nhà phát triển tự liên kết forum của mình.
Trong khi đó, nhược điểm đầu tiên và dễ nhận ra nhất của Epic Games Store là nó không hề có tính năng tìm kiếm – để chắc ăn, Mọt tui đã bỏ ra 5 phút lùng sục trong phần Help và các menu nằm ở đầu trang. Hiện tại số lượng game trong cửa hàng chưa nhiều nên game thủ có thể xem tất cả chỉ bằng vài lần Page Down hoặc cuộn chuột, nhưng Epic cần phải bổ sung tính năng này càng sớm càng tốt nếu không muốn làm mất lòng game thủ khi họ không thể tìm ra tựa game mình muốn trong cửa hàng.
Một tính năng khác mà Epic cần bổ sung nữa là khả năng ước lượng thời gian cần để tải game. Khi bấm tải lại CS:GO để thử chế độ Battle Royale mới, Steam cho tác giả biết ngay rằng mình có thể làm giấc ngủ trưa trong khi chờ game hoàn tất. Dĩ nhiên Mọt có thể lôi máy tính ra và bấm 17.589/3,5/60 để biết rằng mình cần đợi 83 phút cho game tải xong, nhưng vấn đề ở đây là con Mọt này hơi bị… luời. Một số vấn đề lặt vặt khác cũng hiện ra như game không minh họa bằng screenshot mà dùng ảnh phác thảo, hoặc nếu không hiểu tiếng Anh để từ chối, bạn sẽ tự động bị đưa vào danh sách nhận email của nhà phát triển khi mua game...
Tuy nhiên, những lỗi vặt trên không đáng kể. Steam vẫn “ăn đứt” Epic Games Store hay bất kỳ một cửa hàng nào khác ở chính sách giá. Không nói đâu xa, kể từ khi Steam hỗ trợ tiền Việt vào cuối năm ngoái, game thủ Việt chúng ta đã có thể thưởng thức các tựa game bản quyền với giá rẻ hơn rất nhiều, trong khi Discord hay Epic Games Store vẫn gắn liền với đồng USD đắt giá. Đó là còn chưa kể đến những đợt giảm giá mạnh tay xảy ra nhiều lần trong năm, đủ bốn mùa xuân hạ thu đông cộng thêm các dịp cuối tuần, kỷ niệm ngày thành lập công ty hay đủ thứ lý do khác.
Ưu thế cuối cùng của Steam nằm ở chỗ… tuổi đời của nó. Nhiều năm phát triển khiến Steam có rất nhiều giá trị gia tăng dành cho game thủ bên cạnh việc mua game. Kho game khổng lồ mà game thủ sở hữu trên Steam khiến họ khó có thể rời khỏi nền tảng quen thuộc này để chuyển sang một cửa hàng mới. Nếu Epic Games Store có thể nhận diện và khởi động game của các nền tảng khác như Steam và Discord, có thể tầm quan trọng của ưu điểm này sẽ sụt giảm, nhưng Epic vẫn còn rất nhiều việc cần làm để chinh phục khách hàng, chẳng hạn một danh sách bạn bè hoàn chỉnh mà bạn có thể truy cập trong game. Cộng đồng Curator, khả năng đánh giá game và tính năng stream cũng là một vài yếu tố mà chưa có đối thủ nào của Steam làm được.
Nhưng gác chuyện Epic chia chác thế nào và các nhà phát triển được lợi ra sao sang một bên, có một điều mà Mọt tui nhận thấy qua những gì đang xảy ra giữa Valve, Epic và các nhà phát triển indie. Epic hô hào là đem lại cho game thủ thêm lựa chọn, nhà phát triển nói mình sẽ cho người chơi thêm những tựa game hấp dẫn hơn, còn Valve nói mình trân trọng đóng góp của các nhà phát triển… Nhưng thật ra đó chỉ là lớp áo mĩ miều che giấu mục tiêu thực sự của cả ba. Valve không muốn mất vị trí thống trị của mình, Epic không muốn phải chi 30% cho Valve, còn nhà phát triển “chảy nước dãi” vì khoản 18% mà Epic hứa hẹn.
Họ chẳng là thánh nhân, cũng không phải "bọn ác," mà đều chỉ là những kẻ muốn kiếm tiền không hơn không kém.