Trong thời gian qua, game thủ thế giới đã nghe nhiều về việc các nhà làm game rời khỏi các nền tảng lớn, quen thuộc như Steam hay Google Play để tự bán game trên kênh của mình. Lý do của điều này rất dễ hiểu: cả Valve lẫn Google đều lấy 30% số tiền các trò chơi thu được khi được bán qua nền tảng của họ, trong khi các nhà phát triển nhận 70% còn lại. Điều này khiến các nhà phát triển như Bethesda hay Epic Games “cay cú” và quyết định ra riêng.
Trong khi đó, Epic Games dù rời bỏ Steam vẫn hốt bạc với Fortnite. Với khoảng 80 triệu game thủ đang sử dụng Epic Launcher để chơi Fortnite, Epic quyết định nâng cấp Launcher của mình lên thành một cửa hàng game hoàn chỉnh bán game cho cả Windows, Mac trong vòng vài tuần tới và tận dụng lượng khách hàng tiềm năng này. Sau hai hệ máy này, Epic Games Store sẽ tiếp tục tấn công sang các nền tảng khác bao gồm Android vào năm sau.
Theo thông tin từ Epic, các tựa game bán trên store của họ sẽ được lựa chọn tỉ mỉ và số lượng game sẽ được mở rộng dần theo thời gian. Game thủ có thể mua game qua phần mềm Epic Games Store hoặc qua trình duyệt tương tự Steam, trong khi các nhà phát triển không bị bắt buộc phải dùng bất kỳ DRM nào. Nhưng sự khác biệt chính của Epic Games Store với Steam nằm ở chỗ ăn chia. Epic hứa hẹn sẽ cho nhà phát triển nhận đến 88% doanh thu, và Epic chỉ giữ lại 12%. Nếu trò chơi sử dụng Unreal Engine, Epic sẽ không thu 5% chi phí sử dụng engine đó. Để so sánh, một tựa game dùng Unreal Engine trên Steam sẽ phải chi 30% cho Valve, 5% cho Epic và vì thế nhà phát triển chỉ còn nhận được 65%.
Tổng giám đốc Epic, ông Tim Sweeney giải thích lý do mà họ chọn tỉ lệ chia 88%/12%. Theo ông, ngày nay thị trường phần mềm nói riêng và game nói chung đã phát triển mạnh mẽ và có giá trị trên 25 tỉ USD, trong khi tỉ lệ 70%/30% cũ do App Store, Steam, Google Play đặt ra vẫn không thay đổi và không có lợi cho các nhà phát triển. Ông cho rằng các cửa hàng đó đã “khai khống” chi phí vận hành của mình lên 3 đến 4 lần để xứng đáng với khoản chia 30% này, nên Epic muốn đem lại cho các nhà phát triển một giao dịch hợp lý hơn.
Ngoài việc ăn chia có lợi cho nhà phát triển, Epic Games Store còn hứa hẹn một số tính năng khác dành cho game thủ và nhà phát hành. Nhà phát hành sẽ có toàn quyền với trang bán game của mình, trong khi khách hàng mua game sẽ được mời tham dự vào một kênh tin tức kết nối họ với nhà phát triển, cung cấp những thông tin về các bản cập nhật hay những tựa game khác… Nhà phát hành cũng có thể liên kết diễn đàn riêng của mình đến trang game, một cách cắt giảm chi phí thông minh của Epic bởi họ không cần xây dựng một hệ thống trang Community riêng cho từng game như Steam.
Một tính năng gọi là Support a Creator cũng được đưa ra để kết nối các nhà phát triển với streamer và YouTuber, giúp những đối tượng này có thể thu được lợi nhuận từ game, nhiều ít tùy vào nhà phát hành. Theo Epic, nếu một nhà phát triển chịu mở tính năng này cho trò chơi của mình, các streamer và YouTuber thuyết phục được game thủ mua trò chơi đó sẽ nhận được một phần tiền do nhà phát triển quy định. Epic cho biết họ sẽ chịu 5% khoản chi dành cho YouTuber và streamer này trong 2 năm đầu tiên của Epic Games Store. Epic sẽ công bố thêm nhiều thông tin về cửa hàng game của mình trong sự kiện The Game Award 2018 diễn ra vào ngày 6/12.
Trước đối thủ mới Epic Games Store, Steam công bố họ sẽ áp dụng một chính sách “chia chác” mới cho các nhà phát triển. Cụ thể, nếu game kiếm được trên 10 triệu USD trên Steam, nhà phát triển sẽ nhận 75% thay vì 70%. Con số này tăng lên 20% nếu trò chơi có doanh thu trên 50 triệu USD. Như vậy, nhà phát triển sẽ nhận thêm 500.000 USD khi game đạt 10 triệu USD, và nhận thêm 5 triệu USD khi game của họ thu về 50 triệu USD so với hiện tại. Valve cho biết lý do họ đưa ra thay đổi này là vì “giá trị của một mạng lưới lớn như Steam được tạo ra bởi tất cả những người tham gia. Tìm kiếm sự cân bằng thể hiện đúng những đóng góp đó là một điều khó khăn nhưng rất quan trọng trong một mạng lưới hoạt động suôn sẻ.”
Nói cách khác, Valve sẽ ưu tiên chi thêm tiền cho các nhà phát triển lớn và các tựa game bom tấn nhằm giữ chân họ trên nền tảng của mình, tránh việc họ bỏ đi như kiểu Fallout 76, Call of Duty Black Ops 4… Trong khi đó, các nhà làm game indie sẽ không nhận được lợi ích nào từ thay đổi này, bởi game của họ thường có giá thấp và doanh số không cao, vì vậy vẫn chịu tỉ lệ ăn chia 30/70 truyền thống. Tuy nhiên, ông bà đã nói “không phải chia ít, mà là chia không đều,” khá nhiều nhà phát triển game indie đã bày tỏ sự bực tức của mình khi các nhà phát hành lớn được chia nhiều tiền hơn.
Rami Ismail, một lập trình viên game indie của studio Vlambeer nói rằng “thông báo của Valve nghĩa là: các hãng lớn đừng lo, chúng tôi sẽ bù khoản tiền các bạn nhận thêm bằng giấc mơ vỡ nát của các nhà phát triển không đạt được mốc (10 triệu và 50 triệu USD) đó, vì họ chẳng quan trọng gì và chúng tôi không quan tâm. Chỉ cần các bạn đừng mở cửa hàng riêng.”
Nhưng hãy nhìn kỹ vào vấn đề. Theo Mọt, các tựa game lớn thực sự rất quan trọng với Steam và Valve. Chúng thu hút game thủ đến với Steam, và những game thủ này có thể sẽ chi thêm tiền mua nhiều tựa game khác. Vì vậy, Valve sẵn lòng chi nhiều tiền hơn cho những tựa game này. Trong khi đó, các tựa game nhỏ vẫn tiêu hao tài nguyên của Steam (chi phí thanh toán, các công cụ phát hành, hệ thống server…) chẳng khác gì các game lớn, và chúng được lợi nhờ được tiếp cận với lượng game thủ khổng lồ mà Steam đang có.
Ngược lại, nếu Valve chi nhiều hơn cho những tựa game kiếm được ít hơn, có thể bản thân Valve sẽ lỗ, và điều này cũng phần nào khuyến khích các nhà phát triển kiếm ít tiền hơn để nhận được phần chia lớn hơn – nghe nghịch lý, nhưng có thể xảy ra. Điều này cũng ảnh hưởng tiêu cực đến Steam lẫn các nhà phát triển khác, bởi có thể Valve sẽ quyết định… cắt luôn việc phát hành các tựa game nhỏ, bởi phần chia nhỏ hơn của một số tiền nhỏ hơn sẽ chẳng mấy hấp dẫn. Thật vậy, nếu nhìn sang Itch.io – một nền tảng phát hành game indie với những khoản chia hào phóng cho các nhà phát hành, chủ nhân của nó là ông Leaf Corcoran tiết lộ rằng doanh số của Itch.io “thường là hòa vốn.” Valve có làm từ thiện không? Mọt nghĩ là không.
Như vậy là sau Discord, Tencent, giờ đây Steam lại có thêm một đối thủ nặng ký mới: Epic Games Store. Những con số mà Epic đưa ra tỏ ra hết sức hấp dẫn với các nhà phát triển lẫn YouTuber, streamer, nhưng tác giả thấy chúng chưa thật sự đem lại lợi ích gì cho game thủ, đủ sức thuyết phục họ rời Steam. Trong thời điểm hiện tại, Steam sẽ vẫn là “vua không ngai” với một nền tảng vững chắc, nhưng trong một vài năm tới, cuộc chiến của các cửa hàng game hẳn sẽ trở nên khốc liệt hơn nhiều khi ngành công nghiệp game ngày càng to ra.