Phụ Lục
Ngày 13/11/2017, EA đã lại một lần nữa đi vào lịch sử làng game với comment có số lượt downvote (không thích) nhiều nhất trong lịch sử Reddit. Điều này xảy ra khi đội ngũ PR của họ đưa ra lý do “để game thủ có cảm giác kiêu hãnh và thành tựu” nhằm biện giải cho thời lượng cày cuốc kinh hồn (khoảng 4.000 giờ) để mở khóa tất cả các nhân vật trong Star Wars: Battlefront II, tựa game mà người ta đã phải chi ra 80 USD để sở hữu. Nó nhận được gần 668.000 lần downvote - gấp 4,5 lần số lượng thành viên của diễn đàn subreddit dành cho trò chơi.
Nhưng còn có một điều mà EA không ngờ đến: nó còn thổi bùng lên những tranh cãi về tính hợp pháp của loot box, một kiểu làm tiền đã trở nên quá phổ biến trong ngành công nghiệp game, và xuất hiện trong gần như mọi tựa game có yếu tố multiplayer hiện tại. Không phải chỉ có game thủ “thấp cổ bé họng” (nhưng rất biết cách làm ồn) quan tâm đến loot box, mà cả các nhà làm luật cũng đã tham dự vào cuộc chiến.
Dù điều này đã phần nào bị nguội lạnh trong thời gian qua và bị thay thế bởi những tranh cãi về Net Neutrality (trung lập internet) và điều kiện làm việc trong ngành công nghiệp game, vấn đề loot box vẫn còn lâu mới thực sự ngã ngũ. Để các bạn biết rõ hơn về tình hình loot box hiện tại, Mọt xin được tập hợp tất cả những gì đã và đang xảy ra trên thế giới vào bài viết này.
Trọng tâm của cuộc chiến pháp lý xoay quanh loot box là khả năng giao dịch, giá trị tiền tệ của nó, và lợi nhuận của nhà phát hành, cả ba có liên hệ chặt chẽ với nhau. Khả năng giao dịch ảnh hưởng đến việc vật phẩm rơi ra từ loot box có thể sử dụng như một món hàng hay không, và từ đó tạo ra khả năng giao dịch nó bằng tiền thật. Đây là sự khác biệt giữa loot box trong Overwatch với CS:GO, bởi trong game của Blizzard bạn không thể giao dịch bất kỳ món nào nên chúng không có giá trị tiền tệ, còn trong CS:GO các skin vũ khí, trang bị lại là một món hàng cực kỳ đắt giá nhờ có thể giao dịch.
Thứ hai, giá trị tiền tệ của loot box nằm ở sự khác biệt giữa trực tiếp mua món bạn cần và mua cơ hội có được món bạn cần, hoặc dùng những món hàng đó để cá cược. Trong CS:GO hay PUBG, việc buôn bán những món hàng rơi ra từ loot box là quá phổ biến. Riêng với CS:GO, game thủ còn có thể dùng những món hàng đó để cá cược kết quả các trận đấu, và đại chúng cho rằng đây là cờ bạc. Valve từng phải can thiệp và yêu cầu đóng cửa hơn 20 trang web cá cược như vậy vào năm 2016. Sự tồn tại của những thị trường như vậy cho thấy rằng vật phẩm từ loot box có giá trị tiền tệ rõ ràng.
Cuối cùng, các nhà phát hành game cũng có thể thu lợi không trực tiếp nhờ giá trị thị trường của các vật phẩm từ loot box. Điều này rất dễ hiểu: khi một vật phẩm hiếm xuất hiện từ loot box và được bán đi với giá cao, sẽ có càng nhiều game thủ muốn “trúng số” và chi nhiều hơn vào việc mua sắm các loot box trong game.
Một lần nữa, điều này lại tạo ra giá trị tiền tệ cho loot box. Có nhiều quốc gia/lãnh thổ ngăn cấm mọi kiểu cờ bạc/xổ số mà người chơi có thể chi thêm tiền để tăng khả năng trúng thưởng những món hàng có giá trị tiền tệ. Điều này đúng với loot box: khi bạn mua 1 hộp, khả năng trúng thưởng của bạn sẽ thấp hơn so với khi bạn chi thêm tiền để mua 2 hộp, 3 hộp…
Phe phản đối việc xem loot box là cờ bạc nói rằng chúng chỉ là những dòng mã và pixel trên máy tính, nên không có giá trị tiền tệ. Nhưng Bitcoin, Ethereum… cũng là những dòng mã, và giá trị tiền tệ của chúng khiến vô số người điên cuồng. Một lý luận khác của phe chống việc xem loot box là cờ bạc nói rằng người ta không “thua” khi mua loot box. Không có một loot box nào là rỗng, bởi tất cả chúng đều cho bạn một thứ gì đó. Luận điểm này khó bác bỏ, nhưng cũng khó đồng tình bởi giá cả và giá trị là hai thứ khác nhau.
Hãy giả sử Riot bán một loot box giá 5 USD chứa đầy những vật phẩm mà họ nói rằng có giá từ 50 USD đến 5.000 USD, nhưng nếu món hàng 50 USD (giá cả) là một… biểu tượng anh hùng, còn món hàng 5.000 USD là một vị tướng mà bạn có thể mua với giá 6.300 Tinh Hoa Lam (tiền trong game). Giá cả của chúng là 50 hoặc 5.000 USD, nhưng giá trị của cả hai món này gần như bằng 0 trong mắt game thủ. Vì vậy, bất kỳ ai nhận được những món hàng này từ loot box đều sẽ cảm thấy mình thua cược - điều tương tự cũng áp dụng khi bạn bỏ tiền mua loot box và nhận được những thứ rẻ tiền bên trong.
Luật pháp luôn chậm chạp chạy theo những thay đổi mới, và chuyện loot box cũng không ngoại lệ. Loot box hiện là “vùng xám” ở đại đa số các quốc gia trên toàn cầu, nhưng hiện tại ngày càng có nhiều tiền lệ được đặt ra trên khắp thế giới. Một ủy ban gồm 15 nhà làm luật từ châu Âu và Mỹ đang ngồi lại với nhau để xem xét kỹ hơn về vấn đề này. Chưa rõ phe nào sẽ thắng khi kết luận cuối cùng được đưa ra, nhưng đã có khá nhiều quốc gia đưa ra quy định hoặc luật về loot box:
Anh, Pháp
Chính phủ Anh quyết định để cho ngành công nghiệp game “tự xử,” nhưng cũng nói rằng họ hi vọng tổ chức đánh giá game PEGI sẽ bàn bạc thêm với các nhà phát hành để đảm bảo rằng game thủ được biết và được bảo vệ. Đây cũng là thái độ chung của đại đa số các nước châu Âu. Riêng tại Pháp, hồi tháng 7 vừa qua một tổ chức quản lý cờ bạc của xứ sở bánh mì dài đã quyết định rằng các hộp hên xui này không phải cờ bạc.
Hà Lan và Bỉ
Hồi tháng 4/2018, cả Hà Lan và Bỉ đều kết luận rằng một số (không phải tất cả) loot box vi phạm luật về cờ bạc của họ, nhưng chưa có bất kỳ điều luật riêng nào về loot box được thông qua ở cả hai nước này. EA vẫn đang chống lại kết luận này, và nói rằng họ “hoan nghênh quan điểm từ phía các nhà làm luật châu Âu,” nhưng sẽ tiếp tục đẩy mạnh loot box. Về phía Blizzard, họ không cho phép game thủ hai nước này mua loot box bằng tiền thật sau khi kết luận trên được đưa ra.
Tháng 9 vừa qua, Bỉ đã chính thức điều tra xem liệu EA có phải đang phạm pháp khi bán loot box. Trong khi đó, hãng 2K nổi tiếng với những tựa game thể thao tràn ngập loot box khuyên khách hàng nên liên hệ nhà chức trách nếu có nghi ngờ gì về tính hợp pháp của những tựa game của mình tại Bỉ, và nói rằng họ đã thực hiện một số tinh chỉnh để đảm bảo rằng việc mua loot box trong game đem lại giá trị thích đáng.
Hàn Quốc và Trung Quốc
Ở hai quốc gia này, một số quy định cứng rắn hơn về loot box đã tồn tại từ lâu, chẳng hạn bất kỳ game nào bán loot box đều phải công bố rõ tỉ lệ nhận được các phần thưởng bên trong. Đến năm 2017, Trung Quốc đưa ra thêm một điều luật mới nói rằng mọi hình thức bán “vé xổ số ảo” bao gồm loot box là phạm pháp. Tương tự như tại Bỉ và Hà Lan, Blizzard ngừng bán loot box tại Trung Quốc sau điều luật này, nhưng lách luật bằng cách tặng loot box miễn phí khi game thủ mua tiền ảo trong game.
Và các điều luật này không phải chỉ để cho có. Hồi tháng 4 vừa qua, có ba công ty Hàn Quốc là NextFloor, Nexon và Netmarble đã bị phạt khoản tiền lên đến gần 1 triệu USD vì không tuân thủ các quy định về loot box. Trong số này, loot box mà Nexon bán ra cho Sudden Attack là một trò lừa đảo trắng trợn: không phải mỗi loot box đều có 0,5% cơ hội nhận được phần thưởng lớn, mà phần thưởng lớn chỉ xuất hiện trong 0,5% số loot box được bán ra. Đây là hai điều hoàn toàn khác nhau: trong trường hợp đầu tiên, mỗi 200 loot box có thể có 10, 20, 30... phần thưởng lớn, còn trong trường hợp thứ hai, 200 loot box chỉ cho chính xác 1 phần thưởng lớn.
Úc
Là quốc gia nghiêm khắc hàng đầu thế giới về việc quản lý game, Úc đã thực hiện một cuộc điều tra vào đầu năm 2018 và kết luận rằng về mặt tâm lý, loot box giống hệt cờ bạc, đặc biệt là với người trẻ. Vì vậy họ khuyến cáo các tựa game có loot box phải đi kèm nhãn cảnh báo, (tương tự nhãn “in-game purchase” của ESRB trên game phát hành ở Bắc Mỹ) và chỉ được bán cho người từ 18 tuổi trở lên, độ tuổi hợp pháp để cờ bạc tại Úc. Tuy nhiên đây chỉ mới là khuyến cáo mà chưa phải là luật.
Trailer giới thiệu nhãn "in-game purchase" của ESRB.
Mỹ
Là một trong những thị trường game lớn nhất trên toàn cầu, Mỹ không có bất kỳ quy định hay điều luật chính thức nào về loot box – có lẽ là để có “vật tế thần” mỗi khi có biến cố xảy ra với súng đạn. Gần đây nhất, một dự luật được đưa ra ở bang Washington sẽ cho phép Gambling Commission (tạm dịch: ủy ban cá cược) Mỹ điều tra vấn đề này. Một dự luật khác được đưa ra ở bang Minnesota hồi tháng 4/2018 cấm việc bán game có loot box bằng tiền thật cho bất kỳ ai dưới 18 tuổi.
Trong khi đó, tổ chức đánh giá game ESRB được tạo nên bởi các ông lớn trong làng game Mỹ vừa nói rằng họ không cho rằng các hộp may mắn này là cờ bạc. Nếu bạn chưa biết, chủ tịch ESRB hiện tại là ông Strauss Zelnick, tổng giám đốc Take-Two, công ty mẹ của Rockstar danh tiếng. Nếu Mọt tui không lầm, đây có vẻ như một trường hợp “vừa đá bóng vừa thổi còi,” phải không nhỉ?