Trước sự cạnh tranh bằng game miễn phí rất khó từ chối và những hợp đồng độc quyền “bao sân” các tựa game lớn từ Epic, Steam vẫn đang không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ của mình.
Chỉ tính từ thời điểm Epic Games Store ra mắt, Steam đã đưa ra nhiều tính năng hấp dẫn như Remote Play Together (chơi game co-op mà chỉ cần một người có game), cập nhật Library mới, Play Next giúp game thủ khám phá những trò chơi mình chưa biết đến… Nhiều nâng cấp khác cho hệ thống đánh giá game để tránh review bomb cũng được đưa ra như biểu đồ, khả năng tách biệt các thời điểm có lượng review tăng đột biến, lời cảnh báo về nội dung review... Dù bị những người như Randy Pitchford cho rằng không tồn tại, những thay đổi này thực sự có hiệu quả rõ rệt trong việc giúp game thủ phân biệt đâu là chất lượng thật của game, đâu là phản ứng giận dữ của game thủ.
Đó là còn chưa kể đến những hoạt động biến Steam và Valve thành người hùng của game thủ sử dụng hệ điều hành Linux. Đã có hàng ngàn tựa game được “hô biến” cho chạy được trên nền tảng Linux nhờ những nỗ lực của Valve trong việc cải thiện các giải pháp chơi game trên Linux qua việc phát triển phiên bản WINE riêng có tên Proton. Nhờ Proton, những tựa game này chạy được trên Linux mà game thủ không cần phải thực hiện những chỉnh sửa rườm rà, đầy mò mẫm và may rủi.
Tuy nhiên giữa tất cả những hoạt động trên, Steam vẫn còn thiếu một điều đủ để khiến các khách hàng trung thành của họ cảm thấy được lợi một cách trực tiếp nhất: hệ thống “hội viên” hay một thứ gì đó tương tự. Có vẻ như Valve cũng nhận ra điều này và đang tìm kiếm một phương thức mới để nâng cấp các đợt giảm giá Steam Sale quen thuộc - cái vốn có phần hơi “đuối” trong thời gian vừa qua do phụ thuộc quá nhiều vào mức giá mà các nhà phát hành ấn định. Lý do mà Mọt tui nói vậy là vì theo thông tin từ một nhà phát triển có tài khoản Twitter thexpaw (tên thật Pavel Djundik), Steam đang phát triển một hệ thống “khách hàng thân thiết” có khả năng đem lại lợi ích cho tất cả mọi người.
Nhưng khoan, Pavel Djundik là ai và tại sao Mọt lại tin tưởng lời của nhân vật này nói trên Twitter? Anh là một dataminer và đã phát triển nên SteamDB, kho dữ liệu tiết lộ rất nhiều thông tin về Steam trong quá khứ. Đây là một trong những nền tảng đáng tin cậy nhất khi bạn cần tìm thông tin về Steam hiện tại cũng như các dự định của Valve trong tương lai, chẳng hạn vào tuần trước SteamDB để lộ thông tin Yakuza: Like a Dragon có thể sẽ lên Steam, và chẳng bao lâu sau đó trò chơi xuất hiện trên nền tảng của Valve.
Trở lại với thông tin của Pavel Djundik, những gì anh tiết lộ thực sự trông rất hấp dẫn với các fan trung thành của Steam. Cụ thể, Pavel nói rằng hệ thống này sẽ hoạt động với nhiều phần khác nhau, bao gồm một hệ thống điểm số và các reaction (biểu cảm, phản ứng) để người đọc sử dụng khi đọc review của game thủ khác. Các reaction chưa có hình ảnh chính xác nhưng Pavel đã tiết lộ chúng bao gồm “Đáng suy ngẫm, Ấm lòng, Hài hước, Tranh luận, Thi vị, Hữu ích/Không hữu ích,” như bạn có thể thấy trong hình sau:
Rõ ràng là những reaction này sẽ được sử dụng lên user review, và Mọt đoán rằng số lượng reaction mà người đọc trao cho review sẽ ảnh hưởng đến điểm số mà tác giả review đó nhận được. Điều này sẽ giúp Steam khai thác tính năng user review, thế mạnh lớn nhất của cửa hàng này mà các cửa hàng khác không có hoặc không quan tâm. Điểm số này có thể được dùng để đổi các phần thưởng như badge level, giảm giá game… như được nhắc đến trong mẩu Tweet của Pavel Djundik. Hẳn bạn sẽ nhận thấy sự tương đồng giữa các hệ thống Coin được Steam sử dụng trong các đợt Steam Sale lớn hoặc điểm Nintendo eShop với hệ thống điểm số này.
Cho đến thời điểm hiện tại, Mọt tui được biết rằng chưa có một cửa hàng game nào khác thực hiện một hệ thống tương tự. Uplay có tính năng giảm giá qua điểm số mà bạn nhận được khi mua và chơi game, nhưng cửa hàng của Ubisoft lại không có tính năng user review. Nếu điểm thưởng được trao cả cho các giao dịch mua game trên Steam chứ không chỉ qua reaction và review, hệ thống điểm số này có tiềm năng thu hút thêm nhiều game thủ hơn đến mua sắm trực tiếp trên Steam, đặc biệt là những người thường mua key Steam qua các trang “chợ xám” như G2A.
Sự tồn tại của tính năng này hẳn sẽ có lợi cho tất cả game thủ chứ không chỉ là khách hàng của Steam. Những cửa hàng khác như Epic Games Store, Uplay, GOG,… có thể sẽ bắt tay vào việc thực hiện những tính năng tương tự trong tương lai nếu nhìn thấy được hiệu quả của tính năng này cũng như đánh giá mà game thủ dành cho nó.
Cuối cùng, trong khi hệ thống khách hàng thân thiết này có lẽ còn lâu mới được ra mắt, có một thứ gần gũi hơn với chúng ta: đợt Steam Sale kế tiếp dự kiến sẽ xuất hiện vào cuối tháng 6 tới. Bạn đã sẵn sàng để giữ chặt chiếc ví của mình chưa?