Phụ Lục
Dù Valve kết thúc năm 2019 với một đợt Steam Sale hơi “đuối” trong mắt game thủ (đặc biệt là việc dùng tiền trong wallet mua game không được token), nền tảng phát hành game của họ vẫn đã có một năm “vít ga hết số” khi tung ra những tính năng mới. Hãy cùng Mọt điểm lại tất cả những gì mà Steam đã cho ra mắt để phục vụ cộng đồng game thủ của mình trong năm nay.
Trong năm 2019, Steam đã tung ra một loạt cải tiến cho các tính năng cộng đồng của mình trong một bản cập nhật lớn. Bản cập nhật này cho phép game thủ phân loại bạn bè thành bạn thân (Favorite) và bạn thường, cộng thêm khả năng kéo – thả các profile để biết người khác đang chơi gì. Nhiều tựa game đã tận dụng các tính năng mới này khi cho phép danh sách bạn trên Steam cập nhật cả những gì đang xảy ra trong game, chẳng hạn Counter-Strike cho biết bạn đang có điểm số thế nào, hay Risk of Rain 2 cho biết khoảng cách mà nhân vật đã đi được trong lượt chơi hiện tại… Những tính năng như thế này giúp game thủ dễ dàng tham gia vào cuộc vui cùng bạn bè hơn, một điều đáng được hoan nghênh.
Tính năng voice chat cũng được cải thiện, dù ngày ra mắt của nó không được suôn sẻ cho lắm nếu phải so sánh với Discord đang rất phổ biến hiện tại. Bù lại, sau những chỉnh sửa và nâng cấp của Steam, việc chat voice qua bộ công cụ mà Steam cung cấp nay đã rất dễ dàng và tiện lợi mà không cần bạn phải cài thêm bất kỳ một phần mềm nào.
Tính năng này được tung ra vào giữa năm nay để thay thế In-Home Streaming và cho phép game thủ chơi các game trong thư viện của mình ở bất kỳ đâu (bao gồm cả những game không được phát hành trên Steam) chứ không chỉ tại nhà họ. Dù đây chỉ là một thử nghiệm của Steam trong việc cho phép game thủ chơi game khi đang xê dịch, nó vẫn là một bước đi khôn ngoan có thể giúp Steam giữ vững vị trí của mình trong lòng game thủ trong khi các dịch vụ chơi game qua cloud đang dần trở nên phổ biến hơn.
Được xây dựng ngay trên nền tảng của Steam Remote Play, tính năng Steam Remote Play Together có lẽ là một trong những tính năng hấp dẫn nhất mà Valve cho ra mắt trong năm 2019 nhưng lại bị game thủ lãng quên. Nó cho phép game thủ chơi các tựa game có tính năng co-op cùng màn hình (bao gồm split screen) mà không cần ngồi kế bên nhau, mà có thể cách xa nửa vòng trái đất. Đặc biệt hơn nữa là tính năng này không đòi hỏi tất cả mọi người phải sở hữu trò chơi, mà chỉ cần một người có game.
Nhưng đó chưa phải là tất cả, bởi tính năng này cho phép những người khác có thể kết nối và chơi cùng bạn qua điện thoại hay trên máy tính ở chỗ làm, giảm thiểu hạn chế về thời gian và nơi chốn mà các tựa game multiplayer đòi hỏi. Đây là một điều hết sức tuyệt vời nếu bạn muốn chia sẻ trải nghiệm multiplayer cùng những người thân yêu nhất của mình mà không cần phải chi tiền mua thêm vài bản game. Human Fall Flat hay Stick Fight: The Game bỗng trở nên cực kỳ vui nhộn với Steam Remote Play Together.
Dĩ nhiên cũng như các dịch vụ chơi game qua cloud kiểu Stadia, Steam Remote Play Together chịu sự hạn chế của đường truyền mạng và đòi hỏi một kết nối khá ổn định, tốc độ cao để có thể stream hình ảnh của game giữa các thiết bị với nhau. Nhưng đây là vấn đề của nhà cung cấp dịch vụ internet chứ không phải của Valve, và họ đã làm tốt phần việc của mình khi tung ra tính năng xuất sắc này.
Dù Steam thường xuyên bị chỉ trích là không thân thiện với game indie, bạn vẫn phải thừa nhận rằng đây là nền tảng tốt nhất cho việc phát hành game indie đến số đông game thủ, còn Valve vẫn đang không ngừng cố gắng giúp các tựa game indie được xuất hiện trong mắt công chúng. Với tính năng mới Steam Labs được tung ra vào nửa cuối 2019, Valve sử dụng AI và máy học (machine learning) để đem đến cho game indie thêm một cơ hội mới để được game thủ nhìn thấy và thưởng thức. Nếu bạn là một game thủ yêu thích khám phá những điều mới mẻ và không ngại ngần thử nghiệm game indie, Steam Labs là nơi mà bạn có thể tìm thấy những tựa game mới hấp dẫn bất ngờ.
Tính năng mới này không quan trọng với những game thủ bình thường chúng ta, nhưng có thể rất hữu ích với những ai kinh doanh tiệm game. Nó cho phép các chủ tiệm game có thể mua một trò chơi rồi để game thủ chơi trên bất kỳ máy nào trong tiệm của mình mà không cần phải mua thêm một phiên bản khác. Hiện tại có hơn 400 game hỗ trợ tính năng này, từ multiplayer kinh điển Counter-Strike: Global Offensive, Battle Royale như PUBG đến thuần túy chơi đơn như Cities Skylines. Để xem xét toàn bộ danh sách game của Steam hỗ trợ PC Café, hãy click vào đây.
Giao diện mới của thư viện game Steam đem lại cho chúng ta thêm khả năng tùy biến, phân loại game theo bất kỳ phương thức nào mình thích. Nó cũng cho nhà phát triển một kênh mới để cung cấp thông tin về các hoạt động mới in-game, các bản cập nhật mới cho game thủ dễ dàng hơn. Điều này giúp nhà phát triển và game thủ có thể giao lưu trực tiếp hơn hẳn so với trước đây, đem lại sự tiện lợi mà cả hai bên cùng mong muốn.
Ngoài ra, một số tính năng khác không quá quan trọng với đại đa số game thủ nhưng vẫn được Valve bổ sung vào Steam trong năm 2019, chẳng hạn Steam TV hay Steam Trust. Chúng không phải là những điều bắt buộc phải có trong game, nhưng vẫn là những bổ sung đáng giá cho đối tượng game thủ xem trọng các dịch vụ giá trị gia tăng bên cạnh việc thưởng thức các tựa game mà họ yêu thích.
[box background="banana" border="dark"]Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Mọt Game: http://bit.ly/2ByvA1e[/box]