Kể từ khi Epic Games Store (EGS) chính thức mở cửa vào tháng 12/2018, cửa hàng này đã là tâm điểm của những scandal về game độc quyền, về những mối lo ngại an toàn thông tin, và cả những thuyết âm mưu rằng Epic thu thập dữ liệu cho Tencent. Nó khiến cộng đồng game thủ “chia năm xẻ bảy" thành nhiều phe, từ ủng hộ Steam bởi phương thức hoạt động của EGS, đến không thích sự thiếu thốn tính năng của EGS nhưng vẫn ủng hộ Epic vì ghét sự “độc quyền” của Steam, hay thuần túy chán ghét EGS vì chính sách giá cả… Nhìn chung, trên các diễn đàn lẫn MXH, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp hàng loạt game thủ bày tỏ sự bực bội với Epic Games Store, nhưng theo Mọt, Epic Games Store sẽ tồn tại và đem về lợi nhuận cho chủ nhân của mình, bất kể game thủ có thích nó hay không.
Lý do của điều này thực sự rất đơn giản. Phương thức mà Epic đang sử dụng để đẩy mạnh cửa hàng của mình là “kẻ dẫn đầu thua lỗ” – bán hàng với giá thấp hơn thị trường nhằm chiếm thị phần. Tất cả những gì một công ty muốn chạy theo mô hình này cần là nguồn tiền ổn định để sống sót đủ lâu, và theo Mọt thì với sự thành công của Fortnite, họ có đủ tiền để áp dụng chiến thuật này trong nhiều năm tới. Ở đây, Epic đang mạnh tay vung tiền mua game rồi tặng miễn phí hàng tuần, đồng thời bù lỗ cho game của các nhà phát triển chấp thuận hợp đồng độc quyền với Epic. Bằng cách thâu tóm cộng đồng fan của những tựa game từ nhỏ như Ooblet đến lớn như Borderlands 3, Epic đang dần xây dựng nên một hệ sinh thái của riêng mình. Dù bạn thích hay ghét Epic, sớm muộn gì Epic Games Store sẽ biến thành một cửa hàng có lợi nhuận cho công ty của Tim Sweeney.
Đây là một chiến thuật kinh doanh rất phổ biến trên toàn cầu. Ngay cả Amazon – một trong những công ty ngàn tỉ USD của thế giới cũng bám vào chiến thuật này để trở thành gã khổng lồ như hiện nay. Theo các số liệu kinh doanh của Amazon, công ty này không hề có lợi nhuận trong 7 năm đầu tiên, tức kể từ khi thành lập vào năm 1994 cho đến năm 2001. Công ty của Jeff Bezos lỗ vài tỉ USD trong khoảng thời gian này, khi họ đang bận bịu xây dựng thương hiệu và chiếm lấy thị trường nhằm đặt mình vào vị trí có lợi, sẵn sàng cho việc thống trị thị trường bán lẻ Mỹ trong tương lai. Nhưng tất cả những sự đầu tư ban đầu đều đã đem lại “quả ngọt” cho Amazon, khi họ thu về 11,2 tỉ USD lợi nhuận chỉ riêng trong năm 2018.
Bằng cách bảo đảm doanh thu cho các nhà phát triển game, Epic cũng đang vô hiệu hóa việc “bình chọn bằng ví tiền” của game thủ, hay ít nhất là làm suy giảm sức mạnh của nó. Khi game thủ không mua game trên Epic Games Store, nhà phát triển vẫn nhận được tiền từ chính sách bảo đảm doanh thu này, và vì thế họ vẫn có được doanh số mình muốn. Mọt không rõ Epic có đòi hỏi key game từ số tiền mình chi trả cho các nhà phát triển hay không, nhưng nếu có, số key này hoàn toàn có thể được dùng trong các đợt tặng game miễn phí nhằm thu hút thêm người dùng, và thế là Epic đã dùng một khoản tiền để phục vụ cho hai mục đích khác nhau.
Chính sách mua game độc quyền của Epic cũng là điều cần được nói đến. Dù đây là một chiêu không đẹp, nhưng Mọt vẫn phải thừa nhận rằng đây là một chiêu hay. Nói một cách công bằng, Steam đã tồn tại rất lâu nên nó là điểm đến đầu tiên của game thủ khi muốn mua một tựa game mới, và nếu EGS có đầy đủ mọi tính năng như Steam, game thủ vẫn sẽ chỉ ghé qua Steam vì họ chẳng có lý do gì để đến với Epic Games Store. Nếu không dùng game độc quyền, Epic sẽ phải làm ra một cửa hàng tốt hơn Steam – điều mà công ty này đã thể hiện là họ không làm được khi tung ra một danh sách các mục tiêu và thời điểm đạt được mục tiêu đó (road map) để rồi… không ngừng thất bại trong việc đạt được những mục tiêu đặt ra. Vì thế, dùng tiền để mua game độc quyền là phương thức nhanh nhất và đơn giản nhất mà Epic có thể làm để giành thị phần cần thiết cho sự tồn tại trong tương lai.
Khi nói về Epic, Mọt cũng muốn nhắc đến sự chán ghét Valve của một bộ phận game thủ, đặc biệt là những người tin rằng sự độc quyền của Steam đang gây hại cho ngành game. Vấn đề ở đây là Steam không độc quyền – khi một nhà phát triển muốn phát hành game của mình, Steam không chi trả một cục tiền để trở thành nền tảng duy nhất như Epic. Thật ra chính Epic mới là công ty muốn độc quyền, như trường hợp vừa xảy ra với tựa game DARQ: khi nhà phát triển từ chối độc quyền và đề nghị được phát hành trên Epic Games Store cùng lúc với Steam, đại diện Epic đã từ chối lời đề nghị này ngay lập tức.
Steam chắc chắn không hoàn hảo – ví dụ gần đây nhất là chiến dịch Grand Prix trong đợt Summer Sale đã khiến nhiều nhà phát triển lẫn game thủ không hài lòng – nên việc Valve cũng bị ghét là dễ hiểu. Tuy nhiên khi lượn qua các diễn đàn và MXH, Mọt nhận thấy rằng rất nhiều người đánh đồng người ghét Epic với “fanboy của Steam”. Một game thủ hoàn toàn có thể ghét Steam mà không phải là fan của Epic, và dĩ nhiên cũng có thể ghét Epic mà không phải fan Steam – chúng ta còn có thể ủng hộ GOG, itch.io, Humble và nhiều cửa hàng nhỏ khác. Mọt có thể ghét việc Epic chưa có Shopping Cart, nhưng điều đó đâu có biến Mọt thành gã cuồng Valve và sẵn sàng ôm chầm lấy Gabe vốn phải 2 người ôm mới hết cái bụng ông ta vì ông ta công bố Artifact thay vì một tựa game có con số 3 mà Mọt đang chờ?
Trong khi đó, một số game thủ ghét Valve và ủng hộ Epic để “báo thù” chuyện Valve chuyển từ làm game sang phát hành game. Đây là một điều khá lạ lùng, bởi chính Epic cũng đang cố gắng thực hiện việc chuyển đổi này. Ngoài Fortnite vẫn đang được tiếp tục phát triển, Epic đã bỏ các dự án khác mà họ từng ấp ủ. Tựa game Unreal Tournament mà Epic “hợp tác phát triển với cộng đồng” đã bị dẹp một cách không kèn không trống từ tận năm 2017. Tất cả nhân viên của dự án này đều đã chuyển sang làm Fortnite sau khi bản cập nhật chính thức cuối cùng cho Unreal Tournament được phát hành hồi hè 2017. Paragon, tựa game từng được Epic hi vọng sẽ cạnh tranh với Overwatch còn bi đát hơn khi hoàn toàn bị đóng cửa vào đầu năm 2018. Chẳng có lý do gì để người ta ghét Valve mà lại ủng hộ Epic trong trường hợp này.
Tóm lại, Epic Games Store đang được điều hành một cách khôn ngoan, ngay cả khi điều đó cản trở việc thưởng thức game của không ít game thủ. Tim Sweeney và cửa hàng của mình sẽ tồn tại lâu dài, dù bạn có thích nó hay không.