Năm nay, đợt Summer Sale của Steam không diễn ra một cách mượt mà như mong đợi. Nó dẫn đến hai lần Valve phải nói lời xin lỗi, và khiến họ thay đổi phương thức vận hành trò chơi Grand Prix của mình. Game thủ chê Grand Prix không đủ hấp dẫn, không đủ rõ ràng và không cân bằng, trong khi các nhà phát triển nổi khùng vì game của họ bị “tàn sát” trong wishlist của game thủ. Giờ đây đợt sale đã kết thúc được vài ngày, nhưng dư âm của nó vẫn còn khiến các nhà làm game ấm ức. Hãy cùng Mọt nhìn lại xem những gì đã xảy ra trong đợt sale này và gây ra ảnh hưởng xấu ra sao.
Trong Grand Prix, game thủ tham gia vào một trong số các “đội tuyển” và thực hiện các quest hoặc chi tiền mua game để kiếm điểm. Lượng điểm này có thể được dùng để nâng cao thứ hạng cho đội trong cuộc đua, và cuối mỗi ngày Steam sẽ tặng game miễn phí cho một số game thủ ngẫu nhiên trong ba đội dẫn đầu. Bỏ qua một bên những điều lệ rối rắm và thiếu minh bạch, việc những tựa game miễn phí đó được chọn ra từ wishlist của người may mắn dẫn đến một hậu quả khó lường: game thủ xóa tất cả những tựa game có giá rẻ khỏi wishlist của mình, với hi vọng may mắn được chọn trúng và nhận một trong những tựa game đắt giá trong wishlist.
Và khi có sự dính líu của game miễn phí, game thủ sẵn sàng làm mọi thứ. Dù Mọt tui không “trảm” wishlist của mình vì… lười và không tin vào vận may của bản thân, vẫn có vô vàn game thủ xóa đi hàng loạt game mình muốn mua trong danh sách với hi vọng nhận game đắt. Nhưng họ không biết rằng hành vi này hoàn toàn vô nghĩa: tựa game Steam trao tặng sẽ luôn là tựa game đứng đầu danh sách wishlist của mỗi người.
Trước sự bực dọc của game thủ và nhà phát hành, Valve buộc phải tiết lộ rằng game thủ không cần phải thu gọn wishlist của mình, và đồng thời hãng cố gắng điều chỉnh lại Grand Prix để cuộc đua trở nên cân bằng hơn. Nhiều quest và challenge mới cũng được đưa ra yêu cầu game thủ xem và đánh giá game nhằm giúp cứu vãn tình thế cho các tựa game indie đã bị xóa khỏi wishlist trước đó. Tuy nhiên những giải pháp này là không đủ, vẫn còn rất nhiều bug và vấn đề về cân bằng, chẳng hạn việc mod game Starbound đem lại rất nhiều điểm, việc đội Thỏ lao vọt lên... hơn 14.000km chỉ trong một ngày, hay việc đội Corgi giành chiến thắng nhiều lần nhất, vượt xa tất cả các đối thủ. Khi đợt Summer Sale kết thúc, Valve đã phải xin lỗi game thủ thêm một lần nữa và chọn thêm 5.000 game thủ ngẫu nhiên để tặng game.
“Cảm ơn tất cả những ai đã tham gia vào Grand Prix,” Valve viết. “Chúng tôi nhận ra rằng đường đua có một vài khúc cua bất ngờ và đã cố gắng nắn thẳng khi có thể, và chúng tôi sẽ dự đoán những khúc cua đó tốt hơn khi mời bạn trở lại với đường đua.”
Nhưng với game thủ, vấn đề họ gặp phải chỉ là vài tựa game bị xóa khỏi wishlist và một chút thất vọng vì mình không được game free. Với các nhà phát triển / phát hành, vấn đề đó nghiêm trọng hơn rất nhiều.
Tại sao? Với khoảng hơn 30.000 tựa game trên Steam, cơ hội để một tựa game indie được xuất hiện trước mắt game thủ là không nhiều. Game thủ rất dễ quên và wishlist là một trong những cơ hội hiếm hoi để nhắc nhở game thủ, biến họ từ khách hàng tiềm năng thành khách hàng thực sự. Khi một tựa game bị xóa khỏi wishlist, khả năng rất cao là game thủ sẽ chẳng bao giờ còn nhớ đến nó để đưa lại vào danh sách sau khi mùa sale đã kết thúc. Họ sẽ không được nhắc nhở về ngày phát hành chính thức hay những lần giảm giá mới của trò chơi, một điều có ảnh hưởng lâu dài đến doanh số của game chứ không chỉ là trong mùa Summer Sale hiện tại.
Big Robot, nhà phát triển của một số game indie như Sir, You Are Being Hunted; The Signal from Tolva, The Light Keeps Us Safe… nói rằng doanh số của game trong mùa sale thấp hơn nhiều so với dự tính, và anh không hài lòng về điều đó. Giant Games thì nói rằng “Thông điệp của Steam đến game thủ rằng đừng xóa game trong wishlist chẳng tạo ra ảnh hưởng lớn nào đến tốc độ game của chúng tôi bị xóa,” và chỉ ra rằng Summer Sale không có cơ chế nào khuyến khích game thủ xem danh sách game được khuyến cáo của mình. Trong quá khứ, game của Giant Games được bổ sung vào wishlist khoảng 180 lần mỗi ngày, nhưng trong đợt sale này họ chỉ được đưa vào wishlist khoảng 40-60 lần, trong khi bị xóa 30-50 lần. “Với một tựa game indie chưa ra mắt, wishlist là sinh mạng, là cách để chúng tôi được chú ý. Chúng tôi rất buồn khi thấy nhiều đồng nghiệp bị ảnh hưởng mạnh bởi đợt sale.”
Sự phẫn nộ của các nhà phát triển được thể hiện trong diễn đàn ẩn mà Steam không mở cửa cho game thủ chúng ta. Một nhà phát triển nhỏ nói rằng trong đợt sale trước, anh kiếm được 2.000 USD, nhưng chỉ thu về 200 USD trong Summer Sale. Hay một nhà phát triển khác lớn hơn giấu tên tiết lộ rằng hồi Summer Sale 2018, anh kiếm được 100.000 USD chỉ từ một game. Đến Summer Sale 2019, anh có hai tựa game nhưng chỉ thu về 65.000 USD. Dĩ nhiên cũng có nhiều tựa game được lợi từ đợt Summer Sale này, chẳng hạn Eastshade, Get to the Orange Door… nhưng chúng chỉ là số ít ngoại lệ giữa một rừng những lời phàn nàn của các nhà phát triển trên diễn đàn của Steam.
Tóm lại, Summer Sale 2019 có vẻ là một thất bại của Valve và Steam, khi nó không thể làm game thủ hay nhà phát triển hài lòng. Cá nhân Mọt cảm thấy đợt sale này giống với một đợt khoe game hơn là một đợt giảm giá. Hi vọng rằng điều này sẽ không lặp lại trong mùa Halloween Sale tới, dự kiến diễn ra vào tháng 10 năm nay.