Nói về bắn súng có lẽ Serious Sam là một tượng đài trong việc “lăng xê” một kiểu bắn súng độc đáo mà khó có tựa game nào bì kịp. Nếu Half-Life định nghĩa lại thể loại game bắn súng đi màn làm nhiệm vụ thì Serious Sam đã tạo hẳn một lối rẽ cho game FPS cũng như thể loại bắn súng đi màn.
Khởi đầu cho một loại trải nghiệm khác hẳn
Thay vì bắn súng chú trọng độ chính xác và chiến đấu với kẻ thù thông minh biết xử lý tình huống thì Serious Sam nhắm vào một hướng hoàn toàn khác. Đó là tung mưa bom bão đạn vào đám đông kẻ thù “ngốc”.
Từ năm 2001, Serious Sam: The First Encounter nổ phát súng đầu tiên và 1 năm sau đó Serious Sam: The Second Encounter ra mắt đã làm rất tốt trong việc hình thành một “play style” riêng. Từ đó “phong cách Serious Sam” hoàn toàn chinh phục thế giới game bắn súng.
Chính vì tùy chỉnh độc đáo và cảm giác bắn sướng tay cực kỳ của nó, hai phần Serious Sam đầu tiên này rất tốt cho cả chơi đơn lẫn nối mạng. Chẳng có gì sướng hơn cùng đám bạn bước vào đấu trường xả súng không dứt vào đám quân thù đang tràn như thác đổ vào mình.
Nã đại bác vào đầu tên này là một cảm giác không bao giờ phai
Cái cảm giác bắn gatling vào con bò mộng hay nã cà nông vào mặt con trùm devil cho đến nay vẫn không gì có thể thay thế được trong tôi. Và cũng như chuyến đi tìm game thay thế Diablo trước đây, sau khi chơi chán chê game gốc tôi cũng đã cất công đi tìm game có thể thay thế được cảm giác mà Serious Sam đã dành cho tôi.
Will Rock – Phiên bản “pro” của Serious Sam
Game đầu tiên tôi tìm được có thể nói là game thỏa mãn nhất. Tôi có được Will Rock gần như là một sự may mắn. Mặc dù biết về game từ trước nhưng chưa có dịp chơi, đúng dịp tôi thay cái VGA cùi bắp bằng một con VGA mới của Gigabyte, ngay trong hộp VGA là một trong các game được tặng miễn phí theo đợt khuyến mãi. Trong số game ngẫu nhiên đó, tôi được đúng Will Rock.
Và điểm đặc biệt của game này là nó do Ubisoft phát hành, sử dụng cách chơi tương tự Serious Sam nhưng có cốt truyện rõ ràng và đồ họa có chất riêng. Nó kể lại một câu chuyện đậm chất khảo cổ huyền bí kiểu Tomb Raider hay Indiana Jones lồng ghép trong một play style rất “Serious Sam”.
Chiếc đĩa CD kỷ niệm của tôi, hiện vẫn còn đọc được hẳn hoi nhé
Điểm đặc biệt chất của nó là bộ vũ khí không đụng hàng và xài đã tay hơn cả của Sam. Một chiếc nỏ lửa bắn trúng kẻ địch chúng sẽ cháy và teo lại như “khô bò”, một khẩu súng khác gọi là Medusa Gun chứa chất hóa học khiến kẻ địch hóa đá. Tất nhiên không thể thiếu các loại súng có sức công phá lớn và những đền thờ rộng lớn để chiến đấu với hàng trăm kẻ địch.
Painkiller – phong cách Serious Sam “bản đẹp”
Sau sự thành công bất ngờ của Serious Sam, style bắn súng này bắt đầu được ưa chuộng và vài năm sau đó, Painkiller được People Can Fly hoàn tất. Game đưa người chơi vào một kiểu chơi tương tự nhưng với phong cách ma quỷ trung cổ và đồ họa tuyệt đỉnh thời bấy giờ.
Tôi đến với Painkiller một cách khá chật vật, mặc dù biết về nó khá sớm nhưng phải mất gần 1 năm sau mới đủ cấu hình máy để rước đĩa game về cài. Có thể nói đây là một game yêu cầu phần cứng khá “bảnh” ở thời điểm đó.
Đồ họa của Painkiller thuộc loại "hoành tráng" ở thời điểm đó
Cùng với đồ họa chất lượng cao, phong cách chơi Serious Sam và kho vũ khí hạng nặng đầy hầm hố là những nét khiến Painkiller trở thành một ứng cử viên kế thừa xứng đáng cho Serious Sam. Đặc biệt là khẩu súng bắn cọc gỗ có thể “đóng đinh” kẻ thù lên tường như bộ sưu tập bướm.
Một phong cách phai nhạt theo thời gian
Theo thời gian trôi qua, vẫn liên tục có những tựa game đi theo phong cách Serious Sam, điển hình nhất chính là… Serious Sam. Các phần 2 và 3 vẫn tái hiện lại phong cách chơi này nhưng gần như nó vẫn còn thiếu một cái gì đó khiến cảm giác của 2 bản đầu tiên không hoàn toàn tái hiện đầy đủ.
Đối với Serious Sam 2 có lẽ là sự phá cách của phong cách hoạt hình nhí nhố còn phần 3 có lẽ là kho vũ khí kiểu hiện đại hơn là kiểu sáng tạo viễn tưởng. Những chi tiết này khiến cho cảm giác quen thuộc cũ bị mất đi phần nào mặc dù gameplay vẫn gần như không đổi.
Các nhà sản xuất khác cũng học hỏi theo với nhiều sản phẩm như Killing Floor, Shadow Warrior, Left 4 Dead, Hard Reset, và sắp tới là GTFO nhưng chúng đều chỉ học hỏi một phần play style này còn lại là lồng ghép ý tưởng mới của nhà sản xuất. Vì vậy mặc dù chúng khá thành công nhưng cảm giác chơi không giống Serious Sam mấy, chúng có cái hay và play style riêng.
Nhìn về tương lai
Thật may mắn, nhà sản xuất Croteam đã có nỗ lực remake lại 2 phần game từng làm nên cuộc cách mạng là Serious Sam HD: The First Encounter và Serious Sam HD: The Second Encounter hỗ trợ định dạng HD và tương thích với các nền tảng hệ điều hành mới. Painkiller cũng có bản remake riêng. Chỉ có Will Rock dường như sẽ chết vì không được làm lại.
Cảm giác đuổi bắt với hàng loạt kẻ địch thật khó có thể thay thế được
Thể loại bắn súng đấu trường vạn kẻ địch như Serious Sam có lẽ sẽ tiếp tục sống với những đặc tính giải trí đặc biệt của mình. Tuy nhiên cần phải có một nhà sản xuất đủ tầm để kế thừa và phát huy trải nghiệm này bằng một tựa game cụ thể đủ thành công để duy trì sức sống của thể loại này.
Làng game sẽ tiếp tục phát triển, game bắn súng sẽ tiếp tục phát triển và phân nhánh ra nhiều thể loại nữa. Chúng ta sẽ có những kỷ niệm đẹp không bao giờ thay thế được như Serious Sam và cũng đón nhận những play style mới như Modern Warfare, Wolfenstein 2…