Phụ Lục
Địa ngục trong mắt hầu hết mọi người là nơi kinh hoàng nhằm đầy đọa những linh hồn tội lỗi. Có lẽ khỏi phải nói ra 1 điều rằng chả ai muốn phải ở đó. Thế nhưng trong thế giới game, dù có tăm tối và ma quái thế nào thì các nhà làm game cũng có thể tùy biến địa ngục trở thành sân chơi cho các game thủ quẩy tung nóc. Nhân việc Doom Eternal ra mắt gần đây tiếp tục cho phép người chơi quẩy tung địa ngục, sao chúng ta không thử điểm qua những lần địa ngục xuất hiện trong thế giới game?
Trong dòng game Doom, có không ít những màn chơi mà người chơi được đưa xuống địa ngục, mỗi phiên bản với đồ họa và phong cách nghệ thuật khác nhau nên địa ngục cũng được thể hiện theo những góc nhìn khác nhau. Nếu phải chọn ra bản game mà địa ngục được lột tả ấn tượng nhất thì Mọt xin phép lựa chọn địa ngục trong Doom 3. Có lẽ nhờ vào gameplay nặng về kinh dị sinh tồn chứ không phải hành động tốc độ cao như mọi khi mà thiết kế môi trường trong Doom 3 thường cực kì ngột ngạt và u tối. Địa nguc trong Doom 3 đã thể hiện sự khắc nghiệt, đen tối và đẫy rẫy những sinh vật đáng sợ đúng như một địa ngục trần gian thực sự, nơi mà không ai muốn, khác hẳn với địa ngục trong các game Doom gần đây khi trở thành nơi cho Doom Slayer tha hồ càn quét lũ quỷ. Đương nhiên địa ngục trong các game Doom đều được thiết kế vô cùng ấn tượng, nhưng địa ngục trong Doom 3 mới thực sự là nơi người chơi phải e dè khi đặt chân tới.
Dựa trên tác phẩm truyền đời Divine Comedy của Dante Alighieri, Dante’s Inferno theo chân người hiệp sĩ Templar tên Dante trên con đường vượt qua 9 tầng địa ngục để giải cứu linh hồn người vợ Beatrice khỏi tay Lucifer. Dù cốt truyện và gameplay không thực sự là điểm mạnh của game, nhưng việc lột tả khung cảnh địa ngục lại chính là điểm nhấn của Dante’s Inferno. Trong game, 9 tầng địa ngục được khắc họa vô cùng ấn tượng với mỗi tầng lại mang 1 màu sắc, tính chất riêng. Địa ngục trong game thực sự là 1 cơn ác mộng, nơi đày đọa những linh hồn tội lỗi với không khí ngột ngạt, u tối, những tiếng la hét không ngừng, những công trình và những con quái vật tượng trưng cho những gì bẩn thỉu xấu xa nhất của con người. Địa ngục kinh hoàng và đáng sợ đó nhưng không gì có thể cản bước Dante trên con đường cứu lấy người mình yêu thương.
Trong God of War, địa ngục hay âm phủ là thế giới do vị thần Hades cai trị, nơi mà những linh hồn xấu số bị đày xuống để quyết định xem họ sẽ bị tưởng thưởng hay bị nguyền rủa. Có thể nói không có ai lại xuống địa ngục rồi lại thoát khỏi đó nhiều lần như Kratos, trong gần như mọi game God of War nữa chứ. Nhưng đặc biệt nhất phải kể tới lần đầu tiên "xuống âm phủ" của Kratos khi mà vị chiến thần bị Ares giết đúng lúc đến được với chiếc hộp Pandora. Kết quả là Kratos chết và bị đưa xuống âm phủ. Âm phủ trong God of War 2005 được miêu tả là nơi được dựng lên bởi xương và máu với dòng sông Styx chảy bên dưới cùng những linh hồn xấu số rơi từ trên cao xuống. Đương nhiên với ham muốn trả thù tột cùng của mình thì địa ngục cũng chả giữ chân được Kratos. Chiến thần đã vùng dậy 1 cách vô cùng quyết liệt để thoát khỏi địa ngục hết lần này đến lần khác, biến địa ngục trở thành chỗ "dừng chân tạm thời" của Kratos trong cuộc trả thù đẫm máu của mình.
Nếu thần thoại Hy Lạp có địa ngục thì thần thoại Bắc Âu cũng có địa ngục của riêng mình. Và như một thói quen, Kratos lại xuống âm phủ 1 lần nữa, lần này còn dắt theo đứa con trai mình. Theo đó, địa ngục mà trong game gọi là Helheim là nơi mà những người chết không trong danh dự (vì tuổi già, bệnh tật, tai nạn,… bất cứ nguyên nhân nào khác mà không phải chết vì chiến đấu) sẽ bị đày đọa bởi quá khứ của mình. Khác với địa ngục thông thường, không có núi lửa dung nham, tăm tối, ngột ngạt và sức nóng kinh người, Helheim lại là 1 vùng đất lạnh lẽo đầy băng giá và gió cuốn là nơi mà không có ngọn lửa nào có thể thắp lên để soi sáng những linh hồn nơi đây. Và “như mọi khi”, địa ngục của thần thoại Hy Lạp còn không giữ chân được Kratos thì địa ngục của thần thoại Bắc Âu cũng sẽ chỉ là điểm dừng chân tạm thời của 2 cha con nhà chiến thần mà thôi.
Daniel Garner và người vợ thân yêu của mình trong 1 chuyến đi trên ô tô đã gặp phải 1 vụ tai nạn thảm khốc khiến cả 2 qua đời. Trong khi người vợ mình được lên thiên đàng thì Daniel được yêu cầu phải tiêu diệt 4 tên tướng của Lucifer nhằm ngăn chặn chiến tranh giữa thiên đàng và địa ngục. Phần lớn trận chiến trong game là ở những nơi không xác định, nhìn chung chúng đều là những địa điểm bình thường như ở trần gian như nhà hát, công viên, nghĩa trang, làng mạc, ngôi đền, viện tâm thần,… Thế nhưng chúng đều ẩn chứa sự tăm tối và ma mị, như ở thế giới song song với thực tại, có điều thế giới này đầy máu thịt và ác quỷ. Riêng địa ngục sẽ xuất hiện ở màn thứ 4 trong chương 5 của game nhưng thật bất ngờ là thay vì dùng cảnh vật dung nham nóng bức hay ngột ngạt như các tác phẩm thông thường, Painkiller dùng hình ảnh rất khác. Trong một vùng đồng bằng gọi là địa ngục là những cảnh vật thể hiện thảm họa tồi tệ nhất mà con người có thể gặp như chiến tranh, thiên tai... được lưu giữ trong sự ngưng đọng của thời gian. Có thể thấy địa ngục trong Painkiller không có 1 mô típ đơn thuần như chúng ta vẫn thường thấy, nó tùy thuộc khá nhiều vào trí tưởng tượng của mỗi người.
(Còn tiếp)