Ân oán lâu đời
Những cuộc chiến của các thiết bị chơi game console có lẽ chưa bao giờ kết thúc. Kể từ khi Microsoft chính thức gia nhập thị trường console vào năm 2001 đến nay, cuộc đua tranh giữa ông lớn công nghệ của Hoa Kỳ với đối thủ đến Nhật Bản là Sony luôn nhận được sự chú ý đặc biệt của cộng đồng game thủ thế giới.
Nhìn lại thế hệ console thứ 6, Microsoft khi ấy với vị thế của một “vị vua” trên mảng PC đã quyết định lấn sân sang mảng console với thương hiệu Xbox. Cạnh tranh trực tiếp với Xbox ở thời điểm này là 2 đối thủ đầy kinh nghiệm: Gamecube từ Nintendo và PlayStation 2 của Sony. Khép lại “trận chiến”, PS2 của Sony tỏ rõ sự bá đạo khi một mình băng băng về đích với doanh số bán vượt trội hoàn toàn so với 2 đối thủ cạnh tranh.
Tuy nhiên, sự vấp váp ban đầu của thương hiệu Xbox có thể coi là động lực để hệ máy chơi game này lật ngược tình thế ở thế hệ console thứ 7 với Xbox 360. Nếu như Wii của Nintendo một mình một ngựa tung hoành ở thị phần game thủ casual với tính năng cảm ứng khá mới lạ, cuộc đua song mã ở mảng game thủ hardcore giữa PS3 và Xbox 360 lại khốc liệt hơn nhiều.
Với kiến trúc phần cứng dễ phát triển game cùng nền tảng Xbox Live hướng đến việc tạo ra một cộng đồng game thủ chơi console, Xbox 360 tỏ rõ lợi thế so với kình địch PS3. Cỗ máy console của Sony mặc dù sở hữu cấu hình mạnh mẽ hơn đáng kể, nhưng lại khiến các studio sản xuất game phải đau đầu vì kiến trúc phần cứng tương đối phức tạp.
Kết quả, phần lớn các game đa nền chạy trên hệ máy của Microsoft luôn được đánh giá là tốt hơn so với phiên bản PS3. Điều này đương nhiên tác động mạnh đến doanh số bán của cả 2 hệ máy, khi PS3 có khởi đầu khá vấp váp cùng số lượng máy bán ra chỉ ở mức trung bình. Trong khi đó, Xbox 360 có giá bán rẻ hơn luôn ở thế dẫn trước so với đối thủ ở các thị trường như Bắc Mỹ, Anh…Phải mãi đến 2013, khi PS3 đã gần bước vào cuối vòng đời, doanh số bán của hệ máy này mới đuổi kịp Xbox 360 nhờ một loạt tựa game độc quyền đầy chất lượng liên tục được bổ sung vào thư viện game của mình.
Kết thúc trận chiến console thế hệ thứ 7, Xbox 360 mặc dù không phải là hệ console bán chạy nhất, nhưng lại giống như một cú hích lớn giúp Microsoft có được một vị thế nhất định trên thị trường console trước 2 đối thủ cạnh tranh đầy kinh nghiệm từ Nhật Bản là Sony và Nintendo. Hiển nhiên, thành công của Xbox 360 cùng sự đi xuống đầy bất ngờ của thương hiệu Playstation càng khiến cho không ít game thủ chờ đợi vào màn “đại chiến” của PS4 vs Xbox One ở thế hệ console thứ 8.
Khi Sony làm tốt, còn Microsoft “tự bắn vào chân mình”
Cùng ra mắt vào thời điểm trung tuần tháng 11/2013, trận quyết chiến giữa PS4 vs Xbox One dường như đã có câu trả lời cực kỳ rõ ràng sau hơn 4 năm. Theo thống kê của chính Sony, tính đến thời điểm hiện tại PS4 đã bán được tổng cộng 70 triệu máy trên khắp toàn cầu – con số cực kỳ ấn tượng với một hệ máy mới chỉ đi được nửa vòng đời (nếu tính chu kì vòng đời khoảng 10 năm). Ở chiều ngược lại, doanh số của Xbox One lại không được thống kê đầy đủ. Vì một lý do nào đó, Microsoft luôn "né tránh" công bố số lượng máy được bán ra trên toàn cầu kể từ 2015 cho đến nay.
Nhiều chuyên gia nhận định, chính động thái từ chối chia sẻ về doanh số bán của Microsoft phần nào đó cho thấy Xbox đang thất thế trong trận chiến với PlayStation, chí ít về mặt doanh số bán. Theo báo cáo của hãng Electronic Arts ( EA), Microsoft đã bán được tổng cộng hơn 19 triệu máy Xbox One trên toàn cầu tính đến thời điểm cuối năm 2015 – ít hơn một nửa so với đối thủ PS4 vốn bán được gần 40 triệu máy cùng thời điểm.
Trên thực tế, màn trình diễn kém cỏi của Xbox One (so với tiền nhiệm Xbox 360) trước PS4 có rất nhiều nguyên nhân. Quay lại thời điểm năm 2013, màn ra mắt phải nói là thảm họa tại E3 năm đó chính một trong những lý do khiến Xbox One hứng chịu nhiều gạch đá của cộng đồng game thủ. Với việc công bố hàng loạt chính sách không tưởng như bắt buộc Online 24/7, không cho phép buôn bán – trao đổi game cũ cùng giá bán quá đắt (hơn PS4 tận 100$) đã khiến cả Xbox One và Microsoft bị ném đá không thương tiếc.
Chứng kiến đối thủ “tự bắn vào chân mình”, đương nhiên Sony không thể bỏ lỡ cơ hội trời cho. Hãng này nhanh chóng tấn công trực diện vào yếu điểm của Xbox One bằng cách tô vẽ nên hình ảnh của PS4 giống như một vị cứu tinh “vì game thủ, luôn lắng nghe game thủ”. Trên sân khấu E3 2013, PS4 xuất hiện và đưa ra chính sách cực kì thân thiện với game thủ đến mức khó tin: Không yêu cầu kết nối internet, không chặn đĩa 2nd, cho phép game thủ chia sẻ, mua bán đĩa game không giới hạn và không khóa vùng (region lock).
Với Microsoft, mặc cho nỗ lực đính chính lại các chính sách gây tranh cãi của mình sau này, mọi thứ đã là quá muộn cho Xbox One khi không thể cứu vãn nổi hình ảnh trong mắt game thủ. Vào thời điểm đó, một loạt trang tin game trên thế giới đã nhận định, Xbox One đã thua cuộc trước PS4 ngay cả khi trận chiến giữa 2 hệ máy console này còn chưa bắt đầu.
Bên cạnh đó, bản thân định hướng sản phẩm của Microsoft với Xbox One cũng có rất nhiều vấn đề. Ngay từ đầu, mục tiêu mà hãng công nghệ này hướng đến đã là tạo ra một thiết bị giải trí đa phương tiện. Xbox One không chỉ đơn giản mà một chiếc console để người dùng chơi game, mà họ muốn nó phải làm được nhiều thứ hơn nữa. Đó cụ thể là một set-top box, một bộ giải trí đa phương tiện, trung tâm của hệ thống giải trí trong phòng khách.
Với quan điểm cấu hình và hiệu năng chơi game không quan trọng bằng các công nghệ mới như điện toán đám mây, cảm ứng chuyển động (Kinect) hay điều khiển bằng giọng nói, Microsoft đặt niềm tin đây sẽ là những tính năng hút khách của Xbox One so với đối thủ PS4.
Trong khi đó, định hướng sản phẩm của Sony lại hoàn toàn trái ngược. Ngay từ đầu hãng này đã có một mục tiêu đơn giản và rõ ràng: Trình làng một hệ máy console truyền thống có cấu hình mạnh mẽ chỉ phục vụ mục đích chơi game, dành riêng cho đối tượng game thủ hardcore.
Hãy cùng Motgame “cân đo đong đếm” PS4 Pro vs Xbox One X ở các hạng mục khác nhau để xem đâu mới là cỗ máy chơi game tối thượng ở độ phân giải 4K nhé!
Những con số doanh thu 1 năm sau khi 2 hệ máy này ra mắt đã chứng tỏ, định hướng sản phẩm của Sony mới là đúng đắn. PS4 nhanh chóng trở thành hệ máy console bán chạy nhất trên toàn thế giới, thậm chí bao gồm cả thị trường Bắc Mỹ vốn được coi là “sân nhà” của Xbox.
Với Xbox One, định hướng sản phẩm sai lầm đã khiến Microsoft phải trả giá. Những tính năng ban đầu được kì vọng sẽ tạo ra sự khác biệt như cảm ứng chuyển động nhanh chóng bị hãng này bỏ bê, thậm chí lãng quên chỉ sau 1 năm. Chưa hết, với giá bán đắt hơn đối thủ tới 100$ (do bán kèm Kinect), tuy nhiên Xbox One lại có cấu hình phần cứng yếu hơn hẳn so với PS4. Hệ quả, một số tựa game đa nền ra mắt trên Xbox One luôn phải chạy ở độ phân giải – khung hình thấp hơn hệ console đối thủ. Chưa kể đến việc PS4 sở hữu nhiều game độc quyền “đáng tiền hơn”, điều này đương nhiên có tác động đáng kể lên những game thủ trung lập đang băn khoăn nên tậu Xbox One hay PS4.
Xbox One X và cú phản đòn của Microsoft
Nếu coi Xbox One là một thất bại của Microsoft, thì Xbox One X đương nhiên sẽ là một phiên bản sửa sai. Ra mắt với tư cách là một phiên bản nâng cấp cấu hình, Xbox One X đã khắc phục hoàn toàn các yếu điểm trước đây của Xbox One. Máy có kích thước nhỏ gọn hơn, thiết kế bắt mắt hơn và đặc biệt là phần cứng mạnh hơn so với đối thủ cạnh tranh PS4 Pro - phiên bản nâng cấp cấu hình của PS4.
Việc tung ra một chiếc console có cấu hình mạnh mẽ nhất ở thời điểm hiện tại cũng cho thấy định hướng sản phẩm của Microsoft đã thay đổi. Thay vì nhồi nhét các tính năng không cần thiết, Xbox One X mang đến một thông điệp đơn giản tới đối tượng game thủ hardcore: Đây là “cỗ máy chơi game tối thượng”, cho phép bạn được trải nghiệm game ở độ phân giải 4K với mức giá phải chăng thay vì phải tậu những cỗ máy PC đắt tiền.
Thực tế cho thấy, sự xuất hiện của Xbox One X phần nào đó đã thay đổi suy nghĩ của nhiều game thủ console vốn luôn coi PS4 như một sự lựa chọn mặc định khi mua game. Giờ đây, người chơi sẽ phải đắn đo lựa chọn giữa phiên bản PS4 / PS4 Pro hay phiên bản Xbox One X vốn có hiệu năng tốt hơn cùng đồ họa đẹp hơn.
Bên cạnh đó, Microsoft cũng tỏ ra rất biết cách chiều lòng game thủ. Đơn cử như việc hãng này hỗ trợ “tận tình” khả năng tương thích ngược với các game cũ - tính năng PS4 vốn còn đang thiếu sót. Game thủ có thể trải nghiệm thư viện game khá xuất sắc của Xbox 360 trên Xbox One X với độ phân giải, FPS hay thậm chí là các hiệu ứng đồ họa được cải thiện. Đồng thời, tính năng Xbox Play Anywhere cho phép sở hữu thêm phiên bản PC khi mua phiên bản Xbox One (và ngược lại) cũng mang lại giá trị rất lớn cho game thủ.
Tạm kết
Với việc Xbox One X mới ra mắt được một vài tháng, vẫn còn quá sớm để kết luận cỗ máy console này có giúp Microsoft lật kèo thành công trước Sony hay không. Cái cần lúc này của Microsoft là làm sao để giữ chân game thủ bằng cách tạo ra nhiều tựa game dành riêng cho hệ máy này hơn nữa. Tuy nhiên, việc tung ra Xbox One X cũng cho thấy Microsoft đang dần có được những bước đi đúng đắn trong trận chiến với PS4. Còn với game thủ? Chính chúng ta là những người được hưởng lợi nhiều nhất từ những trận “console war” này.