Phụ Lục
Trong khuôn khổ sự kiện GDC 2019 đang diễn ra tại San Francisco, Google đã có một buổi trình diễn riêng cho hành trình vào làng game PC-Console của mình. Đúng như dự đoán của nhiều game thủ, đây chính là bước công bố dự án đã khởi động không lâu trước đây: Project Stream. Dự án này đã được thử nghiệm trong dịp ra mắt Assassin’s Creed Odyssey với sự hợp tác giữa Ubisoft và Google.
Tất nhiên, việc stream một game AAA có đồ họa khủng lên trình duyệt Google Chrome chỉ là bước khởi đầu. Rạng sáng nay, Google đã chính thức hé lộ toàn bộ phần còn lại của Project Stream với tên gọi chính thức: Stadia.
Stadia là một nền tảng chơi game mới được Google thiết kế theo kiểu riêng vô cùng độc đáo. Nó có thể coi như một platform nằm trên các platform khác nhưng cũng có khả năng họat động độc lập.
Dịch vụ Stadia phối hợp nhiều công năng khác nhau giúp cho việc chơi game của người chơi trở nên cực kỳ tiện lợi và hiện đại. Đặc biệt, Google sẽ làm hộ công đoạn khó nhằn nhất trong game PC-Console là xử lý tác vụ chạy game. Tuy nhiên nếu đó là đặc điểm duy nhất thì có lẽ Stadia chẳng có gì đặc biệt, cái đặc biệt của nó nằm ở những thứ diễn ra xung quanh việc “xử lý hộ này”.
Hãy cùng Mọt dạo sơ qua 1 vòng các điểm nhấn mà Google đưa ra sáng nay nhé!
Điểm cốt lõi nhất của Stadia là cung cấp dịch vụ xử lý game sẵn sau đó truyền qua mạng Internet đến máy người dùng. Như đã nói ở trên, Google không dừng lại ở đó khi điểm yếu cố hữu của loại hình dịch vụ này là… mạng lag. Và gã khổng lồ internet này đã mạnh dạn tuyên bố họ có cái mà không ai khác có được: hệ thống máy chủ mạnh nhất và trải rộng toàn cầu. Google tin rằng điều này cùng với kiến trúc thiết kế đặc biệt của Stadia có thể làm giảm tối đa lag tín hiệu đường truyền giúp chơi game mượt như xử lý tại máy của người chơi. Hơn thế nữa Stadia được thiết kế để cung cấp chất lượng hình ảnh 4K/60fps trong thời điểm hiện tại và sẽ nâng lên 8K/120fps trong thời gian tới.
Hệ thống trung tâm của Stadia được Google gọi là Data Center, nó có thể cung cấp một cấu hình cực khủng để xử lý game vì thế có thể “nốc ao” bất cứ tựa game sát phần cứng nào. Theo công bố của Google, mỗi 1 phiên chơi (một game thủ tham gia chơi) của Stadio có sức xử lý đồ họa là 10 Teraflops, bằng sức mạnh đồ họa của cả 2 cỗ máy console cấu hình mạnh nhất thế giới hiện tại là PS4 Pro và Xbox One X cộng lại.
Tất nhiên, phần stream về máy chỉ là phần cốt lõi, Stadia còn có nhiều hơn thế. Google đã biểu diễn 1 màn cực kỳ khó đỡ là chơi 1 màn game trên 4 thiết bị khác nhau. Hệ thống game sẽ tự động bắt đúng khoảnh khắc dừng (save state) của bạn và chuyển nhanh sang thiết bị bạn vừa kích họat để chơi tiếp. Điều này có nghĩa là bạn có thể chơi game không gián đoạn dù có liên tục đổi thiết bị từ laptop sang điện thoại rồi sang PC, sang máy tính bảng và cuối cùng là TV mà không cần phải save hay bấm pause.
Chức năng “save state” này thậm chí còn được Google đẩy lên cao hơn nữa khi bạn có thể xuất bất kỳ khoảng khắc chơi game nào của mình thành một… link. Bạn chia sẻ link này cho bạn bè và khi click vào sẽ sẽ chơi tiếp từ khoảnh khắc đó trở đi. Nhìn chung là xem đến đây, Mọt tui đã chẳng thể tin vào mắt mình, magic!
Bên cạnh đó, Google cũng giới thiệu một thiết bị chơi game riêng là một chiếc controller (tay cầm chơi game) mang tên Stadia Controller. Nó có vẻ ngoài quen thuộc của một tay bấm console nhưng được tích hợp các nút chức năng như bắt nhanh khoảnh khắc chơi, mở trợ lý Google Assistance… Trợ lý ảo này có thể nhanh chóng tìm giúp bạn video hướng dẫn nếu bạn bị… bí đường và nhiều tác vụ hỗ trợ khác, bạn có thể điều khiển bằng giọng nói một cách nhanh gọn.
Stadia không chỉ dành cho dân cô đơn đóng cửa chơi game một mình. Kiến trúc đặc biệt của Data Center giúp việc chơi mạng nhiều người trở nên cực kỳ tối ưu. Thay vì phải đi vòng vèo trên internet để kết nối với nhau, giờ đây người chơi có thể truy cập trực tiếp vào mạng lưới máy chủ Google và đạt được độ trễ thấp nhất. Bạn cũng có thể gia nhập tiến trình chơi của bạn bè bất cứ lúc nào chỉ với 1 click. Đặc biệt hơn, nhờ thiết kế tất cả cùng đấu nối vào Data Center, việc chơi cross-platform là hoàn toàn được hỗ trợ không giới hạn kể cả chuyển save qua lại giữa các hệ máy.
Đặc biệt Stadia hỗ trợ cho các streamer trong công việc của mình khá nhiều với thiết kế mới. Đầu tiên hệ thống sẽ không phải chịu 2 tải cùng lúc là vừa xử lý game vừa tải stream lên mạng. Với việc xử lý nằm trên Data Center, nó sẽ phân tín hiệu ra 2 luồng. Một luồng về máy của streamer để chơi game và luồng “copy” còn lại sẽ tải lên dịch vụ stream như Youtube Gaming. Bạn sẽ chẳng phải lo stream bị lag vì phần cứng quá tải.
Mặt khác, việc chia sẻ link “save state” như đã nói ở trên có thể giúp các streamer hoàn toàn có thể tương tác với khán giả của mình bằng cách gửi link đoạn mình đang gặp khó hay dàn xếp sẵn trong game cho người xem chơi tiếp để giải tình huống. Việc chơi multiplayer gia nhập ngay lập tức cũng sẽ giúp streamer nhanh chóng mời khán giả vào chơi cùng rất dễ dàng.
Nếu chỉ dừng lại ở việc stream hộ các game của các hệ máy khác như PC, Xbox One, PlayStation 4… Stadia sẽ chỉ là một dịch vụ stream bám trên các nền tảng khác. Tuy nhiên Google đã khẳng định Stadia là một platform và Data Center chính là platform đó. Các lập trình viên hoàn toàn có thể dựng game riêng cho Stadia mà không cần phải thông qua các hệ máy khác.
Không những thế Stadia còn hỗ trợ rất nhiều cho các nhà phát triển qua kiến trúc và sức mạnh của hệ thống Data Center. Một khả năng xử lý đồ họa và phá hủy môi trường triệt để theo kiểu cái gì cũng đập bể được. Một hệ thống chơi mạng rộng lớn và tương tác đa dạng, có thể chia một bản đồ ra nhiều phiên chơi khác nhau và có thể giúp các phiên chơi tương tác được với nhau.
Về sức mạnh, nó đạt hiệu năng xử lý 10.7 Teraflops trung bình cho mỗi phiên chơi như đã nói ở trên. Điều này sẽ giúp các nhà phát triển rộng tay hơn trong thực hiện ý tưởng sáng tạo của mình mà không bị giới hạn bởi phần cứng máy chơi game. Đây là một điều nhức đầu của bao thế hệ lập trình game từ thời sơ khai đến giờ, luôn phải tiết chế để chiều theo cấu hình của thế hệ console hiện tại.
Cuối cùng, Google cho biết nền tảng Stadia sẽ chính thức ra mắt torng năm 2019 này và họ sẽ tiếp tục cung cấp thêm thông tin vào mùa hè sắp tới. Điều này có nghĩa là ít nhất phải sau mùa hè năm nay Stadia mới ra mắt và ngày chính xác vẫn chưa được công bố.
Mặt khác, nền tảng này chỉ chạy ban đầu ở một số khu vực nhất định như Mỹ, Canada, Anh, EU. Các khu vực khác vẫn phải chờ, có lẽ là chờ… mạng ổn định.