Phụ Lục
Ý tưởng để game thủ chơi game mà không cần một máy tính khủng đã có từ lâu, và khởi nguồn từ những ngành công nghiệp giải trí khác. Âm nhạc, TV, phim ảnh… đều đã có những nền tảng stream nội dung đến khách hàng, và thu phí hàng tháng để duy trì dịch vụ của mình. Với tiến bộ của công nghệ, nội dung stream chỉ còn bị giới hạn bởi tốc độ của kết nối internet, nên không có gì lạ khi giờ đây Google nhảy vào stream game với Stadia, kèm lời hứa 4k + 60 fps ở kết nối 25 Mbps.
Với những lợi thế riêng của mình, Google tin rằng Stadia của họ có thể thành công trong việc loại trừ những điều cực kỳ khó chịu trong mắt game thủ khi chơi trên stream. Đó là chuyện input lag tạo ra sự tách biệt giữa những gì bạn bấm trên tay cầm với gameplay được hiển thị trên màn hình, là đường truyền chậm khiến hình ảnh không kịp hiển thị, là packet loss làm nhân vật không phản ứng với mệnh lệnh của game thủ,…
Giả sử rằng Google thành công, điều gì sẽ xảy ra? Liệu họ có thực sự tạo ra sự chuyển mình cho ngành công nghiệp game, vốn có phần bế tắc trong thời gian gần đây khi sự chênh lệch giữa lợi nhuận và đầu tư không được như mong đợi, trong khi các biện pháp “đào mỏ” game thủ như DLC, season pass, microtransaction đều bị chỉ trích nặng nề? Hãy để Mọt nói với các bạn một vài điều có thể trở thanh hiện thực nếu Stadia thành công trong việc loại bỏ các chướng ngại kỹ thuật, và tồn tại lâu dài như một phương thức chơi game mới.
PC chơi game, máy console và game đều là những thứ rất đắt đỏ. Game thủ đã quen với việc chi những cục tiền “to, dày, nạc” cho sở thích của mình, từ card đồ họa khủng đến màn hình 144 Hz, từ console mới toanh đến TV ngoại cỡ để chơi game. Nhưng khi đăng ký vào một dịch vụ stream như Stadia, tất cả những chi phí đó bỗng bay hơi. Dù Google chưa công bố phương thức kinh doanh của Stadia, Mọt nghĩ rằng nó sẽ thu phí tháng – hãy cho là họ lấy 30 USD mỗi tháng, một khoản tiền không nhỏ nhưng có vẻ xứng đáng với mức đầu tư và những lời hứa hẹn của Google. Sau đó, bạn cần chi thêm ít tiền cho kết nối internet, đâu đó khoảng 220k/tháng cho một gói dữ liệu 25 Mbps, đủ để chơi 4k – 60 fps theo lời của ông Phil Harrison, giám đốc dự án Stadia của Google.
Để so sánh, một kết nối internet chỉ khoảng 3 Mbps là đủ để chơi những tựa game online truyền thống, theo khuyến cáo của Microsoft. Tại Việt Nam, khoản chênh lệch giữa đường truyền 3 Mbps với 25 Mbps gần như không tồn tại, và game thủ chúng ta được xài thỏa thích bởi không có giới hạn nào về dung lượng. Dĩ nhiên bạn sẽ phải bận tâm đến dung lượng internet khi chơi trên di động qua kết nối 3G hoặc 4G, nhưng chi phí đường truyền này vẫn rất rẻ.
Nhưng đó là chuyện Việt Nam. Tại Mỹ và châu Âu, hai thị trường chính mà Google sẽ cho ra mắt Stadia đầu tiên, internet là một phần tất yếu, nhưng cũng… rất yếu. Nghe buồn cười nhưng đó là sự thật, bởi theo các thống kê về tốc độ internet trong những năm qua, 25 Mbps là con số cao hơn nhiều so với tốc độ kết nối trung bình trên khắp nước Mỹ. Dĩ nhiên khi chơi ở 1080p 60 fps, game thủ chỉ cần tốc độ đường truyền khoảng 1/4 con số này.
Người dùng Mỹ cũng có giới hạn về dung lượng internet họ được phép sử dụng. Một game thủ tham gia vào quá trình thử nghiệm Stadia nói rằng anh mất khoảng 10 – 15 GB dữ liệu mỗi giờ, và giới hạn 1 TB của anh sẽ biến mất chỉ sau khoảng 67-100 giờ chơi. Nếu muốn chơi thỏa thích hàng tháng, game thủ sẽ phải bỏ tiền vào những gói dịch vụ cao hơn, và đắt đỏ hơn rất nhiều, chưa kể đến việc tốc độ đường truyền sẽ sụt giảm sau khi đã sử dụng một lượng dữ liệu nhất định..
Nhưng khoản chi mà người dùng bỏ ra để truy cập Stadia có thể là không đủ để nuôi sống một trò chơi. Khi còn viết về công nghệ, Mọt từng tham khảo nhiều thông tin về Spotify và nhận thấy rằng chi phí 10 USD/tháng mà người dùng bỏ ra để nghe nhạc từ dịch vụ streaming này không giúp gì được cho sinh hoạt của các nhạc sĩ, nghệ sĩ và nhạc công, nhưng ít nhất âm nhạc còn có thể bán đĩa, bán bản quyền sử dụng... Trong khi đó, một tựa game chỉ có một nguồn thu duy nhất từ game thủ của mình, và có lẽ chẳng ai bỏ tiền nhiều lần cho cùng một tựa game.
Trong thời điểm game thủ bỏ 60 USD để mua game như hiện tại, các nhà phát hành vẫn vắt óc tìm cách kiếm thêm, nên khi nguồn thu từ game bị hạn chế lúc game lên Stadia, việc hút máu càng không thể tránh khỏi. Giả sử Google chỉ lấy 30% số tiền mà game thủ bỏ ra hàng tháng, và game thủ chỉ chơi 5 game trong kho game của Stadia. Vậy là mỗi nhà phát triển sẽ chỉ được chia khoảng hơn 4 USD, thua xa so với con số 60 USD hiện tại.
Một giải pháp mà Google lẫn các nhà phát triển có thể sử dụng để nâng cao thu nhập là thu thêm một khoản phí nhỏ cho mỗi tựa game. Điều này là hợp lý – nếu muốn chơi một tựa game bom tấn tốn hàng trăm triệu USD để phát triển, dĩ nhiên game thủ phải chi nhiều hơn so với khi họ chơi một game indie. Nhưng khoản chi này cao thấp thế nào, thu một lần hay nhiều lần? Đây là một bài toán đau đầu, bởi thấp thì không lời, còn cao thì game thủ sẽ chậc lưỡi “thà bố mua game 60 USD.”
Khi Mọt nói rằng mỗi nhà phát triển chỉ được chia khoảng 4 USD trong ví dụ trên, đó chỉ là một con số minh họa. Dĩ nhiên Google sẽ không thể chia đều như thế này, mà phải tăng giảm theo từng trò chơi. Một trong những tiêu chí quan trọng nhất trên YouTube là “số phút xem,” và Google có lẽ sẽ dùng “số phút chơi” để phân chia khoản tiền này. Nghe thì hợp lý, nhưng bên dưới đó là những vấn đề tiềm ẩn mà game thủ sẽ phải đối mặt với Stadia.
Đầu tiên, kiểu chia tiền theo thời gian chơi có thể sẽ dẫn đến một vấn đề mới: các nhà phát triển cố tình kéo dài thời gian chơi của game thủ để kiếm tiền. Điều này chẳng có gì mới (chẳng hạn Ubisoft giảm tốc độ lên cấp trong Assassin’s Creed: Odyssey để bán vật phẩm Permanent XP Boost tăng lượng kinh nghiệm bạn nhận được trong game giá 10 USD), nhưng có thể sẽ trầm trọng thêm khi một trò chơi xuất hiện trên nền tảng của Google. Thời lượng các tựa game sẽ trở nên dài ra theo một cách chẳng lấy gì làm thú vị, nhưng các nhà phát triển phải làm vậy để kiếm tiền. Không phải trò chơi nào cũng có thể miễn phí và ăn tiền nhờ microtransaction như Fortnite.
Hoặc họ sẽ đưa các biện pháp hút máu bằng loot box vào game, theo những phương thức mạnh tay hơn so với những gì chúng ta đang thấy hiện tại. Nếu có điều gì mà Mọt đã học được sau nhiều năm theo dõi làng game, đó là “đừng tin những gì nhà phát triển nói” – không ít lần nhà phát triển nuốt lời hứa “loot box không ảnh hưởng đến gameplay,” từ Pay Day 2 ngày xưa, Battlefront 2 đình đám đến Fallout 76 hiện tại.
Và sau khi viết tất cả những dòng trên, sự hào hứng mà Mọt có được về viễn cảnh “chơi game trên YouTube” bỗng bị dội một gáo nước lạnh. Có vẻ như Stadia chỉ là tương lai của YouTube, chứ không phải tương lai của ngành công nghiệp game. Bỏ tiền mua card đồ họa khủng hay console mới có vẻ không phải là một lựa chọn quá tệ khi so sánh với những gì có thể xảy ra nếu Google thành công khắc phục những trở ngại kỹ thuật với nền tảng stream của mình.