Phụ Lục
Nói tới tốc độ khung hình trên PC, game thủ hẳn sẽ nhớ ngay đến “con số vàng” 60 FPS. Không phải cỗ PC nào cũng có khả năng đạt đến cột mốc này, nhưng nó được xem là mức khung hình có khả năng đem lại cho game thủ một trải nghiệm mượt mà và tuyệt vời nhất trên PC. Vì vậy, những game thủ có điều kiện sẵn sàng “chi tới bến” cho những cỗ PC trị giá hàng chục triệu đồng với mục tiêu 60 FPS, trong khi những người ít tiền hơn cố gắng đạt đến mốc này bằng cách nêm nếm gia giảm các hiệu ứng đồ họa trong game.
Nhưng bây giờ, có lẽ 60 FPS không còn là cột mốc mà game thủ muốn đạt tới. Với tiến bộ của công nghệ màn hình, các màn hình có khả năng quét 75 Hz, 120 Hz, 144 Hz hoặc thậm chí là 240 Hz đã xuất hiện trên thị trường, đáp ứng được tốc độ khung hình cao hơn so với màn hình LCD 60 Hz truyền thống. Sự tồn tại của chúng tạo ra nhu cầu mới cho game thủ. Dù nhiều người vẫn tin rằng 60 (hoặc thậm chí 30) fps là đủ để mắt không thể cảm nhận sự khác biệt, nhưng đại đa số game thủ PC thực sự cảm nhận được sự khác biệt giữa các mức khung hình này, và vì thế loại màn hình 144 Hz hợp túi tiền đang ngày càng trở nên phổ biến hơn cả tại nhà lẫn các tiệm net khủng.
Minh họa cho sự khác biệt giữa 15, 30, 60 và 120 khung hình/giây.
Nhưng “cảm thấy” chỉ là cảm nhận, và rất khó cân đo đong đếm một cách chính xác để đưa ra đáp án cho câu hỏi “tốt hơn đến mức nào?” Thật may mắn là chỉ mới đây, NVIDIA đã tung ra một số kết quả nghiên cứu để chứng minh rằng khi chơi ở tốc độ khung hình cao hơn 60 FPS (trên màn hình có tần số quét cao hơn 60 Hz), game thủ thực sự có lợi thế hơn hẳn. Dĩ nhiên Mọt biết thừa đây là một chiêu quảng cáo để bán card màn hình xịn của NVIDIA, nhưng nó cũng là dịp để chúng ta thực sự thấy được sự quan trọng của phần cứng. Kết quả này cũng có thể được áp dụng trên card đồ họa của AMD và bất kỳ tựa game cần khả năng phản xạ nhanh nhạy nào khác trên thị trường.
Nhưng trước hết, Mọt xin phép… lừa số lượng từ bằng cách nhắc lại sự liên quan giữa sức mạnh card đồ họa với tần số quét của màn hình. Hãy tưởng tượng bạn cần chở quân đi đánh nhau trong một tựa RTS, và chỉ có một chiếc xe có sức chứa 5 người lính. Nếu bạn không có đủ 5 lính mà chỉ có 4, chiếc xe đó vẫn chở được 4 lính đến điểm hẹn với 1 ghế trống. Ngược lại, nếu bạn có 10 lính mà chỉ có 1 chiếc xe, nó sẽ chỉ chở được 5 lính đến điểm hẹn còn 5 lính phải ngồi nhà. Trong ví dụ này, sức chứa của chiếc xe chính là tần số quét của màn hình, còn số lượng lính bạn có chính là số khung hình mà card đồ họa tạo ra được mỗi giây. Card mạnh mà màn hình yếu (tần số quét thấp) thì màn hình sẽ không hiển thị hết được số lượng khung hình mà card tạo ra được, vậy thôi!
Dựa trên hơn 1.000.000 dữ liệu nặc danh thu thập được từ phần mềm GeForce Experience của mình (tức không có số liệu từ game thủ dùng card đồ họa AMD), NVIDIA đã phân tích kết quả của những game thủ trong hai trong số các tựa Battle Royale phổ biến hiện tại là PUBG và Fortnite. Kết quả thu được từ đây cho thấy rằng tỉ lệ hạ gục / chết (Kill/Death – K/D) của những game thủ sử dụng các card đồ họa yếu hơn như GTX 1050 Ti thua xa so với những người dùng card cao cấp như GTX 1080.
Đồ thị trên còn cho thấy rằng sự chênh lệch về K/D giữa game thủ dùng card đồ họa mạnh và card đồ họa yếu càng cách biệt hơn khi thời gian chơi càng nhiều, cho thấy rằng ở mức trình độ càng cao, game thủ có card đồ họa mạnh càng có tỉ lệ chiến thắng cao hơn.
Vậy còn mối liên hệ giữa tỉ lệ K/D với tốc độ refresh của màn hình thì sao? Lại một lần nữa, các game thủ dùng card đồ họa mạnh và màn hình có tốc độ refresh cao có KDA tốt hơn rất nhiều so với những người dùng card thấp và màn hình tần số quét thấp. Trong biểu đồ bên dưới, NVIDIA cho thấy rằng dù dùng cùng loại card đồ họa, tỉ lệ K/D của game thủ tăng theo tần số quét của màn hình: khi dùng card RTX 20xx mới và màn hình 60 Hz cổ điển, tỉ lệ K/D chỉ tăng 17% so với khi dùng 1050Ti + màn hình 60 Hz, nhưng nếu chiếc RTX 20xx được đi kèm màn hình 144 Hz, tỉ lệ K/D tăng tới 51%.
Tại sao tần số quét và hiệu năng của card đồ họa ảnh hưởng đến kỹ năng của bạn trong game? Rất đơn giản, bởi nó giảm bớt thời gian từ lúc bạn thực thi động tác đến khi bạn thấy động tác đó được nhân vật thực hiện trên màn hình. Theo các số liệu của NVIDIA, một tựa game bình thường cần khoảng từ 5 đến 15 mili giây (tức 15/1000 giây) để xử lý lệnh điều khiển của game thủ, sau đó card màn hình và màn hình mới tham gia vào quá trình dựng và hiển thị hình ảnh. Nếu bạn chơi trên màn hình 60 Hz, nó chỉ hiển thị tối đa 60 FPS, card đồ họa sẽ bắt bạn chờ thêm 16,7 mili giây, nhưng nếu chơi trên màn hình 144 Hz và card đồ họa đủ sức gánh 144 fps, bạn chỉ phải đợi thêm có 7 mili giây.
Nghe thật nhức đầu, phải không? Nếu không có hứng thú với những con số này, bạn chỉ cần biết rằng các game thủ chuyên nghiệp đã ưa chuộng các loại màn hình có tần số quét 120 Hz, 144 Hz, 240 Hz từ lâu, và giờ đây NVIDIA đưa ra cách cân đo mức độ quan trọng của chúng. Các game thủ chuyên nghiệp luôn muốn được tập luyện và thi đấu trên máy khủng, màn hình xịn, trong khi một số streamer thậm chí còn dùng thêm một PC khác để stream nhằm dành 100% sức mạnh xử lý của dàn máy chính cho trò chơi.
Dĩ nhiên là phần cứng khủng không thể thay thế được cho kỹ năng của bạn mà chỉ có thể giúp bạn chơi gần sát hơn với trình độ thật của mình. Ngay cả khi đã có máy khủng và màn hình tần số quét cao, một game thủ casual bắn CSGO 30 phút/ngày sẽ vẫn chẳng thể nào đọ được với các pro luyện tập hàng chục giờ mỗi tuần ngay cả khi họ dùng onboard cổ lỗ sĩ. Nhưng dù sao đi nữa thì sau khi thực hiện xong bài viết này, Mọt tui đang cân nhắc chuyện “đập nồi bán sắt” để mua card đồ họa mới nhằm cải thiện điểm số trong Apex Legends đây.