Phụ Lục
Stadia, nền tảng cloud gaming mới của Google có lẽ sẽ là thứ thay đổi cách chúng ta chơi game trong tương lai. Được sếp Google là ông Sundar Pichai gọi là nền tảng chơi game cho mọi người, Stadia cho phép chúng ta chơi game trên bất kỳ thiết bị nào có màn hình và kết nối mạng. Bạn không cần phải có card đồ họa mạnh mẽ, CPU trâu hay dung lượng RAM khủng, mà thậm chí cũng chẳng cần đến vài chục GB ổ cứng để chứa trò chơi.
Nền tảng này thực ra không mới. Trước Google, đã có nhiều công ty bước chân vào lĩnh vực game streaming (tức stream hình ảnh game đến máy của game thủ, chứ không phải stream kiểu Twitch) từ lâu. Dù đại đa số các dịch vụ này đều đã… chết, vẫn có những kẻ trụ lại được như PlayStation Now của Sony, Geforce Now của NVIDIA, Steam Link của Valve; và một số dự án sắp ra mắt như Project xCloud của Microsoft. Tuy nhiên, Google lại khác – họ là gã khổng lồ chiếm lĩnh một phần rất lớn các hoạt động internet khắp thế giới, và sở hữu YouTube, điểm đến đầu tiên của game thủ toàn cầu khi muốn xem nội dung game.
Stadia sẽ hoạt động như thế nào? Nếu thích một trò chơi, bạn chỉ việc click vào nút “Play Now” trên YouTube và Stadia sẽ cho bạn thưởng thức trò chơi ngay lập tức - "chơi game trên YouTube" đúng nghĩa đen. Bằng cách sử dụng sức mạnh xử lý của những máy chủ Google đặt ở nhiều địa điểm trên khắp thế giới, Google sẽ nhận lệnh điều khiển từ thiết bị của game thủ, xử lý lệnh, dựng hình và gửi hình ảnh đó qua kết nối internet đến màn hình của bạn. Google có tính năng Crowd Play cho phép một nhóm bạn cùng chơi với nhau, hoặc các fan chơi cùng YouTuber mình yêu thích.
Tất cả những gì bạn cần để chơi game là màn hình, kết nối internet và thiết bị điều khiển, có thể là tay cầm controller, màn hình cảm ứng, chuột + phím quen thuộc hay tay cầm thiết kế riêng cho Stadia của Google. Nó đẩy việc chơi game mọi lúc mọi nơi lên một tầm cao mới: khi cầm điện thoại trên tay, bạn vẫn có thể “chiến” các tựa game PC khủng cùng bạn bè, chứ không bị bó buộc vào một phiên bản mobile nào nữa.
Với các game thủ PC như chúng ta, sức hút chính của Stadia cũng như các nền tảng cloud gaming khác sở hữu không nằm ở chỗ chơi mọi lúc mọi nơi, mà ở chỗ không cần phải lo ngại cấu hình. Google nói rằng khi một tựa game tồn tại trên Stadia, game thủ không cần phải lo ngại về cấu hình máy. Các máy chủ Stadia của Google sẽ được xây dựng với card đồ họa đặc biệt do AMD phát triển riêng cho Stadia, với sức mạnh xử lý 10,7 teraflop (nghìn tỉ phép tính/giây), mạnh hơn Xbox One X hay PS4 Pro hiện tại và tương đương với RTX 2080 (lần lượt là 6 teraflop, 4,2 teraflop và 10,1 teraflop). Mỗi game thủ cũng sẽ được phục vụ bằng một CPU 2,7 GHz và 16 GB RAM.
Trong buổi công bố của mình, Google đã thể hiện việc chơi Assassin’s Creed Odyssey trên Stadia sẽ ra sao, và khả năng chuyển đổi trơn tru từ PC sang điện thoại, sang smart TV nhanh chóng và dễ dàng như thế nào. Nếu chơi trên chiếc tay cầm mà Google thiết kế riêng cho Stadia, bạn còn có thêm hai nút bấm để stream cuộc chơi của mình lên YouTube, hoặc nhờ sự giúp đỡ của Google Assistant để tìm mẹo chơi nếu gặp những thử thách không vượt qua được. Chiếc tay cầm này được kết nối trực tiếp với server của Google qua Wi-Fi, điều được Google hứa hẹn sẽ giảm bớt input lag, điều mà game thủ luôn lo ngại khi chơi game trên các dịch vụ cloud gaming tương tự.
Nền tảng của tất cả những gì được Google khoe hàng trong buổi công bố Stadia là cơ sở hạ tầng internet của Google trên toàn cầu, thứ mà không một dịch vụ nào khác có được. Họ mong muốn đem lại cho game thủ trải nghiệm game ở 4K, 60 FPS trên đường truyền 25 Mbps khi Stadia chính thức ra mắt, một tốc độ hiện tại đã phổ biến trên các thành phố lớn của Việt Nam. Stadia cũng sẽ sẵn sàng cho “bất kỳ thứ gì xuất hiện trong tương lai,” theo trailer giới thiệu của Google.
Trong thời điểm hiện tại, chỉ mới có Assassin’s Creed Odyssey của Ubisoft được vận hành trên Stadia, nhưng nền tảng này sẽ sớm được bổ sung những tựa game khác. Bên cạnh Assassin’s Creed Odyssey, một trong những tựa game đầu tiên xuất hiện trên Stadia sẽ là Doom Eternal, tựa game nói về chuyến du lịch của ác quỷ trên Trái đất và tên phá bĩnh Doom Slayer.
Thật ra, không chỉ game thủ mà cả nhà phát triển cũng không cần phải lo ngại về cấu hình máy khi game xuất hiện trên Stadia. Họ không cần phải bỏ thời gian cân chỉnh và thử nghiệm các hiệu ứng đồ họa trên hàng chục loại card khác nhau, hàng trăm cấu hình máy và vô vàn kiểu phần mềm mà game thủ sử dụng, mà chỉ cần tối ưu trò chơi cho Stadia. Mọt nhìn thấy một tương lai tươi sáng cho Crytek trên nền tảng này: họ có thể tha hồ nhồi nhét những hiệu ứng đồ họa khủng bố nhất, bá đạo nhất cho Crysis 4, Crysis Remake hay bất kỳ tựa game “sát thủ phần cứng” nào khác, và không phải lo game sẽ “fail sấp mặt” vì card đồ họa của game thủ không đủ sức gánh trò chơi.
Ngay cả những người làm game tay mơ, indie cũng có thể đóng góp cho Stadia bằng những công cụ AI mới của Google. Bằng cách để AI này học hỏi hàng trăm phong cách hội họa khác nhau, các nhà làm game có thể “hô biến” trò chơi của mình từ những mô hình khung lưới (mesh) đơn điệu thành các bức họa trừu tượng của Van Gogh hay… Pacman cổ điển. Tất cả những gì nhà phát triển cần làm là thả một bức hình của phong cách đồ họa họ muốn vào khung cảnh, và AI sẽ tự động mô phỏng theo. Nó giúp cắt giảm mạnh chi phí dựng hình trong công tác làm game. Nhà phát triển thậm chí còn có thể lấy link của một đoạn ngắn trong game và chia sẻ nó như một kiểu demo, và khi game thủ click vào link này, họ sẽ được chơi đúng đoạn đó trên server Stadia của Google.
Hiện tại, đã có hơn 100 studio nhận được Dev Kit để làm game cho Stadia. Các tựa game hiện có trên PC sẽ không thể chạy ngay trên Stadia, mà nhà phát triển cần phải “chuyển hệ” trò chơi cho nền tảng của Google. Các studio lớn có thể làm điều này dễ dàng, còn các studio nhỏ hay indie có thể nhờ Google giúp đỡ. Google đã thành lập Stadia Games and Entertainment do bà Jade Raymond, một cựu binh dày dạn kinh nghiệm từng phát triển những tựa game như The Sims Online, Assassin’s Creed 1 + 2 + Bloodlines, Splinter Cell Blacklist, Watch Dogs,… dẫn đầu. Studio này chịu trách nhiệm tự làm game cho Stadia, đồng thời cũng hỗ trợ các nhà phát triển khác trong việc chuyển hệ game của họ lên Stadia.
Với tất cả những thông tin mình được nghe trong buổi công bố đêm qua, Mọt rất hào hứng muốn được dùng thử Stadia ngay lập tức, nhưng còn có rất nhiều câu hỏi chưa được Google công bố đáp án trong thời điểm này. Liệu chúng ta sẽ phải trả phí tháng để được chơi game trên YouTube qua Stadia như YouTube Red, hay miễn phí? Liệu dịch vụ này có quảng cáo mỗi 3 phút như khi xem YouTube? Các nhà phát triển sẽ thu lợi như thế nào từ game trên Stadia? Các YouTuber có thể tham gia vào nền tảng này và đặt nút Play Now trên video của mình một cách tự do hay không, hay phải thông qua quá trình tuyển chọn của Google? Liệu game thủ dùng iPhone có được đăng nhập vào dịch vụ này khi iOS và Android là đối thủ truyền kiếp?
Mọt không biết, và có khi đến Google cũng chưa biết. Stadia cũng chưa có ngày phát hành chính thức ngoài con số 2019 quen thuộc, và Google hứa hẹn sẽ tiết lộ thêm thông tin mới trong mùa hè này. Khi ra mắt, Stadia sẽ “đụng đầu” với xCloud của Microsoft, một dịch vụ chưa có tên của Amazon, và những nền tảng khác đã tồn tại như PS Now hay Steam Link. Liệu những ưu thế mà Google sở hữu có giúp đứa con cưng của Google tỏa sáng? Mọt sẽ “dài cổ, chống mắt” chờ đợi ngày phát hành của nó.