Nếu đã từng chơi qua những phiên bản GTA đầu tiên (như GTA, London 1969, GTA 2), game thủ sẽ dễ dàng nhận ra Shakedown: Hawaii là một phiên bản cải tiến của GTA. Trò chơi có hình ảnh đẹp hơn (dù vẫn 2D) và gameplay vứt bỏ yếu tố nghiêm túc để tập trung vào những nhiệm vụ "bẩn bựa". Nó vẫn là một tựa game lấy đề tài tội phạm, có một thế giới mở khá tự do để game thủ quậy, nhưng hơi khác với GTA là thay vì lập nên một đế chế tội phạm, mục tiêu của Shakedown: Hawaii là cứu vãn một công ty đang bên bờ vực phá sản.
Trong Shakedown: Hawaii, game thủ sẽ điều khiển 2 nhân vật là một cặp “cha nào con nấy.” Ông bố là chủ nhân của một tập đoàn lớn, nổi tiếng nhờ quyển sách “Tôi Đi Tắm Biển Còn Công Ty Của Mình Tự Vận Hành,” còn ông con là một DJ tự phong nhưng đã 10 năm chưa chạm đến bàn mix nhạc mà chỉ biết xài tiền của bố. Điều gì phải đến sẽ đến: tập đoàn của họ sắp phá sản bởi những mô hình kinh doanh mới như stream video, mua hàng online… toàn những thứ mà ông bố già không thể hiểu được.
Bởi không muốn đánh mất lối sống xa hoa của mình, cả hai quyết định cứu vãn công ty - không phải bằng mọi giá, mà bằng những phương pháp kinh doanh… bẩn thỉu nhất mà bạn có thể nghĩ ra trên hòn đảo Hawaii đầy nắng gió. Do có bối cảnh kinh doanh nên các nhiệm vụ mà game thủ được giao trong game đều xoay quanh một mục tiêu duy nhất là kiếm tiền, và được nhà phát triển nhồi nhét thật nhiều gia vị hài hước.
Phương thức kiếm tiền đơn giản nhất trong game là… thu phí bảo kê, một “kỹ năng” được mở khóa rất sớm trong game. Có nhiều cách để thực hiện công việc này và chúng đều rất đơn giản. Game thủ có thể phát truyền đơn nói xấu buộc chủ cửa hàng phải “thần phục,” đập phá cửa hàng hay đánh nhau với băng nhóm khác để giành quyền bảo kê, nhưng nếu muốn bắt tất cả cửa hàng trên đảo phải về dưới trướng của mình, bạn sẽ phải làm điều này… 84 lần. Bù lại, nó sẽ đem về cho công ty một lượng tiền khủng mỗi ngày để thỏa sức chi xài theo ý thích.
Kinh dị và tởm lợm là những gì mà bạn sẽ được trải qua trong A Plague Tale: Innocence, một tựa game với phản diện là cả một đống chuột hôi rình.
Chi xài như thế nào? Người nghèo mua hàng, còn người giàu mua… cửa hàng. Game thủ có thể mua bất kỳ cửa hàng nào mình đang bảo kê để thu nhiều tiền hơn, chưa kể những khoản lợi nhuận khủng mà bạn sẽ có được khi trở thành kẻ độc quyền trong một lĩnh vực nào đó. Ví dụ: khi đã sở hữu toàn bộ 7 tiệm tạp hóa (grocery) trong game, bạn sẽ được nhân đôi lợi nhuận từ các cửa hàng này. Tương tự, bạn có thể mua 6 tiệm ô tô, 15 cửa hàng tiện lợi để giành lấy thế độc quyền trong những lĩnh vực đó.
Nếu khéo léo lợi dụng các biện pháp kiếm tiền mà trò chơi cung cấp, chỉ sau một thời gian ngắn, toàn bộ hòn đảo Hawaii trong game sẽ trở thành của bạn theo đúng nghĩa đen. Tất cả mọi công trình trong game đều có thể bị mua lại, gia tăng thu nhập của công ty và biến hai bố con thành những kẻ giàu sụ, bên cạnh những trò kiếm tiền đểu cáng kiểu đổi nhãn hiệu nước ngọt dỏm thành “thức uống cho game thủ” hay bán hộp mực cho máy in.
Nhưng hệ thống nhiệm vụ trong game không chỉ xoay quanh việc kiếm tiền để đi shopping, mà còn có những nhiệm vụ chiến đấu và platform. Bạn có thể phá hoại các xe giao hàng của đối thủ để tăng doanh số cho shop của công ty, hay đơn thuần là tham gia các show truyền hình thực tế kiểu đập thùng, phá xe hơi để lãnh thưởng. Các loại vũ khí mới sẽ được mở khóa khi bạn mua thêm các cửa hàng vũ khí, đủ để đem lại gameplay thú vị kết hợp giữa lái xe kiểu arcade đơn giản với bắn súng khá giống GTA. Các nhiệm vụ này đều rất ngắn gọn và vui nhộn, nhại lại rất nhiều tựa game thời 8bit cổ điển cũng như các bộ phim hành động ngày xưa.
Dù game chỉ có đồ họa 2D, Shakedown Hawaii cũng có tính năng tùy biến nhân vật thường thấy trong các tựa game thế giới mở khác. Game thủ có thể thay đổi kiểu tóc, giày dép, quần áo và màu sắc của chúng qua các cửa hàng nằm rải rác trên cả hòn đảo, và biến ông già “hết đát” thành tay chơi sành điệu hay thằng con trời đánh thành cậu ấm lịch lãm (chỉ về mặt ngoại hình).
Trò chơi cũng có một nhược điểm đáng nhắc đến. Khi tập trung vào việc kiếm tiền, game thủ có thể càn quét toàn bộ Hawaii chỉ trong khoảng vài giờ và kiếm hàng triệu USD mỗi phút, nên về cuối game game thủ chẳng còn cần phải chú ý đến mặt kinh tế. Vì vậy sau khi đã sở hữu cả hòn đảo, Shakedown Hawaii biến thành một tựa game hành động 2D thuần túy chỉ lái xe và bắn phá. Mảng hành động của trò chơi không hẳn là tệ nhưng khi phải lặp đi lặp lại các hoạt động này quá nhiều, Mọt cảm thấy nó khá nhàm chán và không thật hấp dẫn để giữ chân người chơi.
Nhìn chung, Shakedown: Hawaii là một tựa game nhỏ nhưng vui nhộn và chơi được nếu bạn cần tìm một phiên bản đơn giản hơn của GTA. Nội dung của trò chơi chẳng có gì sâu sắc hay đáng phải suy ngẫm, nhưng Mọt tin rằng khi tìm đến với những tựa game indie như thế này, bạn chỉ cần có những phút giải trí “tắt não” mà thôi.