Cái ông Mọt Biến Thái đồng nghiệp của tui đã từng mang đến cho bạn rất nhiều món game lạ từ cổ chí kim qua các loạt bài trước đây. Nhưng càng tìm hiểu chúng ta lại càng phát hiện thêm nhiều ý tưởng “thần thánh” khuất mặt khuất mày đâu đó trong các hốc kẹt của làng game này.
Với mục tiêu tiếp tục tìm ra những tựa game lạ lùng mà đôi khi bạn cũng chẳng hiểu tại sao nó lại bán được, thậm chí có game bạn chẳng biết nó chơi với mục đích gì nữa, Mọt tui lại tiếp tục sục sạo để mang đến cho bạn những kiến thức sâu thẳm của làng game. Hãy thử điểm ra xem có ai “đồng cảm” với nhà phát triển mà hiểu được ý tứ sâu xa của chúng không nhé!
Thời đại ngày nay, người ta thường làm game để bày tỏ sự đồng cảm với những nạn nhân của nhiều căn bệnh quái ác như ung thư, tâm thần phân liệt, trầm cảm, thậm chí cả Covid-19. Nhưng từ tận năm 2010 đã có một tựa game indie được tạo ra (có lẽ) với hình ảnh của những người bị chột bụng trong tâm khảm của nhà làm game.
The Curse of the Chocolate Fountain là một sản phẩm gây tiếng vang kha khá trong cộng đồng game indie thời điểm nó được giới thiệu, thậm chí nó còn được gửi cho Pewdiepie chơi thử và từ đó danh tiếng vang lừng. Nội dung của nó? Bạn là một thằng cha bị tiêu chảy nặng đến mức nó cho anh ta bay như một chiến đấu cơ phản lực thế hệ thứ 4 mà ở thời điểm đó các cường quốc quân sự đang bóp trán để hoàn thiện.
Kẻ địch của anh chàng đang bay bằng động cơ “phân” lực này là gì? Chim!
Trong lúc bay anh ta phải “lèo lái” lực đẩy từ lỗ hậu của mình để tránh né cáng đàn chim, ngỗng và sau đó thì số phận tặng cho anh ta cả phát xít và người ngoài hành tinh. Thật may có một con chim cú từ xa cảm thấy ngưỡng mộ tài bay lượn bằng cơ vòng hậu m… à mà thôi, nói chung là nó thấy hay nên bay đến cho lời khuyên giúp anh chàng này vượt qua các thử thách.
Thật đáng tiếc do dự án indie này dù nổi tiếng nhưng lại được phát miễn phí trên kênh của tác giả mà không tham gia shop bán game nào nên đến nay bản cài của nó gần như đã mất, rất khó để tìm tải về chơi. Mọt tìm thấy một tí qua google nhưng trông không chắc ăn lắm, sợ kéo phải virus về thì khốn nên thôi cứ để nó trong bảo tàng vậy.
Nói đùa thôi, đó là câu mà người phương Tây hay nói với trẻ con để giúp chúng nhận dạng bố mẹ. Nhất là ở cái thời đại công nghiệp tất bật này có những phụ huynh chỉ thấy mặt con vào… cuối tuần.
Trở lại vấn đề, Who's Your Daddy là một trò chơi đối kháng 1 đấu 1. Chính vì vậy mà mặc dù nó là một tựa game nói về tình cảm cha con nồng thắm như hầu như méo ai dám để nó lên vinh danh trong ngày của cha cả. Đây là một cuộc đối đầu sinh tử đúng nghĩa giữa 2 người chơi trong cơ chế người xây – kẻ phá.
Một người chơi sẽ vào vai ông bố, đi khắp nhà vừa trông chừng thằng con mới biết bò vừa giấu hết dao kéo và các thứ nguy hiểm đi. Còn thằng con? Người chơi vào vai thằng bé quỷ quái sẽ có một số giới hạn như chỉ có thể bò, không với lên cao được và nhiệm vụ duy nhất của nó là… tìm cách gây ra tai nạn có thể làm mình mất mạng. Với sự sáng tạo của mình, người vào vai con sẽ có đủ thứ sáng kiến chơi ngu để làm chính mình thiệt mạng trong khi kẻ vào vai ông bố sẽ có những bài học hữu ích cho việc làm cha mẹ của một đứa trẻ hiếu động.
Thật là một game phù hợp cho giải trí gia đình, trừ mấy màn thằng con chết vì tai nạn hơi ám ảnh tí. Game vẫn còn trên Steam, nếu bạn cảm thấy tò mò có thể vào xem thử.
Thực ra trước khi Fall Guys ra mắt với các trò chơi khăm nhau của mấy gã biến thái mặc đồ hạt đậu chơi Wipe Out tập thể thì Who's Your Daddy đã làm sẵn một đấu trường để chơi khăm trực tiếp 1 vs 1. Nghĩ cũng thật may là trong Fall Guys không có vai mẹ của mấy hạt đậu, nhỉ?
Con game phát hành năm 2010 mà Mọt Leo Cây tui đề cập sau đây có thể khiến bạn nhận ra ngay lập tức rằng nó là một game rác vừa thừa thãi vừa vô nghĩa. Mà nó thừa thãi với vô nghĩa thật đấy!
Game tên là Cow Clicker, vốn là một game dành cho Facebook trong thời kỳ bùng nổ social game nhiều trước đây. Nhưng thay vì sinh ra những siêu phẩm như Hay Day, Farm Ville, Khu Vườn Trên Mây thì Cow Clicker cho phép bạn nuôi một con bò và mỗi 6 tiếng bạn có thể click nó một lần. Các click này sẽ tính là điểm và bạn sẽ dùng nó để mua skin ngộ nghĩnh cho chú bò hay quyền gia hạn thời gian, hoặc bạn cũng có thể… nạp tiền để mua chúng. Vì là game mạng xã hội nên tất nhiên Cow Clicker có chức năng mời bạn bè và tương tác với nhau lấy điểm.
Thật khó ngờ một tựa game chán ngắt như vậy lại cực kỳ thịnh hành và được lan truyền rộng rãi. Người ta dùng nó để troll bạn bè như cách mà họ mời nhau chơi Flappy Bird sau này vậy. Thậm chí nó còn có một website riêng kể về lịch sử vinh quang này. Game tồn tại cho đến 2019 thì bị dừng vì Facebook cập nhật lại cấu trúc và chủ nhân của nó cũng chẳng buồn duy trì nữa.
Suốt 9 năm có hàng ngàn người cứ chờ 6 tiếng lại mở Facebook Game click 1 cái, bạn có tin nổi độ rảnh này không?
Vào năm 1990, người ta đã có ý tưởng rằng hãy biến ca sĩ huyền thoại đang trên đỉnh danh vọng Michael Jackson thành một siêu anh hùng hành động võ thuật, thế là Michael Jackson’s Moonwalker ra đời. Thành thật mà nói đây là một game được làm khá tốt, từ gameplay đến thiết kế màn chơi, nhìn chung xem clip thôi mà cũng thấy đã tay rồi.
Nhưng cái để liên kết hình tượng ca sĩ nhạc Pop vào một game đập phá tan hoang, tưng bừng khói lửa này thì có vẻ hơi… kỳ quái. Cái game lạ này lấy nhân vật chính là (tất nhiên) Michael Jackson trong bộ vest trắng cùng mũ giày đúng chất của ông hoàng nhạc Pop. Anh ta sẽ gồng kỹ năng bằng cách… moonwalk và bắn nó vào kẻ địch y như cách Megaman làm sau này.
Chàng ca sĩ này sẽ đi vào những khu phức tạp nhất như hang ổ tội phạm, khu ổ chuột để cứu những đứa trẻ bị bắt cóc và chống lại hàng loạt kẻ thù từ đầu trộm đuôi cướp, mafia bắn súng laser đến máy móc, drone, người ngoài hành tinh. Thỉnh thoảng anh nhặt được một chú khỉ đi lạc và… biến thành siêu robot với kỹ năng bắn phá hủy diệt.
Mọt Leo Cây tui không ngờ âm nhạc lại có sức ảnh hưởng vật lý đến thế, lại càng không thể nghĩ một con khỉ đột lại có power up mạnh mẽ đến thế. Cái game lạ lùng này được phát hành bởi chính SEGA trên hệ máy Mega Drive của họ và nó cũng xếp thứ 91 trong top 100 game hay nhất của hệ máy này.
C.Kane là một game indie theo dạng JRPG cực kỳ khó hiểu do Paul Harrington phát triển. Đầu tiên cái tên C.Kane của nó có vẻ là lấy cảm hứng từ bộ phim Citizen Kane năm 1941 và… chẳng có liên quan gì tới nội dung game. Thứ 2, game chơi trên đồ họa 2D hiện đại nhưng màu… trắng đen, một thứ cực kỳ quái dị. Nếu game 8bit kiểu 4 nút chỉ có 2 màu trắng và đen thì còn đỡ hại mắt trong khi game này dùng đồ họa hiện đại nên nó còn có các dải màu xám nữa, nó khiến khung cảnh trông rất là khó chịu và… nửa vời.
Nhân vật chính sẽ sống trong một thế giới vừa cổ vừa kim vừa fantasy khi bản thân làm nghề nhà báo nhưng có thể nói chuyện với cây, heo, khủng long, cá mập. Cái quái nhất của game này chính là phần nhạc nền với beat rất lạ, hầu hết là các bài hát. Nếu ở trong làng bạn sẽ nghe một bài ca êm dịu nhưng được phối khá là bựa, còn nếu ở world map bạn sẽ nghe một bài rap còn khó đỡ hơn.
Nhìn chung đây là một tựa game dạng nghịch phá làm ra để troll nhau cho vui. Nhưng nếu bạn có hứng thú muốn chơi thử, nó vẫn còn tồn tại trên Steam với đầy đủ thông tin, thậm chí miễn phí cho bạn tải về thoải mái.
Chúng ta sẽ tạm dừng ở đây, Mọt tui sẽ tiếp tục danh sách các game lạ lùng mà mấy cái đầu bệnh bựa cũng như đầy “sáng kiến” của làng game từng nghĩ ra. Hãy cùng đón xem phần kế tiếp nhé!