Nếu bạn cảm thấy NIOH và Dark Souls quá khó và chỉ thuần về chặt chém (hack & slash), thì có thể đổi gió với Hellblade – Senua’s Sacrifice để có thể cảm nhận sự kết hợp giữa dòng game đi cảnh giải đố và hành động chặt chém.
Cốt truyện nhuốm màu thần thoại Bắc Âu
Hellblade: Senua's Sacrifice được phát triển bởi team Ninja Theory vốn rất thành công với những game đình đám trước đây là Heavenly Sword và Devil May Cry. Lần này Ninja Theory đem đến một cốt truyện nhuốm màu bi thương và phức tạp dựa trên nền tảng của thần thoại Bắc Âu. Nhân vật chính của chúng ta là Senua một nữ chiến binh người Celt, trên đường đến vùng đất Helheim, xứ sở của cõi âm để giải thoát cho linh hồn của Dillion là thầy và cũng là chồng mình cùng cha mẹ.
Nữ anh hùng hay… bà khùng?
Senua chắc chắn không phải là một cô gái bình thường. Nhà sản xuất đã hé lộ về việc mời những chuyên gia về tâm thần để cố vấn xây dựng game mô tả đúng diễn biến của một người bị bệnh tâm thần. Sự thật là sau biến cố gia đình cô đã rơi vào trạng thái của một người bị san chấn tâm lý đang chơi vơi giữa tỉnh và điên vì vậy suốt cuộc hành trình bạn sẽ cảm thấy nhiều yếu tố phi thực tế, cứ như trong một cơn ác mộng.
Có nhiều giọng nói trong đầu Senua thể hiện các nhân cách từ sợ hãi, diễu cợt đến dũng cảm
Có nhiều giọng nói thúc đẩy Senua trong suốt hành trình, ngay cả khi đang đi trên đường cô cũng tự nói với mình rất nhiều. Nếu bạn đi bên cạnh cô ấy hẳn bạn sẽ rất lạnh gáy vì 1 cô gái vừa đi vừa lảm nhảm nói chuyện một mình và thỉnh thoảng gọi tên hay trò chuyện với ai đó “khuất mặt”.
Có thể nói chi tiết này là một gia vị hoàn thành xuất sắc hương vị của món ăn Hellblade: Senua's Sacrifice. Chính nhờ chi tiết này mà các diễn biến trong game dù phi lý cũng trở nên hợp lý đến không ngờ.
Combat vừa phải, đủ thử thách
Suốt chặng đường tìm lại người thân của mình, Senua phải đụng độ nhiều kẻ thù vừa mang màu sắc thần thoại vừa mang kiểu cách ma quỷ. Chức năng combat chính là cái giúp nữ chính của chúng ta vượt qua chúng.
Chiến đấu được mô phỏng rất thật trong Hellblade: Senua's Sacrifice
Chiến đấu trong game có độ khó ở mức trung bình, chủ yếu dựa vào chuỗi “phòng thủ - phản công” căn bản của các game nhập vai như Middle Earth: Shadow of Mordor hay The Witcher. Phòng thủ thông thường sẽ chỉ đỡ đòn thụ động nhưng khi bạn ấn nút phòng thủ đúng khoảnh khắc kẻ địch tung đòn sẽ có tác dụng làm choáng kẻ địch trong 1 giây và đây chính là lúc để phản đòn.
Mặc dù biết tới Nioh hơi muộn, nhưng cảm xúc của tôi vẫn nguyên vẹn cực kỳ khi vừa chơi vừa nhai đậu xanh cùng rau má mà vẫn nằm sấp liên tục.
Trong tấn công, Senua có các đòn đánh thường, đánh “lực”, đạp lùi kẻ địch và các combo mạnh mẽ như chạy từ xa và chọc thẳng gươm vào kẻ địch. Tất cả những đòn này cung cấp cho bạn một kho hành động khá đủ để “hành” bọn tép riu cản đường. Boss vẫn có những tiến trình tấn công lặp lại nên bạn có thể dễ dàng “bắt bài” qua vài đợt đụng độ.
Độ khó của combat sẽ tăng lên khi có nhiều kẻ địch xuất hiện cùng lúc, với cách chơi đối kháng phòng thủ - phản công thì việc bị bao vây sẽ khiến bạn chống đỡ rất vất vả. Nếu bạn từng chơi qua Shadow of Mordor sẽ hiểu cảm giác đánh nhau số đông bằng cơ chế phòng thủ - phản công nó bấn loạn và ức chế ra sao. Mặc dù vậy nó mô phỏng rất tốt combat thật trong chiến đấu với các bước né đòn, phản đòn, side step. Càng vào sâu trong game khả năng combat của bạn sẽ càng tốt và thực hiện được nhiều combo phức tạp hơn.
Khi vào combo sẽ có "chữ bay"
Điểm đặc biệt trong Hellblade: Senua's Sacrifice là chỉ chiến đấu khi combat mode được bật (Senua rút kiếm ra) và sau khi hoàn tất chiến đấu Senua sẽ kết thúc combat mode (thu kiếm vào). Bạn sẽ không thể chém bừa bãi khi đang ở trạng thái bình thường được.
Giải đố theo “góc nhìn”
Một điểm khá mới lạ của Hellblade: Senua's Sacrifice là các màn giải đố tìm đường. Nếu combat là một nửa của gameplay cần bạn phải tập trung và phản xạ thì nửa còn lại này đòi hỏi bạn phải suy luận và tìm kiếm. Cơ chế hoạt động của các câu đố phụ thuộc vào “góc nhìn” của Senua, nó gần như là một “nút” tương tác của nhân vật khi giải đố. Ví dụ khi đi ngang một cột chứa tư liệu bạn phải dùng nút “nhìn” và xoay góc nhìn vào cột đó nó sẽ kể cho bạn nghe một câu chuyện.
Khoan đã! Cây cột biết nói ???
Giải đố dựa theo góc nhìn là một điểm khá mới lạ
Cơ chế giải đố vận dụng góc nhìn của game cũng khá là “nhức đầu” do nó khá mới với người chơi. Đơn cử như phần đường đi vào đấu với con boss đầu tiên trong game. Có những đoạn địa hình bị khuyết như cầu thang bị đổ, cầu gãy, tường kín tưởng như ngõ cụt. Nhưng khi bạn đến một vị trí có đánh dấu bằng cái cổng vòm, đứng đúng góc và “nhìn” qua đó, địa hình sẽ được “sửa” lại để có thể đi qua.
Mở khóa cổng là một loạt các câu đố đan xen
Tất nhiên nó không đơn giản chỉ có 1 cái mà có nhiều vị trí như vậy, bạn phải làm theo thứ tự và mở đúng con đường thông suốt đến chìa khóa chính để mở đường đi tiếp. Đối với người mới làm quen sẽ khá bối rối vì không biết bắt đầu từ đâu, nhưng khi đã trải qua một chút tìm hiểu và “săm soi” bạn sẽ nhận ra cơ chế hoạt động của chế độ giải đố kỳ quặc này.
Đồ họa tuyệt vời, âm thanh chất lượng – muốn điên luôn
Tại sao khổ qua đắng nhưng vẫn ngon ? Nếu bạn từng ăn khổ qua sẽ hiểu cảm giác của việc trải nghiệm đồ họa và âm thanh của Hellblade: Senua's Sacrifice. Gói gọn trong câu “khó chịu nhưng… hay”.
Đồ họa Hellblade: Senua's Sacrifice được làm khá tốt, các chi tiết địa hình rất đẹp thể hiện nét hoang sơ lẫn cổ kính của các phế tích thần thoại. Chuyển động lại càng tốt với tư thế của nhân vật khi combat, các thế vung kiếm, chọc gươm cực đẹp mắt và đầy uy lực.
Hiệu ứng ảo khá nhức mắt
Tuy vậy những đoạn mô tả sự rối loạn tâm lý hoặc cao trào có hiệu ứng nhòe khiến bạn cực kỳ nhức mắt. Nhất là khi nhìn vào các nguồn lửa như chảo lửa hay đuốc. Đây là hiệu ứng cố ý để bạn “đồng cảm” với tình trạng bên trong đầu của Senua. Đắng! nhưng mà chất!
Âm thanh cũng vậy, nhà sản xuất đã sử dụng công nghệ âm thanh đặc biệt thu âm bằng 2 micro song song mô phỏng cách nghe của 2 lổ tai người tạo hiệu ứng âm thanh sống động. Tuy vậy nhạc điệu thỉnh thoảng đổi một cách khá “lạc quẻ”, đang đi bỗng nhạc đổi kiểu khiến bạn giật mình lo lắng không biết có gì chờ mình phía trước. Sau đó bạn nhận ra… chẳng có gì cả, chắc game chỉ muốn hù dọa bạn mà thôi.
Cái chợ 1 người
Cổ nhân nói “hai phụ nữ và 1 con vịt thành cái chợ”, còn trong Hellblade: Senua's Sacrifice chỉ càn một cô Senua đủ thành cái chợ. Game chỉ theo chân nữ chính thôi nhưng bạn phải nghe cực nhiều câu chuyện và các màn đối thoại dài lê thê cù nhây đầu game.
Tranh đấu nội tâm và ký ức quá khứ đều thể hiện bằng lời thoại
Ngoại các đoạn thoại do chính Senua tự nói với mình còn có các giọng từ các nhân cách khác hoặc ai đó “khuất mặt” dẫn dắt cô ta đi, chèn thêm vào đó là giọng của hồi ức, câu chuyện của ai đó kể về quá khứ. Tất cả hòa trộn thành một chuỗi khiến bạn căng mắt căng tai ra mà tiếp thu liên tục, chúng chỉ im lặng khi bạn vào combat mode. Trong đó sẽ có giọng khác thế chỗ để… nói tiếp.
Chốt hạ: Hay nhưng hơi ngắn
Nhà sản xuất cho biết Hellblade: Senua's Sacrifice có độ dài tầm 10 giờ chơi, không quá tệ cho một game 30 USD, nửa giá so với các game “chuẩn” 60 USD. Với cơ cấu giải đố kết hợp combat có thể nói đây là một sản phẩm đáng để bạn thử tay nghề. Nhất là những ai đỡ không nổi độ khó của những game dạng Dark Souls có thể xem Hellblade: Senua's Sacrifice như một món xả stress “gỡ gạc” ức chế.
Game hiện đang phát hành trên PC và Playstation 4 với giá bán 30 USD.
Cấu hình Hellblade: Senua's Sacrifice phiên bản PC: