Trước khi đến với Nioh thì tôi chủ yếu nghe đến nó qua những cụm từ kiểu như “Game giống Dark Souls”, “Dark Souls phiên bản Nhật” hay tiêu cực hơn là “Game nhái Dark Souls 99% mang phong cách Nhật Bản”. Nói chung là tôi cũng chưa từng chơi Dark Souls nên những màn review này không có ảnh hưởng gì nhiều lắm, chỉ nghĩ đơn giản là nó chắc cũng chả khó tới mức độ đấy đâu, mấy cái màn quảng cáo trên internet chủ yếu là chém gió theo phong trào mà thôi.
Chơi Nioh cũng giống như bạn lấy được một cô vợ tuyệt đẹp, hai người hòa hợp về cả thể xác lẫn tâm hồn, không còn gì có thể hoàn hảo hơn được nữa. Ngoại trừ là hàng đêm cứ 5 phút một lần nàng sẽ dựng đầu bạn dậy, hành hạ tra tấn bằng tất cả mọi thứ có thể mà chẳng cần lý do gì, bạn nằm đó nghỉ ngơi khoảng 4 phút để rồi lại tiếp tục bị ăn hành như vậy cả đêm. Và kể cả sau khi bị ăn đòn ngu người như vậy, vì một lý do quái thai dị hình nào đó mà bạn vẫn luôn yêu nàng say đắm như bị bỏ thuốc lú.
Nói cho ngắn gọn thì chơi Nioh cũng giống như tập tính kiên nhẫn vậy, hoặc nói một cách dân dã hơn là nó làm cho chúng ta có cảm giác mình là một thằng biến thái thích bị ngược đãi (từ chuyên môn đúng nghĩa gọi là khổ d*m).
Có một điều cực kỳ quan trọng khi chơi Nioh mà tôi ngộ ra được là: “Cái nồi gì cũng có thể đánh chết được bạn” và “bất kỳ con mob nào trên đường cũng là một con trùm cuối”. Không như các game khác có tùy chỉnh độ khó cho người chơi, Nioh khóa chết vụ ngay từ đầu và nó được đặt ở mức cao nhất có thể, hay có thể gọi trực quan hơn là “mày chắc chắn sẽ phải chửi thề khi chơi”.
Nói cho đơn giản là Nioh chơi rất chi là dễ tính, quái trên đường đánh một cái là từ 1/3 đến 1/2 cây máu, quái mạnh một tí là nhẹ nhàng 70% máu còn boss là thường xuyên sẽ có cảnh “đấm phát chết luôn không nói nhiều”. Tôi nhớ rất rõ là đã phải đánh vật hết 5 giờ đồng hồ chỉ để qua màn đầu tiên trong Nioh, đầu óc căng cứng vì ức chế thường trực, mồm thì nhai rào rào đậu xanh cùng rau má mỗi khi nhân vật bị bọn Mob bửa đúng một rìu đã giãy đành đạch như cá chết.
Ngoài việc có độ khó dã man mọi rợ như vậy, điểm khác biệt chính của Nioh là nó có một hệ thống hạn chế người chơi gọi là “Ky”. Nói đơn giản thì Ky là thanh thể lực và nó sẽ từ từ cạn dần mỗi khi nhân vật hoạt động, tức là bạn không thể vào mà giã ầm ầm combo như Devil May Cry hay Dynasty Warriors, mà phải theo nhịp liên tục: đánh > chờ Ky hồi rồi mới được đánh tiếp. Nếu như là một người lần đầu tiên tiếp cận lối chơi này, bạn sẽ không nắm được nhịp hồi của Ky mà lao lên đánh loạn xạ như một thằng ngốc, để rồi sau đó đứng thở hồng hộc như trâu và bị bọn Mob gõ cho to đầu.
Chú ý, đây là quái thường không phải boss
Chính vì cái hệ thống Ky chết toi này mà Nioh trở nên cực khó, việc cho quái đánh quá mạnh còn bản thân nhân vật thì không được tự do ra đòn đã ảnh hưởng lớn tới lối chơi. Trường hợp dùng Ky quá đà xong đứng hồi sức rồi bị phản đòn xảy ra như cơm bữa, mà trong cái game mà cứ chạm nhẹ một cái là từ 2/3 tới 3/4 cây máu bay đi thì có mà đỡ vào nồi.
Trong Nioh bạn sẽ chết rất, rất, rất, rất…. nhiều lần vì đủ các thể loại khác nhau. Nó giống như một vòng lặp bất tận vậy, bạn gặp một con mob bất kỳ >> đánh nó vài cái rồi bỗng nhiên xoẹt một cái bay 2/3 bình máu >> bạn còn chưa kịp định thần lại xoẹt một cái nữa rồi thăng thiên luôn. Solo với 1 con mob thường trong Nioh đã là cả một công cuộc gian nan, còn cái khái niệm một mình chấp hết thì quên mợ nó đi, bảo đảm là bạn sẽ nằm sấp trong đúng 1 nốt nhạc.
“Cái chết trong Nioh như một cơn gió, luôn luôn ở quanh ta”, đây là câu nói tóm gọn tất tần tật những gì trong Nioh, khi mà bạn sẽ chết cực nhiều lần vì đủ các lý do dở hơi khác nhau. À mà tôi đã nói tới vụ “nhặt xác” chưa ấy nhỉ, vì mỗi khi nằm xuống thì nhân vật sẽ bị rơi Amrita (điểm kinh nghiệm trong Nioh) và nếu bạn chẳng may chết trước khi thu hồi lại thì coi như số Amrita này sẽ mất sạch. Thật toẹt vời và hạnh phúc làm sao khi đánh mửa mật 1 tiếng đồng hồ xong chết vô duyên và cuối cùng không được điểm kinh nghiệm nào hết, đúng là khóc không thành tiếng mà.
Và đây cũng là quái thường, không phải Boss nhé
Và phần kinh hoàng nhất của Nioh là phải kể tới việc đánh boss, à mà thực ra chúng nó cũng không đến nỗi nào đâu, so sánh với bọn mob thường chỉ đánh “nhẹ nhàng” một lần nửa bình máu, thì lũ boss còn nhân đạo phết vì thường xuyên đánh ĐÚNG MỘT CÁI là đủ để tiễn nhân vật lên nóc thủ ngắm gà khỏa thân luôn. Vâng bạn không nghe nhầm đâu, đánh ĐÚNG MỘT CÁI theo hẳn nghĩa đen luôn ấy, đơn giản là Nioh thích thì Nioh thiết kế như vậy thôi, không chơi được thì biến.
Trung bình trong một trận đánh boss, bạn sẽ phải chết sơ sơ hàng chục lần để nhận ra đủ các đòn thế cũng như “nhịp” để đánh chúng làm sao cho an toàn nhất. Quá trình đánh boss trong Nioh cần sự kiên nhẫn rất lớn, vì bạn không thể xông vào mà Yolo được khi mà boss chỉ cần vẩy nhẹ một phát thôi là lên đường ngay. Từ thực tế nhất để dùng trong trường hợp này là “cắn trộm”, tức là bạn vào đánh boss 1 hit xong lùi ra, chờ Ky hồi lại và tiếp tục làm như vậy đến khi thành công.
Khổ nổi là quá trình này rất là dài và gian khổ, còn Boss thì máu cả đống. Cái này cũng giống như cầm tăm xỉa răng đánh với sư tử vậy, đâm nó vài chục phát chưa thấy gì nhưng chỉ cần bị tát một cái là toi đời luôn. Một vấn đề nữa là Nioh giới hạn chỉ cho người chơi cầm được tối đa 8 bình hồi phục, mà với cái thể loại một đòn bay mất 2/3 cây máu đến từ Boss thì nó thực sự là một trận chiến trường kỳ gian khổ, nơi mà bạn có thể phát điên vì ức chế bất kỳ lúc nào.
Boss trong Nioh
Vậy tại sao Nioh vừa khó, vừa vô lý lại vừa dai dẳng như vậy lại có thể thu hút người chơi, có lẽ vì tâm lý “không muốn chịu thua” của game thủ. Thực sự thì khi đã trải qua giai đoạn đầu húp cháo hành thay cơm, bạn sẽ nhận thấy Nioh thực sự là một game tuyệt vời cả về hình ảnh lẫn chiều sâu. Đầu tiên là hệ thống Ky là thứ phân hóa ranh giới game thủ Casual và Hardcore, hơn nữa nó cũng rất thực tế vì không ai có thể vung kiếm mà chém ầm ầm liên tục không nghỉ như vậy.
Có rất nhiều người nói rằng Nioh thực ra chỉ là một dạng “ăn theo” của Dark Souls nhưng theo phong cách Nhật Bản, điều này chủ yếu vì lý do cứ game nào khó thì mặc định nó giống Dark Souls. Nhưng nên nhớ đội ngũ tạo ra Nioh chính là Team Ninja, cha đẻ của Ninja Gaiden – định nghĩa của cái gọi là game khó vô đối từ trước khi Dark Souls ra đời. Hơn nữa chất của Nioh mang phong cách Đông Á rất đậm nét từ trang phục, vũ khí cho tới các quái vật tất cả đều lấy 100% từ thần thoại Nhật Bản, cũng như dựa trên các sự kiện lịch sử có thật.
Một điều nữa làm Nioh khác biệt là tính năng RPG truyền thống của nó, hay nói đúng hơn là “cày cuốc” rất giống với Diablo. Trang bị trong Nioh được chia làm 5 bậc từ thấp lên cao, muốn có vũ khí xịn thì có 2 cách là đi rèn hoặc đi đánh boss cho nó rơi ra. Nioh gần như là một game RPG cày cuốc đúng nghĩa, vì nếu muốn có một bộ gear xịn để đi quẩy vào cuối game, bạn sẽ phải cày rất, rất nhiều mới tạm gọi là ưng ý. Nó tạo ra sự hứng thú cho người chơi thay vì cứ phải căng não ra mà đánh Boss hết ngày này qua ngày khác.
Hình ảnh trong Nioh đậm chất Nhật Bản
Tôi không có may mắn được trải nghiệm Nioh ngay từ khi nó vừa ra mắt, nhưng khi đã dính vào rồi thì coi như chết chìm luôn trong game suốt mấy ngày qua. Nioh rất Hardcore và kén người chơi, nhưng nếu qua được giai đoạn đầu thì bạn sẽ thấy đây là một game tuyệt hay và rất có chiều sâu, là một tựa game nên có khi sở hữu Playstation 4.