Trong thời gian gần đây, có vẻ như các nhà phát hành game đã có kinh nghiệm đối phó với sự căm ghét microtransaction của game thủ. Họ sẽ phát hành trò chơi của mình mà không có microtransaction, chờ đợi các bài đánh giá của báo giới và để một khoảng thời gian đủ để game thủ “cắn câu” trước khi đưa tính năng hút máu này vào game vài tháng sau đó. Thật vậy, cả Battlefield V lẫn Call of Duty: Black Ops 4 đều chọn phương thức này.
Điều này khiến Mọt game đặt ra một câu hỏi: điểm số đánh giá của một tựa game sẽ thay đổi ra sao khi tính đến microtransaction? Phải chăng điểm số sẽ không thay đổi (hoặc cao lên) khi nhà phát triển chỉ bán các vật phẩm trang trí không ảnh hưởng đến cân bằng, và giảm xuống nếu cash shop toàn những vật phẩm pay to win? Hay là chúng ta bỏ qua yếu tố cân bằng game, và xem xét cách nhà phát triển định giá các vật phẩm để đánh giá trò chơi đó?
Hãy nhìn vào Call of Duty: Black Ops 4. Mọt tui dành cho trò chơi này một điểm số rất cao, đến mức có độc giả nghi ngờ Mot... ăn tiền của Activision bởi ấn tượng tốt với những thay đổi trong lối chơi của game, và rất thích thú với chế độ Blackout. Nhưng khi Activision bán một… vòng tròn đỏ gọi là Open Dot cho loại ống ngắm Red Dot Sight với giá 100 COD Point (tương đương 1 USD), nó khiến tác giả phải nghĩ lại xem liệu điều này có ảnh hưởng đến điểm số của game hay không. Tại sao người ta phải trả tiền cho một thứ nhảm nhí như thế này? Thế quái nào mà Treyarch và Activision lại nghĩ rằng đây là một “vật phẩm” mà game thủ sẽ thích thú chi tiền mua?
Đó là còn chưa nhắc tới những skin vũ khí giá trên trời mà Black Ops bán trong game. Vào khoảng tháng 11/2018, Treyarch tung ra gói Fall Firearms chứa 2 skin vũ khí và một vài vật phẩm linh tinh với giá 20 USD. Nhưng không phải cứ bỏ tiền là được xài skin đâu nhé, bởi Activision đưa ra một “độc chiêu” với gói vật phẩm này: sau khi bỏ tiền mua, bạn chỉ có thể dùng một skin, còn skin thứ hai chỉ được mở khóa sau khi cày challenge “sấp mặt.” Nếu không muốn cày, game thủ sẽ phải tiếp tục nôn thêm tiền ra để được dùng skin đó ngay lập tức. Càng thú vị hơn nữa là một trong hai skin trong gói Fall Firearms vốn là quà tặng miễn phí cho những game thủ đặt trước trò chơi tại cửa hàng của GameStop!
Nếu Mọt không nhớ lầm thì “ngày xửa ngày xưa,” những thứ vặt vãnh như thế này thường được tích hợp sẵn trong game. Những món đồ trang trí dù nhỏ bé như tâm ngắm hay to như bộ trang phục mà nhân vật mặc trên người được tích hợp sẵn trong game ngay từ đầu, và game thủ chỉ cần chọn nó trong menu, hoặc hoàn thành một thử thách nào đó trong game. Với những bản Counter-Strike trước CSGO, bạn có thể chỉnh sửa tâm ngắm bằng tùy chọn trong Option hoặc một câu lệnh adjust_crosshair đơn giản. Với Black Ops 4, bạn phải bỏ 1 USD để mua tính năng này.
Chắc chắn có rất nhiều người không bận tâm đến việc game bán một tâm ngắm như thế này, nhưng cũng không ít người chỉ trích Treyarch mạnh mẽ. Những người phớt lờ cho rằng việc game bán gì không quan trọng nếu họ không mua, trong khi những người khác nói rằng ngay cả khi không ảnh hưởng đến cân bằng game, microtransaction hoàn toàn có ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển game. Theo những game thủ này, những tính năng lẽ ra nên tồn tại trong bản game gốc có thể bị nhà phát triển cắt ra để bán riêng trong microtransaction, và đó là một điều rất tệ hại.
Và Mọt cho rằng những người phản đối microtransaction có lý trong trường hợp này. Khi một tựa game là miễn phí như Fortnite, việc Epic bán season pass, bán outfit là hoàn toàn chấp nhận được, trong khi Treyarch vừa bán game giá 60 USD, vừa bán map pack giá 15 USD, rồi lại bán các vật phẩm trang trí giá cắt cổ trong game. Với Black Ops 4, nếu muốn được thưởng thức toàn bộ nội dung của trò chơi, game thủ cần phải bỏ ra khoảng 100 USD để mua game và bốn gói DLC của nó. Vậy mà Activision còn muốn bắt game thủ trả thêm tiền bằng những thứ vật phẩm kỳ quặc trong cash shop?
Việc Treyarch và Activision chọn cách bán các gói bản đồ cũng có một nhược điểm khác: nó sẽ chia nhỏ cộng đồng game thủ của Black Ops 4 bởi những người không mua DLC không thể chơi cùng người đã mua DLC. Dù Mọt đánh giá Black Ops 4 cao hơn Battlefield V rất nhiều, Battlefield V vẫn hơn hẳn Black Ops 4 khi chịu bỏ qua nguồn thu từ các gói bản đồ để đem lại cho game thủ một trải nghiệm hoàn chỉnh và tập trung “kiếm thêm” từ microtransaction. Mọt thích Black Ops 4 (dù không thích bằng những bản có phần chơi đơn trước đây), nhưng sự tham lam mà Activision thể hiện với microtransaction của game là một điều rất đáng thất vọng.
Nói đi thì cũng phải nói lại, tác giả nghĩ rằng microtransaction trong Black Ops 4 không ảnh hưởng gì đến mức độ hấp dẫn của những pha đọ súng trong game. Không vật phẩm nào trong cash shop ảnh hưởng đến khả năng chiến đấu của bạn, trừ việc các skin vũ khí màu mè khiến bạn dễ bị phát hiện hơn. Dù Mọt không mua bất kỳ thứ gì, trò chơi vẫn rất hấp dẫn, vẫn rất hoàn thiện và sức mạnh của các Specialist trong game cũng khá cân bằng. Mọt sẽ không nói rằng “đừng mua Black Ops 4 vì Activision quá tham lam,” mà sẽ nói rằng “Black Ops 4 rất hay, nhưng đừng chi tiền vào những item nhảm nhí trong cash shop của game.”
Thật không may là bất kể phản ứng của game thủ và báo giới với microtransaction ra sao, tác giả không cho rằng Activision sẽ thay đổi cách làm của mình, ít nhất là với Black Ops 4. Nhà phát hành này đang cực kỳ khát tiền sau một năm kinh doanh không suôn sẻ như kỳ vọng, đến mức họ buộc Blizzard phải theo cách làm game của mình để có được doanh thu cao hơn. Microtransaction là phương thức kiếm tiền thành công nhất của ngành công nghiệp game hiện tại, và không có lý do gì khiến Activision rời bỏ nó trong tương lai.