Ngày xửa ngày xưa, có một hiệp sĩ, một pháp sư và một nữ tặc hợp tác cùng nhau để cứu vớt vương quốc của mình, không chỉ một mà đến ba lần. Sau tất cả những thử thách đó, họ và các bạn bè của mình sống hạnh phúc cho đến mãi mãi về sau.
Thế nhưng kịch bản tréo ngoe, nhà phát triển trêu người, “mãi mãi về sau” chỉ kéo dài khoảng… 4 năm. Chỉ mới vài ngày trước đây, bộ ba anh hùng của chúng ta lại một lần nữa bị nhà phát triển Frozenbyte tìm đến. Lần này, họ lại phải vượt núi băng đèo, lên rừng xuống biển để tìm cách cứu hoàng tử Selius khỏi cơn ác mộng của anh chàng. Chỉ có một vấn đề nho nhỏ: Selius có tiềm năng pháp thuật đáng gờm, và khi anh bị lôi kéo bởi các thế lực bóng tối, những giấc mơ đáng sợ của anh được hình tượng hóa trong cõi người, khiến hiện thực dần bị nuốt chửng bởi giấc mơ. Liệu bộ ba pháp sư Amadeus, hiệp sĩ Pontius và nữ tặc Zoya có thành công vượt qua những cơn ác mộng của Selius và đem lại hòa bình cho các vương quốc trong game?
Dĩ nhiên câu trả lời là có, còn phải hỏi. Như bất kỳ một câu chuyện cổ tích nào khác, Trine 4 đem lại cho game thủ một thế giới nhiệm màu và kỳ diệu, nơi cái ác chỉ tồn tại tạm thời, chính nghĩa luôn chiến thắng còn người tốt sống hạnh phúc mãi mãi về sau. Nhưng bởi là một trò chơi, Trine 4 không chỉ thu hút game thủ bằng những câu chuyện đã đi vào lối mòn trong trí tưởng tượng của chúng ta, mà nó chủ động kéo bạn vào cuộc chơi bằng đồ họa nhiệm màu, một chút chiến đấu vui nhộn và những câu đố thú vị. Đó là còn chưa kể đến việc game để bạn tự do chuyển đổi giữa ba nhân vật bất kỳ lúc nào, cho phép bạn sử dụng cả kiếm + khiên của Pontius, các khối vuông tròn của Amadeus hay cung tên và dây thừng của Zoya ngay trong một khung hình, giúp việc giải đố trở nên linh hoạt và tiện lợi.
Hẳn bạn đã đoán ra Trine 4 thuộc thể loại gì rồi – nó là một game giải đố cuộn cảnh trên nền 2D. Sau một Trine 3 đầy tham vọng khi bước vào môi trường 3D nhưng thất bại vì… cụt vốn, Frozenbyte quay trở lại với nền đồ họa 2,5D đã làm nên thành công rực rỡ của hai phiên bản đầu: nhân vật và môi trường hoàn toàn 3D, nhưng gameplay chỉ diễn ra trên nền 2D quen thuộc. Trong quá trình chơi, game thủ sẽ dần được làm quen với ba nhân vật chính, được biết về năng lực của họ, nâng cấp các năng lực đó và dùng chúng để vượt qua những gian nan hiểm trở thường thấy trong truyện cổ tích, dù đó là đèo cao vực sâu hay lũ ác thú cản đường. Nhờ vào sự lạc quan của bộ ba này cùng những tình huống hài hước nhẹ nhàng mà Frozenbyte đã đưa vào trò chơi, Trine 4 luôn có một bầu không khí tươi sáng và vui nhộn, giúp game thủ không phải “nặng đầu” khi thưởng thức trò chơi.
Mọt tui phải nói rằng Trine 4 không phải là một tựa game đột phá, mà là một phiên bản “cất cánh an toàn” của Trine – điều không có gì đáng trách, bởi Frozenbyte đã thất bại một lần. Game vẫn có lối chơi y hệt phiên bản cũ, khi những câu đố được đặt ra cho phép game thủ giải bằng rất nhiều cách khác nhau phù hợp với cả ba nhân vật. Thật ra “giống như cũ” cũng không phải là một điểm trừ của trò chơi, bởi Trine hấp dẫn nhờ sự tồn tại của hàng loạt những câu đố đơn giản, vừa đủ khó để khiến bạn phải tạm dừng và động não vài giây, trong khi những pha chiến đấu ngắn điểm xuyết đó đây trong màn chơi giúp game thủ có dịp động thủ phá vỡ sự đơn điệu mà một tựa game giải đố thường mắc phải.
Và nền đồ họa của Trine 4 phải nói rằng trên cả tuyệt vời. Là một game thủ yêu thích khung cảnh thiên nhiên, Trine 4 “dội bom” Mọt tui bằng những màn chơi theo nhiều phong cách khác nhau, nhưng với điểm chung là những khung hình đẹp nao lòng với đầy màu sắc, dù đó có là thiên nhiên đầy rẫy nắng vàng cỏ xanh, những khu rừng âm u hay một lâu đài màu nhiệm. Có thể nói rằng những hình ảnh này đẹp chẳng kém gì các khung hình mà bạn thường thấy trong một bộ phim cổ tích của Disney. Có lẽ đội ngũ thiết kế màn chơi của Frozenbyte đã vắt hết óc để sáng tạo ra những màn chơi này, và họ đã thành công khi không hề khiến game thủ cảm thấy nhàm chán khi đi từ màn chơi này sang màn chơi khác.
Nếu có gì đó phải chê ở Trine 4, Mọt tui sẽ chê phần cốt truyện của trò chơi. Cốt truyện của nó quá đơn giản và chẳng có những tình tiết lắt léo, “hack não” như những tựa game AAA chú trọng cốt truyện, khiến Mọt tui… quên hết những gì đã xảy ra sau khi hoàn tất trò chơi. Nhưng có lẽ bạn cũng không cần phải nhớ cốt truyện đó làm gì, vì sức hút của dòng game Trine nói chung và Trine 4 nói riêng luôn luôn nằm ở phần đồ họa tuyệt vời, gameplay thư giãn đầy khoái trá và những bài nhạc du dương được soạn bởi Ari Pulkkinen, cái tên đã gắn bó với series kể từ phiên bản đầu tiên. Nếu bạn muốn nghe những bản nhạc nền xuất sắc của Trine 4, hãy click vào nút play của video bên dưới:
Mọt tui rất thích “The Blueberry Forest” ở thời điểm 1:07:25.
Cũng như ba người tiền nhiệm của mình, Trine 4 có chế độ chơi co-op 3 người, mỗi người sử dụng một trong ba nhân vật chính Zoya, Pontius và Amadeus để giải các câu đố trong game. Nhưng chưa hết, Frozenbyte còn bổ sung thêm vào game một chế độ mới gọi là Unlimited (không giới hạn), cho phép bốn game thủ cùng chơi game và không chịu bất kỳ giới hạn nào – nếu bạn muốn thấy 4 hiệp sĩ Pontius trong game, đây là chế độ dành cho bạn. Và đây cũng chính là nơi mà Trine 4 tỏa sáng rực rỡ, bởi ngoài những trò quậy phá ngớ ngẩn mà một nhóm bạn cùng tạo ra, bạn còn có thể sắp đặt và phối hợp để tạo ra những phương thức giải đố quái đản mà có lẽ chính Frozenbyte cũng không nghĩ ra!
Trine 4 là một tựa game đơn giản, nhẹ nhàng nhưng không hề kém phần hấp dẫn. Gần 8 giờ mà Mọt tui bỏ ra với trò chơi là 8 giờ Mọt được trở về với tuổi thơ, nơi mà người tốt luôn nở nụ cười khi đã kết thúc cuộc vui. Nếu bạn đang cần tìm một tựa game thư giãn nhẹ nhàng hay yêu thích những câu chuyện cổ tích ngày xưa, Trine 4 chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng.
Cấu hình tối thiểu: