Phụ Lục
Được tạo nên bởi Gunfury Games, một studio có nhiều thành viên từng tham gia vào quá trình thực hiện Darksiders 2 nhiều năm trước, Darksiders 3 gánh chịu kỳ vọng lớn từ những game thủ là fan của hai phiên bản đầu tiên. Vẫn với những bài nhạc nền metal, vẫn phong cách đồ họa quen thuộc, vẫn một thế giới hậu tận thế điêu tàn, Darksiders 3 là kẻ nối nghiệp xứng đáng của dòng game được khai sinh bởi Vigil Games.
Được xây dựng dựa trên Kinh Thánh cổ, nhưng Darksiders 3 chẳng thực sự bận tâm đến tôn giáo và triết học, mà chỉ dùng nó làm bàn đạp cho một trò chơi… ngớ ngẩn – Mọt không dùng từ này như một lời chê bai, mà là lời khen dành cho một tựa game biết rõ thế mạnh của mình. Series này chưa từng được khen ngợi vì sự nghiêm túc, chín chắn của nó. Khi hai người tiền nhiệm đã tạo nên một thương hiệu RPG với những nhân vật “over the top” lúc nào cũng tỏ ra nguy hiểm và ngầu ngụa, đầy những biểu trưng tôn giáo ngoại cỡ, các tình tiết kịch tính dễ dàng bị đoán trước, Gunfire Games biết mình phải làm thế nào để Darksiders 3 có thể chinh phục các fan của series.
Vậy thì Darksiders là gì? Đây là một trò chơi dành cho những game thủ thích đánh đấm đã tay, và có chút “chuunibyou” thích nhìn thấy nhân vật của mình thể hiện độ nguy hiểm. Gunfire Games đã "chơi tới bến" ở mảng này: họ khuếch đại tính cách của Fury bằng những lời thoại đầy kiêu căng, tạo ra một vai hề là con Watcher không tên (thật ra là có tên) chuyên nịnh bợ Fury, hoặc những đối thủ không ngừng thốt ra những lời đe dọa rỗng tuếch. Nhét thêm vào đó một đống quái vật “ngầu như trái bầu,” một mớ trùm mang những danh hiệu cao sang, và thế là chúng ta đã có một tựa game chuẩn Darksiders về mặt hình ảnh và nhân vật.
Sau khi đã làm tốt phần “nguy hiểm,” Gunfire Games cần phải chinh phục game thủ ở mảng đánh đấm. Họ cố gắng lèo lái lối chơi từ spam nút bấm sang đòi hỏi khả năng phản xạ và canh thời gian của game thủ, có phần tương tự Dark Souls thay vì giữ phong cách Zelda như hai phiên bản đầu. Đây là một thay đổi thú vị, bởi nó đem lại cho người chơi những pha slow-mo cực chất được tiếp nối bằng những chiêu thức đầy màu sắc, hàng loạt combo có cách thi triển đơn giản nhưng đa dụng chỉ bằng hai nút chuột, cộng thêm Shift và Space. Thỉnh thoảng game thủ được tưởng thưởng bằng cách bấm Z để biến Fury thành một avatar khổng lồ có khả năng đập bẹp hàng loạt kẻ địch trong nháy mắt.
Bên cạnh ngọn roi Barbs of Scorn mang thương hiệu của mình, Fury còn có thể được dùng bốn món vũ khí phụ. Chúng sẽ được mở khóa dần dần theo các dạng biến thân được game gọi là Hollow: Fire (đôi chày flair), Storm (giáo), Force (búa), Stasis (kiếm). Game thủ có thể chuyển qua lại giữa bốn loại vũ khí này bất kỳ lúc nào và kích hoạt vũ khí bằng chuột phải, trong khi chuột trái luôn luôn dành cho các đòn đánh bằng roi. Mỗi món vũ khí này có những chiêu thức khác nhau, nhưng có lẽ dạng Stasis và chiếc búa là thứ “sướng mắt, đã tay” nhất mà Fury có thể sử dụng.
Ngoài việc cho Fury dùng vũ khí mới, mỗi dạng Hollow này cũng đem lại cho cô nàng một kỹ năng và cách di chuyển mới để giải đố hoặc khám phá những khu vực còn bị chặn của bản đồ. Đây thật ra là công dụng chính của các dạng Hollow, bởi game thủ gần như chẳng bao giờ bị buộc phải dùng các vũ khí phụ để chiến đấu. Tuy nhiên bạn chỉ có thể sử dụng chúng một cách khá hạn chế, ở những nơi được thiết kế sẵn (chẳng hạn mạng nhện, các bức tường màu tím, mặt nước, các khoảng không…) do các vùng đất trong game đều khá hẹp, chỉ được kết nối với nhau bằng các con đường chỉ có thể mở ra khi có Hollow cần thiết. Thật đáng tiếc là cả mảng tìm đường lẫn giải đố trong game đều bị thu hẹp hơn so với Darksiders 1 và 2. Đây là một bước lùi, bởi có thể không phải ai cũng thích thiết kế bản đồ rộng lớn của Darksiders 2, nhưng lối chơi cân bằng giữa hành động và giải đố của Darksiders 1 là một trong những điều khiến nó chinh phục game thủ.
Sau khi đã có các loại vũ khí và cách để tìm đến kẻ địch, game thủ cần có kẻ địch xứng tầm. Do Gunfire Games cố gắng hướng lối chơi của Darksiders 3 đến gần hơn với dòng Souls, ngay cả những con quái tầm phào trong game cũng khá nguy hiểm. Ở một số khu vực, game còn thử… hù dọa người chơi bằng cách đặt hàng đống kén mà bạn không thể đoán được có gì bên trong. Nó có thể rỗng tuếch hoặc chứa các gói Soul mà bạn có thể dùng như tiền, còn nếu xui thì một con quái vật sẽ nhảy xổ vào mặt bạn.
Trong khi đó, những con trùm trong game đều khá ấn tượng. Trừ hai lần đấu trùm đầu tiên, các boss trong game đều có một sân chơi thích hợp với danh hiệu của chúng. Là một kẻ tham tiền, tác giả thích căn cứ của Avarice nhất – nó là một gian phòng khổng lồ trong bảo tàng chứa đủ thứ vàng bạc châu báu, trang sức mĩ nghệ đắt giá. Tuy nhiên nhờ lời Fury nói lúc bước vào nơi này, “Nghệ thuật? Bây giờ? Ở đây?”, Mọt tui nhận ra rằng những món hàng đắt giá đó đều chỉ là loại thấy được không sờ được và trở nên bình tĩnh chơi game.
Bên ngoài phần combat, Mọt đánh giá Darksiders 3 có mảng RPG chưa thật hoàn thiện. Gunfire Games đưa khá nhiều thay đổi vào trò chơi, một số tốt còn một số lại kém. Việc hủy bỏ hệ thống trang bị lằng nhằng của Darksiders 2 là một điều đáng hoan nghênh, bởi không phải ai cũng thích có một đống trang bị và lúc nào cũng phải so sánh xem đâu là món tốt hơn giữa hai vật phẩm hơn chút đỉnh chỗ này, kém tí xíu chỗ kia. Tuy nhiên có lẽ đội ngũ phát triển đã hơi quá tay trong việc đơn giản hóa hệ thống trang bị cho Fury, đến mức những tính năng lẽ ra góp phần quan trọng vào sức mạnh của cô nàng chẳng đem lại cho game thủ sự hào hứng cần thiết. Những món vũ khí +0 hay +5, các viên ngọc được nâng theo đường Thiên Thần hay đường Ác Quỷ đều không khiến người chơi cảm thấy sự khác biệt gì. Nếu Gunfire Games nhìn sang những tựa game hành động chặt chém khác, họ sẽ tìm thấy hàng chục hiệu ứng hữu ích hơn để sử dụng.
Cuối cùng, nếu đã chơi qua hai bản Darksiders đầu tiên và hi vọng Darksiders 3 sẽ đem lại cho game thủ những sự kiện mới xảy ra sau đó, bạn sẽ thất vọng. Do Darksiders 3 diễn ra song song với Darksiders 1, game thủ không được biết thêm sự kiện nào mới trong phần lớn nội dung của trò chơi, và Gunfire Games chỉ chịu úp mở thêm một vài chi tiết khi cuộc hành trình của Fury đến hồi kết thúc. Có thể họ còn chưa biết được mình sẽ viết tiếp câu chuyện như thế nào, và cần thêm thời gian suy nghĩ. Ngoài ra, còn có một tin buồn bên lề là Gunfire Games đang phát triển một tựa game mới thuộc thể loại bắn súng, nên game thủ sẽ còn phải chờ thêm vài năm trước khi được gặp Strife trong Darksiders 4.
Tác giả đánh giá Darksiders 3 không phải là một kỳ quan về hình ảnh, nhưng vẫn có đồ họa ở mức đủ xài. Cũng như Darksiders, điểm cộng của phần hình ảnh trong Darksiders 3 nằm ở chỗ tông màu được sử dụng hết sức tươi sáng mặc cho bối cảnh hậu tận thế của mình. Nhờ vậy nên game cho ra những khung hình bắt mắt và không đòi hỏi nhiều về cấu hình máy: trên chiếc PC dùng card đồ họa GTX 960 4 GB, Darksiders 3 chạy ở mức 35-40 khung hình/giây ở độ phân giải 2560x1440, nạp màn khá nhanh và gần như không gặp bất kỳ một vấn đề nào về hiệu năng, crash hay bug ngoài việc hình ảnh của game hơi mờ sau khi thay đổi tùy chọn hình ảnh. Điều này được khắc phục ngay lập tức bằng cách khởi động lại game, và không xảy ra thêm một lần nào nữa cho đến lúc này.
Trải nghiệm gần như bug-free của tác giả là một điều rất lạ bởi khi tham khảo trên các kênh MXH, rất nhiều game thủ phàn nàn rằng họ gặp lỗi trong trò chơi. Bug duy nhất mà tác giả gặp phải là khi đập vỡ các gói linh hồn, game hiển thị hai nút Enter để đập từng gói, và Space để đập tất cả các gói thuộc cùng một loại. Nếu bấm Space, game sẽ hiểu Space là Enter và đập từng gói một, và bạn chỉ có thể đập tất cả bằng cách click chuột trái vào vị trí nút Space. Một số người cũng nói rằng Darksiders 3 mất rất nhiều thời gian để tải bản đồ mỗi khi dịch chuyển bằng Serpent Hole trên console, số khác mắc phải một số lỗi về đồ họa như texture mờ, màn hình chớp vạch trắng trong các đoạn phim cắt cảnh, hay việc game “quên” chiếu đoạn phim cắt cảnh sau khi Fury đánh bại Wrath.
Về phần âm thanh, không có gì nhiều để nói bởi con Mọt viết bài này thuộc dạng “tai cây.” Tác giả chỉ biết được rằng những bài nhạc nền trong game được soạn bởi Cris Velasco, người từng tham gia soạn nhạc cho Darksiders 1, Resident Evil 7, Mass Effect 3, Bloodborne, God of War 3… Nói chung, nhạc nền được tạo ra để lôi cuốn game thủ vào không khí của trò chơi, và có vẻ như chúng đã làm tốt phần việc của mình khi không bao giờ khiến tác giả cảm thấy chói tai trong các trận đấu boss.
Có thể bạn sẽ không đồng ý với điểm số mà Mọt tui dành cho Darksiders 3 sau khi xem các đoạn trailer “bèo nhèo” Gunfire Games đã tung ra trước khi trò chơi ra mắt. Đừng để những đoạn trailer đó (hay bất kỳ trailer nào khác) đánh lừa bạn. Hãy tự mình cảm nhận, bởi Mọt đánh giá Darksiders 3 rất đáng chơi đặc biệt là khi bạn yêu thích thể loại hành động chặt chém. Mặc cho những khiếm khuyết về cốt truyện, sự thụt lùi của tính năng giải đố lẫn phần nâng cấp trang bị nhạt nhòa, Darksiders 3 thừa sức giúp tác giả xả stress bằng cách đánh đòn đám quỷ nhỏ lẫn quỷ trưởng thành trong game.