Phụ Lục
Khi tìm hiểu về Activision, Mọt mới nhận ra một điều: khi gọi họ là “Activision Blizzard,” chúng ta đã đơn giản hóa sự tồn tại của công ty này đến mức tối đa nhằm tránh việc phải thêm những câu chú thích dài dòng rằng “Activision Blizzard” đó là ai. Thật vậy, sau khi tìm hiểu về Activision Blizzard, Mọt nhận ra họ thật sự là thế này:
Activision Blizzard là một công ty mẹ với 5 nhánh khác nhau, trong đó có một nhánh con cũng mang tên Activision Blizzard. Chúng bao gồm:
Thông thường khi nói về Activision Blizzard, người ta đang nói đến công ty mẹ của cả 5 phân nhánh trên. Họ là một nhà phát hành sở hữu những nhà phát hành khác.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ nói về Activision (trái) và Blizzard (phải), chứ không phải nói về công ty mẹ hay studio làm phim. Sản phẩm duy nhất của Activision Blizzard Studios cho đến thời điểm này là bộ phim truyền hình Skylanders Academy, nhưng trong năm 2019 này, họ sẽ bắt tay vào việc thực hiện một series phim ăn theo thương hiệu Call of Duty quen thuộc.
Trước vụ sáp nhập giữa hai công ty thành liên doanh Activision Blizzard, Activision được lãnh đạo bởi Bobby Kotick, người đã xúc tiến việc thành lập liên doanh. Khi phi vụ này thành công, ông được hội đồng quản trị công ty bổ nhiệm làm tổng giám đốc của liên doanh, và nhận được một số tiền khoảng 3,2 triệu USD bao gồm cả lương, thưởng và những khoản chia khác.
Với việc trở thành người cầm trịch cho cả hai công ty, Activision Blizzard đi theo đường lối làm game của Bobby Kotick – điều khiến Activision bị chỉ trích rất nhiều trong quá khứ. Hẳn bạn biết thừa rằng Activision xưa nay luôn thích làm sequel, ưu tiên số lượng hơn là chất lượng, và giờ đây tập trung vào những biện pháp microtransaction mạnh bạo trong các tựa game của mình.
Mô hình kinh doanh của Activision (cũng như nhiều ông lớn khác như Ubisoft, EA) là “vắt sữa” một ý tưởng cho đến khi nó cạn kiệt, và sau đó đi tìm một ý tưởng khác. Họ không ngại ngần tung ra những tựa game chưa hoàn thiện cho kịp ngày phát hành, chẳng hạn Tony Hawk’s Pro Skater 5 (2015), tựa game nhận được danh hiệu “Game tệ nhất 2015” của một vài tờ báo. Trò chơi có vô số lỗi, thường xuyên bị tụt khung hình, hệ thống điều khiển chắp vá không hoàn thiện, các màn chơi sao chép từ các phiên bản trước, cộng thêm đòi hỏi online liên tục đến một server lúc bật lúc tắt khi chơi.
Activision chắc chắn phải biết tình trạng này, nhưng họ vẫn cứ phát hành game. Không có gì lạ khi Tony Hawk’s Pro Skater 5 bị “tổng sỉ vả” một cách nặng nề, bị gọi là nỗi ô nhục của cả dòng game, và các reviewer khuyên game thủ "tránh game này như tránh dịch hạch". Điểm số mà phiên bản PS4 của trò chơi gom góp được trên Metacritic là 32/100, biến nó thành tựa game có điểm số thấp thứ 16 trong lịch sử của hệ máy PS4. Điều này cũng khiến nhà phát triển Robomodo bị đóng cửa sau đó không lâu.
Ngược lại, Blizzard từng được game thủ xem là studio “chưa từng ra game dở” bởi họ dành rất nhiều thời gian chăm chút cho game của mình đến khi nó hoàn thiện. Để so sánh, bạn có thể thử lên trang Wiki này để thấy rằng trong 5 năm từ 2005 đến 2010, Activision đã tung ra… 23 tựa game Guitar Hero khác nhau, trong khi cũng khoảng thời gian đó Blizzard chỉ ra đúng một trò chơi là StarCraft: Wings of Liberty. Người viết vẫn nhớ mình từng dành những lời tung hô mĩ miều cho tựa game này trong bài viết trên tạp chí Thế Giới Game tháng 9/2010.
Chính sách làm game của Blizzard trước đây luôn như vậy: họ chỉ tung game ra khi hoàn thiện, và không ngại ngần hủy bỏ những dự án hàng chục triệu USD như Project Titan, hoặc “xé nháp làm lại” với Diablo 3 (theo một số thông tin, điều này cũng đã xảy ra với Diablo 4).
Dĩ nhiên Blizzard cũng có sai lầm, chẳng hạn nhà đấu giá tiền thật hay gameplay của Diablo 3. Sự khác biệt là Blizzard không ngừng cập nhật thay đổi những gì bị chỉ trích, đồng thời chủ động hủy bỏ nhà đấu giá để khắc phục sai lầm. Những động thái đó giúp họ lấy lại lòng tin của game thủ, và ngày nay Diablo 3 được đánh giá là một tựa game hấp dẫn hơn rất nhiều so với khi ra mắt.
Trong một gia đình bình thường, chúng ta sẽ xem Blizzard là đứa con ngoan, còn Activision là thằng út được cưng chiều đến ngỗ nghịch. Nhưng trong Activision Blizzard, chính Blizzard mới là kẻ khác người. Do quá khác biệt với những công ty con khác và khác cả với cách “dạy con” của “cha mẹ” Activision Blizzard, studio này thu hút những ánh mắt kỳ lạ trong khoảng chục năm qua. Mọt nghĩ rằng do Blizzard luôn là con gà đẻ trứng vàng với những tựa game như World of Warcraft, Hearthstone, Overwatch,… khiến các sếp Activision Blizzard ngại ngần động chạm, cho đến khi thời thế thay đổi đáng kể trong năm 2018.
Sự thay đổi của Blizzard chỉ thực sự rơi vào tầm mắt game thủ kể từ tháng 11/2018, khi Blizzard “khoe hàng” một tựa game… mobile cho cộng đồng fan PC “hardcore” của mình tại BlizzCon 2018. Những tin dữ khác liên tiếp theo sau: Blizzard đang làm game mobile cho tất cả các thương hiệu của mình, họ hủy bỏ nền tảng eSports của Heroes of the Storm, rồi đến tin công ty đang khuyến khích nhân viên nghỉ việc để tiết kiệm kinh phí. Các chuyên gia lẫn báo giới đều tin rằng những quyết định này đến từ sức ép của Activision.
Thật vậy, hãy xem xét quyết định hủy bỏ giải đấu Heroes of the Storm Global Championships (HGC) của Blizzard. Việc ngừng hỗ trợ eSports cho một tựa game “nửa chết nửa sống” là bình thường, nhưng việc Blizzard làm vậy một cách hết sức bất ngờ cho thấy có lẽ nó là một quyết định gấp rút không phải do Blizzard thực hiện. Blizzard đã nỗ lực rất nhiều để tạo dựng mối quan hệ chặt chẽ với fan lẫn các tổ chức eSports, và hành động ngừng giải HGC một cách đột ngột không chỉ khiến fan HotS hụt hẫng, mà còn xói mòn lòng tin của mọi người dành cho Blizzard.
Sau sự kiện xảy ra với HGC, nhiều tổ chức, cá nhân trong giới eSports của những bộ môn khác như StarCraft, Hearthstone bày tỏ sự mỉa mai “không biết chừng nào đến lượt mình,” và mới đây khi Blizzard công bố kế hoạch eSports cho World of Warcraft 2019, không ít người nhắc lại sự kiện HGC để bảo nhau rằng “chớ dại mà tin 100%.” Khi liên kết với những tin khác, mọi người đi đến kết luận rằng những kết quả kinh doanh không mấy khả quan của năm 2018 khiến Activision quyết định bắt con gà đẻ trứng vàng của mình ăn ít đi trong khi vẫn mong đợi nó đẻ nhiều hơn.
Một sự kiện khác đáng nhắc đến là việc giám đốc tài chính của Activision Blizzard, ông Spencer Neumann bị sa thải. Theo Mọt, đây là một quyết định đúng đắn của công ty bởi nhân vật này đã lén lút tìm kiếm công việc mới và đạt được hợp đồng với Netflix. Với một nhân vật nắm vai trò quan trọng như ông Spencer, việc tìm kiếm một công việc mới trong âm thầm và rời đi một cách bất ngờ có thể gây xáo trộn và bất ổn trong công ty. Nó cũng khiến người ta đoán già đoán non rằng có lẽ vị giám đốc tài chính này đã khôn ngoan quyết định chạy khỏi căn nhà cháy trước khi hết đường ra. Khi một công ty có kết quả kinh doanh càng tệ, sếp công ty đó càng khó tìm được việc làm ở một nơi nào khác, một logic hết sức bình thường.
Nhưng có thể Spencer chỉ là fan của các bộ phim được chiếu trên Netflix và muốn được xem chúng mà không phải trả tiền. Một vị giám đốc ra đi có lẽ chẳng nói lên điều gì cả.
Ba ngày sau khi ông Spencer bị sa thải, đến lượt giám đốc tài chính của Blizzard, bà Amrita Ahuja cũng ra đi để nhận cương vị mới tại Square Enix. Bà không bị sa thải, nhưng việc hai giám đốc tài chính ra đi trong vòng vài ngày và đều có chỗ làm mới ngay lập tức cho thấy có một điều gì đó rất tệ hại đang diễn ra.
Tệ đến mức nào?
Đúng một tuần sau ngày bà Amrita ra đi, đến lượt Bungie đứng ra nói lời chia tay. Studio này rất may mắn bởi hồi năm 2013 khi về dưới mái nhà Activision Blizzard, sự thành công của studio đem lại cho họ vị thế đủ để ký một hợp đồng cho phép mình rời đi bất kỳ lúc nào. Thông thường, một studio con không thể “mình thích thì mình đi” như Bungie, nhưng có lẽ danh tiếng (hoặc tai tiếng) của Activision đã khiến họ đưa ra điều kiện đó.
Nếu bạn chưa biết Mọt đang nói về tai tiếng nào, thì đó là vụ việc xảy ra vào năm 2010, khi Activision cố gắng chiếm quyền sở hữu thương hiệu game Paintball của Greg Hastings. Greg chia sẻ rằng “Activision cố gắng đánh cắp thương hiệu của tôi. Trong vòng 24 giờ sau khi tôi phát hành tựa game Greg Hastings Tournament Paintball Max'd, họ gửi cho tôi một email nói rằng ‘chúng tôi sẽ làm game tên Greg Hastings Paintball mà không có sự tham gia của Greg Hastings’.” May mắn là ông Greg đã chiến thắng vụ kiện tụng xảy ra sau đó để được quyền tiếp tục sử dụng… cái tên của chính mình.
Trở lại với Bungie. Dù Destiny 2 và bản mở rộng mới nhất của nó là Forsaken “không bán chạy như mong đợi” (lời Activision), việc đánh mất thương hiệu này chắc chắn là một đòn mạnh vào doanh số của Activision Blizzard trong năm 2019, chưa kể việc cổ phiếu của họ mất giá 9,4% ngay lập tức trong ngày. Bungie không mất thương hiệu Halo như hồi họ chia tay Microsoft, mà được giữ lại thương hiệu Destiny để tiếp tục phát triển game theo định hướng của mình. Trong khi đó Activision mất một khoản ăn chia, mất những nhân tài của Bungie, và mất cả cơ hội “bơm” những kiểu loot box, microtransaction mới vào một trong những tựa game đình đám nhất hiện tại.
Tóm lại, chỉ trong vòng hai tuần đầu năm 2019, Activision mất 2 giám đốc tài chính, một studio tài năng, một thương hiệu game lớn, gần 10% giá trị thị trường.
Nhưng chưa đâu, còn nữa! Một ngày sau sự ra đi của Bungie, một số nhà đầu tư nhờ một công ty luật mở cuộc điều tra những hành vi mờ ám của các sếp lớn của Activision Blizzard. Theo họ, Activision Blizzard có thể đã cố tình bưng bít thông tin về vụ việc với Bungie, khiến họ thiệt hại nặng về tài chính khi giá trị cổ phiếu của công ty sụt giảm. Đến ngày 22/1/2019, các cổ đông này chính thức khởi kiện Activision Blizzard và một số lãnh đạo của hãng ra tòa.
Đây không phải là vụ kiện tập thể đầu tiên của Activision Blizzard – thật ra nó còn chẳng phải vụ kiện đầu tiên mà các nhà đầu tư tố công ty cố ý bưng bít thông tin. Nhưng giữa một rừng tin dữ, vụ kiện này “tỏa sáng” để cho cả ngành công nghiệp game thấy rằng có một điều gì đó đang xảy ra, và đánh tụt giá trị cổ phiếu của Activision Blizzard thêm một lần nữa. Phải chăng đây là cơ hội để Blizzard ra đi? Mọt cho rằng không, nhưng có lẽ nó là cơ hội để Activision Blizzard thay đổi lãnh đạo, thử vận hành theo “kiểu Blizzard” thay vì “kiểu Activision”, và để Blizzard tìm lại được chính mình trong lòng game thủ.