Phụ Lục
Năm nào cũng vậy, game thủ thế giới luôn phải “viêm màng túi” vào những tháng cuối năm bởi đây là dịp mà các nhà phát triển thi nhau tung ra những tựa game bom tấn của họ. Do Black Friday và Giáng sinh là hai dịp mà người tiêu dùng sẵn lòng mở hầu bao, đây là thời điểm tốt nhất để ra mắt một trò chơi mới. Các nhà phát hành biết rõ điều này nên họ đều cố gắng tung các tựa game hoành tráng nhất ra thị trường vào thời gian này, với hi vọng chúng sẽ có doanh thu đủ cao làm đẹp thêm cho doanh số. Kết quả là hầu hết ngày phát hành game "đỉnh" đều bị dồn vào đây.
Nhưng không phải trò chơi nào cũng đủ tự tin để ra mắt trong dịp này, đặc biệt là những tựa game indie hay các thương hiệu mới toanh, không được “buff danh tiếng” từ những phiên bản cũ. Trong những trường hợp này, nhà phát triển / phát hành cần phải vắt óc tìm một ngày ra mắt phù hợp, bởi nó là một yếu tố góp phần cực kỳ quan trọng vào sự thành công hay thất bại của một game.
Mỗi dịp cuối năm, một cuộc đọ sức đẫm máu sẽ lại diễn ra trong làng game, chẳng hạn chỉ riêng trong 3 tháng cuối năm 2018, đã có tầm… 80 tựa game ra mắt. Trong số đó có những bom tấn như Just Cause 4, Super Smash Bros. Ultimate, Fallout 76, Pokemon: Let’s Go Pikachu, Battlefield V, Black Ops 4, Darksiders 3, Hitman 2, Artifact, Forza Horizon 4, Assassin’s Creed Odyssey, Red Dead Redemption 2… Dĩ nhiên với sự cạnh tranh kịch liệt này, không phải game bom tấn nào cũng có thể thành công khi được ra mắt vào mùa lễ tết cuối năm. Minh chứng rõ nhất cho điều này có lẽ là sự thất bại đáng tiếc của Titanfall 2 (2016), bởi nó ra mắt giữa Call of Duty: Infinite Warfare và Battlefield 1.
Một số nhà phát hành thông minh hơn, hoặc biết chắc những tựa game mình phát hành không đủ sức cạnh tranh với đối thủ sẽ tránh những ngày cuối năm này. Họ chuyển tầm ngắm sang những tháng đầu tiên của năm mới. Điều này tạo ra một “mùa game” nhỏ hơn vào đầu năm, nhưng sự cạnh tranh không kém phần kịch liệt. Trong tháng 2/2019 sắp tới, chúng ta sẽ có đến 4 tựa game bom tấn ra mắt trong vòng 1 tuần: Crackdown 3, Far Cry: New Dawn và Metro Exodus ra mắt ngày 15/2, còn Anthem ra mắt vào ngày 22/2.
Có thể bạn sẽ muốn biết tại sao các nhà phát hành không ra mắt vào tháng 1. Đó là bởi vì một núi game đổ ập xuống đầu game thủ trong ba tháng cuối năm, và thông thường trong tháng 1 game thủ vẫn còn đang bận “cày” qua những tựa game phát hành trong năm trước, hoặc những trò chơi họ mua từ Steam Sale.
Các đợt giảm giá và các tựa game được giảm giá là yếu tố thứ hai mà các nhà phát triển / phát hành phải cân nhắc khi chọn ngày phát hành cho trò chơi của mình. Những sự kiện giảm giá như Black Friday hay các đợt sale của Steam có thể khiến doanh số một trò chơi tăng vọt, và vì vậy các tựa game mới thường… tránh những dịp này thật xa. Nếu phát hành game quá gần một đợt sale, nhà phát triển không thể giảm giá game ngay nếu không muốn bị game thủ chửi bới (như bạn có thể thấy khi Bethesda giảm giá Fallout 76). Trong năm 2018, các nhà phát hành đã tung ra khoảng 60 game trong tháng 9 và tháng 10 để có thể giảm giá chúng trong dịp Black Friday.
Một số nhà phát hành lại chọn cách ra mắt đúng ngay dịp sale, bởi họ tin rằng với rất nhiều game thủ “đi chợ” mua game, những trò chơi mới của họ sẽ thu hút được sự chú ý của những khách hàng tiềm năng. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể làm theo chiến thuật này, bởi chúng có thể phải cạnh tranh với những đối thủ lớn ở giá rẻ hơn. Nếu bạn định ra một trò chơi platform trên Switch vào dịp sale với giá 30 USD, nhưng đúng dịp này Super Mario Odyssey lại giảm giá cũng còn 30 USD, gần như 100% game thủ sẽ chọn Super Mario Odyssey thay vì tựa game của bạn.
Nhiều dòng game lâu đời, có lối chơi độc đáo và đội ngũ fan trung thành kiểu Dynasty Warriors, Devil May Cry, Kingdom Hearts lại chẳng bao giờ bận tâm đến ngày phát hành. Thật ra, các trò chơi này thường được phát hành vào những thời điểm mà chẳng mấy game khác ra đời, chẳng hạn tháng 1 hàng năm nhằm giảm thiểu sự cạnh tranh và thu hút thêm khách hàng mới. Monster Hunter: World có lẽ là một ví dụ cho trường hợp này khi ra mắt vào tháng 1/2018 và hết sức thành công.
Còn có một lý do khác khiến các tựa game chọn ngày phát hành trong tháng 1 là… kinh phí eo hẹp. Chi phí mua quảng cáo trên các trang báo, mạng xã hội hay YouTube sẽ tăng cao vào những dịp có nhiều game phát hành, nên việc mua quảng cáo vào những ngày đầu năm và tung game ra sau đó là một chiến thuật hợp lý. Một số game mắc phải sai lầm là vừa không có kinh phí quảng cáo, lại ra mắt cùng lúc với hàng đống game bom tấn và hoàn toàn bị lờ tịt, chẳng hạn The Unlikely Legend of Rusty Pup của Gory Detail. Do ra mắt trong tháng 10/2018, trò chơi gần như không được nhắc đến trên các mặt báo bởi người ta quá bận rộn viết đánh giá, cảm nhận và mẹo vặt cho Red Dead Redemption 2 hay review Black Ops 4. Điều này khiến người sáng lập Gory Detail phải thốt lên “tôi thà bị review chê còn hơn là không được review!”
Khi thấy bốn tựa game khủng có ngày phát hành trong tháng 2/2019, Sony quyết định dời Days Gone, tựa game zombie mới của mình sang tháng 4/2019. Quyết định này không chỉ giúp Sony né tránh cạnh tranh, mà còn cho game thủ thời gian để hoàn tất những tựa game ra mắt trong tháng 1 và tháng 2. Đây là một lựa chọn thông minh, bởi một lần nữa chúng ta nhớ lại bài học của Titan Fall 2, Battlefield 1 và Call of Duty: Infinite Warfare. Do ba trò chơi FPS ra mắt chỉ trong vòng 2 tuần, cả ba đều có doanh số nghèo nàn hơn so với những gì mà nhà phát hành kỳ vọng.
Ngược lại, những tựa game chơi mạng (online hoặc multiplayer) thường phải giành giật từng giây. Không phải ngẫu nhiên mà Black Ops 4 ra mắt vào ngày 12/10/2018 thay vì giữa tháng 11 như thường lệ - họ muốn đi trước Battlefield V, vốn định ra mắt vào ngày 19/10/2018. Tương tự, hồi năm 2016, 2K Games cũng cố gắng phát hành Battleborn vào ngày 3/5, chỉ sớm hơn 3 tuần so với Overwatch của Blizzard. Hay trong năm 2019 này, bạn sẽ thấy SEGA tung ra Team Sonic Racing vào tháng 5, trong khi Crash Team Racing của Activision ra mắt vào tháng 6.
Cũng có những tựa game mà khi mới nhìn qua, bạn sẽ nhận ra chúng được nhà phát triển ấn định ngày phát hành chẳng theo một quy tắc nào đã được nói đến bên trên. Đó thường là những trò chơi không thuộc loại “mainstream” (chính thống) mà thuộc kiểu game tiệc tùng, dành cho những buổi tụ họp gia đình hay nhóm bạn như Just Dance, Mario Kart... Thể loại game này có thể bán được quanh năm chứ không cần phải theo thời vụ hàng năm kiểu Call of Duty hay FIFA, nên nhà phát triển chẳng bận tâm đến ngày phát hành, mà chỉ phải quan tâm đến thời điểm đổ tiền vào quảng cáo.
Với Just Dance của Ubisoft, các phiên bản của trò chơi thường được ra mắt trong âm thầm, nhưng lại được quảng cáo mạnh mẽ vào các dịp Halloween, lễ Tạ Ơn hay Giáng sinh. Nintendo đối xử tương tự với Mario Kart 8 (2017), và trò chơi này bán được hơn 458.000 bản trong năm 2018, so với chỉ 341.000 bản của năm 2017. Ngay trong tuần này, Nintendo sẽ phát hành New Super Mario Bros U Deluxe – hai tuần sau Giáng sinh, khi game thủ còn rất bận bịu với những tựa game họ vừa mua hoặc được tặng trong những ngày lễ tết. Lý do của điều này là bởi các tựa game Mario thường được game thủ mua dài dài và Nintendo không phải quá bận tâm đến việc chọn ngày phát hành.
Và đó có lẽ là tất cả những yếu tố mà một nhà phát triển / phát hành game phải xem xét khi lựa chọn ngày phát hành game tâm huyết của mình. Đây là một câu đố phức tạp mà mỗi người có một đáp án khác nhau, và không phải chỉ có một đáp án đúng.