Phụ Lục
Khi giai đoạn 9x bắt đầu, SNES và Genesis bắt đầu thống trị thị trường game console, cũng như cạnh tranh nhau giữ dội cho cuộc chiến console war không có hồi kết. Những tựa game huyền thoại lúc đó ra đời theo từng năm, hầu hết chúng đều là các siêu phẩm không thể bỏ lỡ vì bất kỳ lý do nào.
Nhìn lại bao năm tháng của làng game đã trôi qua, các tựa game huyền thoại ra đời cách đây hàng chục năm quả thật rất đáng nhớ.
Mario từ lúc này đã là một thương hiệu không thể bị hạ gục, năm 1990 tiếp tục chứng kiến thời đại chói sáng của chàng thợ sửa ống nước khi Super Mario World ra mắt. Vẫn giữ nguyên phong cách phiêu lưu màn hình ngang truyền thống, nhưng Super Mario World bổ sung thêm rất nhiều tính năng mới như cho phép giữ lại các power up để dùng dần, một chiếc áo choàng mới cho Mario và quan trọng nhất là sự xuất hiện của chú khủng long Yoshi.
Super Mario World là sự kết hợp hoàn hảo giữa đi cảnh màn hình ngang cổ điển, phiêu lưu và cả nhập vai nữa, đặc biệt là với bộ kỹ năng độc quyền cực kỳ thú vị của Yoshi. Kể từ khi xuất hiện thì Super Mario World đã xứng đáng với danh hiệu một tựa game huyền thoại, và có lẽ nó là phần hay nhất trong cả seri Mario luôn.
Cứ mỗi lần một phiên bản The Legend of Zelda mới ra đời là nó nghiễm nhiên đứng lên đầu tất cả mọi thứ, The Legend of Zelda: A Link to the Past là phần thứ 3 của seri và được đánh giá là một trong những tựa game huyền thoại xuất sắc nhất mọi thời đại. Thay vì đi theo lối đi cảnh màn hình ngang giống phần 2, The Legend of Zelda: A Link to the Past quay trở lại góc nhìn từ trên xuống quen thuộc, cũng như thêm vào thanh Master Sword biểu tượng của cả dòng game.
The Legend of Zelda: A Link to the Past kết hợp hoàn hảo giữa lối chơi hành động và phiêu lưu, với hàng tá thứ để khám phá không ngừng nghỉ. Thậm chí sức ảnh hưởng của The Legend of Zelda: A Link to the Past còn lớn tới mức vượt mặt cả những tựa game đỉnh cao về sau, trở thành cái tên gần như ở mức thần thánh của làng game.
Thập kỷ 80 và 90 là cuộc chạy đua vũ trang giữa Sega vs Nintendo cho tham vọng thống trị thị trường console, với việc tung ra seri Sonic – Sega cuối cùng cũng đạt được một phần hi vọng của họ. Giám đốc của Sega lúc đó là Hayao Nakayama thậm chí còn tung ra cuộc thi “đánh bại Mario”, khi khuyến khích nhân viên nghĩ ra các seri mới nhằm đánh bại đối thủ của họ.
Tuy Sega đạt được thành công lớn với phiên bản Sonic đầu tiên, nhưng họ vẫn không thể đánh bại Nintendo với The Legend of Zelda: A Link to the Past. Tuy vậy Sega vẫn không bỏ cuộc khi ngay trong năm sau họ đã cho ra mắt Sonic the Hedgehog 2, và lần này chú nhím xanh đã chiến thắng anh thợ sửa ống nước khi trở thành tựa game đáng nhớ nhất 1992, vượt mặt Super Mario Kart. Sự thành công của Sonic the Hedgehog 2 đã mở màn cho cả seri Sonic sau này, cũng như khiến Sega mát mặt trong cuộc chiến console của họ.
Mặc dù Sega đã giành hết vinh quang với Sonic vào năm 1992, Nintendo vẫn biết cách trở lại với Super Mario All-Stars, tựa game này là bản tổng hợp của cả 3 phần trước đó với nâng cấp hình ảnh và âm thanh, cũng như bổ sung thêm The Lost Levels trước đây chỉ dành riêng tại Nhật. Super Mario All-Stars cũng thêm cả tính năng save giữa chừng và chuyển đổi giữa 3 phần bất cứ lúc nào người chơi muốn, một bổ sung đáng giá cho những ai từng điên đầu khi lỡ nhấn nhầm nút reset trên NES.
Cũng trong năm 1993 đó, một tựa game huyền thoại khác ra mắt đó là Secret of Mana, nhưng tất cả đều không thể vượt qua cái bóng của Super Mario All-Stars.
Kể từ khi Metroid ra mắt vào năm 1986, làng game khao khát có được một thứ gì đó tương tự, điều ước đó đã được đền đáp khi Super Metroid xuất hiện vào năm 1994. Super Metroid vẫn là một game hành động đi cảnh màn hình ngang với nhân vật chính Samus Aran chiến đấu chống lại lũ quái vật ngoài hành tinh, Super Metroid cũng là phần đầu tiên trong seri có kho đồ, bộ áo giáp của Samus có thể nâng cấp được cũng như sợi dây móc Grapple Beam.
Super Metroid tốn mất tới 2 năm để hoàn thành, nhưng nó hoàn toàn xứng đáng. Với lối chơi dạng đi cảnh phiêu lưu, hình ảnh tươi mới và các bản nhạc nền ấn tượng đã đưa tựa game huyền thoại này lên một tầm cao mới, tới mức nó khai sinh ra thuật ngữ Metroidvania để tôn vinh Super Metroid mãi mãi về sau.
Nếu như không biết tới Chrono Trigger thì có lẽ bạn không thể nào bảo mình là một game thủ chân chính trọn vẹn được, ra mắt sau một năm so với EarthBound và Final Fantasy VI, Chrono Trigger là tập hợp của các cá nhân kiệt xuất như Yuji Horii (Dragon Quest), Hironobu Sakaguchi (Final Fantasy) và họa sĩ đại tài Akira Toriyama phụ trách phần hình ảnh. Lối chơi đan xen giữa thực tại và quá khứ, cốt truyện sâu sắc và tới 13 ending là những thứ khiến Chrono Trigger vượt trội vào thời điểm đó, cũng như trở thành một tựa game huyền thoại mãi về sau.
Chrono Trigger và hậu bản của nó là Chrono Cross là định nghĩa của từ “hoàn hảo” trong thế giới game, thứ mà người ta có thể cho điểm tuyệt đối 10/10 mà không cần phải suy nghĩ một giây. Kể từ sau thời đại của Chrono Trigger, chúng ta mới được chứng kiến những game nhập vai có nhiều hơn một ending, cốt truyện sâu sắc đi cùng âm nhạc tuyệt đỉnh. Chrono Trigger là tựa game huyền thoại độc nhất vô nhị của làng game, mà không có cách nào tái tạo lại nữa, không một tựa game nào có thể tạo được sức ảnh hưởng lớn như nó đã từng, dù thời gian có bao lâu đi chăng nữa.
(còn tiếp…)