Phụ Lục
Vào hơn 30 năm trước, khi các tựa game huyền thoại như Super Mario Bros hay The Legend of Zelda ra đời thì có lẽ rất nhiều game thủ còn chưa sinh ra. Cả một thế hệ đã gắn bó cùng những siêu phẩm này và dành cả một thời gian dài với chúng, nói không ngoa thì game là một trong những thứ góp phần tạo nên tuổi thơ của rất nhiều thế hệ. Và trong số đó gần như mỗi năm đều có những game hay ra mắt, rất có thể bạn ra đời cùng năm với những game này.
Cụm từ Excitebike nghe có vẻ quá xa lạ với hầu hết người chơi Việt Nam, thực ra chúng ta thường gọi nó bằng những cái tên “dân dã” hơn như: “đua xe” hay “đua xe vượt địa hình”. So với những game trên NES thời đó thì Excitebike là cả một sự cách mạng, khi nó là game đầu tiên cho phép game thủ tự thiết kế màn chơi của riêng mình.
Excitebike có 3 kiểu chơi là đua một mình, đua với máy và thiết kế màn chơi. Game tuy chỉ có 5 màn chơi nhưng lại chứa đầy những niềm vui không tả, nhất là khi nhân vật của bạn bị ngã lộn cổ theo đúng nghĩa đen khi băng qua các chướng ngại vật. Vào cái thời mà khái niệm game đua xe còn hoàn toàn xa lạ, thì cảm giác băng qua mấy ngọn đồi liên tiếp nhau thực sự rất đã. Hình ảnh của game cũng cực kỳ tuyệt vời, nhất là cảnh tượng tay đua chạy lẹt bẹt lại nhặt xe mỗi khi ngã, hay bị cuốn quay vòng vòng mỗi khi đổ dốc thất bại…
Cũng trong năm 1984 này, một tựa game huyền thoại khác cũng ra đời đó là Duck Hunt – hay còn gọi là “Bắn vịt”, thứ gắn liền với tuổi thơ ức chế của đại đa số game thủ Việt Nam.
Trước khi có tựa game cho riêng mình, Mario cũng từng góp mặt trong Donkey Kong vào năm 1981, nhưng chỉ đến khi Nintendo cho anh chàng sửa ống nước này lên Super Mario Bros thì Mario mới trở nên nổi tiếng toàn cầu, một tựa game huyền thoại phổ biến nhất trong lịch sử mà đứa trẻ con nào cũng từng chơi.
Được cho ra đời bởi Shigeru Miyamoto, Super Mario Bros thực ra là một sản phẩm “bên lề” của The Legend of Zelda (đang phát triển cùng thời gian đó), ít ai biết rằng có rất nhiều chi tiết như mấy cây cột lửa, hình dáng của lâu đài cuối mỗi màn chơi… đều được lấy từ phần chưa sử dụng trong The Legend of Zelda mà ra. Super Mario Bros cũng là một trong những đòn bẩy giúp hồi sinh ngành công nghiệp game kể từ khi ra mắt, đưa NES trở thành hệ máy console thành công nhất thời đó.
Tại Việt Nam thì bọn trẻ lúc đó cũng chả biết Mario là gì, chỉ đơn giản đây là game “hái nấm” hoặc “ăn nấm” là chính. Chỉ riêng cái bản nhạc huyền thoại trong Super Mario Bros cũng đủ khiến cả một thế hệ mê mẩn, và cũng nhờ cái tựa game này mà Luigi bị gọi thành “Mario xanh” luôn.
Sau thành công vang dội của Super Mario Bros, Nintendo tiếp đà chiến thắng và tung ra bom tấn thứ 2 ngay sau đó chỉ một năm. The Legend of Zelda ngay lập tức trở thành một hiện tượng tại Nhật Bản, trước khi nó càn quét cả thế giới và trở thành một tựa game huyền thoại, con gà đẻ trứng vàng cho Nintendo kể từ đó về sau.
Cả Super Mario Bros lẫn The Legend of Zelda đều là những tựa game khai sáng cho cộng đồng, khi tiên phong đưa âm nhạc trở thành một phần quan trọng trong lối chơi. Nếu so sánh với những game thời đó chỉ là những âm thanh đơn điệu, thì The Legend of Zelda thực sự là một kiệt tác không thể so sánh được, nó mở đường và tạo cảm hứng cho rất nhiều thế hệ về sau đi theo.
The Legend of Zelda cũng là tựa game đầu tiên cho phép người chơi save game, mặc dù nó hơi phiền phức khi bạn cần một cục pin gắn ngoài, nhưng chừng đó vẫn là quá đủ để "mê hoặc" hàng mấy thế hệ già trẻ suốt hơn 30 năm rồi.
Thực ra tựa game này là một bản port của seri Punch-Out từ các máy arcade lên NES, một bước đi khá khôn ngoan của Nintendo. Việc này vừa để tiếp tục nối dài sự thành công của nó, cũng như tận dụng tên tuổi của tay đấm đang lên như mặt trời ban trưa thời điểm đó là Mike Tyson. Để có đươc bản quyền hình ảnh, Nintendo đã chịu chi ra 50.000 USD cho một hợp đồng 3 năm với Mike Tyson.
Thương vụ này đặc biệt trở nên thành công khi Mike Tyson vô địch WBC hạng nặng vào năm 1986, ngay sau đó một năm Nintendo cũng cho ra Mike Tyson's Punch-Out!! và không khó hiểu khi nó ngay lập tức trở thành một cơn sốt cho game thủ. Ngoài việc đưa phần lối chơi quen thuộc ở các phiên bản cũ, Mike Tyson's Punch-Out!! cho người chơi thử nghiệm cảm giác đánh bại nhà vô địch quyền anh thế giới trong vai trò là trùm cuối, một chiêu trò kinh doanh hiệu quả biến Mike Tyson's Punch-Out!! trở thành một trong các tựa game huyền thoại từ đó tới nay.
Nintendo tiếp tục cho ra mắt phần tiếp theo của seri Mario là Super Mario Bros. 3, nhưng có một trục trặc tại thị trường Bắc Mỹ do sự thiếu hụt về nguồn cung phần cứng đã khiến tựa game này bị hoãn tới gần 2 năm. May mắn cho Nintendo là vào năm 1989, bộ phim đình đám lúc đó là The Wizard đã “vô tình” quảng cáo cho game bằng một phân cảnh có sự xuất hiện của Super Mario Bros. 3 (lúc đó còn chưa xuất hiện tại Bắc Mỹ).
Chính vì lý do này mà khi Super Mario Bros. 3 xuất hiện trong năm 1990, nó lập tức trở thành một cơn sốt và đứng luôn vào hàng ngũ những tựa game huyền thoại mọi thời đại. Tại Việt Nam Super Mario Bros. 3 thường được gọi là “nấm đuôi chồn” hay “nấm phiêu lưu”, chủ yếu vì loại power up mới là lá biến hình và tính năng chọn màn chơi theo ý muốn. Super Mario Bros. 3 cũng là tựa game thay đổi cho cả seri, khi bắt đầu từ đây Mario phát triển theo kiểu bản đồ thế giới rộng lớn chứ không chỉ là từng màn chơi riêng lẻ như trước.
Nhắc đến các tựa game huyền thoại hồi trước mà không có các game đi cảnh (side-scrolling beat-'em-up) thì thật thiếu sót, vào năm 1989 thì cái tên nổi bậc nhất chính là Final Fight của Capcom. Cũng là cái tên được port từ máy Acarde lên giống như Mike Tyson's Punch-Out!!, lối chơi của Final Fight trực quan đúng như tên gọi của nó vậy, người chơi điều khiển cặp anh em cơ bắp cuồn cuộn Mayor Mike Haggar hoặc Cody Travers, giã nhừ tử tất cả những gì gặp trên đường.
Lối chơi đơn giản cùng đồ họa bắt mắt là những thứ khiến Final Fight trở nên nổi tiếng, cũng như vài bí mật nho nhỏ cùng màn chơi ẩn cho phép bạn phá hủy các loại xe cộ khác nhau thay vì suốt ngày cứ đi tẩn bọn xấu trên đường. Sự thành công của bản Final Fight đầu tiên trên SNES này đã khiến nó trở thành cả một seri, với hàng tá phần mở rộng sau đó nhiều năm.
Một bí mật nho nhỏ là cũng vào năm này, một tựa game huyền thoại khác là Tetris đột ngột nổi lên mạnh mẽ nhờ vào việc “ăn ké” chiếc Game Boy của Nintendo.
(còn tiếp…)