Đêm 23/7 vừa qua, Microsoft đã công chiếu sự kiện Xbox Games Showcase để “khoe hàng” với game thủ những tựa game sẽ ra mắt trên Xbox Series X khi hệ máy next-gen này ra mắt vào cuối năm nay. Tại sự kiện, game thủ thế giới đã được thấy khoảng 22 tựa game khác nhau, bao gồm những cái tên lớn đến từ các studio do Microsoft sở hữu và số khác được phát triển bởi các studio bên ngoài.
Bởi ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, gần như tất cả những sự kiện lớn của ngành game trong năm nay như GDC, E3, Gamescom, Paris Games Week, Tokyo Game Show… đều công bố hủy bỏ hoặc chuyển sang tổ chức online. Vì vậy, các nhà phát hành game lớn đều chuyển sang làm show riêng để giới thiệu game của mình, chưa kể đến một số sự kiện tập hợp các tựa game indie như Guerrilla Collective (không phải của nhà phát triển Guerrilla) hay PC Gaming Show. Sự kiện mà Microsoft tổ chức đêm qua là sự kiện thứ hai trong chuỗi “Xbox 20/20” của gã khổng lồ này, được tổ chức khoảng hơn 2 tháng sau sự kiện hồi tháng 5 không được nhiều người ưa thích.
Rút kinh nghiệm từ sự phản ứng của khán giả với sự kiện hồi tháng 5, Xbox Games Showcase lần này dài khoảng 1 giờ diễn ra vào đêm 23, rạng sáng 24/7 được nhồi nhét đầy video với gameplay “xịn” của các trò chơi sắp ra mắt trên Xbox Series X thay vì chỉ là một số trailer CG như trước. Ngoài khoảng 8 phút gameplay của Halo Infinite cho thấy thế giới mở rộng lớn và gameplay vừa mang nét quen thuộc lại vừa có cách tân, chúng ta còn được thấy sự trở lại của Fable trong một trailer khá hài hước, một màn chơi trốn tìm đầy mạo hiểm trong Hello Neighbour 2, trailer cho phần chơi đơn hoành tráng của Crossfire X do Remedy phát triển, gameplay của Psychonauts 2…
Khi so sánh với những tựa game được Sony công bố trong sự kiện Future of Play dành cho PS5, danh sách game của Xbox thực sự không quá ấn tượng – nó thiếu vắng những cái tên thường xuyên làm ra game AAA, dù Mọt tui không thể nói rằng đội hình của Microsoft là yếu. Halo Infinite, S.T.A.L.K.E.R. 2, Forza Motorsport, Grounded, Avowed,… và cả sự trở lại của Fable là những cái tên đáng kể, nhưng chúng thiếu điểm nhấn bởi tất cả đều đã được báo trước từ lâu, bị tiết lộ qua nhiều phương thức khác nhau hoặc là game đa hệ. Vì vậy, sẽ không sai khi nói rằng sự kiện mà Microsoft tổ chức vừa qua không thể khiến game thủ chấn động.
Dù khi mới nhìn lướt qua, bạn có thể cho rằng đây là một màn trình diễn đáng thất vọng của Xbox Series X nói riêng và Xbox nói chung, nó lại không phải là thất bại. Microsoft giờ đây chẳng còn quan tâm đến chuyện làm game độc quyền để bán console - toàn bộ 22 tựa game xuất hiện trong sự kiện đều sẽ có mặt trên PC hoặc cả PS5, và điều này chẳng ảnh hưởng gì đến chiến lược next-gen của Microsoft. Hãy để Mọt tui nói ra lý do đã dẫn mình đến với nhận định này, và bạn có thể suy xét xem chiến thuật next-gen của Microsoft là sai hay đúng và có lợi cho mình hay không.
Đầu tiên, Mọt xin nói ngay rằng Microsoft không còn bận tâm đến game độc quyền cho Xbox là bởi họ có dịch vụ độc quyền Xbox Game Pass. Toàn bộ 22 tựa game xuất hiện tại Xbox Games Showcase đều sẽ được đưa vào dịch vụ này, và đây mới là "con gà đẻ trứng vàng" thế hệ mới của Microsoft. Minh chứng cụ thể nhất nằm ngay trong sự kiện Xbox Games Showcase khi ông Phil Spencer nhắc lại rằng dịch vụ này đã đạt đến mốc 10 triệu người đăng ký, một con số không hề ít. Với mức giá tối thiểu 10 USD/người/tháng (15 USD nếu chọn mức Ultimate), điều này đồng nghĩa với việc mỗi tháng Microsoft đều đặn thu về tối thiểu 100 triệu USD.
Con số 10 triệu người đăng ký trên sẽ càng ấn tượng hơn khi bạn biết rằng dịch vụ này chưa hề được mở cửa cho game thủ toàn thế giới, chẳng hạn tại Việt Nam những người muốn dùng Xbox Game Pass vẫn phải mua thẻ trả trước hoặc nhờ sự giúp đỡ của người khác chứ không thể tự đăng ký. Để so sánh, The Last of Us 2 bán được khoảng 4 triệu bản trong tuần đầu ra mắt, đem về cho Sony khoảng 240 triệu USD và là tựa game đứng hạng 2 về doanh số bán ra tại Mỹ trong lịch sử của Sony, chỉ sau Marvel's Spider-Man. Việc so sánh này không nhằm chỉ ra bên nào “ngon” hơn vì một bên là cả núi game còn bên kia chỉ là một game, nhưng nó cho bạn thấy rằng Xbox Game Pass của Microsoft đang thành công đến mức nào.
Tại sao Xbox Game Pass thành công? Vì một lẽ đơn giản là nó thực sự hấp dẫn trong mắt game thủ. Dịch vụ này có một kho game khổng lồ mà bất kỳ ai trả phí tháng đều có thể tải về và chơi bất kỳ lúc nào, từ bom tấn như Gears 5 đến các tựa game indie nho nhỏ, từ RPG đến "mô phỏng đi bộ." Đó là còn chưa kể đến cảm giác yên tâm mà game thủ có được khi đăng ký dịch vụ này bởi kể từ khi Xbox Game Pass ra mắt đến nay, Microsoft chưa từng gỡ bất kỳ một trò chơi nào khỏi kho game mà khách hàng của nó có thể thưởng thức.
Và bằng cách làm cho Xbox Game Pass ngày càng hấp dẫn hơn khi game cũ không đi còn game mới liên tục đến, Microsoft không còn phải bận tâm đến việc bạn có mua game độc quyền của Xbox hay không - Halo Infinite sẽ là tựa game Halo duy nhất của Microsoft trong khoảng 10 năm tới với một phương thức kinh doanh hoàn toàn mới. Microsoft thậm chí cũng không quan tâm đến việc bạn có mua Xbox Series X hay không, mà họ chỉ cần bạn đăng ký Xbox Game Pass, chơi thử một vài tựa game trong số đó và khiến bạn cảm thấy việc chi 10 hay 15 USD mỗi tháng là đáng đồng tiền. Mà thật ra nếu Microsoft phải bán Xbox Series X với mức giá thấp, việc bạn không mua Xbox Series X còn giúp họ cắt lỗ nữa!
Việc Microsoft tập trung bán Xbox Game Pass cũng cực kỳ có lợi cho các nhà làm game vừa và nhỏ. Do sự cạnh tranh kịch liệt trong ngành công nghiệp game, mỗi tháng có vô số game ra mắt rồi chìm nghỉm bởi game thủ ngại ngần không muốn thử mặc cho mức giá bèo bọt. Khi những tựa game này xuất hiện trong một dịch vụ trọn gói như Xbox Game Pass, sẽ có những game thủ tò mò chơi thử chúng, và những tựa game thực sự hấp dẫn sẽ có cơ hội để thành công không chỉ trên Xbox Game Pass mà còn cả trên Steam hay bất kỳ nền tảng phát hành nào mà nhà phát triển lựa chọn. Theo số liệu thăm dò ý kiến của Microsoft, 91% số game thủ đăng ký Xbox Game Pass đã trải nghiệm một tựa game mà đáng lẽ họ sẽ không chơi nếu không có dịch vụ này.
Chưa hết, những game thủ thích xê dịch còn có một lý do để sử dụng dịch vụ của Microsoft: vào cuối năm nay, những ai đăng ký mức Ultimate 15 USD/tháng của Xbox Game Pass sẽ có thể sử dụng giải pháp chơi game trên mây xCloud để chơi kho game PC và Xbox của mình ở bất kỳ đâu qua các thiết bị di động. Ban đầu bạn “chỉ” có thể chơi các game trong Xbox Game Pass qua tính năng này, nhưng theo lộ trình của Microsoft, chẳng sớm thì muộn toàn bộ kho game Xbox sẽ được đưa lên server của họ, và chiếc điện thoại hay tablet của bạn sẽ trở thành một thiết bị chơi game Xbox chẳng khác gì một máy console.
Và đây là một lợi thế cực lớn giúp Microsoft có thể cạnh tranh với những dịch vụ game trên mây tương tự, chẳng hạn như Stadia của Google hay Project Tempo của Amazon. Trong khi Stadia bắt người dùng phải trả hai khoản tiền là phí tháng và tiền mua game trên cửa hàng của Google, bạn chỉ cần trả một khoản tiền duy nhất là 15 USD/tháng để được chơi hàng trăm, hàng ngàn game của Microsoft và nhiều studio khác trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, nó còn tấn công vào túi tiền của game thủ PC – một đối tượng khách hàng mà Sony chỉ mới vừa để mắt đến gần đây bằng cách chuyển hệ những tựa game đã vài năm tuổi như Horizon: Zero Dawn hay Detroit: Become Human.
Dĩ nhiên là trong tình thế hiện tại, Sony vẫn có một kho game độc quyền khủng hơn so với Microsoft – nếu Mọt nói rằng mình xem trọng dàn game mà Microsoft vừa công bố hơn các trò chơi được Sony “khoe hàng” hồi tháng 6, đó là một lời nói dối. Tuy nhiên với Xbox Game Pass, Microsoft đã có được một món vũ khí mới để tham gia vào cuộc chiến next-gen. Họ không còn bị buộc phải tung ra vài game AAA đỉnh cao mỗi năm, mà chỉ cần có một dòng game vừa và nhỏ đều đặn làm dài thêm danh sách những trò chơi có trong Xbox Game Pass. Khi Xbox Game Pass có tất cả mọi thể loại, nó sẽ giữ chân được tất cả mọi người.
Nhưng những gì mà Mọt tui nói bên trên là có lợi cho game thủ và nhà phát triển, vậy còn cái lợi cho Microsoft thì sao? Có lẽ cái lợi lớn nhất mà gã khổng lồ này nhận được khi chuyển hình sang kinh doanh Xbox Game Pass là cắt giảm chi phí phát triển game, một khoản chi đang ngày càng tăng vọt hiện tại. Trong khi các nhà phát triển, phát hành khác cố gắng cân bằng thu chi bằng cách tạo ra những tựa game thế giới mở khổng lồ có khả năng giữ chân game thủ lâu dài, nhồi nhét thật nhiều microtransaction và tung ra đủ kiểu DLC, Season Pass để thu lại chi phí phát triển, Xbox Game Pass chỉ cần tung ra thật nhiều game nhỏ.
Chi phí để phát triển những tựa game nhỏ này chắc chắn thấp hơn so với việc làm ra một tựa game khổng lồ, và Mọt tin chắc rằng chúng ta sẽ tiếp tục thấy rất nhiều game nhỏ hơn, ngắn hơn nhưng với gameplay đa dạng hơn. Điều này giúp Microsoft mở rộng tầm với của Xbox Game Pass, và khiến những người đã lỡ rơi vào vòng tay của dịch vụ này khó thoát ra ngoài bởi họ cứ muốn chờ đợi xem có gì kế tiếp. Game thủ có thể sẽ thích game A và ghét game B, nhưng khi cả A và B đều nằm trong Xbox Game Pass, Microsoft vẫn là người thắng cuộc. Có thể họ không thắng bằng doanh số bán Xbox Series X như các fan cuồng trông đợi, nhưng họ thắng được sự tin tưởng của game thủ trong khi làm túi tiền của mình phình to mà không cần phải lao vào cuộc chiến hao tiền tốn của với Sony.