Khi The Last of Us 2 chỉ còn đếm ngược từng ngày, chúng ta lại có cơ hội bình tâm nhìn lại để tự hỏi bản thân thêm lần nữa rằng vì sao phần một của trò chơi lại cuốn hút đến thế. Lần giở lại những trang trong quá khứ, The Last of Us lần đầu ra mắt trên PS3 vào năm 2013, thật khó để tưởng tượng trò chơi này có thể ảnh hưởng khủng khiếp đến ngành công nghiệp theo cách không ai ngờ tới. Có thể nói sự thành công của The Last of Us bao gồm nhiều yếu tố lớn nhỏ khác nhau. Thế nhưng điều gì đã thực tạo nên điểm nhấn cho The Last of Us, khiến nó trở thành một trải nghiệm đầy cảm xúc, một kiệt tác độc nhất vô nhị, khiến cho chúng ta chỉ muốn quên đi tất cả để có thể được thưởng thức lại nó từ đầu?
Zombie không tự nhiên mà sinh ra, luôn luôn có lí do để chúng xuất hiện. Từ trước tới nay, trong lịch sử, chuyện dân gian hay văn hóa đại chúng nói chung, có muôn vàn cách giải thích cho nguồn gốc của những kẻ đã chết nhưng vẫn sống này. Đó có thể là một loại dịch bệnh, một hiện tượng siêu nhiên hoặc khoa huyễn hơn có thể là thứ gì quái đản nằm ngoài tầm hiểu biết của con người. Thế nhưng đa phần các ý tưởng đó vẫn là sản phẩm của óc sáng tạo, trí tưởng tượng cao xa của những biên kịch tài năng. Không có nhiều cơ sở khoa học để ủng hộ cho những giải thuyết đầy tính viễn tưởng này. Và quan trọng hơn hết nó lại khiến chúng ta thấy yên tâm hơn vì nó dường như không có khả năng một dịch bệnh kiểu zombie có thể xảy ra ngoài đời thật.
Vậy nhưng đối với The Last of Us, đó lại là một câu chuyện khác. Có lẽ hầu hết chúng ta đều đã biết rằng nguyên nhân đại dịch zombie trong tựa game này là chủng loại nấm kí sinh mang tên Cordyceps. Ngoài đời thật loài nấm này còn có tên thân quen là Đông Trùng Hạ Thảo, vốn kí sinh trên sâu bọ, xâm chiếm sau đó thay thế các mô của vật chủ và trên hết chúng còn sở hữu khả năng điều khiển hành vi của vật bị ký sinh. Trong thế giới The Last of Us, loài nấm kí sinh này đã đột biến và bắt đầu lây nhiễm trên con người, tạo nên đại dịch quy mô toàn cầu và trực tiếp dẫn tới sự sụp đổ của nền văn minh. Đương nhiên là cho tới nay vẫn chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh rằng Cordyceps có thể tác động đến con người. Thế nhưng với những cơ sở khoa học về Cordyceps hiện tại thôi cũng đủ để chúng ta không thể không nghĩ tới tình huống xấu nhất. Liệu rằng vào một ngày không xa, loài nấm này có thể đột biến và thực sự lây nhiễm trên con người chăng, liệu rằng những gì đang diễn ra trong game thực sự có thể xảy ra ngoài đời? Chính việc dịch bệnh trong game có sự liên hệ với thực tế giúp cho The Last of Us trở nên chân thực, giàu cảm xúc và đáng suy ngẫm hơn gần như bất kì sản phẩm zombie nào từ trước tới nay.
Trước nay vấn đề bạo lực máu me đã không còn xa lạ gì trong thế giới game. Nó có thể là phụ gia để nhấn mạnh thêm cho phần nội dung, chủ đề mang tính người lớn của game hoặc có thể đơn giản chỉ là giúp game thủ được đã tay no mắt. Có lẽ không cần phải nói nhiều về yếu tố gameplay nhấn mạnh vào sinh tồn của game, cái chính là cách thể hiện nó sao cho ra ngô ra khoai. Trong thế giới hậu tận thế này, không chỉ có những kẻ nhiễm bệnh mà chính cả con người cũng là những mối đe dọa đến sự sống còn của các nhân vật chính. Những kẻ sống sót như Joel và Ellie phải tận dụng mọi thứ mình có và làm đủ những chiêu trò ghê rợn, thậm chí là bẩn thỉu nhất chỉ nhằm mục đích sinh tồn.
Một ví dụ nho nhỏ như việc craft các item cần thiết yêu cầu người chơi phải tích cực tìm kiếm và tận dung mọi tài nguyên có được. Game không hề tạm dừng khi Joel bở balo ra để craft, mọi thứ đều vẫn diễn ra trong thời gian thực giữa lúc craft. Nó tạo ra sự căng thẳng và cấp bách nếu như phải craft giữa những cuộc đụng độ. Cùng với đó là khả năng lựa chọn giữa lén lút hoặc trực tiếp đối đầu với kẻ thù, cho thấy ở cái thời kì văn minh sụp đổ này con người ta phải tận dụng mọi mánh khóe để mà sống sót. Đi cùng với đó là những màn đụng độ vô cùng căng thẳng đầy máu me khi người chơi có thể cảm nhận rõ sự tác động của từng phát bắn, từng cú đánh, từng pha kết liễu vô cùng bạo lực và chân thực khi cả đối phương lẫn các nhân vật đều có thể chết vô cùng thảm khốc. Cách tiếp cận bạo lực trong game cho thấy rằng thế giới hậu tận thế đã thay đổi bản chất con người ta tệ hại đến như nào khi ai cũng phải gồng mình chiến đấu, vật lộn giành lấy từng chút hy vọng của sự sống. The Last of Us không phải tựa game đầu tiên thể hiện được những điều này nhưng nó đã thể hiện chúng một cách xuất sắc!!!
Dịch bệnh là thế, đấu tranh sinh tồn là thế, nhưng nội dung chính của The Last of Us không hoàn toàn xoay quanh dịch bênh hay giết chóc, nó xoay sự gắn kết giữa hai con người vốn hoàn toàn xa lạ. Joel sau khi mất đi người con gái ruột dường như đã tự tách bản thân ra khỏi thế giới. Anh tồn tại chứ chẳng phải sống bởi không duy trì bất cứ mối quan hệ thân thiết nào, càng không thèm giữ liên hệ gì với người anh trai. Mối quan hệ của Joel với kẻ khác nhìn chung chỉ dừng ở mức đối tác làm ăn, anh cũng hoàn toàn không theo phe phái nào. Còn về Ellie, đây là cô bé còn chưa trưởng thành, khá là phiền phức và hoàn toàn vô tư. Cũng phải thôi khi Ellie không phải là người từng trải gì để mà trầm tĩnh như Joel, hơn nữa vì bản thân miễn dịch với Đông Trùng Hạ Thảo nên cũng không có nhiều lí do để Ellie phải lo lắng.
Trước khi TLOU ra mắt, việc tạo nên sự liên kết giữa người chơi và NPC đồng hành không quá xa lạ. Có thể kể tới Alyx trong Half-Life 2 hay Elizabeth trong Bioshock Infinite. Thế nhưng Naughty Dog muốn tiến xa hơn hết thảy, tạo nên sự gắn kết giữa người chơi và NPC cả trong cốt truyện lẫn gameplay. Và The Last of Us là kết quả chứng minh rõ ràng nhất cho ý tưởng đột phá đó. Ban đầu, Joel chỉ coi Ellie như một phần của công việc, đó là đưa Ellie đến Firefly an toàn. Bởi vậy mà nhiệm vụ ban đầu đơn giản là bảo vệ Ellie, còn cô bé không giúp ích được gì nhiều. Bản thân Ellie cũng không muốn bị coi là trẻ con, cô bé muốn tỏ ra có ích hơn là đứa trẻ gây khó chịu, có điều Ellie chưa được Joel tin tưởng. Trải qua biết bao tình huống sóng gió, dần dần Joel (và cũng chính là người chơi) buộc phải chấp nhận tin tưởng nhiều hơn ở Ellie, thậm chí giao cho cô bé súng để tự vệ cũng như hỗ trợ mình.
Rồi dần dần những khoảnh khắc trong chiến đấu lẫn thời gian tĩnh lặng mà cả hai dành cho nhau đã giúp cho hai con người xa lạ này xích lại gần nhau hơn. Theo cách tự nhiên nhất, cả hai dần hình thành nên mối quan hệ thân tình kiểu cha và con gái. Joel cũng bắt đầu gượng dậy sau cái chết của con gái mình, dần mở lòng rồi trở thành người thầy, người cha đúng nghĩa mà Elli mong muốn. Và về phía Ellie, cô bé cũng trưởng thành hơn, có trách nhiệm hơn và hiểu được sứ mạng của mình với toàn bộ nhân loại. Chính nhờ vào sự phát triển mối quan hệ giữa hai nhân vật tự nhiên và giàu cảm xúc bằng cách kết hợp hài hòa giữa nội dung cốt truyện và tương tác ngay trong lối chơi đã tạo nên sự gắn kết không chỉ giữa nhân vật mà cả người chơi cũng cảm thấy mình xuất hiện trong đó. Đây có thể coi là yếu tố mấu chốt tạo nên trải nghiệm độc đáo, đáng nhớ và giàu cảm xúc trong The Last of Us.
Khi nhắc tới The Last of Us, bạn sẽ nghĩ đây là một game như thế nào? Có người nói đây là game zombie, kẻ khác lại cho rằng nó thuần túy là TPS, đa số cho rằng đây là game kinh dị sinh tồn và cũng không hiếm game thủ cho rằng không gì thích hợp hơn định danh gameshow "Bố ơi mình đi đấu thế?" phiên bản hậu tận thế. Mỗi người ắt sẽ có ý kiến riêng cho bản thân nhưng còn bạn, bạn sẽ nghĩ đây là tựa game như thế nào? Dù là gì đi nữa thì có lẽ The Last of Us cũng đã vượt khỏi phạm trù của một trò chơi đơn thuần khi cung cấp cấp cho đại đa số game thủ những trải nghiệm không thể nào quên.