Phụ Lục
Trong một vài năm gần đây, khi phải tìm kiếm một tựa game mới nhưng lại có khả năng gợi cho game thủ nhớ về thời hoàng kim của thể loại RPG 16 bit, có lẽ cái tên đầu tiên nhảy vào óc Mọt tui sẽ là Octopath Traveler. Dù chưa từng chơi tựa game này bởi không sở hữu Switch, Mọt không thể đánh giá nó trong bài viết này, nhưng vẫn muốn chia sẻ vì sao mình lập tức pre-order khi nghe tin trò chơi sẽ ra mắt trên PC.
Ngay từ việc phát triển một game 2D trên nền tảng Unreal, Square Enix không ngần ngại cho game thủ thấy Octopath Traveler được tạo ra để khai thác kỷ niệm. Trò chơi nhắm thẳng vào những yếu tố quen thuộc nằm trong ký ức của những game thủ hoài cổ - những người thề sống chết bảo vệ ngôi vị số một của FF6 thay vì công nhận FF7 là “đỉnh” nhất, hay những người vẫn giữ ký ức về thời đại của Hoàng Tử Ba Tư và Y’s ngày xưa.
Tất cả những gì bạn cần để kiểm chứng điều này là tìm đến một bức screenshot của trò chơi để thấy được bộ áo ngoài lộng lẫy nhưng vẫn theo đúng hình thức của thời đại 8bit và 16bit. Bạn sẽ dễ dàng nhận ra rằng Octopath Traveler dùng đúng những màu sắc và phong cách hình ảnh mà những Final Fantasy và Dragon Quest ngày nào trên SNES từng sử dụng, nhưng kết hợp cùng công nghệ tiên tiến để tạo thành một trải nghiệm có thể nhấn chìm game thủ trong một trò chơi vừa gợi nên hồi ức, lại vừa không thiếu sự mới mẻ trong mình. Không phải ngẫu nhiên mà những tựa game đồ họa pixel, 2D vẫn còn “đất sống” trong thời buổi này: trong khi hình ảnh 3D rất đẹp mắt và chân thực, phong cách hình ảnh giả 2D mà Octopath Traveler lựa chọn đem lại cho game thủ đất để phát huy trí tưởng tượng của mình, hệt như những ngày xưa.
Nhưng theo Mọt tui, phiên bản gốc của trò chơi trên Switch có một giới hạn lớn: chiếc màn hình nhỏ của Nintendo Switch. Dĩ nhiên game thủ có thể kết nối nó với một màn hình PC, nhưng về bản chất nó sẽ vẫn chỉ là một trò chơi chạy ở 1280x720 (ngay cả khi bạn thiết lập 1080p trên Switch, game sẽ vẫn chỉ được upscale từ 720p chứ không được dựng hình ở 1080p). Vì vậy khi nghe tin trò chơi sẽ được chuyển hệ lên PC, tác giả hết sức vui mừng vì đây là cơ hội để game thủ cả thế giới có thể nhìn ngắm từng pixel của trò chơi và thưởng thức vẻ đẹp đơn giản của nó một cách rõ ràng nhất.
Octopath Traveler cũng giấu không ít bí mật để game thủ khám phá trong thế giới của mình. Từ những ngôi đền bí mật mở khóa các nghề nghiệp ẩn đến những góc khuất ẩn sau các khối đá lớn hay những cái rương bị khóa kín chờ được mở ra, trò chơi sẽ luôn đem lại cho bạn một lý do nào đó để trở lại với những vùng đất cũ. Việc tìm kiếm các bí mật này chẳng khác gì “ngày xửa ngày xưa” khi Mọt tui cắm đầu vào tường trong những Doom hay Final Fantasy để tìm các bí mật ẩn sau những bức tường giả.
Một lý do khác khiến tác giả muốn đến với Octopath Traveler là ở hệ thống nhân vật của nó. Mọt tui tránh spoil nội dung của trò chơi cho chính mình nên chưa từng xem một video gameplay nào của game, nhưng theo những gì mình được biết, trò chơi đem lại cho game thủ khả năng điều khiển 8 nhân vật khác nhau, nhưng không có ai là nhân vật phụ. Tất cả họ đều được trân trọng như nhau, đều được dành hẳn… bốn chương để giúp game thủ biết rõ về nguồn gốc, mục tiêu, tình cảm và động lực của họ, giúp người chơi có thể đồng cảm và gắn bó hơn với nhân vật. Những thương hiệu lớn khác từ Nhật Bản như Dragon Quest hay Final Fantasy cũng chưa dành “đất” cho nhiều nhân vật đến mức này, và vì thế Octopath Traveler nổi bật bằng một nét riêng.
Dĩ nhiên trong quá trình tìm hiểu về những đánh giá mà Octopath Traveler nhận được, Mọt tui cũng nhận thấy một vài nhận xét bất lợi cho trò chơi. Yếu tố thường bị chê trách nhất có lẽ là việc các nhân vật trong game không thực sự “biết” nhau trong các phần chơi riêng của từng người: nhân vật chính của câu chuyện là tiêu điểm của câu chuyện, trong khi hai nhân vật hỗ trợ chỉ đơn thuần là giúp đỡ đánh nhau. Họ không giao tiếp và tương tác với nhau như cách mà những tựa game RPG chọn lối chơi tổ đội khác thường áp dụng. Mọt quả thật cảm thấy hơi thất vọng sau khi biết được những nhận xét này, nhưng có lẽ những câu chuyện mà Octopath Traveler đem lại sẽ đủ hấp dẫn để xóa nhòa những nhược điểm trong cốt truyện của game.
Với tác giả, lý do để hào hứng với Octopath Traveler là vì trò chơi đã “gãi đúng chỗ ngứa”: một tựa RPG vừa hoài cổ, lại vừa phát huy những gì mà ngành công nghiệp game đã học được trong hàng chục năm qua. Qua bề ngoài, Octopath Traveler tỏ ra là một tựa game vừa mới mẻ lại vừa cổ điển, và là tấm gương mà những nhà phát triển muốn đưa game thủ tìm về quá khứ nên noi theo. Mọt đã sẵn sàng để lao vào cuộc phiêu lưu vừa mới lại vừa cũ này trên chiếc PC quen thuộc của mình, còn bạn thì sao?