Octopath Traveler, tựa RPG với đồ họa 16 bit do Square Enix phát hành năm 2018 là một trong những RPG thành công nhất trong khoảng một năm trở lại đây. Tuy nhiên do đối tượng game thủ mà nó phục vụ khá hạn hẹp (chỉ dành cho Switch), trò chơi không gây được tiếng vang lớn xứng đáng với chất lượng của mình. Điều đó có lẽ sắp thay đổi, bởi chỉ trong chưa đầy hai tuần nữa, nó sẽ đến với cộng đồng game thủ lớn nhất thế giới: Steam. Trong bài viết này, Mọt tui muốn tìm hiểu những lý do vì sao trò chơi lại thành công và nó có những gì xứng đáng để các fan RPG trên PC chờ đợi.
Có lẽ yếu tố đầu tiên khiến Octopath Traveler thành công là… đồ họa có vẻ như lỗi thời của nó. Những game thủ lâu năm không ít thì nhiều đều hoài cổ, và trò chơi đã đánh trúng tâm lý này. Bằng cách sử dụng hình ảnh sprite 2D, Square Enix đã thu hút được sự chú ý của những game thủ đã có tuổi, những người từng trải qua “thời đại hoàng kim” của JRPG 2D, với những tựa game kinh điển như Final Fantasy 7, Final Fantasy Tactics, Y’s và hàng loạt tên tuổi khác. Có thể nói trò chơi đã quét sạch nhóm game thủ này chỉ bằng đoạn trailer đầu tiên.
Ngay từ đoạn trailer đầu tiên, fan JRPG cổ điển đã bị bắt làm tù binh.
Yếu tố thứ hai khiến trò chơi thành công là ở “tay nghề” của Square Enix và Nintendo trong việc quảng bá trò chơi. Octopath Traveler xuất hiện trong bối cảnh Switch còn khá ít game, và Nintendo cần phải mở rộng thư viện game của mình nếu muốn Switch có được sức cạnh tranh cần thiết với PS4 và Xbox One vốn đã có một thư viện game hoành tráng. Vì vậy, Nintendo đã bắt tay với Square Enix để quảng bá nó một cách mạnh mẽ chẳng kém gì một tựa game do chính Nintendo phát hành. Trò chơi xuất hiện trong hàng loạt quảng cáo, banner, và thậm chí được Nintendo dành rất nhiều thời gian để giới thiệu trong các buổi stream Nintendo Treehouse tại E3.
Một điều mà có thể game thủ Việt ít chú ý, nhưng các game thủ nước ngoài lại rất quan tâm là những câu chuyện về các sự kiện xảy ra trong quá trình phát triển game. Đội ngũ marketing của Square Enix đã chinh phục những game thủ này bằng hàng loạt video về quá trình phát triển (dev diary), hỏi đáp, trả lời phỏng vấn, giới thiệu tính năng… Chúng chỉ toàn chuyện bên lề, nhưng khiến game thủ cảm thấy gắn bó hơn với quá trình phát triển trò chơi. Mọt tin rằng với những game thủ đã có tuổi và sẵn sàng bỏ thời gian (hoặc có thời gian) để tìm hiểu về một trò chơi mình yêu thích, những video này góp phần quan trọng vào việc kích thích trí tò mò và xây dựng sự mong đợi trong lòng game thủ.
Những video như thế này giúp game thủ gắn bó hơn với trò chơi.
Nhưng những sự kích động mà game thủ có được từ hồi ức, từ trailer hay quảng cáo đều sẽ chẳng thể tồn tại lâu nếu đó là tất cả những gì mà Octopath Traveler có được. Yếu tố thứ ba góp phần vào chiến thắng của Octopath Traveler là thái độ của nhà phát triển. Khác với EA “thích thì mua, không thích thì thôi,” Square Enix cho thấy họ thực sự muốn biến Octopath Traveler thành một tựa game xuất sắc. Square Enix đã thu thập được hơn 45.000 phản hồi của game thủ sau khi bản demo đầu tiên được tung ra và sử dụng chúng để cải thiện trò chơi. Chất lượng của game đã cải thiện thấy rõ nhờ những phản hồi này, và game thủ có thể thấy được ý kiến của họ được trân trọng như được thể hiện trong bản demo thứ 2 của game được tung ra vào tháng 1/2018, chẳng hạn các đoạn cắt cảnh có thể được bỏ qua, cân bằng lại combat, tốc độ chạy của nhân vật tăng lên và tính năng fast travel được bổ sung để giúp game thủ dễ dàng đi lại…
Với những chỉnh sửa như vậy, bản demo thứ hai của Square Enix nhận được những lời khen ngợi nhiệt tình của người chơi. Một game thủ nói rằng “không một đội ngũ hay công ty nào khác tung ra một video nói rõ những thay đổi trong một bản demo, và ngay cả khi họ làm vậy, đó sẽ chỉ là một bài post đơn giản với patch notes chứ không phải một video hoàn chỉnh đòi hỏi phỏng vấn, ghi hình và chỉnh sửa. Đây hẳn phải là một dự án của niềm đam mê.” Khi các fan thấy được thành ý của nhà phát triển, họ chẳng ngại ngần gì trong việc bày tỏ sự ủng hộ của mình bằng tiền tươi thóc thật khi phiên bản chính thức ra mắt.
Dĩ nhiên không phải ai cũng thích trò chơi bởi thể loại JRPG vốn hơi “kén” game thủ, nhưng gameplay của Octopath Traveler là sự cân bằng khá tốt giữa đồ họa đẹp mắt, combat thú vị (dù hơi dài) và phần cày cuốc được tưởng thưởng xứng đáng. Chất lượng của game có lẽ được thể hiện rõ nhất qua điểm số mà nó đạt được. Trên Metacritic, trò chơi có điểm số 83 từ các trang tin, và 8,7 từ game thủ. Một số giải thưởng khác mà trò chơi “ẵm” về cho Square Enix bao gồm giải Nintendo Game of the Year tại Golden Joystick Awards, giải Mobile/Handheld Title of the Year tại Australian Games Award, giải Excellence in Art tại SXSW Gaming Awards…
Với việc giữ nguyên phong cách của Tam Quốc Chí cộng thêm lối chơi quen thuộc của seri, Total War: Three Kingdoms có nội dung khổng lồ quá sức tưởng tượng.
Và có lẽ ngày phát hành của game cũng là một yếu tố góp phần vào sự thành công của trò chơi. Khi được phát hành vào ngày 13/7/2018, Octopath Traveler gần như không có đối thủ nào xứng tầm để cạnh tranh sự chú ý và ví tiền của khách hàng. Không có gì khó hiểu khi trò chơi bán được hơn 1 triệu bản chỉ trong vòng ba tuần đầu tiên, chưa tính doanh số tại Nhật Bản – nơi số lượng Switch bán ra đã vượt qua PS4 theo số liệu ngày 15/5 vừa qua. Tại quê hương mình, Square Enix đã phải nói lời xin lỗi đến hai lần vì các fan không thể mua được bản đĩa của trò chơi do… cháy hàng.
Tóm lại, Octopath Traveler được yêu thích trên Switch là sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau. Đây là một tựa game hay, đánh trúng tâm lý hoài cổ của game thủ và dù đi theo phong cách cổ điển, nó lại mới mẻ đến bất ngờ bởi Square Enix đã rời bỏ JRPG 2D theo lượt từ lâu. Nó được quảng bá một cách bài bản, đi kèm thái độ tích cực và cầu thị của nhà phát triển. Khi tất cả những điều trên kết hợp cùng hai bản demo đầy thuyết phục, game thủ biết rõ mình sẽ nhận được gì khi mua game và vì thế họ không ngần ngại rút hầu bao.