Không chỉ một, mà đến hai thông tin chấn động vừa xuất hiện trên 4chan, một diễn đàn trao đổi nặc danh trên internet, bổ sung thêm lý do để game thủ căm ghét cửa hàng game “có lợi cho game thủ” của Tim Sweeney.
Thông tin đầu tiên được đăng bởi một nhân vật tự nhận là thành viên Gearbox và nói rằng sếp Gearbox, ông Randy Pitchford đã dối trá khi đăng lên Twitter rằng việc Borderlands 3 lên Epic Games Store là quyết định của nhà phát hành, còn bản thân ông và Gearbox không có tiếng nói. Nhân vật nặc danh này nói rằng ông Randy chính là người đã thuyết phục nhà phát hành đưa game lên cửa hàng của Epic, và đẩy mạnh việc phát triển nội dung online cho trò chơi thay vì ưu ái phần chơi đơn. “Sau khi việc độc quyền Epic được xác nhận, chúng tôi bị cấm nói về vấn đề nền tảng phát hành trên Twitter cá nhân,” người post bài viết.
Thông tin thứ 2 là việc Red Dead Redemption 2, tựa game cao bồi mà game thủ PC khắp thế giới đang mong chờ cũng sẽ lên PC vào ngày 9/7/2019. Theo nhân vật đăng tải thông tin này, Red Dead Redemption 2 sẽ độc quyền vĩnh viễn cho Epic thay vì có thời hạn như những tựa game trước. Lý do được đưa ra là vì theo hợp đồng giữa Take-Two với Epic, nhà phát hành Take-Two sẽ được giữ lại toàn bộ lợi nhuận từ các DLC của RDR2 thay vì phải chia chác 30% như khi phát hành trên Steam.
Dù thông tin về Borderlands 3 còn chưa rõ thực hư trong khi mẩu tin về Red Dead Redemption 2 đã được chứng minh là giả sau vài ngày khi nhân vật đăng tải thông tin đó tiếp tục... nổ là Nintendo sẽ tung Super Mario Odyssey độc quyền cho Epic, nhưng game thủ thế giới đã nổi nóng khi vừa nghe tin. Đối với họ, việc RDR2 lên Epic cũng có vẻ khá đáng tin bởi Take-Two cũng vừa ký hợp đồng độc quyền 6 tháng cho Borderlands 3, và Private Division - một chi nhánh của Take-Two cũng đã chấp nhận phát hành độc quyền The Outer World cho Epic. Vì vậy, các thông tin này góp gió cho cơn bão những lời chỉ trích mà Epic Games Store đang hứng chịu, dù cơn bão này chưa từng có dấu hiệu tan trong những tháng qua.
Trong trường hợp của Red Dead Redemption, những game thủ vốn đã bất mãn với Rockstar từ lâu vì nhiều vấn đề với GTA V lại được dịp bày tỏ sự tức giận của mình. Thật vậy, nếu nhìn lại GTA V, game thủ sẽ nhận ra rằng các DLC mà Rockstar từng hứa hẹn bặt vô âm tín, và sau đó nhiều nội dung lẽ ra được xuất hiện trong phần chơi đơn bỗng nhiên bị “hô biến” lên GTA Online. Game thủ PC cũng tức giận khi mình bị coi là công dân hạng hai khi ngày phát hành các tựa game của Rockstar trên PC luôn rất trễ so với bản console, một chiến thuật hốt tiền hai lần của Take-Two. Những rắc rối với cộng đồng modder như vụ việc Take-Two yêu cầu OpenIV ngừng hoạt động cũng được nhắc tới.
Sự bực dọc của khách hàng là hoàn toàn có cơ sở. Epic nói rằng tiêu chuẩn về cửa hàng game như hiện tại là "gần như hoàn hảo" và cách để chiến thắng Steam là nguồn game, giá bán đến tay game thủ và cách chia lợi nhuận với nhà phát triển. Ông Tim Sweeney, giám đốc Epic nói “chúng tôi phải cạnh tranh theo cách này nếu muốn việc phát triển được đầu tư nhiều hơn, và giá game tốt hơn.” Tuy nhiên như Mọt từng nhắc đến trong bài viết trước, “giá game tốt hơn” chỉ xảy ra tại một vài khu vực hạn hẹp như tại Mỹ, trong khi game thủ tại nhiều quốc gia khác trên thế giới – không chỉ các nước nghèo, mà cả những nước giàu như Đức, Pháp, Italia, Úc… đều phải chịu cảnh giá game tăng lên.
Ngoài những gì mà Epic đang thực hiện để mở rộng cửa hàng của mình, một lý do khác khiến game thủ PC có ác cảm với Epic Games Store là những gì từng xảy ra trong quá khứ, khi các nhân vật cộm cán của Epic nhiều lần nhạo báng họ là lũ trộm cắp. Mike Capps, cựu chủ tịch Epic nói “chúng tôi đã thấy sự ảnh hưởng của game lậu và điều này hoàn toàn thay đổi mô hình kinh doanh của chúng tôi.” Khi Bulletstorm bản PC (một bản port dở tệ về mặt kỹ thuật) không bán chạy như mong đợi, ông Mike Capps cũng đổ cho chuyện game lậu. “Nó không phải là bản chuyển hệ PC tốt nhất trong lịch sử, nhưng game lậu cũng là một vấn đề lớn.”
Giám đốc Epic hiện tại là ông Tim Sweeney cũng từng nói rằng họ biết game thủ nghĩ gì, nhưng Epic không quan tâm và “hoàn toàn đi theo con đường này” (tức cạnh tranh bằng game độc quyền). Lời nói và việc làm của Tim Sweeney cũng thuộc dạng câu sau chém câu trước, chẳng hạn hồi 2016 ông ta chỉ trích Microsoft chơi xấu khi làm game độc quyền cho Windows 10, đến 2018 lại mua độc quyền cho Epic Games Store.
Chưa hết, Cliff Bleszinski, nhà thiết kế Gears of War nói lý do series này không còn lên PC là vì ”những game thủ đủ rành để muốn có PC mạnh là người đủ rành để cài bittorent đê ăn trộm phần mềm.” Gần đây nhất, giám đốc chiến lược phát hành Sergey Galyonkin của Epic Games Store suýt nữa lãnh đủ khi có một topic nói rằng ông phát biểu “game thủ là lũ a****** hung hãn khó ưa với những đòi hỏi điên khùng và nên cút hết.” May mắn là sau đó người ta phát hiện ra rằng thực sự Sergey chỉ "lỡ tay" bấm thích một bài post có nội dung như vậy mà thôi.
Đó chỉ là một vài trong số những gì Epic nói về game thủ PC. Nhưng mặc cho tất cả những phát ngôn “epic” mà các sếp Epic dành cho game thủ nói chung và cộng đồng PC nói riêng, họ vẫn mở cửa hàng game dành cho PC. Và bởi rất khó chịu với game lậu, họ chọn giải pháp "đỉnh của đỉnh" là buộc game thủ phải luôn luôn online khi chơi các tựa game được bán trên cửa hàng của mình, bất kể đó là một game chơi đơn hay chơi mạng. Chính sách này chỉ bị hủy bỏ hồi giữa tháng 2 vừa qua sau một thời gian dài bị chỉ trích.
Luôn online cũng không phải là chính sách khó chịu duy nhất mà Epic buộc game thủ mua game trong cửa hàng của mình phải tuân theo. Còn có những vấn đề như việc bị ban trong một game dùng Epic Launcher (ngay cả dùng VPN cũng có thể bị ban) sẽ khiến bạn mất luôn tất cả những tựa game đã mua trong Epic Games Store.
Chính sách refund cũ của Epic bắt khách hàng phải chứng minh quyền sở hữu tài khoản bằng cách giao địa chỉ IP, ngày tạo tài khoản, hóa đơn mua game, địa chỉ nơi bạn đang ở lúc mua game, 4 chữ số cuối của thẻ tín dụng dùng để thanh toán, ngày đăng nhập cuối cùng, tên của các tài khoản dịch vụ khác (Twitch, PlayStation, Xbox…) kết nối với tài khoản Epic. Bạn không cần phải cung cấp tất cả những thông tin này, và sau khi chính sách mới “không hỏi gì hết” được đưa ra, việc refund đã được cải thiện đôi chút. Dù vậy, thỉnh thoảng vẫn có game thủ vẫn phàn nàn họ không được refund dù đã theo đúng hướng dẫn và quy định của hãng.
Cuối cùng, những vấn đề bảo mật của Epic Games Store cũng khiến game thủ chán ngán cửa hàng này. Những lo ngại đó có thể đã được chứng minh là đúng, cũng có thể chưa hoặc đã bị bác bỏ, nhưng chắc chắn chúng không giúp ích gì cho danh tiếng của họ. Các YouTuber, streamer cũng có phần ngại ngần với cửa hàng này bởi trong điều khoản sử dụng của Epic Games Store có khoản “khi làm nội dung về những tựa game trên cửa hàng của chúng tôi, các bạn đồng ý cho chúng tôi quyền sử dụng chúng cho bất kỳ mục đích nào, với bất kỳ phương thức nào cả hiện tại lẫn tương lai.” Điều khoản này cũng ngăn cấm họ làm những nội dung mà họ không thể trao quyền cho Epic, một điều mà theo Mọt là “quản quá rộng” và ảnh hưởng đến chén cơm của những người sống bằng nghề tạo nội dung game.
Và đó là tất cả những gì Mọt có thể nghĩ đến khi tìm đáp án cho câu hỏi “tại sao game thủ ghét Epic và Epic Games Store?” Epic đang chọn một chính sách kinh doanh nắm đằng chuôi dựa trên game độc quyền và lấy lòng nhà phát triển / phát hành trong khi bắt game thủ nắm đằng lưỡi, buộc họ chi trả thêm những khoản tiền mà lẽ ra Epic phải gánh chịu như phí thanh toán mua game. Lời nói và việc làm của Epic trong quá khứ cũng không giúp gì cho danh tiếng của nhà phát hành này, đặc biệt là khi các vị lãnh đạo của công ty nhiều lần bày tỏ sự chán ghét khách hàng một cách công khai và rõ ràng đến thế.