Borderlands 3, tựa game bom tấn của Gearbox và 2K có thể sẽ lại là một game độc quyền Epic Games Store khi nó ra mắt vào ngày 13/9 tới. Dù chưa được xác nhận chính thức, những gì đã và đang xảy ra cho Mọt thấy điều này.
Đầu tiên, Borderlands 3 là một game được phát triển trên nền engine Unreal, và nếu phát hành trên cửa hàng của Epic, điều đó đồng nghĩa với việc nhà phát hành 2K tiết kiệm được khoản phí sử dụng Unreal Engine. Mức phí này tương đương 5% doanh thu của trò chơi và là một con số khổng lồ với một tựa game lớn. Dù việc phát hành trên Steam cho phép nhà phát triển sử dụng hệ thống multiplayer mà Steam đã tạo dựng, chi phí cho việc phát triển một hệ thống server riêng của Gearbox có lẽ rẻ hơn rất nhiều so với việc phải chi 5% doanh thu của trò chơi.
Thứ hai, chính ông Randy Pitchford, sếp Gearbox cũng đã có một vài câu nói úp mở chuyện game sẽ ra mắt trên Epic Games Store. Việc phát hành game ở đâu hoàn toàn là quyết định của 2K và Take-Two, nhưng chỉ mới ngày hôm qua 2/4, ông Randy nói rằng “trong vai trò khách hàng, độc quyền là ok nếu chúng ngắn hạn – khoảng 6 tháng – và đem lại ích lợi. Chúng tôi tin rằng hỗ trợ đa nền tảng là điều kiện tiên quyết và việc Epic dẫn đầu trong việc cross-platform là rất có ích cho lợi ích của chúng tôi.”
Vậy đấy, có lẽ số phận của Borderlands 3 đã được quyết định: một tựa game độc quyền Epic Games Store trong thời hạn 6 tháng. Tuy nhiên điều này lại làm dấy lên một làn sóng lo ngại mới về những điều đã cũ trong cộng đồng game thủ, vì cho đến tận thời điểm này, chưa một lần Epic Games Store chứng tỏ mình đem lại lợi ích cho game thủ. Tất cả những lợi ích mà Epic Games Stores đem lại cho game thủ chỉ dừng lại ở mức lời nói gió bay - ông Randy nói Epic Games Store “đem lại ích lợi cho khách hàng” và Tim Sweeney, sếp Epic từng nói rằng “có, chỉ tại game thủ không nhìn thấy thôi.”
Yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất mà game thủ khắp thế giới lo ngại khi mua hàng trên Epic Games Store là vấn đề giá cả. Trong “phi vụ” Metro: Exodus, những game thủ tại Mỹ được lợi khi giá bán của trò chơi giảm từ 60 USD trên Steam xuống còn 50 USD trên EGS, nhưng điều đó không có nghĩa là game thủ cả thế giới được lợi. Khác với Steam vốn “gồng gánh” các chi phí thanh toán cho khách hàng, Epic nói rằng họ không thể có lợi nhuận nếu chịu khoản chi phí thanh toán này trong phần chia của mình, và vì thế họ bắt game thủ phải chi khoản tiền đó.
Hậu quả của điều này là game thủ chi nhiều tiền hơn để mua một tựa game. Chính Metro: Exodus là một ví dụ. Nếu như tại Mỹ trò chơi có giá 50 USD thì tại Úc, giá của trò chơi tăng từ 90 AUD (đô Úc) lên 65 USD. Khoản tiền mà game thủ Mỹ phải trả để mua game trên Epic cũng rẻ hơn so với “nhiều quốc gia đang phát triển” khác như Phần Lan, Ý, Đức, Pháp.
Vấn đề này càng nghiêm trọng hơn tại các nước đang phát triển ít sử dụng các dịch vụ chuyển tiền, thanh toán phổ biến như Paypal hay VISA. Chính ông Tim Sweeney từng nói rằng “đây là cách duy nhất để vận hành một cửa hàng với khoản chia 12% tại các nước đang phát triển. Tại một số vùng của Nga và Đông Nam Á, cách chi trả phổ biến nhất là card (kiểu thẻ cào) với chi phí 15%.”
Tuy nhiên đây lại là một tuyên bố “tréo cẳng ngỗng” với những gì được Epic viết trong FAQ của mình. Họ nói rằng “khoản chia 12% của Epic sẽ được dùng chi trả chi phí vận hành của cửa hàng và đem lại lợi nhuận cho chúng tôi,” nhưng vì một phép màu nào đó, phí thanh toán của khách hàng lại không phải là một phần trong chi phí vận hành của họ. Hơn thế nữa, những đồng tiền của game thủ từ các nước phát triển như Việt Nam có sức mua yếu hơn, và vì thế việc phải chi ra nhiều hơn chỉ gây hại cho họ. Epic dư tiền để trả những khoản phí độc quyền như cho Metro: Exodus hay Borderlands 3, và hứa hẹn đảm bảo doanh thu cho các nhà phát triển, nhưng nếu game thủ lỡ sinh ra ở một nước nghèo, Epic lại bắt họ phải trả nhiều tiền hơn.
Luận điểm của nhiều nhà phát triển khi chọn việc chuyển từ Steam sang Epic là bởi Steam “đã gắn bó quá sâu với game thủ,” nhưng theo Mọt, Steam xứng đáng được như vậy. Các nhà phát triển và một số game thủ bênh sự yếu kém của Epic và nói rằng bởi Steam đã ra mắt 16 năm, Valve có nhiều thời gian để phát triển tính năng cho Steam. Đúng, nhưng tại sao khi phát triển Epic Games Store, Epic không dựa trên những gì Steam đang có để tạo ra một cửa hàng hoàn thiện mà chỉ ném tiền qua cửa sổ để mua độc quyền? Khách hàng chỉ quan tâm đến chất lượng và dịch vụ, chứ làm gì có chuyện họ bỏ qua shop cũ uy tín, nhiệt tình để mua hàng ở shop mới chỉ vì thông cảm cho shop mới chưa có thời gian cải thiện bản thân?
Ngoài ra, một lý do khác được viện dẫn để bào chữa cho việc độc quyền Epic là vì Steam “không cho phép nhà phát triển bán game trên store khác với giá rẻ hơn,” theo lời của một nhân vật từ studio Double Damage. Mọt không phải là nhà phát triển và không biết gì về chính sách của Steam với nhà phát triển, nhưng dựa trên những gì đã xảy ra nhiều năm qua, có lẽ Steam không thực sự áp đặt chính sách này. Lấy ví dụ những key game trên Steam được bán với giá rẻ mạt trong các gói của Humble Bundle: Steam không nhận được một xu nào từ những game thủ mua các key này, nhưng game thủ vẫn có thể dùng key này để được hưởng mọi tính năng mà Steam cung cấp như với khi họ mua game giá gốc trên Steam.
Từ góc nhìn của một game thủ, Mọt cảm thấy nếu Epic muốn được lòng game thủ và thực sự là đối thủ cạnh tranh với Steam thì họ phải học hỏi Ubisoft. Dù cửa hàng Uplay mang tiếng xấu rất nhiều trong quá khứ, nó có một tính năng mà chưa ai có được: “Unit,” đơn vị tiền ảo riêng. Game thủ nhận Unit khi chơi các game do Ubisoft phát hành, và cứ 100 điểm họ lại được một phiếu giảm giá 20%. Điểm này còn có thể được dùng để mua các vật phẩm trang trí, nội dung mới trong game,… Nó đem lại một chút lợi ích cho game thủ, và khiến game thủ có lý do để ưa thích và sử dụng Uplay.
Trong khi đó, CEO Epic có lẽ đang mù quáng tin tưởng rằng sự ủng hộ của nhà phát hành là thứ sẽ giúp họ giành chiến thắng trong cuộc chiến với Steam. Theo Mọt, cách để Epic giành chiến thắng là phục vụ game thủ tốt hơn Steam. Game độc quyền như Borderlands 3 có thể là một lý do để dụ dỗ game thủ, nhưng nếu cứ bán game bằng cách “nịnh trên (dev) nạt dưới (gamer)” như hiện tại, không sớm thì muộn những game thủ thích bản quyền cũng sẽ chuyển sang chơi crack mà thôi.