Tại buổi lễ trao giải The Game Awards 2018, một loạt tựa game mới đã được công bố bằng những trailer cực chất, nhưng có lẽ chẳng game nào trong đó đọ được với The Outer Worlds về mức độ hoan nghênh của người xem. Là sản phẩm đầu tiên mà Obsidian tung ra sau khi được Microsoft mua lại, nhưng đây lại không phải là tựa game của Microsoft – nó sẽ do Take-Two phát hành bởi công ty này nhanh chân đến trước. Tuy nhiên việc ai hốt bạc nếu tựa game này thành công không quan trọng, bởi đối với chúng ta, chỉ có việc trò chơi hay dở thế nào mới đáng để quan tâm.
Đoạn trailer mà Obsidian dùng để công bố The Outer Worlds gây được sự chú ý của game thủ ngay từ đầu. Nếu có điều gì đó cho bạn biết đây là một tựa game viễn tưởng, có lẽ chẳng có gì ấn tượng bằng điều The Outer Worlds đã làm: một khoang ngủ đông thường xuyên xuất hiện trong các tác phẩm viễn tưởng, một rừng cây rõ ràng không phải trên Trái đất, những hành tinh khổng lồ thống trị nền trời, và một chiếc phi thuyền lướt qua trên đầu bạn. Nó đã khiến người xem phải chú ý ngay lập tức, và khi hay tin đây là một tựa RPG đến từ Tim Cain và Leonard Boyasky - các cha đẻ của Fallout, tác giả biết được rằng mình phải thực hiện bài viết này.
Và các vị cha đẻ của Fallout không khiến game thủ phải thất vọng. Ông Leonard nói rằng The Outer Worlds sẽ là một tựa game mang rất nhiều yếu tố quen thuộc từ Fallout, nhưng được bổ sung thêm nhiều tính năng mới mà họ đã ấp ủ từ lâu. Nó không chỉ cho game thủ khả năng đưa ra quyết định của riêng mình, mà còn khiến bạn không thể biết được đâu là lựa chọn tốt nhất. “Đó là lúc game thủ phải suy nghĩ ‘mình muốn làm gì trong vị trí này’ thay vì ‘tôi luôn vào vai người tốt nên tôi sẽ giúp đỡ mọi người’,” Ông Leonard cho biết.
Bản demo giới thiệu lối chơi của game.
Bối cảnh của game cũng được ông tiết lộ trong buổi trả lời phỏng vấn của mình. Trong The Outer Worlds, bạn là một thành viên của một phi thuyền chở di dân đến Halcyon, một thuộc địa của loài người. Con tàu bị phá hoại khiến nó bị thất lạc trên đường đi làm nhân vật chính và các thuyền viên khác đã bị ngủ đông suốt 70 năm. Trong thiết lập của game, việc ngủ đông lâu hơn 10 năm là cực kỳ nguy hiểm. Một ai đó tìm ra cách để “rã đông” cho bạn, nhưng anh ta không có đủ hóa chất để cứu những người còn lại. Anh ta nhờ bạn giúp đỡ tìm kiếm các loại hóa chất đó, nhưng đây chỉ là sự khởi đầu của một loạt sự kiện sẽ cuốn bạn vào giữa cuộc tranh đấu giữa các tập đoàn khổng lồ thống trị vùng không gian bao la xung quanh.
Kể từ nhiệm vụ đầu tiên này, tiềm năng RPG của The Outer Worlds lộ rõ. Bạn không cần phải làm theo những gì được nhờ, mà thậm chí có thể… giao nộp ân nhân của mình cho hội đồng quản trị Halcyon để xem điều gì sẽ xảy ra và nhận một khoản tiền thưởng khổng lồ. Tương tự như vậy, tất cả các nhiệm vụ khác trong game cũng có nhiều cách hoàn thành và nhiều kết cục khác nhau. Ba phương thức hoàn thành nhiệm vụ chính của game sẽ là lời nói, bạo lực và lén lút, hệt như Fallout ngày nào. Các kỹ năng như hack, mở khóa… cũng tồn tại trong game, nhưng chúng được kích hoạt bằng một nút bấm đơn giản thay vì thông qua một minigame như thường thấy.
Trò chơi cũng có khá nhiều điểm chung với những tựa RPG của BioWare. Trong bản demo đầu tiên của game, nhân vật chính đã có được một chiếc phi thuyền riêng sau khi hoàn thành chương 1 của trò chơi. Bạn cùng với một số đồng đội do mình tuyển mộ cùng hoạt động trên chiếc phi thuyền này và dùng nó như một căn cứ để thực hiện những nhiệm vụ trong không gian bao la, có phần giống với con tàu Normandy trong Mass Effect. Các đồng đội đó cũng có những nhiệm vụ mà bạn có thể hoàn thành, nhưng hơi tiếc là Obsidian không cho phép bạn… cưa cẩm họ. Bù lại, khi một đồng đội không thích quyết định game thủ đưa ra, họ không bỏ đi mà chỉ trở về phi thuyền chờ đợi và nếu “dẻo mỏ,” bạn có thể thuyết phục họ nhìn nhận vấn đề theo cách của mình.
Nhân vật chính mà bạn điều khiển cũng khá đặc biệt. Game thủ được phép nhào nặn để tạo ra một nhân vật vừa ý mình và nhân vật này không được lồng tiếng – có lẽ là để game thủ tự tưởng tượng giọng của mình trong game. Sức mạnh của anh ta / cô ta được dựa trên 6 chỉ số RPG cơ bản kiểu sức mạnh, trí tuệ… và khi mỗi chỉ số tăng thêm 20 điểm, game thủ sẽ nhận được một điểm kỹ năng (perk) mới. Dựa trên những gì được thể hiện trong bản demo của game, tác giả nghĩ rằng một trong 6 chỉ số này sẽ là “tài ăn nói” bởi bạn có những lựa chọn hù dọa, nói dối hoặc thuyết phục người khác khi giao tiếp với họ trong game. Ngoài ra, một điều đáng chú ý là bạn có thể biến nhân vật của mình thành đồ ngốc bằng những câu thoại được game cung cấp sẵn và có đánh dấu “Dumb.” Khi chọn những câu thoại này, các đồng đội IQ cao hơn sẽ có những phản ứng khác nhau tùy theo tính cách của họ và tình huống đang xảy ra trên màn hình.
Ngoài việc nhận kỹ năng khi lên 20 điểm chỉ số, Obsidian còn đưa vào The Outer Worlds một cách nâng kỹ năng khác là “đổi chác” với các nhược điểm (Flaw) của nhân vật. Đây là một tính năng độc đáo mà ông Tim Cain đã ấp ủ từ lâu. Cách nó hoạt động khá đơn giản: tùy vào những gì bạn làm, game sẽ đề nghị bạn nhận lấy một nhược điểm nào đó. Nếu bị cháy nhiều lần, game sẽ dụ bạn nhận nhược điểm sợ lửa. Nếu đồng ý, nhân vật chính sẽ nhận nhiều sát thương từ lửa hơn, nhưng bù lại cũng được chọn thêm một kỹ năng mới mà không cần phải đợi đủ 20 điểm chỉ số như bình thường. “Một trong các nhược điểm là sợ độ cao. Tôi rất thích ‘sợ robot.’ Chúng tôi cũng có sợ bóng tối nữa,” Tim tiết lộ.
Dù những sự kiện trong game xảy ra trong không gian bao la, thế giới trong game thật ra khá chật hẹp. Các khu vực mà game thủ khám phá đều chỉ vừa đủ để Obsidian nhét nhiều lối đi, nhiều căn phòng, nhiều kết cục cho game thủ lựa chọn. Bạn sẽ không tìm thấy một bản đồ mở hoành tráng kiểu Assassin’s Creed Odyssey hay Red Dead Redemption 2. Bù lại, trò chơi vẫn đem lại sự tự do nhất định khi mở khóa sẵn một loạt bản đồ để game thủ tự khám phá. Nó cho phép bạn tìm đến với những khu vực level cao ngay từ đầu, và thu hoạch phần thưởng nếu có thể sống sót. “Sẽ có những thời điểm mà bạn không thể quay về (các nhiệm vụ) trước đó, nhưng chúng tôi muốn giữ cho bạn có nhiều lựa chọn càng lâu càng tốt,” theo lời ông Leonard.
Cuối cùng, mảng chiến đấu của The Outer Worlds mang đậm nét hành động – bắn súng hơn là RPG. Điều này có nghĩa là chúng ta không cần phải bận tâm đến những chỉ số như độ chính xác của súng ống hay của nhân vật, bởi nếu ngắm vào đầu mục tiêu, bạn sẽ gây ra một lần headshot. Nếu không thích súng đạn, game thủ hoàn toàn có thể chuyển sang dùng những món vũ khí cận chiến ngầu ngụa như kiếm laser hay lưỡi hái năng lượng đã xuất hiện trong bản demo. Sát thương của các loại vũ khí này đều phụ thuộc vào chỉ số của nhân vật, của vũ khí và của mục tiêu, nhưng nói chung kỹ năng điều khiển của bạn quan trọng hơn nhiều so với may rủi.
Tuy nhiên, Mọt cảm thấy phần bắn súng mà The Outer Worlds thể hiện chưa thực sự hấp dẫn bởi nó còn hơi “cứng” và đơn giản. Các phát đạn trúng đích không thể hiện được sức mạnh của nó, ngay cả khi headshot. Điều này khá dễ hiểu bởi về căn bản đây vẫn là một game RPG, nhưng hi vọng rằng Obisidian sẽ tìm ra một cách nào đó để khiến các phát đạn tỏ ra uy lực hơn. Một yếu tố khác hơi đáng lo là việc trò chơi dự kiến sẽ ra mắt vào năm 2019, với thời gian phát triển vào khoảng 3 năm. Khoảng thời gian này có thể không đủ dài để tạo ra một tựa game đạt đến mức chất lượng mà Obsidian lẫn game thủ chờ đợi. Quả thực Obsidian đã làm ra Fallout: New Vegas chỉ trong 18 tháng, nhưng trò chơi này có rất nhiều bug và chỉ dần trở nên hoàn thiện hơn nhờ các bản patch và mod được ra mắt sau ngày phát hành.
Nhờ tất cả những lời hứa hẹn và những gì đã được thể hiện, cộng đồng game thủ yêu thích RPG đang rất hào hứng với tựa game mới của những người khai sinh ra series Fallout, đặc biệt là khi Bethesda vừa “té sấp mặt” với Fallout 76. Bản thân tác giả cũng đang trông chờ ngày ra mắt của trò chơi bởi nó có chút gì đó gợi nhớ Borderlands, series game bắn súng mà tác giả rất yêu thích. Về mặt công nghệ, Obsidian cho biết họ xây dựng The Outer Worlds dựa trên engine Unreal 4 thời thượng. Hẳn game thủ đã có thể thấy chất lượng đồ họa của trò chơi ra sao qua đoạn demo và trailer được dựng toàn bằng những hình ảnh trong game. Có thể nói rằng với Mọt tui, The Outer Worlds có đủ những yếu tố xứng đáng để “hype” từ giờ cho đến ngày nó phát hành.