Phụ Lục
Little Nightmares 2 đang là một tựa game được cộng đồng chờ đợi sau một phần đầu thành công gợi lên nhiều câu hỏi và sự tò mò về số phận của cô bé Six. Tuy nhiên người hâm mộ sẽ phải tiếp tục chờ đợi đến tháng 2/2021 để được chạm tay vào tựa game đầy triển vọng này.
Thời gian từ giờ đến đó còn đến 3 tháng, nói dài thì không dài mà ngắn cũng không ngắn. Nó có thể vừa đủ để ta chơi hoàn thành 1 – 2 tựa game khác và tại sao chúng ta không tìm những game có phong cách tương tự Little Nightmares để “khởi động”.
Sau khi mang đến cho bạn những thông tin cập nhật về Little Nightmares 2 cho đến lúc này, Mọt sẽ tiếp tục giới thiệu cho một số ứng viên có phong cách chơi hay đồ họa tương tự Little Nightmares để bạn chơi “đỡ ghiền” nhé!
Đây là những ứng cử viên sáng giá nhất khi cả 2 game đều đến từ nhà sản xuất Playdead, một studio làm game gốc Đan Mạch. Cả 2 game này có cùng một phong cách chơi khá giống Little Nightmares với nhân vật chính không có tên rõ ràng và cuộc hành trình vượt qua một vùng đất đen tối đầy đe dọa.
Limbo là tựa game đầu tay của nhà làm game này, phát hành vào năm 2010 và sau sự thành công của nó thì Playdead tiếp tục làm ra Inside vào năm 2016. Nếu mang so thì Inside có nét tương đồng với Little Nightmares nhiều hơn bởi đồ họa của game đã được nâng cấp từ đơn sắc thành nhiều màu nhưng với gam màu tối kèm theo các trò giải đố đầy sáng tạo. Đặc biệt, cả Inside lẫn Little Nightmares đều có những màn trốn tránh các luồng sáng để lẻn qua mặt sự truy tìm của kẻ địch.
Cả 2 tựa game cùng một nhà trên đều có thể tìm thấy trên các nền tảng quen thuộc như PC, PS4, Xbox One, Switch.
Lấy ý tưởng từ cuộc phiêu lưu của một bé gái trong một thế giới đi màn và giải đố, Contrast tỏ ra khá tương đồng với Little Nightmares. Tuy nhiên game này cũng có những chất riêng để không bị xem là một bản sao.
Contrast kể về câu chuyện của Didi, một cố bé có cuộc sống gia đình phức tạp và Dawn, người bạn có khả năng chuyển đổi qua lại giữa thế giới thực và thế giới của những cái bóng. Cặp bài trùng này đã sát cánh cùng nhau phiêu lưu trong một thế giới có thể xem là kinh dị: Thế giới của người lớn. Cô bé Didi phải trải qua những bi kịch xoay quanh những người lớn trong gia đình mình từ chuyện làm ăn cho đến con rơi, bố dượng.
Với sự giúp đỡ của Didi, Dawn di chuyển qua lại giữa thế giới phẳng của những cái bóng và được mở đường bằng cách thay đổi nguồn sáng ở thế giới thực. Từ sự phối hợp đó, cả 2 đã giải quyết các câu đố, gỡ rối được nhiều vấn đề cho những người lớn và sắp xếp một cái kết có hậu cho mình.
Contrast được phát hành vào năm 2013 trên các nền tảng PS3, PS4, PC, Xbox 360, Xbox One.
Ý tưởng bé gái nhỏ lưu lạc trong một thế giới tăm tối đầy đe dọa không phải là đặc điểm hiếm hoi, Yomawari cũng khai thác chủ đề kinh dị đặc biệt này nhưng dưới một góc nhìn khác. Series Yomawari bao gồm 2 phiên bản tách biệt là Night Alone (2015) và Midnight Shadows (2017). Game được sản xuất bởi studio Nhật Bản Nippon Ichi Software và lấy bối cảnh nước Nhật làm chủ đạo.
Trong Yomawari: Night Alone, người chơi sẽ vào vai cô bé Poro. Cô bé vừa gặp một tai nạn suýt chết và chú chó của cô bị lạc mất, chĩ của bé hứa sẽ đi tìm nó về nhưng đến lúc trời tối chị vẫn chưa về. Với chiếc đèn pin nhỏ trong tay, cô bé Poro lên đường đi tìm chị gái và cún cưng của mình giữa thành phố đêm đầy bóng tối.
Yomawari: Night Alone khai thác góc nhìn chéo từ trên xuống dạng Diablo hơn là kiểu màn hình ngang như Little Nightmare và xoáy vào một chi tiết kinh dị nhưng cũng rất đời thường: Ai cũng từng là một đứa trẻ sợ bóng tối. Là một người lớn có thể bạn đã đoán được chuyện gì đã xảy ra nhưng khi đồng hành cùng Poro, bạn không những cảm thấy lo sợ cho cô bé giữa bóng tối lạnh lẽo của thành phố mà còn sợ cả sự thật sau cùng mà cô bé nhỏ tuổi phải đối mặt.
Yomawari: Midnight Shadows ra mắt 2 năm sau đó khai thác cùng một kiểu chơi nhưng câu chuyện kể về hai bé gái Yui và Haru sau khi tham dự lễ hội trên núi đã lạc mất nhau trên đường về. Mỗi em sẽ có một cuộc hành trình riêng giữa bóng tối để tìm lại người bạn của mình và cùng nhau trở về nhà. Và ẩn khuất trong bóng tối đó là những thứ hoàn toàn khác với vẻ ngoài yên bình của thành phố khi trời sáng. Quyền điều khiển sẽ chuyển đổi xen kẽ giữa 2 nhân vật và hành động, tác động của mỗi nhân vật sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hành trình của người kia.
Cả 2 tựa game trong series Yomawari này đều xuất hiện trên các nền tảng PC, PS Vita, Switch, PS4.
Nếu bạn thích thể loại đồ họa pixel 16bit thì chúng ta có Lone Survivor. Đây là một game kinh dị màn hình ngang nhưng khai thác một chủ đề cổ điển hơn Little Nighmares.
Người chơi sẽ vào vai một người đàn ông đeo khẩu trang sống sót một mình sau thảm họa dịch bệnh biến tất cả cư dân của thành phố thành những con quái vật kiểu đại dịch zombie. Game xoáy vào sự rối loạn về tâm thần của một người sống sót cô độc. Dần dần, bạn sẽ thấy nhân vật chính trải qua những câu chuyện, những cảnh tượng rất khó xác định là thực hay mơ hay là ảo giác.
Việc sống sót và tìm một ai đó còn sống làm bạn là khao khát của bất cứ ai khi gặp nạn và còn lại một mình. Chính sự cô đơn kéo dài đã khiến tâm thần của con người trở nên rối loạn và câu chuyện của Lone Survivor chính là một sự khai thác đầy tài tình. Game có một số chi tiết gợi ý rằng vẫn còn người sống sót đâu đó trong thành phố giống như nhân vật chính nhưng đến một lúc nào đó bạn cũng nhận ra rằng có thể những manh mối đó cũng là ảo giác nốt.
Lone Survivor phát hành vào năm 2013 trên các nền tảng PS3, PS4, PS Vita, PC, Wii U.
Đây không hẳn là một game chính thức mà là một sản phẩm của các sinh viên trường Isart Digital, một trường đào tạo về làm game có trụ sở tại nhiều nước. A.L.F.R.E.D được phát miễn phí trên trang chủ của game và được xem như một bài thực hành của các sinh viên.
Game kể về một cô gái đi lạc đồng hành với một con robot quản gia mang tên A.L.F.R.E.D. Con robot này được lập trình để bảo vệ an toàn cho con người chính vì vậy nó sẽ phối hợp với cô chủ để vượt qua nhiều câu đố trên đường đi. Tuy nhiên chính vì được lập trình bảo vệ con người nên nó sẽ bảo vệ cả… kẻ địch nếu chúng là con người.
A.L.F.R.E.D được thiết kế với phong cách đồ họa quen thuộc gợi nhớ Little Nightmares và cả Inside với không gian màn hình ngang 3D cùng tông màu tối. Bạn cũng phải trốn chạy trước những kẻ địch khổng lồ và có những tình huống thoát được trong gang tấc đầy hồi hộp.
Tuy nhiên, do là một bài thực tập của sinh viên nên chất lượng của game cũng ở mức tạm được, khó có thể kỳ vọng nó hay như một game được đầu tư chuyên nghiệp. Bạn có thể tải bản PC của game tại đây.
Như vậy, với những đề cử bên trên, bạn có thể chọn ra những game mà mình cảm thấy thích hợp nhất để chơi giải trí trong khi chờ đợi Little Nightmares 2 ra mắt vào đầu năm sau. Mọt sẽ tiếp tục cung cấp thêm thông tin cập nhật về game này khi nhà sản xuất có những động thái mới, hãy chú ý đón xem tại trang chủ của trò chơi tại địa chỉ: https://bandainamcoent.asia/game/little-nightmares-ii nhé!