Là một game thủ đã bỏ khá nhiều thời gian cày cuốc trong Ark: Survival Evolved từ những ngày đầu tiên cho đến khi gói DLC cuối cùng Extinction ra mắt, Mọt tui khá hào hứng với ý tưởng về Atlas, một phiên bản hải tặc của Ark. Vì vậy, Mọt lập tức trải nghiệm Atlas bằng cách lao vào Atlas khi nó được phát hành vào ngày 23/12/2018 vừa qua.
Nếu bạn chưa biết, Atlas đã thu hút sự chú ý của game thủ yêu thích Ark: Survival Evolved từ lâu bởi cả hai cái tên phát triển Atlas là Grapeshot Games và Instict Games đều chỉ là hai chi nhánh của Wildcard, đội ngũ làm nên Ark. Sự hấp dẫn của Atlas còn đến từ lời hứa về một cuộc sống mới đầy phiêu lưu, không ngừng “xê dịch” khác biệt hẳn so với những cuộc đấu tranh sinh tồn mà game thủ phải trải qua trong thế giới đầy rẫy các loại khủng long của Ark. Atlas hứa cho người chơi được rẽ sóng trên những con thuyền buồm khổng lồ, đầy thi vị của thời Trung Cổ, khám phá những miền đất mới và đối đầu với lũ quái vật kỳ lạ ẩn dưới đáy đại dương.
Nhưng kể từ ngày ra mắt của trò chơi, những gì mà game thủ được trải nghiệm trong game chẳng giống chút nào với những lời quảng cáo. Với một game thủ đã chơi qua Ark, Atlas là một tựa game vô cùng quen thuộc, từ các cử động của nhân vật đến nền tảng đồ họa và lối chơi của game, cho đến sự sơ khai trong thời điểm phát hành. Nhưng trong khi Ark đem lại một cuộc chơi gần như hoàn chỉnh (dù chưa được tối ưu, nhiều bug, cấu hình nặng…) ở thời điểm ra mắt, Atlas lại khiến game thủ nếm trải thời kỳ đầu của một tựa game sinh tồn, với rất nhiều tính năng chưa được cân chỉnh hợp lý, trong khi số khác lại tỏ ra thừa thãi dù góp phần vào việc tạo ra sự chân thực trong game.
Thật vậy, khi đọc lời giới thiệu của trò chơi, Mọt tui không tìm thấy chỗ nào nhắc đến việc game thủ sẽ phải… đấm gỗ như Minecraft hay Ark. Nhà phát triển nói bạn có thể “dựng nên con tàu trong những giấc mơ, từng tấm ván một,” nhưng họ không nói cho bạn biết mình phải tự tay đốn những khúc gỗ từ trên cây. Họ hứa hẹn bạn sẽ được làm vị thuyền trưởng của con tàu đó, tuyển mộ thủy thủ - cả NPC lẫn người chơi – để tham gia vào các trận chiến PvP giành giật đất đai, bến cảng, châu báu,… Nhưng họ không nói rằng trước khi được tham gia vào các trận chiến đó, game thủ sẽ phải… học cách để không bị chết đói trước khi có được con tàu của chính mình!
Mọt đang nói đến Cân bằng vitamin, một trong những tính năng gây tranh cãi trong game. Quả thật các hải tặc và những thủy thủ thời xa xưa thường bị bệnh scurvy do thiếu vitamin C, thậm chí có lúc chúng lan tràn như bệnh dịch trong thời đại hàng hải – từ 1556 đến 1857 có đến hơn 100 dịch scurvy, nên việc đưa nó vào game là có thể hiểu được. Tuy nhiên cách mà đội ngũ phát triển tái hiện nó trong trò chơi lại quá rườm rà. Trong Atlas, chỉ ăn thôi là chưa đủ bởi game thủ còn phải cân chỉnh 4 thước đo vitamin cho nhân vật của mình nếu không muốn bị ngộ độc hoặc debuff, một điều phiền hà đến mức game thủ thà… chết đói và hồi sinh chứ không chịu bận tâm đến vitamin. Đây cũng là một cách mà họ phản đối tính năng cân bằng vitamin hiện tại.
Sau khi đã làm quen với những tính năng cơ bản và xong công đoạn chuẩn bị nguyên liệu (80 gỗ, 75 sợi, 20 da), bạn sẽ có chiếc bè đầu tiên của mình. Lúc này game thủ sẽ cần chuẩn bị một số thức ăn, nước uống trước khi lên bè rời bến để tìm một hòn đảo phục vụ cho việc khởi đầu đế chế hải tặc của mình. Atlas cho phép game thủ chiếm lấy các hòn đảo để xây dựng hải cảng, đóng tàu và phát triển hải quân. Nhưng bởi nó là một tựa game online mà nhà phát triển hứa hẹn mỗi server có thể chứa đến 40.000 game thủ cùng một lúc, trò chơi không có đủ đất và biển để cất chứa số người chơi này. Các hòn đảo trong game khá nhỏ và nhiều không gian chết nơi game thủ không thể xây dựng hoặc khai thác, trong khi mật độ dân cư quá cao khiến những người chậm chân rất khó tìm được một chỗ trú an bình nếu bỏ lỡ những ngày đầu tiên. Hơn nữa, tài nguyên trong game tái sinh rất chậm, khiến việc tìm đất sống trên đại dương càng trở nên khó khăn hơn.
Và sự an bình là một điều vô cùng xa xỉ trong Atlas. Bởi nó là một tựa game online, cộng đồng người chơi của Atlas tỏ ra cực kỳ xấu tính. Rất nhiều kẻ sẵn sàng phá hủy cái giường và rương đồ của bạn trên bè khi bạn lên đảo thăm dò, hay lợi dụng bug để “hành” người mới ở khu vực dành cho newbie. Trên server PvE, gần như mọi hòn đảo trong game đều đã bị chiếm sạch bởi các Company (một dạng bang hội) người Trung Quốc trong server, và những hòn đảo chưa bị chiếm lại bị “đào sạch, đào nát, đào banh xác” cũng bởi chính các Company đó. Ngay cả trên những hòn đảo không có người ở, chúng đặt nền nhà (Foundation) đầy rẫy khắp nơi để ngăn người khác sử dụng các đảo này, buộc người chơi bỏ rất nhiều thời gian tìm kiếm những hòn đảo còn chưa bị phá hủy. Và khi lang thang trên biển tìm đất cắm dùi, có thể bạn sẽ “may mắn” như Mọt và gặp… ba con tàu ma (Ship of the Damned), một điều lẽ ra phải rất hiếm hoi trong game.
Còn có nhiều nhược điểm khác tồn tại từ thời Ark vẫn tái xuất trong Atlas. Những sinh vật trong game không tỏ ra “sống.” Chúng chỉ là một loại tài nguyên biết di chuyển để game thủ khai thác chứ không thực sự tương tác với thế giới xung quanh. Các nhân vật cục mịch di chuyển một cách buồn cười, những động tác của họ tỏ ra vụng về và thô thiển ngay cả khi áp dụng tiêu chuẩn của hải tặc. Tính năng thuần hóa quá sức phiền hà, và việc lãng phí tài nguyên và thực phẩm quý giá để nhận được một con pet làng nhàng trong một thế giới thiếu thốn tài nguyên như Atlas là hết sức dại dột. Game cũng quá nặng bởi chưa được tối ưu hóa (y hệt Ark thời kỳ đầu) và các menu lủng củng ảnh hưởng đến trải nghiệm của người chơi.
Nhưng cũng cần phải nói rằng bạn đừng hiểu lầm những gì Instict Games và Grapeshot Games đã nói về Atlas là những lời hứa lèo hay quảng cáo láo. Nếu may mắn tìm được một mảnh đất cắm dùi, hoặc gia nhập vào một Company đã có sẵn căn cứ, game thủ sẽ dần được thưởng thức những gì mà đội ngũ phát triển hứa hẹn trong game. Bạn sẽ cùng với họ khai thác tài nguyên để thành lập nên một ngôi làng vững chãi, với tường rào bao quanh và bắt đầu đóng những con tàu đầu tiên, bước đi vững chắc để thực hiện giấc mơ hải tặc của mình. Dĩ nhiên giấc mơ này rất dễ bị đập nát khi bạn chơi trên server PvP và bị những Company khác đẳng cấp cao hơn ghé thăm, điều thường xuyên xảy ra dựa trên những lời phàn nàn của game thủ chơi Atlas mà Mọt tui được thấy trên Reddit.
Thật may mắn là đội ngũ phát triển tỏ ra biết cách lắng nghe game thủ bằng những bản patch liên tục được tung ra để cải thiện kết nối mạng, sửa lỗi giao diện, cân bằng lại game… Nó thực sự có tiềm năng, có lẽ chúng ta sẽ phải chờ một thời gian dài để đội ngũ phát triển hiện thực hóa những lời hứa của mình. Trong thời gian chờ đợi, những game thủ đã chẳng may mua game nên thử mở server riêng để chơi cùng bạn bè, điều sẽ giúp giải quyết rất nhiều nhược điểm về cộng đồng và lối chơi của game đã được nhắc đến bên trên.
Tóm lại, trong thời điểm hiện tại có lẽ bạn không nên mua Atlas, đặc biệt là nếu bạn chỉ muốn chơi cùng bạn bè như Ark. Nó khiến Mọt cảm giác như đây là một bản mod của Ark, được xào nấu thành một tựa MMORPG. Trò chơi có đồ họa lỗi thời, AI kém cỏi, và hệ thống giao diện được bê nguyên xi từ Ark – một giao diện rất xấu xí ngay cả vào thời điểm Ark ra mắt vào giữa năm 2015, cộng thêm hàng tấn nhược điểm khác. Nếu lỡ quá ghiền hải tặc, bạn nên thử những tựa game khác như Sea of Thieves, Maelstrom hay trở về với Assassin’s Creed: Black Flag cổ xưa.