Phụ Lục
Khi đặt cho phiên bản Assassin’s Creed mới nhất của mình cái tên Odyssey, Ubisoft có lẽ đã thực sự gửi gắm rất nhiều kỳ vọng vào tựa game này. Game có thế giới mở đã được khởi đầu từ Black Flag, hai nhân vật chính – một nam một nữ - được khơi mào từ Syndicate, một bản đồ khổng lồ kiểu Origins mà game thủ sẽ tốn hàng chục, thậm chí là hàng trăm giờ để khám phá. Mọi thứ được tạo ra nhằm một mục đích: thuyết phục game thủ khi trải nghiệm Assassin’s Creed Odyssey sẽ thấy đâ là một phiên trò chơi đáng sở hữu, dù nó hoàn toàn không giống với những phiên bản đầu tiên.
Trong Origins, chất nhập vai đã trở nên đậm đặc hơn khi Ubisoft tập trung bổ sung những yếu tố RPG vào trò chơi sau khi những gì họ đã làm trong Origins được đánh giá cao. Bạn sẽ vẫn cần phải luyện cấp, chuyển đổi vũ khí khi giao chiến… tương tự Origins, nhưng với nhiều thay đổi và cải tiến. Chỉ số trở thành một phần quan trọng hơn trong lối chơi, được thể hiện rõ nhất qua bảng tổng hợp chỉ số hiện ra ngay khi bạn bật Inventory.
Hệ thống kỹ năng của nhân vật được phát triển kỹ lưỡng hơn và phân nhánh thành tầm xa, cận chiến và ẩn nấp. Một số kỹ năng là chung cho mọi nhánh, nhưng game thủ có thể tự do xây dựng nhân vật của mình sao cho phù hợp với phong cách chơi của mình. Bạn có thể hoàn toàn bỏ qua mảng bắn cung để dồn điểm vào nhánh sát thủ (Assassin), và thực hiện những pha lao người đến kết liễu 2, hoặc thậm chí là 3 mục tiêu cực kỳ đẹp mắt.
Khi giao chiến, game thủ vẫn cần phải tập trung vào việc chớp thời cơ để ra đòn, nhưng hệ thống kỹ năng của Assassin's Creed Odyssey đã được làm lại và cải thiện rất nhiều so với Origins. Gần như mọi kỹ năng đều có vẻ rất hữu dụng, dù một số yêu cầu Adrenaline. Chúng đều là những kỹ năng đặc biệt khá thú vị, chẳng hạn giật lấy khiên của đối thủ rồi quật ngược vào mặt hắn.
Cần phải nói rằng có vẻ như mảng lén lút đã được cải thiện rất nhiều, khác hẳn với Origins. Những pha hạ sát trong âm thầm được tưởng thưởng nhiều hơn, và thời gian để một nhân vật chuyên lén lút hạ gục con mồi bằng phương pháp bí mật cũng ngắn ngủi chẳng khác gì một chiến binh Sparta thứ thiệt. Điều này là nhờ vào ngọn giáo của nhân vật chính – nó là một vũ khí ám sát cực kỳ hiệu quả chẳng khác gì con dao trong tay áo quen thuộc trong các phiên bản trước đây, và có thể tiêu diệt những kẻ địch ngang cấp hay trên 1 cấp dễ dàng chỉ bằng một đòn duy nhất.
Bên cạnh việc chiến đấu trên đôi chân của chính mình, Assassin's Creed Odyssey còn khiến bạn nhớ về phiên bản Black Flag với một thế giới khổng lồ và có rất nhiều nước. Bạn có thể tuyển mộ thủy thủ, nâng cấp tàu bè, và tham gia vào những trận thủy chiến trên biển Aegean rộng lớn chẳng khác gì Black Flag. Thật ra, vùng biển rộng lớn của game có thể còn ẩn giấu nhiều hoạt động khác mà Mọt chưa kịp khám phá.
Bản đồ Hi Lạp trong Assassin’s Creed: Odyssey được tạo thành từ 27 thành bang khác nhau, và là bản đồ lớn nhất từng được tạo ra cho một tựa Assassin’s Creed. Nó chứa rất nhiều địa danh quen thuộc như Makedonia, Milos, Attika, Kephallonia… Thật may mắn là cũng như Origins, Ubisoft đã vứt bỏ hệ thống “trèo lên cao để mở bản đồ” quen thuộc trong Assassin's Creed Odyssey. Chỉ tưởng tượng việc trèo vài trăm ngọn tháp trên một thế giới khổng lồ như Assassin's Creed Odyssey đã khiến Mọt tui “rét”. Sau một hai tựa game đầu, việc leo trèo này đã mất hết sự thi vị và chỉ còn là điều phiền hà lặp đi lặp lại mà thôi.
Mỗi thành bang có một nhà lãnh đạo và chỉ số cán cân quyền lực Athens vs Sparta được thể hiện bằng một thước đo hai màu xanh – đỏ. Bạn có thể giúp đỡ các lãnh đạo thành bang thay đổi cán cân này trong vai trò một lính đánh thuê, một tính năng mà những ai đã chơi qua ba phiên bản Far Cry gần đây nhất sẽ cảm thấy khá quen thuộc.
Ngoài việc là kẻ địch của nhân vật chính, các NPC còn có thể trở thành đồng đội, bằng hữu hoặc tình nhân nếu game thủ bỏ thời gian tương tác với họ. Những nhân vật đầy quyền lực trong game thậm chí còn có thể… treo thưởng (Bounty) cho cái đầu của bạn nếu những gì bạn làm khiến họ ngứa mắt. Những kẻ săn tiền thưởng có thể xuất hiện trước mặt bạn trên biển lẫn trên đất liền, khi bạn đang lang thang một mình hay giữa một trận chiến đông đảo. Nếu khoản tiền thưởng đó quá cao, những nhiệm vụ của bạn sẽ trở nên rất hỗn loạn khi vài ba gã săn tiền thưởng xuất hiện quấy nhiễu liên tục với hy vọng được "ngư ông đắc lợi" cái đầu của bạn.
Trong khi tính năng leo tháp phiền hà bị hủy bỏ, Assassin's Creed Odyssey giữ lại tính năng do thám bằng tầm mắt của một chú chim hết sức thú vị đã xuất hiện trong Origins. Lần này, chú chim Ikaros sẽ giúp bạn ngắm cảnh, khám phá các kho báu, đánh dấu mục tiêu và quấy rầy chúng khi giao chiến. Nhân vật chính của chúng ta cũng học được chiêu mới cho phép họ nhảy lên lưng ngựa ngay lập tức mà không cần dừng lại, một kỹ năng vô giá nếu bạn cần phải… chuồn nhanh sau một vụ ám sát bất thành.
Đây là một lựa chọn cực kỳ quan trọng trong Assassin's Creed Odyssey, đến mức Mọt tui muốn dành một phần để nói về nó. Trong quá trình chơi, game thủ sẽ nhiều lần phải lựa chọn tiêu diệt con mồi, hay tha cho hắn để đổi lấy một lợi ích nào đó. Phần thưởng mà bạn nhận được có thể thay đổi hoặc không, nhưng những sự kiện diễn ra sau đó sẽ có đôi chút thay đổi. Mọt cảm thấy mọi lựa chọn của bạn đều không sai, sự khác biệt chỉ là điều gì sẽ xảy ra sau đó mà thôi.
Thật ra, đôi khi bạn cũng không nhất thiết phải hạ sát kẻ địch của mình, chẳng hạn với một nhiệm vụ… đòi nợ, bạn có 3 cách giải quyết: trực tiếp “xin tiết” con nợ rồi lấy tiền từ cái xác, hăm dọa để đòi tiền, hoặc làm nghề tay trái là khoắng sạch nhà của mục tiêu lúc nửa đêm.
Trong thời gian bạn đọc bài viết này, tác giả đã trở lại “cày” và trải nghiệm Assassin’s Creed Odyssey để phục vụ cho bài review sẽ đăng trong vài ngày tới. Tuy nhiên sau những gì Mọt tui đã được trải nghiệm, Odyssey tỏ ra là một tựa game ấn tượng, kế thừa và phát huy được những thành công mà Ubisoft đã thực hiện trong những năm qua.