Bài viết này của Mọt tui lần này không hề có ý "ăn mày quá khứ" (thật ra cũng chả có gì để mà ăn), chỉ là những điều nghiệm ra sau hơn 2 tiếng lọt thỏm vào một khu trò chơi với tràn ngập các máy game thùng cho mọi người trải nghiệm vui chơi thoải mái. Dù tất cả đều miễn phí, nhưng số người hào hứng tham gia thì quạnh hiu vô cùng, họa chăng chỉ có những ông bố bà mẹ bỉm sữa cố gắng hài lòng sự hăng hái từ đám con trẻ ham chơi của họ. Khung cảnh đó làm dấy lên trong lòng Mọt tôi những điều khó tả.
Với các Mọt trẻ tuổi thì chắc không bàn đến, nhưng bảo đảm hơn phân nửa số người trong đây thì game thùng chiếm một phần không nhỏ trong hành trình chơi game dữ dội cả đời người rồi. Hồi đó, một con NES ghẻ cũng không hề rẻ chút nào, mà cũng chả có phụ huynh nào chịu bỏ một số tiền lớn vô ba cái trò điện tử trẻ con vô bổ đó hết. Nên để nuôi dưỡng niềm đam mê thì những hàng tạp hóa với các máy game thùng xanh xanh đỏ đỏ quả thực là thiên đường nơi trần gian này. Nơi mà bọn trẻ nhóc nhóc thèm khát sau giờ học, còn là nơi những bà mẹ nội trợ thể hiện khả năng phá án tìm trẻ lạc và thi triển võ công thượng thừa với thập bát ban binh khí như chổi chà, guốc, roi mây,...
Nhớ hoài những lần trốn học về sớm, trong túi có đúng 2 ngàn nhịn từ bữa sáng chỉ để mua 4 xu game rồi cùng các chàng trai cô gái đánh nhau trong một thế giới toàn khủng long, lập nhóm ba đứa đi đập nhau hay đơn giản là trở thành một vị mãnh tướng thời Tam Quốc tiêu diệt gian hùng bậc nhất trong thiên hạ. Một nơi mà mọi giấc mơ hoang đường nhất, ảo mộng nhất đều có thể tìm thấy. Nơi mà những thằng nhóc khăn quàng đỏ mê game í ới gọi nhau, chầu chực lẫn giành giựt với những thanh niên lớn đầu lớn xác phì phèo điếu thuốc để được chơi trò hot nhất ở đó. Đây cũng là nơi mà tinh thần cạnh tranh được đẩy lên cao nhất, khi mà bạn phải trực tiếp đối mặt với người chơi cùng, trực tiếp nhìn thấy cảm xúc khi chiến thắng hay thất bại. Một khung cảnh cực kỳ hỗn độn nhưng đầy mê hoặc mà mãi đến tận sau này cũng khó mà tìm thấy lại.
Chỉ mãi đến khi Việt Nam bắt đầu hội nhập thế giới, máy tính cá nhân xuất hiện càng nhiều thì vị thế của game thùng mới bắt đầu có đôi chút suy suyển. Bậc làm cha làm mẹ thì ai mà thích con mình cứ qua lại với một đám người lúc nào cũng nồng nặc mùi thuốc lá và văng vẳng tiếng chửi thề đâu, cộng thêm thế giới game của PC cũng đa dạng thể loại hơn hẳn những tựa game thùng quanh đi quẩn lại những trò đó. Và quan trọng hơn cả là do nó “miễn phí”. Trường giang sóng sau xô sóng trước, các hàng game thùng đóng cửa vì lượng khách càng ngày càng thưa thớt. Bọn trẻ con sau này cũng không còn thiết tha với những con khủng long, với những Tôn Ngộ Không ngày xưa nữa.
Đến thời điểm bây giờ, người ta chỉ còn thấy những hàng net cỏ, những cyber game nhan nhản khắp nơi, tuyệt nhiên không còn chút bóng dáng những cỗ máy cồng kềnh ngày nào nữa. Giờ muốn tìm lại, chắc chỉ còn trong mấy cái mall lớn hay trung tâm thương mại thì mới còn. Mà hiện giờ cũng chỉ là nơi mua vui cho bọn trẻ con giết thời gian, không làm vướng tay vướng chân ba mẹ nó chứ chẳng còn thấy ai thực sự yêu thích mà lui tới thường xuyên. Mà mấy mọt biết rồi đó, bọn trẻ chơi thì đâu có biết giữ gìn, máy móc nút cần gì đó hư hỏng cực kỳ nặng mà người ta cũng chẳng buồn sửa chữa lại. Sửa làm gì khi nó sẽ lại tiếp tục hư, mà lời lãi thì chả được bao nhiêu.
Riết rồi, người ta đánh đồng game thùng như một thể loại game dành cho con nít, chả cần phải nhớ hay chả có gì mang tính hardcore cả. Liệu điều đó có đúng?
Sai lầm! Game thùng vẫn là sống mạnh, sống khỏe và sống tốt tại một vài quốc gia có nền game thùng mạnh như Nhật, Hàn, Trung Quốc,… Ở nơi đó, game thùng vững chắc đến mức các công ty game sở tại đầu tư phát triển game thùng cho thị trường của mình hơn là đem game lên console hay các nền tảng khác khi thị trường đã quá chật chội như thế này. Thậm chí, có cả trường hợp game lên game thùng trước rồi mãi sau mới có bản port lên Console và PC. Tekken 7 chính là minh chứng cụ thể nhất khi game đã ra mắt trên game thùng từ 2015 tại Nhật Bản và Hàn Quốc, thì mãi tới 2017 game mới đặt chân lên Console và Steam. Dẫn theo một hệ lụy là những người chơi chuyên nghiệp tựa game này ở các quốc gia khác phải tìm cách du lịch hoặc tham dự các giải đấu vòng quanh thế giới để có thể tập luyện và bắt kịp trình độ với các game thủ Nhật Bản và Hàn Quốc vốn đã rất mạnh rồi. Vừa mạnh mà còn được tập luyện và thi đấu trước, khoảng cách thực lực thật khó mà san lấp một sớm một chiều được.
Vậy thì tại sao game thùng lại phát triển mạnh mẽ tại các nước như vậy. Điều đầu tiên phải nhắc đến là văn hóa. Game thùng như một phần văn hóa tại các nước này. Nó có một vị trí vững chắc khó có thể thay thế tại Nhật, Hàn,... khi không chỉ học sinh, sinh viên mà còn cả người đi làm cũng tụ tập đông đủ ở đó. Với nhu cầu lớn như vậy thì không khó để những trung tâm tồn tại và phát triển vững mạnh đến giờ.
Nhu cầu lớn, cộng đồng sôi nổi, dẫn đến việc thường xuyên có rất nhiều tựa game mới ra mắt để phục vụ game thủ. Không chỉ thể loại đi cảnh, nhịp nhạc hay đối kháng mà còn cả nhập vai, chiến thuật, đồng đội,... Một thế giới sôi động mà phần lớn thế giới đã bỏ lỡ mất, chỉ cần một lần bước vào thôi, bạn sẽ ngạc nhiên trước những gì mà nó làm được.
Kèm theo đó là rất nhiều giải đấu được tổ chức để khuyến khích người chơi gắn bó với game hơn nữa. Rất nhiều game thủ chuyên nghiệp nổi tiếng dành rất nhiều thời gian tập luyện thi đấu tại đây thay vì chơi ở nhà dù họ có đầy đủ thiết bị không thua kém gì. Lý do cho việc đó thì chính là việc chơi ở đây có một áp lực khác hẳn: Bạn đang chơi trên tiền mua thẻ của chính mình, bạn thua trên tiền của chính mình, áp lực khác hoàn toàn. Không như chơi ở nhà thắng thì vui, thua thì tặc lưỡi cho qua, ở đây thua thì bạn phải nhường máy lại cho người khác. Đó cũng là cách một mối quan hệ bắt đầu, khi người ta trực tiếp tương tác với nhau một cách thật sự. Những cái bắt tay thân tình, những cái vỗ vai an ủi hay cả những tranh luận sôi nổi không dứt, những thứ đó há lại kiếm được trước cái màn hình máy tính vô hồn tại nhà chăng?
Game thùng chính là thứ tình càm chân phương. Không hào nhoáng bóng bẩy nhưng thấm đẫm cái tình. Có lẽ đó là lý do người ta yêu game thùng đến vậy.
Đó là những cái mà Việt Nam đang thiếu, dẫn đến sự biến mất dần dần của những thể loại game như vậy, cũng như những người dành tình yêu cho nó. Vậy thì game thùng tại Việt Nam đã chết chưa? Câu trả lời sẽ là chưa. Không còn những ngày bé tụ tập tại hàng game, cũng không còn những cỗ máy to oạch đầy ắp tuổi thơ đó nữa, những con người đem lòng yêu thể loại xưa cổ ấy nép mình vào một góc, chia sẻ những bản game tuyệt diệu ấy với nhau. Những con người ấy có thể không còn trẻ, có thể đã an phận nhưng vẫn dùng máy tính, dùng bàn phím để tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ ngày bé, tìm về những cội nguồn thân thương nhất. Những group game như vậy vẫn còn đang tồn tại, vẫn bất biến theo thời gian để khi người ta cần, ta lại có thể sống lại cảm giác của thuở nào, hoặc truyền thống hơn là cho con cháu của mình biết bọn chúng đã bỏ lỡ điều tuyệt vời gì.
Game thùng, hay Arcade, hay bất cứ tên gọi gì mà bạn đặt cho, nó sẽ mãi và luôn là một phần trong tuổi thơ tuyệt vời của mỗi Mọt Game. Lần sau, khi đến một khu vui chơi nào trong các trung tâm thương mại, đừng ngại ngần mà thử chơi lấy một vài trò chơi mà mình cảm thấy ưng mắt. Nó không chỉ là một thứ giải trí cho bọn trẻ con, mà bạn đang hòa mình vào một thế giới tuyệt vời hơn bạn nghĩ đó.