Ngày xửa ngày xưa, nếu muốn được thưởng thức một trò chơi đúng ngày phát hành game, Mọt tui chỉ có thể… cầu may rằng trò chơi sẽ bị crack chỉ vài tiếng sau khi ra mắt. Lớn lên đi làm, Mọt tui dùng tiền nhuận bút để mua game. Dù các trò chơi có giá khá chát với thu nhập của game thủ Việt, tác giả được an ủi vì việc bỏ tiền mua game giúp mình được chơi cùng lúc với game thủ thế giới.
Nhưng đó đã là chuyện của quá khứ, bởi bây giờ có chuyện ngược đời: người mua game phải chịu chờ đợi lâu hơn người không mua. Mọt không nói về những tựa game bị crack trước ngày phát hành bởi đó là chuyện “xưa nay hiếm,” mà đang nói về những tựa game gần đây nhất của EA: Battlefield V và Anthem. Thật vậy, kể từ năm ngoái đến nay, Battlefield V và Anthem là hai tựa game có ngày phát hành phức tạp đến mức EA phải tung ra… biểu đồ hướng dẫn game thủ thời điểm họ có thể chơi game!
Việc tìm hiểu xem mình được chơi game từ ngày nào là rất đơn giản dựa vào các hình ảnh trên, nhưng dù sao đi nữa, Mọt tui cảm thấy chỉ riêng việc bạn cần được hướng dẫn để biết thời điểm đăng nhập vào game đã là hết sức quái đản. Nó vừa rối rắm cho tất cả mọi người, vừa phiền hà với những nhóm game thủ muốn chơi cùng nhau nhưng mỗi người mua một bản khác nhau ở một thời điểm khác nhau.
Trước Battlefield V và Anthem, một vài tựa game khác của EA cũng được áp dụng chính sách chia nhiều ngày phát hành, chẳng hạn Mass Effect Andromeda ra mắt ở Bắc Mỹ sớm hơn 2 ngày, nhưng có thể đây chỉ là vấn đề kỹ thuật hoặc phân phối.
Những biểu đồ này vừa khiến game thủ bực mình về chính sách phát hành game lẻ tẻ này, vừa khiến EA bị “đâm thọc” bởi các nhà phát hành khác, chẳng hạn như…
Điều gì đã xảy ra với kiểu phát hành game đơn giản, dứt khoát vào đúng ngày/tháng/năm truyền thống?
Rất đơn giản, EA đang muốn đẩy mạnh dịch vụ “VIP” Origin Access Premier của mình, với cái giá 20$/tháng hoặc 130$/năm cho phép game thủ chơi mọi tựa game do EA phát hành. Thật vậy, Mọt tui nhìn thấy sức hút của việc chi ít tiền hơn nhưng lại được chơi sớm hơn những “con gà” chi 60 USD mua game. Tuy nhiên việc phát hành cách quãng thế này có thể làm những người thực sự muốn sở hữu một trò chơi và đã chi 60 USD cảm thấy mình bị phân biệt đối xử, trong khi những người đăng ký Origin Access Prime và được chơi sớm rất có thể chẳng buồn quan tâm đến tựa game này.
Nói về biểu đồ, Battlefield V và Anthem của EA chỉ đáng… xách dép cho Ubisoft. Nếu biểu đồ của EA thuộc cấp mẫu giáo, các biểu đồ của Ubisoft có lẽ là dành cho các vị giáo sư, tiến sĩ, bởi vì nó trông như thế này:
Đây không phải là một biểu đồ ngày phát hành game, nhưng nó vẫn phiền hà hơn cả những biểu đồ của Anthem hay Battlefield V. Khi nhìn vào biểu đồ trên, bạn có thể thấy rằng không có cách nào để mua 1 bản game và sở hữu tất cả mọi thứ, bao gồm bức tượng Flare Agent (nhân vật Heather Ward) à Agent Articulate.
Bởi xu hướng thời thượng này, việc mua game đã có rất nhiều thay đổi. Trước đây với những tựa game mình háo hức trông chờ, Mọt tui thường chỉ việc trả tiền và… xin sẵn ngày nghỉ phép để chơi game. Nhưng bây giờ, tác giả sẽ phải bận tâm đến nhiều việc khác, chẳng hạn bản mình sắp mua là bản nào? Chừng nào thì được chơi? Nó có những gì bên trong? Phải trả thêm bao nhiêu tiền? Đây là bản game hoàn chỉnh chưa, hay là Early Access kiểu Battlefield V? Đại loại thế.
Đó là chuyện của Mọt. Còn việc tách biệt ngày phát hành game như EA đang làm có ảnh hưởng đến game thủ như thế nào? Nó có thể… có ích bởi rất nhiều game thủ thuộc nhóm chờ review trước khi quyết định mua game, và càng nhiều người chờ đến khi game giảm giá. Những người chơi trước có lẽ là nhân viên test game không lương (mà còn phải tốn tiền nhiều hơn thiên hạ) của nhà phát hành, bởi thời buổi này mấy khi một tựa game ra mắt mà không có bug và hàng đống vấn đề khác? Trong trường hợp này, những người chờ đợi là những người được lợi, và đôi khi họ sẵn sàng chờ cả năm trời cho đến khi trò chơi tung ra bản Game of the Year chứa tất cả DLC.
Ngoài EA, một số hãng game khác cũng đi theo xu hướng này, chẳng hạn Square Enix thực hiện việc phát hành game nhiều lần với Shadow of the Tomb Raider, Just Cause 4. Road to Eden: Mutant Year Zero cũng cho những game thủ đặt trước game được chơi sớm 3 ngày. Những trò chơi này có mục đích khác với EA bởi game thủ chẳng cần phải bỏ thêm tiền để chơi game và vì thế tỏ ra vô hại, dù Mọt tui cảm thấy đây không phải là phần thưởng cho những người đặt trước trò chơi, mà là một sự trừng phạt nhẹ cho những ai không đặt trước.
Nhưng ngay cả khi có lợi hoặc vô hại, những biểu đồ này vẫn cho thấy rằng EA (và những nhà phát hành khác) đều đang cố gắng vắt thêm tiền từ túi game thủ bằng một chiêu trò mới, sau DLC, micro-transaction và loot box.
Chiêu trò đó là gì? Trong trường hợp EA, họ cố gắng làm cho dịch vụ của mình trông có vẻ hấp dẫn hơn, dù thật sự không hề hấp dẫn hơn. Đối với Mọt, ngày phát hành game là ngày mà bất kỳ ai (không cần phải là người viết review hay tester trong nội bộ nhà phát triển) cũng có thể trả tiền để chơi game. Với Anthem, bạn có thể chơi từ ngày 15/2 chỉ bằng cách chi 20$ cho Origin Premier Access. Vì vậy, chúng ta phải nhìn nhận rằng Anthem đã ra mắt vào ngày 15/2, nhưng EA lại hoãn trò chơi 1 tuần cho những người đã mua game để dụ dỗ những game thủ thiếu kiên nhẫn đăng ký dịch vụ Origin Access Premier của họ.
Khi chúng ta thấy một điều gì đó ngớ ngẩn, bạn nên chỉ trích nó ngay từ đầu ngay cả khi điều đó không gây hại cho bản thân mình, để tránh việc nó dần phình to và thực sự ảnh hưởng đến tất cả chúng ta.