Phụ Lục
Lại một lần nữa, một tựa game online mới phát hành chào đón game thủ bằng những vấn đề mà nhà phát triển lẫn nhà phát hành đều không thể đoán trước được. Lần này, đó là Anthem – dù trò chơi có vẻ khá hoàn thiện khi mới nhìn lướt qua, ẩn sâu bên dưới lớp áo đồ họa mỹ miều và combat đầy màu sắc là nhiều vấn đề có vẻ như không thể khắc phục trong một sớm một chiều. Chúng bao gồm…
Mọt không rõ tại sao Anthem lại load nhiều đến vậy, và những rắc rối kỹ thuật nào buộc BioWare phải xé nhỏ bản đồ của game, nhưng số lượng màn hình load game trong game là quá nhiều. Về làng hay ra bản đồ mới thì load đã đành, nhưng ngay cả khi bạn đang đi trong làng. Vào lò rèn? Load. Phim cắt cảnh? Load. Ra Launch Bay? Load. Rồi bạn load vào nhiệm vụ. Nhiệm vụ kêu bạn vào một căn phòng nhỏ, bấm nút F lên một vật thể trong đó rồi đi ra. Đoán xem? Bạn cần phải load 2 lần khi bước vào và bước ra khỏi căn phòng đó.
Chưa hết, khi đang cùng đồng đội khám phá thế giới bên ngoài, bạn gần như chẳng thể nào dừng lại để nhặt nhạnh vật phẩm, trang bị… bởi nếu cách chủ party quá xa, trò chơi sẽ lập tức load để kéo bạn đến chỗ chủ party. Mọt sẽ nói thêm về màn hình load này bên dưới.
Grrr… quá nhiều load. Mà thời gian load của game cũng không ngắn – trên HDD của Mọt, việc load vào Fort Tarsis mất khoảng 30 giây, còn load vào thế giới bên ngoài trong chế độ Free Play thường kéo dài đến gần 2 phút. BioWare vừa tung ra một bản patch hứa hẹn sẽ tối ưu thời gian load cho các ổ HDD, nhưng ngay cả SSD lẫn công nghệ NVMe SSD mới cũng chẳng nhanh hơn là mấy.
Đồ họa của game cực kỳ đẹp, nhưng bạn sẽ chẳng thể có thời gian nhìn ngắm những khung cảnh tuyệt đẹp mà BioWare đã tạo ra. Khi làm nhiệm vụ, bạn sẽ bị bao vây bởi “khu vực nhiệm vụ” – một bức tường vô hình vây quanh mình. Nếu rời khỏi khu vực này, game sẽ cho bạn một thông báo:
Đây chính là vấn đề màn hình load nếu bạn cách chủ party quá xa mà Mọt đã nói ở trên. Dù nó được tạo ra với mục tiêu giữ cả bốn người cùng nhau, khuyến khích việc phối hợp đồng đội, nhưng sự gò bó này khiến Anthem còn tệ hơn cả server Minecraft Java mà Mọt tui từng cày cuốc. Làm một game thế giới mở mà làm gì, nếu bạn không thể tự do khám phá?
Tệ hơn nữa, nó thay thế thanh nhiệt độ trên màn hình, khiến bạn không thể biết được bộ giáp Javelin của mình có sắp bị quá nóng (Overheat) hay không. Có thể bạn tưởng đây là vấn đề nhỏ, nhưng thật ra bất kỳ ai chơi Anthem đều hết sức “nóng mặt” với thông báo này bởi nó xuất hiện quá thường xuyên. Nó làm game có cảm giác như một cuộc đua tốc độ giữa bốn người xem ai đến được khu vực nhiệm vụ trước.
Khi chơi Free Play, bạn bị cột chặt vào bên trong bất kỳ bộ giáp nào mình đã chọn, và không thể thay đổi Loadout lẫn Javelin trong quá trình chơi. Cách duy nhất để thay đổi là trở về Fort Tarsis và nhờ Forge lắp đặt một Loadout mới. Ít nhất 2 màn hình load nữa đấy. Điều này khiến việc thử nghiệm các loại đồ chơi trong game rất khó khăn và mất thời giờ.
Về mặt bối cảnh, việc khóa cứng Loadout sau khi đã rời Fort Tarsis đem lại sự thử thách, và buộc game thủ suy xét cẩn thận về các loại vũ khí mình đem theo – tạo ra cảm giác như một chuyến thăm dò, thám hiểm thực sự. Tuy nhiên Mọt nghĩ rằng sự hài lòng của game thủ nên là yếu tố quan trọng nhất và cần được ưu tiên hơn.
Trong một tựa game “loot shooter” (bắn súng – nhặt đồ) như Anthem, các vật phẩm mà bạn nhặt được là rất quan trọng bởi nó là lý do mà game thủ chơi game. Nhìn sang những Borderlands, Division hay Destiny, bạn sẽ luôn có cảm giác hào hứng khi tìm được một khẩu súng “oách xà lách” màu mè, có những hiệu ứng đặc biệt hay chỉ số đỉnh của đỉnh. Nhưng đồ khủng trong Anthem lại chẳng khủng chút nào, chẳng hạn như…
Một khẩu súng Epic cho bạn thêm… 1% sát thương khi dùng súng ngắn! Quả là Epic!
Những vật phẩm này có vẻ không phải là ngoại lệ, mà là chủ đạo trong Anthem. Các vật phẩm trong game chỉ đơn giản là những icon khác nhau về những con số, và bạn chẳng thể nào thực sự nhìn thấy chúng tròn méo ra sao. Việc sử dụng các loại trang bị để nâng cấp cho Javelin cũng chẳng có gì đáng chú ý, bởi tất cả những gì bạn được thấy là một đống giao diện trong Inventory và Forge.
Hệ thống nhiệm vụ của trò chơi thuộc loại tầm phào, dù là nhiệm vụ chính hay phụ. Đây là một vấn đề nghiêm trọng của Anthem, bởi tất cả - không phải đại đa số - nhiệm vụ trong game đều chỉ là “ra đây, bắn cái này, nhặt cái kia, đến đó, giết boss, về.” BioWare cố gắng đánh lạc hướng game thủ bằng các đoạn phim cắt cảnh giữa nhiệm vụ, nhưng để được xem phim cắt cảnh, bạn sẽ lại phải thấy một màn hình loading.
Lần đầu tiên Free Play, bạn sẽ được giao 1 đống nhiệm vụ nhảm nhí: hạ 50 tên bằng súng trường AR, thêm 20 tên bằng cận chiến, hoàn thành 5 nhiệm vụ World Event… Chịu khó làm hết thì chỉ khoảng 90 phút đến 2 tiếng, nhưng nó cho thấy sự lười biếng (hoặc cạn ý tưởng) của BioWare. Hay một nhiệm vụ Trial bắt game thủ phải hồi sinh nhau đủ số lần quy định, làm game thủ phải lên Reddit, Discord lập party thay phiên nhau chết để được hồi sinh.
Có thể bạn sẽ nghĩ rằng sau khi cày 30 level, có nhiều thứ hay ho hơn đang chờ đợi ở giai đoạn endgame. Không hề - trò chơi vẫn chỉ có vậy, nhưng ở độ khó cao hơn. Bạn có thể chơi 3 Stronghold (tương đương với hầm ngục trong các game khác) ở độ khó mới Grandmaster, trùm trở nên trâu hơn chứ chẳng nhận được kỹ năng hay cơ chế mới, nhiệm vụ vẫn là bắn X quái, nhặt vật Y, về làng. Các vật phẩm đỉnh vẫn chỉ là một chút xíu thay đổi về chỉ số, còn kiểu dáng chẳng có gì khác biệt.
Là một tựa game thế giới mở nhưng chẳng hiểu sao Anthem lại không có tính năng đánh dấu (Waypoint) trên bản đồ, một điều cực kỳ hữu dụng giúp game thủ có thể giao tiếp dễ dàng hơn. Game cũng không có bảng chat text, mà chỉ có chat giọng nói. Điều này hoàn toàn trái ngược với hệ thống ping giao tiếp hoàn hảo của Apex Legends, một tựa game cũng của EA chỉ ra mắt trước Anthem vài ngày.
Vì vậy, mỗi khi bị quái hạ gục, bạn không có một nút bấm hay lựa chọn nào để thông báo cho đồng đội đến cứu ngoài việc gào lên trong mic, và hi vọng rằng những đồng đội của mình hiểu tiếng Anh (bật mí: 99,99% họ không hiểu). Nếu không được hồi sinh, bạn sẽ nằm đó cho đến hết nhiệm vụ, thậm chí không thể thoát ra ngoài.
Anthem cũng có khá nhiều bug khác, chẳng hạn mất tiếng, game khựng lại và treo, tình trạng giật – lag,… Vì vậy, dù Anthem là một tựa game tương đối ổn về mặt công nghệ và hình ảnh, gameplay của nó lại là một đống hỗn loạn mà BioWare có thể sẽ cần rất nhiều thời gian để cải thiện. Cho đến lúc mọi vấn đề được khắc phục, Anthem sẽ tiếp tục là một tựa game “loading simulator.”