Hồi tháng 5/2017, Alan Wake – tựa game kinh dị của studio Remedy – đã bị gỡ khỏi Steam do bản quyền một số bản nhạc mà nhà phát triển mua cho tựa game của mình hết hạn. Game có những bản nhạc được mua lại từ nhiều nghệ sĩ như Roy Orbison, Nick Cave & The Bad Seeds, David Bowie và Harry Nilsson, được sử dụng vào cuối mỗi chương như một cách chấm dứt chương truyện, nhưng Remedy chỉ có quyền sử dụng các bài nhạc này trong thời hạn 7 năm. Khi những hợp đồng này hết hạn, họ buộc phải gỡ Alan Wake khỏi các cửa hàng và trò chơi chỉ may mắn được bán trở lại hơn một năm sau đó, khi Microsoft thành công trong việc thương thuyết những hợp đồng âm nhạc mới cho game.
Những trường hợp game bị rút khỏi các cửa hàng vì hết hạn bản quyền như Alan Wake thật ra không hề hiếm. Chỉ mới 3 tuần trước đây, The DuckTales: Remastered đã bị gỡ khỏi Steam vào ngày 8/8/2019 bởi hợp đồng nhượng quyền mà Capcom (nhà phát triển) ký với Disney (công ty giữ bản quyền thương hiệu) hết hạn. Tuần sau – chính xác là ngày 31/8, một loạt game thuộc series Driveclub bao gồm Driveclub, Driveclub Bikes và Driveclub VR cũng sẽ bị Sony gỡ khỏi PS Store, sau đó tất cả các server của ba tựa game này cũng sẽ ngừng hoạt động vào ngày 31/3/2020. Forza Motorsport 6 hiện đang được tặng miễn phí trong chương trình Games with Gold trước khi bị gỡ khỏi Xbox Store vào ngày 15/9 tới.
Lý do mà cả Driveclub lẫn Forza Motorsport 6 bị gỡ cũng y hệt như The DuckTales: bởi chuyện bản quyền. Chúng sử dụng các mẫu xe có thật ngoài đời, và thời hạn hợp đồng của nhà phát triển với các công ty sản xuất ra những mẫu xe đó đã hết hạn. Trong trường hợp của Forza Motorsport 6, không game thủ nào bị bất ngờ bởi dòng game này đã có truyền thống lâu đời là ngừng bán (điều mà nhà phát triển Turn 10 Studios gọi là “trạng thái tàn đời”) từ nhiều năm qua. Game thủ vẫn có thể tải và chơi Forza Motorsport 6 nếu họ đã mua game trước ngày 15/9, và các bản đĩa game vẫn có thể được cài đặt như bình thường, nhưng ngoài các phương tiện này, bạn có thể xem như trò chơi đã bị “xóa sổ” vĩnh viễn.
Nếu như bạn hỏi rằng tại sao các nhà phát triển không thương lượng những hợp đồng mới để tiếp tục bán game, hoặc ký những hợp đồng sử dụng vĩnh viễn để tránh chuyện trò chơi bị “xóa sổ” khỏi các cửa hàng, thì đáp án đơn giản là vì tiền. Quyền sử dụng vĩnh viễn chắc chắn sẽ đắt đỏ hơn rất nhiều so với việc chỉ mua quyền sử dụng trong vài năm, chưa kể đến việc sau vài năm đầu tiên, game sẽ không còn đáng quan tâm trong mắt cả nhà phát triển lẫn game thủ. Đối với nhà phát triển, nó đã không còn tiềm năng đem lại lợi nhuận, trong khi game thủ cũng đã bị xao lãng bởi hàng ngàn tựa game khác ra đời trong cùng khoảng thời gian đó.
Bạn có thể thấy rằng bản quyền là một trong những vấn đề lớn của ngành công nghiệp game hiện tại. Nếu Mọt muốn chơi Transformers, Mọt sẽ nhớ đến một loạt tựa game xuất sắc như War for Cybertron, Fall of Cybertron, Devastation. Bất ngờ chưa, cả ba tựa game này đều không còn được bán hợp pháp ở bất kỳ đâu sau khi Activision gỡ hết chúng khỏi các cửa hàng của Sony, Microsoft và Valve hồi cuối năm 2017. Teenage Mutant Ninja Turles và nhiều tựa game Marvel khác do Activision phát hành như Deadpool, Marvel Ultimate Alliance 1, 2 cũng chịu số phận tương tự. GTA 4 may mắn hơn một chút bởi nó vẫn còn có khả năng sinh lợi, nên tất cả những gì Rockstar làm là “cập nhật” để xóa hơn 60 bản nhạc và bài hát khỏi các kênh radio của game hồi năm 2018 vừa qua.
Vấn đề giá cả của bản quyền cũng có thể là lý do tại sao Sony đã có những tựa game siêu anh hùng rất thành công như ba bản game inFamous và một Spider-Man nhưng lại chưa hề vươn tay sang những siêu anh hùng khác như Superman (DC Comic) hay Iron Man. Studio Sucker Punch tạo ra inFamous là của Sony, trong khi lý do mà Spider-Man lên PS4 là bởi Marvel chủ động tìm đến Sony để tạo ra một tựa game về Nhện Nhọ trên hệ máy này. Có một số thông tin nói rằng Sony sở hữu quyền làm game về Spider-Man, nhưng điều này không chính xác – kể từ năm 2014 khi hợp đồng bán quyền làm game Spider-Man cho Activision hết hạn, Marvel và Disney đã sở hữu quyền làm game về Spider-Man từ đó cho đến nay.
Chuyện bản quyền này cũng dẫn đến những hình tượng nhân vật “dở khóc dở cười” trong Marvel’s Avenger. Dù mang thương hiệu Avengers quen thuộc, nhà phát triển Crystal Dynamics và Eidos Montreal không muốn (hoặc không đủ khả năng) chi tiền để mua hình ảnh các diễn viên mà chúng ta đã quen thuộc, dẫn đến việc game thủ chế nhạo nhà phát triển là… lỡ tay thuê nhầm các diễn viên đóng thế. Khó có thể trách họ vì quyết định này, bởi nếu bỏ tiền mua lại quyền sử dụng hình tượng các nhân vật chính trong phim, chi phí phát triển game có thể sẽ đội lên gấp đôi, gấp ba và biến trò chơi thành một thất bại về mặt lợi nhuận dù doanh số có thể sẽ tăng cao nhờ các khuôn mặt quen thuộc.
Cũng chính vì mớ bòng bong của bản quyền và quyền sở hữu này mà nhiều game thủ đành phải quyết định “ra biển làm hải tặc” khi muốn chơi một tựa game cũ mà họ từng sở hữu hoặc muốn sở hữu nhưng không thể. Mọt tui vẫn còn khá “cay” về việc thương hiệu No One Lives Forever (NOLF) không còn được bán và cũng không thể được làm tiếp bởi những nhập nhằng về bản quyền thương hiệu này giữa Warner Bros., Activision và 20th Century Fox. Nói một cách ngắn gọn (nhưng không hề đơn giản) là NOLF được phát triển bởi Monolith của Warner Bros., nhưng phiên bản đầu tiên của game được phát hành bởi Fox Interactive của 20th Century Fox. Vài năm sau đó Fox Interactive lại bị Vivendi mua về, rồi gã khổng lồ này lại sáp nhập với Activision vào năm 2008. Bất kỳ một nhà phát triển nào muốn đem nàng Cate Archer trở lại với màn ảnh của game thủ đều phải nhúng tay vào mớ bòng bong này, điều mà Mọt sẽ khai thác trong một bài viết sau.
Với những ví dụ này, hẳn bạn đã nhận ra rằng hai chữ “bản quyền” tuy ngắn gọn nhưng chẳng hề đơn giản, và gây ra khá nhiều cơn đau đầu cho tất cả những người có liên quan. Game thủ rối rắm vì “ai cho tao lương thiện”, nhà phát triển đau đầu vì không biết khi nào thì tựa game mình làm ra sẽ bốc hơi, còn nhà phát hành phải tính toán xem nên mua bản quyền bao lâu, và khi nào thì “rút phích” dẹp hẳn game cho nhẹ nợ. Chẳng có một giải pháp đơn giản nào tồn tại để làm hài lòng tất cả các bên.