Những game cực khó tới mức vô lý có thể kể rõ nhất là dòng Dark Souls, các thể loại họ hàng của nó như: Bloodborne hoặc Nioh và gần đây nhất là game chiến thuật thời gian thực They Are Billions. Chúng đều có điểm chung là độ khó cao tới mức vô lý, bắt người chơi phải làm đi làm lại một đoạn hay một con trùm nào đó rất nhiều lần và cái quan trọng nhất là sự kiên nhẫn. Bởi vì không có kiên nhẫn bạn sẽ không thể chịu đựng nổi việc chết liên tục, hay thua cả một trận đấu chỉ vì 1 con Zombie chẳng may sổng vào căn cứ đâu.
Hầu hết các game cực khó được thiết kế để bắt game thủ luôn phải thất bại trong lần đầu tiên chơi, cộng thêm việc nó thường khó gấp đôi hoặc gấp ba những game cùng thể loại, điều này khiến chúng trở thành một chuẩn mực mới cho các game thủ Hardcore. Câu cửa miệng: “Đã chơi Dark Souls chưa?” gần như trở thành một cái meme từ khi nó ra đời, và bất cứ game nào được gọi là “khó” thì nó luôn được so sánh cùng Dark Souls.
Vậy tại sao những những game cực khó, hành hạ người chơi "còn hơn cả chóa" như vậy vẫn thành công và trở thành biểu tượng như vậy? Cái này thì chúng ta phải nói tới tính hiếu thắng của con người – đặc biệt là các game thủ. Tôi chắc chắn những ai chưa chơi Dark Souls hoặc chỉ theo dõi nó qua video trên Youtube đã từng nghĩ: “cái này cũng thường thôi, chúng nó cứ làm quá lên”. Và khi thực sự vào game rồi thì cái tư tưởng đó sẽ tan tành hoàn toàn, bạn sẽ thấy mình yếu như một con gián chết khoảng vài ba trăm lần trước khi hoàn thành được game lần đầu tiên.
Cái làm nên sự hấp dẫn của các game cực khó chính là ở chỗ nó đang gián tiếp sỉ nhục người chơi, việc bạn có thể chết bất kỳ lúc nào, bởi bất kỳ thứ gì sẽ tạo nên tâm lý: “Thế méo nào như vậy cũng chết được”. Những thứ tưởng chừng đơn giản cũng làm bản thân ăn hành sẽ khiến lòng tự tôn của game thủ bị tổn thương. Đánh trùm trong các game cực khó cũng vậy, bạn có thể chết 10 lần là hết sức bình thường, nhưng sau lần thứ 20 thì ít ra cũng nắm được kha khá cách để tiêu diệt nó, có điều đến như vậy mà vẫn bị trùm đánh cho chổng mông lên trời thì đúng là có vấn đề rồi đấy.
Cốt truyện Bloodborne là một thứ cực kỳ khó hiểu, lằng nhằng và đen tối. Nó liên quan khá nhiều tới tôn giáo, thuyết tiến hóa và tham vọng của loài người.
Các game cực khó chúng tạo cho người chơi ý nghĩ: “một lần nữa thôi tao sẽ thắng”, đây là tác nhân gây nghiện chính để kéo game thủ chết dí cùng với 3 phần Dark Souls và anh em của nó, mặc dù chơi như vậy chả khác gì khổ dâm. Một lần nữa thôi là tao giết được trùm rồi, một lần nữa thôi tao sẽ qua chỗ này, và cái “một lần nữa thôi” đó nó kéo dài tưởng chừng như vô tận, vì sau con trùm A sẽ tới con trùm B, hết con trùm cuối sẽ tới New Game +++… cứ thế cho tới khi game đó kết thúc hoặc người chơi bỏ cuộc.
So sánh vui một chút thì tâm lý này cũng giống như cá cược bóng đá vậy, hay có thể gọi ngắn gọn là càng thua càng muốn gỡ của các con bạc. Nếu bỏ qua vấn đề tiền bạc, thì có thể nói mục tiêu của những người tham gia cá cược là cũng có một chút muốn thể hiện bản thân, vì bạn phải thực sự tự tin vào trình độ của mình, biết được đội nào sẽ thắng/thua thì mới dám bỏ tiền ra chứ. Vậy nên khi thua quá nhiều, ngoại trừ việc mất tiền ra thì lòng tự tôn cũng bị tổn thương, thế chẳng hóa ra là mình cũng kém cỏi như những người khác sao, và thế là lại phải lao đầu vào để gỡ - nó giống y chang bị nghiện vậy.
Cái này cũng giống như các game thủ thường xuyên trải nghiệm các game cực khó, hoàn thành Dark Souls hay những game giống như vậy có thể coi là một trophy lớn, nó khiến kể cả người chưa từng chơi cũng phải thử xem thế nào nếu có cơ hội. Và sau khi đã chơi các game này, thì hiển nhiên là bạn sẽ ăn hành sml từ đầu tới đít không thương tiếc, lúc này sẽ có một số người chán nản bỏ cuộc, nhưng hầu hết là cay cú và muốn chứng tỏ trình độ, ít nhất cũng phải hoàn thành game cái đã (chưa tính Newgame+).
Tính ra thì nó y chang như việc “càng thua càng gỡ” ở trên, bạn đâm đầu vào một cái hố đen khổ sở, mỗi lần chơi là một lần bị hành hạ cho to đầu, nhưng càng thua thì lại càng cay cú và càng muốn trả thù… đó gọi là ma lực tự ngược của game thủ. Có ai đi khoe "tao chơi Dark Souls thấy khó quá bỏ rồi" và nhận lại từ bạn bè mỗi 1 chữ chốt hạ: "kém!"
Đó cũng là lý do mà tại sao mặc dù các game cực khó luôn vô cùng kén người chơi, nhưng chúng vẫn có sức hút lớn và nổi tiếng khắp trong cộng đồng game thủ. Bất kể là bạn đã từng chơi chúng hay chưa, nhưng chắc chắn đã từng nghe tới tên rồi, vậy bạn có dám sẵn sàng cho con đường “tự ngược” bản thân với những cái tên đó hay không?