Phụ Lục
Trong thời đại mà việc phát hành game còn nằm trên các đĩa CD, DVD và số lượng bản game là có hạn, preorder đảm bảo rằng game thủ sẽ có tựa game mình yêu thích đúng ngày nó phát hành. Với các game thủ phương Tây, chỉ cần một khoản tiền cọc nhỏ (chẳng hạn 5 USD với GameStop), họ đã đặt trước được tựa game mình yêu thích từ rất lâu trước ngày ra mắt.
Nhưng đó là thời kỳ một ngàn chín trăm… hồi đó đến đầu những năm 2000, khi Steam còn mới chập chững và các nhà phát hành lẫn game thủ vẫn còn nghi ngờ, lo ngại về hình thức phát hành online. Còn bây giờ, khi đặt trước một trò chơi, game thủ chỉ có một vài lợi ích nhỏ, chẳng hạn được chơi trước người khác vài ngày, hay vài item vớ vẩn. Không rõ các bạn đánh giá những lợi ích này cao đến đâu, nhưng Mọt tui cảm thấy đây không phải là cách NPH “tưởng thưởng” người đặt trước, mà là cách họ trừng phạt những người không chịu đặt trước trò chơi. Những món trang bị hay nhân vật miễn phí mà người đặt trước nhận được thường chẳng có gì quan trọng, và không sớm thì muộn cũng sẽ xuất hiện trong những phiên bản khác của trò chơi.
Ngược lại, khi đặt trước một trò chơi trong thời buổi của internet và vô vàn các launcher khác nhau, game thủ cần phải gánh chịu một loạt rủi ro mà những người không đặt trước trò chơi chẳng cần phải chú ý…
Khi bạn đặt trước một trò chơi, bạn đang gửi gắm lòng tin của mình vào… các đoạn trailer và những lời đường mật mà đội ngũ marketing của nhà phát triển / phát hành tạo ra, và có một bất ngờ không hề bất ngờ: trailer không phải là sản phẩm cuối cùng. Đồ họa của game có thể bị giáng cấp, những gì bạn thấy trong trailer có thể… chẳng xuất hiện trong game, hay tệ hơn nữa là tất cả những gì bạn nhận được là một bộ khung và lời hứa “rồi game sẽ được chỉnh sửa,” như trường hợp của một vài game vừa ra mắt gần đây như Fallout 76 hay Anthem. Chẳng phải ngẫu nhiên mà những hình ảnh hay video chẳng giống tí nào với sản phẩm mà chúng quảng cáo được dân trong nghề gọi là “bullshot” – kết hợp từ “bull$#!t” và “shot”.
Một vấn đề nữa là khi đặt trên các nền tảng phân phối qua internet như Steam, Epic Games Store, Uplay hay Origin, có một điểm chung là tất cả chúng đều thu 100% giá thành của trò chơi ngay lập tức. Tùy theo nền tảng, có thể bạn sẽ được đòi lại tiền của mình mà cũng có thể không. Chẳng hạn PS4 không cho phép bạn hủy đơn hàng và refund trừ khi pháp luật yêu cầu, trong khi Xbox One cho phép bạn hủy các đơn hàng đặt trước.
Game đâu có rẻ, đặc biệt là với thu nhập của người Việt. Đa số các tựa game từ các nhà phát hành lớn có giá từ 700.000 đến 1.350.000 đồng vào lúc mới phát hành. Khi đặt trước, bạn chấp nhận trả tiền cho một tựa game mà có thể sẽ giảm giá rất nhanh, chẳng hạn Fallout 76 giảm từ 60 USD còn 35 USD chỉ 1 tuần sau ngày phát hành.
Việc giảm giá siêu tốc của Fallout 76 là một ngoại lệ, nhưng có nhiều tựa game khác cũng giảm giá rất nhanh. Lấy ví dụ No Man’s Sky: 2 năm sau ngày game phát hành trong tình trạng thảm hại, nhà phát triển Hello Games đã cứu vãn được trò chơi và biến nó thành một game đáng chú ý. Tuy nhiên vấn đề là cái giá của nó đã giảm xuống chỉ còn 20 USD vào thời điểm này.
Không phải nhà phát hành nào cũng tham gia vào những phi vụ mờ ám, nhưng không ít sẵn sàng làm thế nếu họ cảm thấy có mùi tiền. Các bản demo, thứ từng một thời được dùng để thu hút sự chú ý của game thủ vào trò chơi đã gần như tuyệt tích bởi các nhà phát triển muốn bạn tham gia vào các đợt thử nghiệm beta, thường chỉ dành cho những game thủ đã đặt trước trò chơi.
Trong khi đó, game thủ nước ngoài từng phải chịu cảnh nhà phát triển “xé nhỏ” nội dung của game, trao cho mỗi nhà bán lẻ một nội dung khác nhau. Đặt từ Walmart đem lại một nhiệm vụ, đặt ở Amazon được một bộ trang phục, đặt ở Gamestop được skin vũ khí… Nó khiến game thủ chịu thiệt thòi bởi thay vì được tận hưởng tất cả nội dung của trò chơi, họ phải nhức đầu lựa chọn lấy gì, bỏ gì và đặt trước ở đâu. Hãy nhìn vào biểu đồ bên dưới để thấy một ví dụ tiêu biểu của trò đểu này: Watch Dogs của Ubisoft.
Hay Deus Ex: Mankind Divided. Mô hình kim tự tháp mà Square Enix sử dụng để kích thích game thủ đặt trước tựa game này khiến game thủ phẫn nộ bởi thay vì trao cho họ tất cả “quà” (toàn item ảo) khi đặt trước, những món quà này chỉ được unlock dần khi số lượng người đặt trước đạt đến mốc nhất định. Sau những phản ứng gay gắt từ cộng đồng, Square Enix đã phải hủy bỏ phương thức này và nói lời xin lỗi với game thủ.
Góp vốn cộng đồng (crowdfunding) là một trong những phương thức thu hút kinh phí làm game mới, nhưng cũng đã có kha khá phốt lầy lội. Dù trên danh nghĩa đây không phải là một hình thức preorder, Mọt đưa nó vào bài bởi rất nhiều game thủ đối xử với crowdfunding như thể một phương thức đặt trước đầy may rủi cho tựa game mà mình ủng hộ. Và khi dính đến may rủi, nhiều người đã nếm phải quả đắng khi dự án bị hủy bỏ vì… xài hết tiền, hay “siêu dự ớn” Star Citizen kéo từ tháng này sang năm nọ vẫn chưa xong.
Trong khi đó, một số game thủ may mắn hơn chỉ phải bực mình vì sự xuất hiện của Epic Games Store và các hợp đồng độc quyền. Hai ví dụ mà Mọt có thể đưa ra là Outer Wilds và Phoenix Point, hai dự án indie đang “đình đám” trong cộng đồng game thủ thời gian gần đây. Với Outer Wilds, đây là một dự án gọi vốn cộng đồng trên Fig, và đã hứa với game thủ rằng sẽ cung cấp key Steam thông qua một cuộc thăm dò ý kiến “bạn sẽ lấy key Steam hay key PS4” và lời mô tả “phát hành trên Mac, Linux và PC qua Steam.” Tuy nhiên khi trò chơi sắp đến ngày phát hành (trễ 3 năm so với dự kiến), nhà phát triển Mobius bất ngờ công bố nó sẽ ra mắt trên Epic Games Store.
Trong khi đó, Phoenix Point của nhà phát triển Snapshot gặp rắc rối theo một phương thức khác. Sau khi hứa lên Steam và GOG rồi quay ngoắt 180 độ công bố sẽ độc quyền cho Epic, dự án này vấp phải một làn sóng phản đối và refund, buộc nhà phát triển phải hứa hẹn sẽ tặng free 1 key Steam hoặc GOG nhưng chỉ sau khi hợp đồng độc quyền với Epic đã hết hạn. Game thủ “nóng mặt” với hành vi này bởi với những người không thích Epic Games Store, họ cho rằng Snapshot đã "bán đứng" những người ủng hộ trò chơi cho Epic Games Store.
Một vấn đề khác nữa là những game thủ Trung Quốc đã ủng hộ hai dự án này sẽ không thể nhận key Epic bởi cửa hàng này chặn IP Trung Quốc, và bản thân Snapshot cũng chưa biết phải xử lý vấn đề này ra sao.
Với những dự án như thế này, chiến dịch gọi vốn cộng đồng tương đương với một “thành tích” mà nhà phát triển có thể dùng để kiếm thêm đầu tư từ phía các nhà phát hành tiềm năng, chứ không phải là phương thức gây quỹ chính của họ.
… bạn thực sự tin tưởng nhà phát hành. Danh sách những nhà phát triển/phát hành nằm trong nhóm này không dài, và có vẻ ngày càng ngắn lại theo thời gian. Trong thời điểm hiện tại, Mọt tui chỉ có thể đưa Rockstar và CD Projekt RED vào danh sách này, dù Rockstar đã chẳng còn mặn mà với game thủ PC như Mọt, còn ngày ra mắt của Cyberpunk 2077 cách chúng ta đến gần 1 năm nữa.
Lý do thứ hai để đặt trước game là khi bạn thực sự muốn các gói Collector Edition với những item hiếm không thể tìm thấy ở nơi nào khác. Một figure to kềnh của Sekiro hay Kratos có thể là lý do tốt để đặt trước bản Collector game, dù phải nói rằng chúng trông khá “bèo” nếu so với những figure chất lượng thực sự.
Nhưng nói chung, việc đặt trước có vẻ chẳng bao giờ có lợi cho bạn. Các nhà phát triển và phát hành mới là những người được lợi từ việc đặt trước game, bởi đây là nguồn thu lớn nhất và là chỉ số trực tiếp nhất giúp họ “nổ” về doanh số của trò chơi. Còn với game thủ chúng ta, những gì việc đặt trước một trò chơi đem lại chỉ là… được test sớm và không bị nhà phát hành trừng phạt. Ngược lại, nếu không đặt trước game, bạn sẽ tiết kiệm một ít tiền, tránh được những tựa game đáng thất vọng và vẫn được chơi nó một cách trọn vẹn. Nghe có vẻ hấp dẫn, đúng không nào?