Phụ Lục
Các sự kiện thường niên về video game như Gamescom, E3,… thường thu hút rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng game thủ. Đây là nơi các nhà phát triển, phát hành game giới thiệu các sản phẩm mới tới đông đảo người hâm mộ. Game thủ chúng ta cũng mong ngóng được chiêm ngưỡng những đoạn video trailer gameplay đỉnh cao của các trò chơi sắp tới.
Chúng ta đang sống ở một trong thế giới mà công nghệ đồ họa đang phát triển một cách chóng mặt. Vậy nên ngoài gameplay, thứ cũng khiến cho game thủ phải chú ý tới chính là mặt đồ họa. Hiện nay, tình trạng chung đang xảy ra trong ngành công nghiệp game chính là việc downgrade hay gọi nôm na là hạ cấp đồ họa từ trailer cho tới ngày game phát hành chính thức.
Bạn đọc có thể hiểu đơn giản là đồ họa bạn nhìn thấy trong phiên bản game bán ra chính thức có lẽ chỉ bằng một phần ba (thậm chí là một phần năm) so với các đoạn trailer mà nhà phát hành công bố trước đó. Vậy đây có phải là một sự lừa lọc trắng trợn tới từ các hãng game? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này.
Chắc chắn rồi, nếu có một cách giải thích ngắn gọn, xúc tích và dễ hiểu nhất thì phải kể đến chiến dịch hay chiêu trò Marketing game của các hãng. Nói về Marketing thì có hàng tá chiêu trò gây sự chú ý như tạo scandal, phát ngôn gây sốc đối đầu với các hãng game khác,… nhưng cách hay nhất và cũng được các hãng sử dụng nhiều nhất chính là tạo ra một đoạn trailer giới thiệu hoàn hảo quảng bá rộng rãi tới người hâm mộ.
Đồ họa chân thực, hiệu ứng sống động, nhân vật uyển chuyển,… những gì đẹp nhất, tốt nhất các hãng game sẽ dồn toàn bộ nhân lực để làm thành một đoạn trailer. Đoạn trailer có đồ họa đẹp kết hợp với gameplay hấp dẫn sẽ là thứ khiến cho người hâm mộ quyết định pre-order (đặt hàng trước) trò chơi đó trên các kênh bán hàng. Số lượng pre-order từ game thủ sẽ được các hãng game sử dụng làm "doanh thu chắc chắn" của dự án, tức là bạn đã đặt hàng và trả trước tiền thì xem như chắc chắn đã bán thành công mặc dù chưa ra game. Ngoài ra, việc đưa ra các đoạn trailer hút mắt tại các sự kiện cũng có thể giúp cho các hãng tìm thêm được nhà đầu tư cho chính dự án game đó.
Trong các sự kiện game thường niên, các đoạn trailer hay gameplay đã được phát triển trên một cỗ máy PC có sức mạnh siêu khủng, có cấu hình vượt qua hầu hết tất cả các cỗ máy PC hiện tại. Vậy nên chất lượng hình ảnh, đổ bóng, ánh sáng, mọi chi tiết đều được làm quá sức chân thực. Nhưng khi phát hành game chính thức, câu chuyện sẽ hoàn toàn thay đổi.
Với nền tảng console, sức mạnh của PlayStation hay Xbox có lẽ chỉ ngang hoặc nhỉnh hơn cấu hình PC tầm trung chứ không thể đạt tới mức độ cao cấp. Còn với máy tính, chúng ta có vô vàn linh kiện với sức mạnh từ yếu tới mạnh và siêu khủng. Nhưng để một trò chơi có thể chạy tốt trên phần lớn tất cả mọi loại cấu hình thì chắc chắn nó phải bị downgrade đồ họa so với khoảng thời gian giới thiệu.
Bên cạnh đó, thứ bạn được xem ở các sự kiện chỉ là một đoạn ngắn của game mà thôi. Còn với game chính thức có thời lượng dài hơn, việc có thể giữ mức đồ họa xuất sắc mà không có bất cứ một lỗi nào xuyên suốt trò chơi là chuyện chưa thể ở hiện tại.
Ngay cả với The Witcher 3, một trong những siêu phẩm đồ họa của CD Projekt Red cũng gặp rất nhiều vấn đề về lỗi dù họ đã có phần giảm tải chất lượng hình ảnh và hiệu ứng so với ban đầu. Ubisoft có thể nói là chuyên gia “lừa tình” về khoản đồ họa với các ví dụ điển hình như Watch Dogs, Assassin’s Creed Unity,… nhưng họ buộc phải làm như vậy nếu như muốn đưa ra một cấu hình yêu cầu làm hài lòng tất cả cộng đồng game thủ.
Cho dù bạn có khó tính tới đâu, mong muốn một trò chơi có đồ họa đẹp như thế nào cũng xin nhớ cho rằng đồ họa giữa trailer, demo và bản chính thức không bao giờ có thể giống nhau được. Khoảng thời gian từ khi giới thiệu cho tới lúc chơi thử và phát hành chính thức là cả một quãng thời gian rất dài. Hãng game có thể có rất nhiều thay đổi về mặt nhân sự, nguồn tài chính hay cả ý tưởng trong khoảng thời gian đó.
Các nhà phát triển họ không muốn đem tới cho game thủ một trò chơi quá sức đẹp nhưng lại hàng tỷ lỗi khi vừa mới phát hành. Do giới hạn của phần cứng hiện tại nên họ bắt buộc phải downgrade đồ họa của trò chơi đó khi chính thức bán ra. Tuy nhiên, tùy vào cách làm việc của từng hãng game mà việc hạ cấp chất lượng hình ảnh sẽ nhiều hoặc ít. CD Projekt Red hay Rockstar là những cái tên cho thấy dù có downgrade chất lượng nhưng đồ họa các trò chơi của họ vẫn rất tuyệt vời, đặc biệt là trên những cỗ máy PC mạnh mẽ.
Ngay cả tới những trò chơi độc quyền, được phát triển tập trung cho riêng một hệ máy cũng không thể tránh khỏi chuyện này. Bởi vì ngay cả trong một hệ máy console vẫn có nhiều phiên bản máy mang cấu hình chênh lệch nhau, thế nên mới có khái niệm "đồ họa trên PS4 Pro" và trên "PS4 Slim". Hơn nữa, việc đồ họa xấu hay đẹp khi ra mắt, cũng một phần tùy vào mắt nhìn của mỗi game thủ. Nhu cầu về hình ảnh của họ sẽ cho ra cái nhìn khác nhau về đồ họa của mỗi trò chơi.
Việc Hạ cấp đồ họa game là câu chuyện chung của tất cả các hãng game trong ngành công nghiệp này. Giới hạn phần cứng, marketing, sự thay đổi nhân lực,… có vô vàn lý do cho việc chất lượng hình ảnh khi tới tay game thủ không bằng được so với trailer. Có lẽ game thủ nên học cách chấp nhận, rồi tận hưởng gameplay đỉnh cao, hơn là việc ngồi soi từng chi tiết trong đồ họa.
Nếu như hạ cấp đồ họa game sai lệch so với giới thiệu hay quá nhiều lỗi, làm ảnh hưởng tới trải nghiệm, bạn có quyền phàn nàn với chính hãng game đó. Còn nếu như sự thay đổi không đáng kể, chỉ là việc rút gọn lại một vài hiệu ứng dư thừa thì hãy vui mừng vì đó là lý do tại sao bạn có thể chơi mượt mà trên máy tính của mình.