Trong bối cảnh gã nhà giàu Epic vung tiền để mua những tựa game độc quyền cho cửa hàng của mình, từ Metro Exodus đến The Outer World, từ Ancestors: The Humankind Odyssey đến Borderlands 3, Valve và Steam vẫn ngồi yên. Điều này là dễ hiểu bởi nếu Valve cũng dùng tiền để mua độc quyền như cách mà Epic đang làm, họ đã đánh mất lợi thế quan trọng nhất của mình trong mắt game thủ. Mà thật ra Valve cũng chẳng cần phải làm thế - ngoài một danh sách bom tấn AAA khổng lồ và hàng loạt game indie hấp dẫn, họ vừa bất ngờ tìm được những đồng minh mới trong cuộc đối đầu với Epic và Epic Games Store.
Hẳn bạn đã biết đồng minh đầu tiên của Valve là ai. Đúng vậy, đó chính là Microsoft. Bằng việc công bố Halo: The Master Chief Collection sẽ được phát hành trên Steam vào tháng 3 vừa qua, có lẽ đây là cú “đá lông nheo” của Microsoft dành cho Valve và cộng đồng game thủ hơn 125 triệu người (số liệu từ 2015) của họ. Microsoft không hề để chiến binh Spartan của mình bước lên cửa hàng của Epic, có thể là bởi hồi năm 2016 sếp Epic từng chế nhạo cửa hàng Windows 10 App Store của Microsoft là “bước đi thô bạo nhất mà Microsoft từng thực hiện” và tiên đoán rằng “trong 5 năm tới, Microsoft sẽ patch Windows 10 để làm Steam ngày càng tệ hơn và hỏng hóc nhiều hơn.”
Trailer Halo The Master Chief Collection dành cho PC
Càng suy nghĩ kỹ hơn về bước đi của Microsoft, Mọt cảm thấy rằng thực sự Microsoft đang muốn nhích lại gần hơn với Valve. Trong quá khứ, Microsoft và Valve cũng không phải là những người bạn chưa từng “gấu ó” nhau vì chuyện làm game, trong khi Epic từng góp phần quan trọng vào sự phát triển của Xbox thông qua dòng game Gears of War, engine Unreal và nhiều tính năng khác. Từng có lúc Epic bị game thủ PC gọi là kẻ phản bội vì đã rời bỏ PC để làm game độc quyền cho Xbox, mà lý do được Epic đưa ra là vì PC toàn lũ chơi game lậu. Microsoft hoàn toàn có thể chỉ bán Halo trên cửa hàng Windows 10, hoặc “chơi đẹp” với Epic bằng cách ký hợp đồng độc quyền cho Epic Games Store, nhưng họ không làm thế trong trường hợp này.
Đồng minh thứ hai mà Valve có được trong thời gian qua chính là… Bethesda. Đây thật ra là một cuộc tái hợp bởi sau khi “ly thân” với Steam bằng cách chỉ bán Fallout 76 trên Bethesda Launcher vào cuối năm ngoái, giờ đây sau khi sấp mặt với hàng loạt game lởm Bethesda lại công bố rằng những tựa game lớn sắp tới do họ phát hành sẽ có mặt trên Steam. Chúng bao gồm Rage 2, Wolfenstein: Youngblood, Wolfenstein: Cyberpilot, và cả Doom Eternal. Ngoài ra, Fallout 76 cũng sẽ lên Steam, dù Mọt nghĩ rằng chẳng còn ai thèm quan tâm đến tựa game này. Cũng cần phải chỉ ra rằng Bethesda không nói game của mình sẽ độc quyền trên Steam, mà chỉ nói rằng sẽ bán trên Steam – tức họ vẫn có thể bán game trên Epic Games Store hay bất kỳ một cửa hàng nào khác, chỉ là không nhận được khoản tiền mua độc quyền béo bở mà thôi.
Bạn có thể dễ dàng đoán được lý do tại sao Bethesda lại từ bỏ việc đẩy mạnh cửa hàng game của riêng mình: tiền bạc và danh tiếng. Chắc chắn sẽ có không ít game thủ không muốn cài Bethesda Launcher bất kể sức hút của Doom Slayer hay thế giới mở rộng lớn của Rage, mà chỉ muốn dùng Steam quen thuộc. Bên cạnh đó trong khoảng thời gian qua, Bethesda không ngừng bị game thủ và báo giới chỉ trích vì những scandal không ngừng nghỉ của Fallout 76, cộng thêm tựa game mobile The Elder Scrolls Blades vừa ra mắt… Early Access với khả năng hút máu hơn băng vệ sinh. Việc cho các tựa game của mình lên Steam vừa đem lại những khoản thu lớn hơn, vừa giúp Bethesda tránh việc bị game thủ chửi bới vì đi theo Epic.
Cuối cùng, các nhà phát hành game Nhật Bản đang là thế lực lớn thứ ba chọn làm đồng minh với Valve. Nếu theo dõi tin tức làng game trong thời gian qua, bạn sẽ nhận thấy rằng một loạt game lớn từ Nhật lên PC đều chỉ xuất hiện trên Steam. Có thể kể đến Catherine Classic và Devil May Cry 5 vừa ra mắt, hay sắp tới là Octopath Traveller, tựa RPG đỉnh của Square Enix cũng sẽ lên nền tảng của Valve vào tháng 6 tới. Những Sekiro, hai bản Yakuza Kiwami, Dissidia, Left Alive, Nelke & the Legendary Alchemist… cũng nằm trong danh sách những game chỉ bán trên Steam. The Demon Crystal, một tựa game platform được sản xuất từ tận… 1984 cũng vừa xuất hiện trên nền tảng của Valve.
Lý do tại sao những tựa game này chỉ xuất hiện trên Steam thì Mọt tui không rõ – có thể do Epic lười tìm đến các nhà phát hành Nhật, có thể các công ty Nhật tín nhiệm Steam, hoặc có thể đơn giản là ý tưởng hợp tác chưa xuất hiện trong đầu của đôi bên. Nhưng dù vì lý do gì, sự xuất hiện của những tựa game đỉnh từ Nhật trên Steam cũng giúp các fan của Steam yên lòng khi thấy rằng nền tảng mình tin tưởng vẫn đang là lựa chọn số một.
Với ba đồng minh bên trên và hàng ngàn nhà phát triển indie vẫn đang lựa chọn Steam, rõ ràng là dù Epic đang rất mạnh tay thâu tóm game độc quyền sau khi đã rút lại tuyên bố “rồi chúng tôi sẽ không mua độc quyền nữa”, Steam vẫn đang có vị thế rất vững chắc. Với sự ủng hộ và thói quen sử dụng của game thủ cộng thêm một loạt game khủng chờ ngày xuất hiện trên Steam, cái ngày mà Epic Games Store thực sự làm lung lay ngai vàng của Gabe Newell vẫn còn rất xa xôi.