Bạn có nhớ cái thời mà mỗi lần Bethesda công bố một trò chơi mới, game thủ vui như Tết và háo hức trông chờ thời điểm được sờ game tận tay? Mọt nhớ - những Skyrim, Fallout 4, Fallout Shelter đều được ra mắt chỉ trong vòng vài năm trở lại đây, và là những buổi đại tiệc cho game thủ khắp thế giới. Ngay cả Fallout Shelter, một tựa game mobile tưởng chừng hoàn toàn không có chỗ trong lòng những game thủ PC yêu thích các trải nghiệm tự do, rộng mở của Bethesda cũng đạt được những thành công rực rỡ sau ngày phát hành nhờ phương thức kinh doanh tỏ ra đầy lương tâm và gameplay hấp dẫn.
Chính vì vậy nên ngay cả sau khi Fallout 76 “fail sấp mặt,” game thủ thế giới vẫn nuôi hi vọng rằng The Elder Scrolls Blades – tựa game mobile kế tiếp của Bethesda – sẽ lại là một thành công. Họ tin rằng Blades sẽ học hỏi từ thành công cả về doanh số lẫn danh tiếng của Fallout Shelter và đem lại một trải nghiệm hấp dẫn. Thật vậy, cho đến hơn 3 năm sau ngày ra mắt, Fallout Shelter vẫn đang hốt bạc. Theo các con số thống kê từ công ty phân tích ứng dụng di động Sensor Tower vào giữa năm 2018, Fallout Shelter đã thu về hơn 93 triệu USD từ việc bán các “hộp cơm trưa” chỉ riêng trên di động, chưa kể đến phiên bản PC được phát hành trên Steam vào đầu năm 2017.
Nhưng không hề. Thứ duy nhất mà Bethesda rút ra được từ sự thành công của Fallout Shelter có lẽ là việc có một mỏ vàng trên di động, chứ họ không nhìn thấy danh tiếng tốt đẹp mà các biện pháp microtransaction đơn giản, hiền hòa và công bằng mà trò chơi đem lại cho mình. Vì vậy nên khi chơi thử The Elder Scrolls Blades bạn sẽ không tìm thấy những điều thú vị, hấp dẫn mà nội dung của game mang lại, mà chỉ thấy rằng mình phải “đánh vật” với những điều phiền hà, những giải pháp câu giờ và những trò bào tiền đểu cáng được Bethesda sử dụng để móc túi người chơi.
Hãy để Mọt nói cho bạn biết về một trong những cách kiếm tiền quan trọng nhất của The Elder Scrolls Blades. Khi chơi game, phần thưởng mà bạn nhận được khi hoàn tất nhiệm vụ là các rương (Chest), được chia làm nhiều loại từ thấp đến cao là gỗ, bạc, vàng, “Elder” và Legendary. Tất cả các rương này đều đòi hỏi thời gian để mở, từ 5 giây của rương gỗ tăng lên 3 giờ của rương bạc rồi đến… 6 giờ với rương vàng cực hiếm. Việc mở rương buộc game thủ phải chờ đợi một khoảng thời gian rất dài như thế này là một điều phiền hà mà Mọt tui chưa bao giờ nuốt nổi khi chơi game.
Nhưng chưa hết, như mọi tựa game mobile biết cách bào tiền khác, Blades khôn ngoan ép bạn phải chi tiền bằng hai biện pháp đơn giản: chỉ cho bạn chứa một số lượng rương giới hạn, và spam thật nhiều rương bạc để làm đầy giới hạn đó. Khi bạn đã đạt đến giới hạn, rương mới sẽ bị vứt bỏ và lúc này, Mọt cảm thấy trò chơi tăng tỉ lệ cho rương vàng để khuyến khích game thủ phải trả tiền để mở rương ngay lập tức hoặc tăng dung lượng chứa rương. Việc tăng dung lượng kho chứa là cực kỳ chát bởi giá tiền nhân đôi sau mỗi lần mua, và nếu không chịu trả tiền, bạn sẽ mất cái rương vàng quý giá vĩnh viễn. +1 điểm ác cho Bethesda.
Bạn có nhận thấy rằng Mọt tui không nói về thời gian mở rương Elder và Legendary không? Đó là bởi vì Mọt tui chưa thấy chúng xuất hiện trong kho đồ của mình lần nào. Đây là những món hàng pay to win chính hiệu mà Bethesda sử dụng để dụ dỗ bạn nạp thẻ vào The Elder Scrolls Blades, với giá lần lượt là 10 USD và 30 USD – đủ để mua vài tựa game chất lượng trên Steam hay các kho ứng dụng di động. Chúng có tỉ lệ 100% cho ra những vật phẩm tốt hơn hẳn (cấp Epic hoặc Legendary) với chỉ số vượt trội so với những gì bạn có thể tìm thấy trong rương bạc hoặc vàng. Thuần túy pay to win, không có lời nào bào chữa được.
Tạm ngừng nói về chuyện bào tiền, hãy để Mọt tui chuyển sang chuyện câu giờ. The Elder Scrolls Blades có tính năng xây dựng thị trấn Thahala tương tự các tựa webgame hạng bét ở Việt Nam, và dĩ nhiên bạn phải chờ đợi công trình hoàn thiện. Bao lâu? Ban đầu chỉ trên dưới một giờ, nhưng con số này sẽ dần tăng lên đến hàng chục giờ, đến mức chỉ những game thủ kiên nhẫn nhất hoặc rủng rỉnh nhất mới có thể bám trụ với trò chơi. Tệ hơn nữa, rất nhiều nội dung của game đòi hỏi cấp bậc của căn cứ đủ cao nên nếu không thể chi tiền rút ngắn thời gian xây dựng, có thể bạn sẽ mất nhiều ngày chỉ để hoàn tất một nhiệm vụ cốt truyện.
Nói đến nhiệm vụ, trò chơi có hệ thống nhiệm vụ ngẫu nhiên mà bạn có thể… trả tiền để game tự động hoàn thành chúng cho bạn. Và khi thực hiện các nhiệm vụ chính của trò chơi, game thủ cũng có thể bỏ tiền ra mua mạng cho mình, và điều này được Bethesda lồng ghép một cách thô bỉ vào game. Hãy tưởng tượng bạn gặp một con quái cực trâu và suýt nữa thì hạ được nó. Game sẽ cho bạn tùy chọn trả 25 Gem để hồi sinh tại chỗ. Bạn đứng dậy chém ngã con quái, và chưa kịp vui mừng thì lại gặp con quái đó lần thứ 2. Nếu chết một lần nữa, số tiền bạn phải trả để hồi sinh sẽ tăng gấp đôi, thành 50, 100, 200 Gem và cứ thế tiến tới.
Nhưng điều đáng ngại nhất ở đây là tất cả những trò bào tiền bỉ ổi này lại đang thành công. Nó đang đứng số 1 trên bảng xếp hạng số lượt tải và đã thu được hơn 500.000 USD chỉ sau vài ngày xuất hiện trên iOS. Bằng cách cố ý tạo ra một trò chơi có gameplay bị bóp nát bởi các rào cản microtransaction, Bethesda đã thuyết phục được game thủ bỏ tiền để “hàn gắn” gameplay của The Elder Scrolls: Blades. Phải chăng game thủ mobile quá dễ tính đến mức họ sẵn sàng chấp nhận việc bị một trò chơi pay to win lợi dụng, bòn rút chỉ vì nó mang thương hiệu The Elder Scrolls quen thuộc?
Nếu Bethesda nghiêm túc tạo ra một The Elder Scrolls Chests Blades với gameplay hoàn chỉnh và chỉ bán quần áo trang phục, skin vũ khí hay vật phẩm trang trí cho thị trấn trong game, Mọt tui sẽ chẳng có gì để phàn nàn. Trò chơi hẳn sẽ vẫn thành công rực rỡ như Fallout Shelter, và thậm chí có thể còn giúp Bethesda tìm lại chút ít lòng tin của game thủ sau Fallout 76. Buồn thay, Bethesda lại chọn cách vắt kiệt game thủ của mình bằng một tựa game mobile Free to Wait, Pay to Win rác rưởi đầy những trò microtransaction bẩn thỉu, và càng đáng buồn hơn khi những trò bẩn thỉu đó thành công.